MẤY MẪU CHUYỆN THIỀN
Ăn Trộm Dạy Con
Như Thủy
Xưa có một tên đạo chích rất lành nghề. Một hôm, con trai ngỏ ý muốn
học nghề của cha. Tên ăn trộm liền dẫn con đi thực tập. Hai cha con đến một
nhà giàu có, đánh bã cho lũ chó chết mê mệt xong, đạo chích đào ngạch, khoét
vách dắt con chun vào nhà. Cả nhà ngủ say như chết. Tên trộm thấy một cái
rương to còn trống bèn giở nắp rương bảo con:
- Con chun vào đây, hốt hết đồ đạc
bỏ vào bao cho cha.
Thằng con y lời, đạo chích liền
đóng nắp gài khoen lại... rồi lẻn ra khỏi nhà, hô hoán lên ầm ĩ:
- Ăn trộm! Ăn trộm!
Chủ nhà bừng tỉnh, thấy nhà bị
khoét vách, dáo dác tìm kiếm hồi lâu, không thấy động tịnh liền đi ngủ lại.
Thằng con lão đạo chích nằm chết điếng trong rương, tái tê vì sợ và hận cha
khôn tả. Hồi lâu hắn nghĩ ra một kế thoát thân, bèn lấy tay cào sột soạt vào
thành rương và giả tiếng chuột kêu "chí... chí..." để đánh lừa chủ nhà. Nghe
chuột kêu, chủ nhà vội thức giấc, đốt đèn mở rương đuổi chuột. Thằng bé liền
nhỏm dậy, tắt đèn, xô té chủ nhà, tông cửa chạy một mạch. Chủ nhà lục tục kéo
nhau, vừa chửi vừa đuổi theo.
Thằng bé chạy đến đường
cùng thì gặp một cái giếng, nó vội vàng ôm một cục đá to liệng xuống giếng và
tri hô:
- Thằng ăn trộm rớt xuống giếng
rồi... Làng xóm ơi!
Mọi người đổ xô nhau kéo đến giếng
để bắt trộm. Thằng bé chạy thẳng về nhà. Gặp cha, thằng bé oà lên khóc. Và
không tiếc lời để oán trách cha. Lão đạo chích mĩm cười nói:
- Khoan đã... Con hãy kể cho cha
nghe con đã thoát thân bằng cách nào?
Cậu con thuật lại từ đầu chí đuôi.
Lão đạo chích vỗ tay cười ha hả:
- Hay quá, con tôi đã thành nghề
rồi!
Lời Bàn
Em thân mến! Hốt của
báu bỏ vô bao và vác về nhà xài khi có người dắt đi, đào ngạch, khoét vách
sẵn... là một điều mà bất cứ thằng cu con nào cũng làm được, nhưng phải tìm
cách thoát thân một mình thì chỉ có thằng Cu này. Vì vậy mà lão đạo chích mới
cười ha hả khi nghe con mình thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Còn chúng ta, nhờ
nghiệp lực dẫn dắt chui vào thế gian này, tôi và em giống như thằng Cu con
đang lúi húi hốt ngũ dục nhét cho đầy túi tham của mình thì “ầm” một cái, cửa
rương khoá chặt. Đó là lúc chúng ta bị vây bủa và phải đối diện với bát phong:
Lợi, suy, mắng nhiếc, khen tặng, vinh nhục, vui buồn .v.v... Oà lên khóc than
và không tiếc lời oán trách mẹ cha, thượng đế... thì ai làm cũng được. Nhưng
làm sao để tự tại trước bát phong thì... tùy theo sự khéo léo của từng người.
Nghệ thuật ăn trộm, nghệ thuật sống hay nghệ thuật thiền chỉ là một thôi em ạ!
Ba bà Hoàng Hậu
Như Thủy
Ngày xửa, ngày xưa, có một ông vua trẻ. Đức vua cai trị một vương
quốc giàu có, xinh đẹp, nhưng đẹp nhất có lẽ là ba bà hoàng hậu của đức vua.
Ba vị hoàng hậu này vừa có sắc lẫn có tài, nên cả ba đều được đức vua sủng ái
như nhau, "Mỗi người một vẻ, mười phần vẹn mười". Cho đến một hôm, nhà vua
bỗng nảy ra một ý nghĩ: “Trong ba mỹ nhân này thế nào cũng có một người tuyệt
diễm hơn hai người kia, nhưng ta không tài nào nhận ra được, có lẽ vì mình
nhìn mãi nó quen mắt đi chăng? Hay là ta hỏi ý kiến bọn cung phi vậy”.
Đức vua bèn mở cuộc trưng
cầu dân ý tại hậu cung để tìm xem trong ba mỹ nhân ai là người đẹp nhất. Kết
quả cũng không lấy gì làm sáng sủa cho lắm, vì ai cũng cho rằng cả ba vị hoàng
hậu đều đẹp ngang nhau. Kẻ tám lạng, người nửa cân vậy. Nhà vua lại đem nội vụ
ra bàn với đình thần. Kết quả cũng tương tợ như trên. Quan tể tướng khuyên đức
vua nên dừng cuộc giảo nghiệm lại, vì e nó chẳng ích lợi gì mà đôi khi mang
đến hậu họa khó lường được. Thay vì nghe lời khuyên sáng suốt của vị trung
thần lão thành ấy thì đức vua của chúng ta lại nổi cơn thịnh nộ, truyền lịnh
cho quan tể tướng phải giải quyết cho xong công việc trong vòng ba hôm. Sau
một lúc im lặng, quan tể tướng kính cẩn tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, thần trộm nghĩ
rằng, bọn hạ thần chỉ sở trường về chuyện cung kiếm văn thơ, còn chuyện đẹp
xấu tướng hảo ra sao thì chắc phải nhường cho các vị bốc sư nổi tiếng. Hay là
bệ hạ cho mời y vào, y sẽ phân biệt rõ ràng hơn không?
Nhà vua nguôi giận. Một ông thầy
bói được lập tức triệu vào cung để chiêm ngưỡng dung nhan ba người đẹp. Vị bốc
sư không chịu cho biết kết quả ngay mà xin khất lại ngày hôm sau để về "tra tự
điển" lại.
Lão bốc sư đi rồi, quan tể tướng
bèn tâu nhỏ với đức vua:
- Muôn tâu thánh thượng! Hạ thần
trộm nghĩ rằng qúi đức bà, mỗi người có một vẽ đẹp riêng, tùy theo nhãn quan
và sở thích của từng người. Ý kiến của chúng thần có thể bất đồng nhau, nhưng
vì sợ uy quyền của quí đức bà, nên bọn hạ thần không dám nói lên ý kiến của
mình mà chỉ kết luận chung chung rằng, cả ba đức bà đều tài sắc như nhau. Nếu
thần không lầm thì lão bốc sư này cũng lâm vào một tình thế khó xử như bọn hạ
thần, nên lão mới xin khất lại vào ngày mai đó thôi.
- Thế thì khanh giải quyết bằng
cách nào?
- Muôn tâu! Ngu thần có một kế mọn
là bệ hạ giả mạo bức thư, ký tên của ba đức bà, hẹn lão ấy đến ba địa điểm
riêng. Nếu y đến địa điểm nào thì đức bà ấy sẽ là người đẹp nhất.
- Hay lắm, khanh hãy thi hành ngay
cho trẩm.
Ba bức thư tức tốc được
gởi đi và lão bốc sư đi đến chỗ hẹn với bà hoàng đẹp nhất. Đức vua truyền lệnh
chém đầu lão thầy bói... Và từ đó ngài đặc biệt sủng ái vị hoàng hậu vào chung
kết nầy. Hai bà hoàng hậu còn lại vô cùng tức tối, họ âm mưu với nhau dùng độc
dược giết chết bà hoàng hậu đẹp nhất. Chuyện bại lộ, đức vua truyền lệnh xử tử
luôn hai bà hoàng hậu còn lại. Ba vị hoàng hậu xinh đẹp nhất nước đều chết
hết, đức vua còn lại một mình để thấy hoàng cung sao mà trống trải lạnh lẽo,
bất kể Xuân Hạ Thu Đông.
Lời bàn:
Em thân mến! Vạn pháp
trên thế gian này, mỗi pháp đều có một đặc tính riêng, nhưng khi chúng ta bắt
đầu "ưu tiên một" cho pháp nào, tức là để tâm vào nó, thì sự việc bắt đầu trở
nên rắc rối. Có lẽ vì vậy mà đức Phật thường khuyên chúng ta là hãy để yên cho
các pháp trụ ở bản vị của nó. Chớ xen vào phân biệt để tự chuốc khổ cho mình
và làm di hoạ cho người chung quanh.
Cũng thế, trong cuộc
tương giao với bạn bè lân cận, mỗi người bạn của chúng ta đều mang một cái
tính riêng biệt, chiếm một vị trí, cách thế khác nhau, chẳng ai giống ai. Và
chúng ta cũng khó mà kết luận rằng ai quan trọng hơn ai. Mùa Xuân có hoa lan,
mùa Thu có hoa cúc, mỗi loài hoa đều có hương sắc riêng của nó, không thể nào
bắt loại hoa này phải bắt chước hoa kia được. Em có thấy rằng số phần rủi ro
luôn luôn đến với người mà chúng ta đặc biệt ưu ái hay không?
Vậy thì, ta có nên ngu
muội đem cái ý thức phân biệt của mình xen vào các mối tương giao ấy, để cảm
thấy cuộc đời này sao mà lạnh lẽo bất kể bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông hay
không?
Bắt Chước Thầy
Như Thủy
Thuở xưa, tại một vùng
biên địa hạ tiện, dân chúng đều mù chữ. Mãi cho đến một hôm, có một ông thầy
giáo đến thăm làng và dõng dạc tuyên bố:
- Mọi người ai ai cũng có khả năng
biết chữ hết ... Nhiệm vụ của tôi khi xuất hiện ở ngôi làng này là giúp cho bà
con cô bác phát triển khả năng đó ... để thành một người biết chữ như tôi
không khác.
Mọi người nghe nói đều phấn khởi.
Với sự hướng dẫn của thầy giáo, một lớp học được thành lập. Nhiều người đến
lớp học. Thầy giáo phát cho mỗi người một quyển vần ABC. Trong nhóm người tụ
hội nơi lớp học, người ta ghi nhận có những hiện tượng sau:
Một số người cho rằng khả năng biết
chữ chỉ là một ân sủng thiêng liêng dành cho hạng người ưu tú nhất trong nhân
loại, nên sau khi trêu chọc số người ghi danh học, họ bỏ ra về.
Riêng phần học trò, với chút ít
niềm tin rằng mình có thể biết chữ, đã tìm cách phát triển khả năng ấy bằng
những cách như sau:
1. Những người vì cảm kích trước
tấm lòng của thầy giáo đã khổ công lặn lội đến đây, đã xin ảnh của thầy giáo
đem về thờ chung với quyển vần ABC, sớm hôm lễ bái, dâng hương hoa không hề
chểnh mảng.
2. Hạng người kế tiếp vì vô cùng
cảm phục tài năng của thầy giáo nên cùng nhau rắp tâm bắt chước thầy, từ cách
đi đứng, nói năng, ăn mặc, đến nếp sống sinh hoạt hằng ngày ... Họ bắt chước
tài tình đến độ giống thầy giáo như đúc, có khác chăng là họ hoàn toàn không
biết chữ ...
Dĩ nhiên, bằng những lối học trên,
chúng ta dư đoán được kết quả là sau bao nhiêu cố gắng không anh học trò nào
biết chữ cả!
Lời Bàn
Em thân mến! Câu
chuyện được ngừng lại nơi đây vì trên thế giới này không có một lớp học nào kỳ
quặc như thế cả. Các học trò đi học dần dần đều được biết chữ hết. May mắn
biết là dường nào. Nhưng còn chúng ta, những người học Phật và chưa giác ngộ
như Phật, có nên xét lại lối học của mình hay không?
Như ông thầy giáo kia,
chư Phật đều tuyên bố: "Tất cả mọi chúng sanh đều có Phật tánh và chư Phật ra
đời đều vì lý do duy nhất: Chỉ cho chúng sanh nhận ra và hằng sống với Tri
Kiến Phật của chính mình". Và chúng ta đã học đạo giác ngộ bằng cách nào?
Nếu chúng ta chỉ tôn
thờ, lễ bái, và cúng dường kinh tượng bên ngoài thì coi chừng, ta sẽ vấp phải
lỗi lầm của hạng học trò thờ cuốn vần ABC như trên. Hoặc chúng ta chỉ hâm mộ
tôn kính Thầy Tổ Chư Phật ... rồi rập khuôn cuộc đời ta y hệt như cuộc sống
của những người mà ta hâm mộ thì ... có lẽ ... bề ngoài chúng ta sẽ được một
cái vỏ đỉnh đạt nghiêm trang, nhưng bên trong lại dẫy đầy phiền não, tương tự
như hạng học trò bắt chước thầy trên không khác.
Vậy thì chúng ta nên
học Phật bằng cách nào đây?
Bà Chủ Hiền Thục
Như Thủy
Kassi là một nữ chủ được nhiều người ca tụng là hiền thục. Nàng
không bao giờ nói lớn tiếng hay cau mặt với bọn gia nhân trong nhà. Những lời
đồn đãi về Kassi khiến cho Axy, một cô tớ gái đâm ra nghi ngờ. Axy nghĩ bụng:
"Có thật là tiểu thư của mình hiền thục hay không chứ? Hay là nhờ mình chu
toàn bổn phận nên tiểu thư không có dịp bộc lộ vẻ bất bình. Điều này phải trắc
nghiệm lại mới được". Và Axy tìm cách thử nữ chủ.
Một hôm, Axy cố tình thức
dậy muộn, cô bé thấy nữ chủ cau mày khi cô dâng bửa điểm tâm. Sáng hôm sau Axy
lại dậy muộn, nữ chủ của cô vừa cau mày, vừa quát mắng ầm ĩ. Sáng hôm sau nữa,
Axy lại dậy muộn, còn đang nằm nán lại trên giường, thì cô bé đã thấy nữ chủ
chưa kịp chải tóc, nghiến răng trợn mắt vào tận giường lôi cô dậy. Sáng ngày
thứ tư, Axy lại dậy trễ. Lần này cuộc trắc nghiệm thành công mỹ mãn. Nữ chủ đã
với lấy cây cài cửa... và cô bé Axy ôm chiếc đầu máu chạy thẳng ra khỏi nhà,
la khóc ầm ĩ: "Ới làng nước ơi! Xem đây! Xem đây! Hãy xem nữ chủ rất mực hiền
thục đánh tui đây này... !"
Lời Bàn
Em Thân Mến! Trong
Trung Bộ Kinh đức Phật đã kể lại câu chuyện trên cho các thầy Tỳ Kheo nghe. Và
Ngài kết luận: Này các Tỳ Kheo! Như Lai không gọi một vị Tỳ Kheo nào là dễ
nói, dễ dạy, tu hành đắc lực, khi vị ấy còn nhận được đầy đủ tứ sự cúng dường
(quần áo, thực phẩm, thuốc men, mền mùng). Nếu nữ chủ Kassi phải được thử
thách qua một lần mới chứng tỏ được mức độ hiền thục của cô ta, thì một thầy
Tỳ Kheo, đệ tử của Như Lai cũng phải được thử thách. Khi chịu đựng sự thiếu
thốn của những nhu cầu cần thiết mà vẫn không sờn lòng, nản chí, thì Như Lai
và các bạn đồng phạm hạnh của vị ấy mới có thể kết luận rằng: "Đây là một vị
Tỳ Kheo phạm hạnh, thành tín, dễ dạy, dễ nói... đã xuất gia vì sự giải thoát
cho mình, cho người, chớ không phải vì cơm ăn, áo mặc."
Em thân mến! Bọn chúng
ta trong cảnh sống hiện tại, đầy đủ hơn người xưa rất nhiều. Chúng ta chưa đến
nỗi bị thiếu thốn vì cơm ăn, áo mặc, thuốc men, mùng mền... nhưng không vì thế
mà cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hơn, tâm tư được thoải mái hơn các vị Tỳ
Kheo thuở trước. Nếu em không giác tỉnh kịp thời, thì một cơn bệnh dai dẳng,
một lời nói trái tai, một chuyện làm bất như ý... vẫn có đầy đủ mãnh lực khiến
chúng ta từ một tu sĩ dễ dạy, dễ nói, dễ thương thành một nhân vật không giống
ai hết. Có giống chăng là giống nữ chủ Kassy mà thôi, có phải thế không nào?
Ba Cái Bánh Ít
Như Thủy
Xưa, có một lão thầy pháp
đi hành nghề, dắt theo một chú đệ tử nhỏ. Trong lúc đang cầu đảo cho gia chủ,
lão lén lấy được ba cái bánh ít và dúi cho thằng đệ tử đang đứng quạt hầu sau
lưng. Đám xong, hai thầy trò ra về. Trên đường về lão thầy pháp bảo đồ đệ lấy
bánh ít ra ăn lót dạ. Thằng bé ấp úng nói:
- Khi nãy, con tưởng thầy cho
con... nên con... ăn hết cả rồi!
Hai thầy trò đành tiếp tục đi, thầy
trước trò sau, được một quãng, ông thầy quay lại mắng đệ tử:
- Bộ tao là tù nhân hay sao mà mày
đi tò tò phía sau như là công an áp giải tội phạm vậy?
Trò nghe quở, lật đật chạy đi
trước. Ông thầy lại nạt nộ:
- Bộ mày là thầy tao hay sao mà dám
đi trước tao?
Chú bé liền đi ngang hàng với ông
thầy. Bấy giờ, ông thầy liền trợn mắt quát:
- Bộ mày là bạn bè tao sao mà dám
đi ngang hàng với tao?
Chú học trò khổ sở lúng túng, đành
vòng tay thưa:
- Bạch thầy, vậy thì đệ tử phải đi
cách nào cho đúng lễ đây?
Đến lúc nầy, ông thầy pháp mới chịu
nói rõ ý mình:
- Mày muốn đi kiểu nào cũng được..
miễn sao có ba cái bánh ít trả lại tao thì đúng lễ ngay.
Lời Bàn
Sự thật, đôi khi lại
khó nói biết là bao. Có lẽ vì vậy mà loài người phải có thật nhiều từ ngữ...
để nói một cách dài dòng như lão thầy pháp trên đây vậy!
Ô Sào Thiền Sư
Như Thủy
Ô Sào thiền sư là một cao
tăng Trung Hoa vào đời Đường. Khi bà mẹ hạ sanh sư, bà không ưng ý lắm nên đem
bỏ con vào một chiếc tổ quạ trên cội đại thọ trước hiên chùa rồi lẫn mất. Sư
xuất gia từ đó, và người ta gọi sư là thầy Ô Sào (Ô là quạ, Sào là tổ), tức là
ông thầy có xuất xứ từ một chiếc tổ quạ. Tuổi ấu thơ và tráng niên của sư trôi
qua bình thản trong bóng mát của tòng lâm cổ kính. Sư thường hành thiền trên
quê hương của mình, tức là nơi chảng ba có đặt chiếc tổ quạ ngày xưa mà theo
năm tháng, cội cây đã to và rộng đầy đủ để cành nhánh có thể cho sư đặt một
chiếc tọa cụ trên ấy. Cho đến khi ngộ đạo và hành đạo, thiền sư vẫn không rời
"quê mẹ."
Một hôm, quan thị lang
Bạch Cư Dị, một thi hào lừng danh đương thời, đi dạo ngang cổng chùa, trông
thấy nhà sư đang ngồi vắt vẻo trên tàng cây, vốn không ưa hạng người "lánh nợ
đời" như thế, ông cau mày hỏi:
- Bộ hết chỗ rồi hay sao mà thầy
lựa chỗ hiểm nghèo như thế để ngồi?
Thiền sư bình thản đáp:
- Chỗ của tôi xem ra còn vững vàng
hơn chỗ của quan lớn đang an tọa nhiều.
Quan thị lang nhìn lại chiếc kiệu
của mình đang ngồi, ngạc nhiên:
- Chỗ tôi đang ngồi có gì đáng ngại
đâu?
- Thưa, chỗ đại quan là dưới vua,
trên các quan và trăm họ. Vua thương thì quần thần ghét, được lòng dân thì mất
lòng vua. Tính mạng của đại quan cùng thân quyến đều lệ thuộc vào lòng yêu
ghét của vua và sự tật đố tị hiềm của bạn bè. Một chiếc ghế được kê trên đầu
lưỡi thiên hạ thì làm sao bì được với sự cứng chắc của cội cây này được. Có
phải thế không thưa đại quan?
Bạch Cư Dị nghe nhà sư nói chỉ im
lặng cúi đầu, giây lâu vị đại quan lão thành mới cất tiếng hỏi:
- Thầy có thể cho tôi biết thế nào
là đại ý của Phật pháp chăng?
Thiền sư đáp liền:
- Không gì dễ bằng câu hỏi này. Đại
quan hãy nghe tôi trả lời đây, đó là: "Chư
ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành - Tự tịnh kỳ ý - Thị chư Phật Giáo”
(Nghĩa là: Các điều ác chớ làm,
các điều lành vâng giữ, tự thanh lọc ý mình, đó là lời Phật dạy).
Bạch Cư Dị nghe xong bảo:
- Những điều thầy vừa đáp, con nít
lên ba cũng nói được.
Thiền sư mĩm cười:
- Thưa đại quan, con nít lên ba nói
được, nhưng ông lão sáu mươi chưa chắc đã làm xong. Ngài có thấy như thế
không?
Bạch Cư Dị lại im lặng cúi đầu. Ông
bắt đầu học đạo với thiền sư Ô Sào từ đó. Người ta kể rằng dưới sự dẫn dắt của
thiền sư "Tổ quạ", không bao lâu vị đại quan này "thoát nhiên đại ngộ". Chuyện
kể chỉ có thế, còn việc ông đại ngộ cái gì thì chúng ta đành chịu vậy.
Câu chuyện này xin
được khép lại nơi đây. Xin thân ái chào tất cả những người em áo vải của tôi.
Bồ Tát và Chúng Sanh
Như Thuỷ
Trời mưa vừa dứt, một bà
cụ khoác áo tơi đi ra phố. Gặp một chú bé đang nghịch nước bẩn bên vệ đường,
bà cau mặt quát:
- Thằng cu, mày có lên ngay không?
Khiếp!
Chú bé phản đối:
- Cháu xí cái vũng này từ hồi mới
mưa lận. Bà kiếm cái khác đi, thiếu gì!
Lời Bàn
Em thân mến! Bồ Tát là
những vị mà sách vở định nghĩa là: "Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh",
riêng chúng ta có thể hiểu một cách giản dị như thế này: Nếu chúng ta tin rằng
mình và tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ, thì ta đã có một mầm Bồ
Tát trong lòng rồi. Trên đường tu chừng nào thành Phật hãy hay, còn hiện tại
chúng ta hãy tùy thuận giúp đỡ người chung quanh bằng tất cả khả năng hạn hẹp
của mình. Vì tin tưởng nơi Phật tánh của mình và người nên Bồ Tát không bao
giờ mệt mỏi trên bước đường tự lợi, lợi tha. Nhưng... tâm Bồ Tát thì khó phát
mà lại rất dễ thối thất. Em có biết tại sao không?
Em đừng tưởng là khi
thực hành Bồ Tát hạnh, đi đến đâu thiên hạ cũng rải hoa và trải chiếu bông đón
tiếp mình hết đâu... mà coi chừng vỡ mộng đấy nhé. Như trường hợp của bà cụ
trên đây chẳng hạn. Nếu các tôn giả chúng sanh đang ưa thích điều gì mà mình
cản trở thì coi chừng, họ có thể nghi là mình muốn đoạt cái sở thích đó. Trong
trường ấy, nếu ta chưa đủ tài thuyết phục họ thì phải chạy cho thật lẹ kẻo...
u đầu!
Nếu em có giúp đỡ ai
điều gì thì chớ nên hí hửng chờ người tuyên dương công trạng mình, vì có hằng
khối kẻ bàng quan đang bĩu môi phẩm bình rằng: “Đồ ngu, chuyên môn làm mọi
thiên hạ”, hoặc là: “cái số cực...”, “cái nghiệp nặng...” Chà! Coi bộ em muốn
thối tâm rồi phải không? Nếu mình là Bồ Tát thứ thiệt thì khỏi nói, đàng
này... thật kẹt cho hàng Bồ Tát sơ tâm như bọn mình. Có lẽ vì thế mà trong các
kinh, đức Phật đã không tiếc lời ca ngợi hạnh Bồ Tát và Ngài cũng đã từng nhắc
nhở chúng ta rằng: Muốn giảng kinh Pháp Hoa, tức là đi gieo rắc niềm tin rằng:
“Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật”, Pháp Sư phải ngồi tòa Như Lai
và mặc áo Như Lai. Tòa Như Lai là tâm từ bi, áo Như Lai là giáp nhu hòa nhẫn
nhục đó em ơi!
Thằng Cu Trắng
Như Thuỷ
Thuở xưa, có một thiếu nữ da đen kết hôn
với một người da trắng. Cuộc hôn nhân dị chủng này gây sự bất bình cho cả hai
dân tộc da đen lẫn da trắng. Người vợ bị gia đình cô từ bỏ trong khi xã hội da
trắng cũng không chấp nhận cô. Tất cả đều khinh rẻ và đối xử với cô rất đen
bạc.
Đứa con đầu lòng của người thiếu phụ
đáng thương này chào đời như một ân sủng của thượng đế. Chú bé trắng trẻo khôi
ngô khiến ai trông thấy cũng phải nưng niu. Chúng ta gọi nó là thằng cu Trắng
cho tiện. Cu Trắng được nhận vào lớp học dành riêng cho dân da trắng lúc nó
lên năm tuổi.
Sự thông minh đĩnh ngộ của thằng bé
khiến cho mọi người phớt lời đi nguồn gốc da đen của mẹ nó. Cu Trắng đi học
được ít lâu thì người mẹ hạ sanh thêm một đứa em. Lần này, Thượng đế không
thiên vị nữa, một thằng cu đen thủi đen thui chào đời. Chúng ta gọi nó là
thằng cu Đen cho tiện.
Cu Trắng mang lại cho bố mẹ bao nhiêu
niềm vui thì cu Đen đem đến cho họ bấy nhiêu khổ sầu. Cu Đen biết thân mình
nên chỉ lẩn quẩn ở bên mẹ, không dám, và không được đi chơi với bố cùng anh.
Lên năm tuổi, cu Đen cũng được bố mẹ
chạy chọt cho vào học chung trường với cu Trắng. Nó bị bè bạn da trắng trêu
chọc, hành hạ dữ dội. Cu Trắng cũng khổ sở vì sự hiện diện của thằng em không
ít. Cuối cùng, cả hai anh em đều bị chủng tộc da trắng đuổi ra khỏi trường.
Túng thế, bố mẹ của chúng phải sắp xếp
như thế này: cu Trắng được gởi đến một trường nội trú của dân da trắng thật
xa, để không ai biết đến nguồn gốc da màu của mẹ và em nó. Còn cu Đen được gởi
về quê ngoại, theo học tại một trường nô lệ dành riêng cho dân da màu, ông bố
tiếp tục đi làm, bà mẹ thì thui thủi một mình ở nhà mà lòng nhớ con khôn tả.
Sự hợp chủng kỳ diệu của hai dòng máu
bất chấp sự kỳ thị của loài người, đã khiến cu Trắng thành một chú bé thông
minh vượt bực. Điều này là nguồn an ủi cho người mẹ. Và nàng thiếu phụ đáng
thương này đặt hết niềm tin cùng hy vọng vào đứa con đầu lòng. Riêng thằng cu
Đen, màu da đen đúa đã xác định sẵn số phận hẩm hiu của nó.
Ở trường học dành riêng cho dân da
trắng, thằng cu Trắng được thầy cô yêu mến, bạn bè kính nể, không một ai mảy
may ngờ vực về nguồn gốc da màu của nó. Riêng cu Trắng lúc nào cũng nơm nớp lo
sợ mọi người biết được sự thật về mẹ và em mình, sẽ tống cổ nó ra khỏi trường
học. Vì thế, cu Trắng rất lấy làm khổ sở khi phải tiếp xúc với mẹ và em. Những
ngày nghỉ học, cu Trắng thường la cà ở nhà bạn bè để cho bà mẹ Ở nhà mỏi mòn
trông đợi. Và bà mẹ đã chết trong nỗi buồn thương đó, bố chúng cũng không sống
được bao lâu.
Sau khi bố mẹ qua đời, cu Trắng liền cắt
đứt liên lạc với em.
Về sau, cu Trắng trở thành một chàng
trai học thức, đẹp trai... Nó vào lính làm đến đại úy rồi giải ngũ về làm biện
lý tại một thành phố lớn, sống một cuộc đời giàu sang danh vọng như bao nhiêu
người Âu khác, có khác chăng là lòng lúc nào cũng hồi hộp lo sợ người ta khám
phá ra dòng máu lai đen của mình, dù cu Trắng đã thay tên đổi họ.
Riêng thằng cu Đen thì không được may
mắn như anh, màu da của nó đã xác định sẵn địa vị của cu Đen trong xã hội.
Biết anh không thích mình nên cu Đen chỉ làm bạn với sách vở, và những người
bạn cùng màu da. Hai anh em cùng khôi ngô thông minh như nhau. Có khác chăng
là hai màu da và cu Đen sống hoàn toàn thoải mái, không bị nỗi lo sợ bị lộ
tông tích ám ảnh ngày đêm như cu Trắng.
Sau mười mấy năm trời cách biệt, một hôm
cu Đen tình cờ đến gần anh. Được cu Trắng chấp thuận, cu Đen đến thăm anh. Vì
cuộc gặp gỡ này một tai nạn đã xảy ra. Mọi người đều biết chàng cu Trắng là
dân da màu. Tất cả những gì mà cu Trắng dầy công xây dựng như danh vọng, tình
yêu, sự nghiệp đều nhất loạt sụp đổ.
Lời Bàn
Em thân mến!
Câu chuyện trên đây được
rút ra từ quyển "Hãy để ngày ấy lụi tàn" của một văn sĩ người Anh. Ở đây, tôi
không cốt ý kể cho em nghe về một chuyện tình bi thảm của thế gian giới. Tôi
chỉ muốn hỏi em về tâm trạng của anh chàng cu Trắng ở trong mỗi một con người
của chúng ta: tôi và em.
Có phải dù chúng ta có cố
gắng gìn giữ, tập luyện, tu hành để tạo cho mình dáng dấp đàng hoàng, thuần
hậu, thánh thiện đến đâu đi nữa... thì trong tận cùng thâm tâm, tôi và em đều
phải đau khổ mà ghi nhận rằng cái lý lịch đen tức phần ác xấu, bất thiện...
vẫn còn ngủ ngầm ở đó. Và y hệt như anh chàng cu Trắng, nếu màu da bên ngoài
của chàng ta được xã hội ưu đãi mến chuộng bao nhiêu, thì dòng máu lai đen,
nằm trong thân thể, tạo thành một nỗi mặc cảm dày vò bứt rứt bấy nhiêu.
Có bao giờ em thấy điều đó
không? Sau những đức tính từ bi, hỉ xả, tế nhị, dịu dàng, đắc nhân tâm...
những điều kiện ắt có và đủ để tạo thành một con người hợp thời trang, lịch sự
rất mực đó, có phải em đã từng xót xa ghi nhận rằng những nền móng tham sân,
ganh ghét, độc ác, ích kỷ... vẫn còn nằm sờ ra đó?... Có lạ chăng là loài
người chưa nhận thấy... và vì thế người chung quanh càng thương mến ái mộ bao
nhiêu thì em càng thấy mình lố bịch, giả dối bấy nhiêu.
Trong câu chuyện, khi nào
cu Đen gặp gỡ hay liên hệ với cu Trắng thì cái thế giới hư danh ảo vọng của
chàng cu Trắng liền bị đe dọa sẽ sụp đổ. Chúng ta cũng thế, sau biết bao là
công khó tập luyện để có một phong thái tu hành rất mực, thì chỉ cần một cơn
giận, một nụ cười mỉa mai, một cái nhìn ganh tị đến viếng thăm... là tất cả
cái bề ngoài sơn son thếp vàng đó liền sụp đổ tan tành.
Bi kịch của câu chuyện nằm
ở chỗ chàng cu Trắng chối bỏ dòng máu lai đen của mình, cố gắng khỏa lấp để
mạo nhận mình là da trắng 100%... nên lúc nào chàng ta cũng phải nơm nớp lo sợ
bị lộ tung tích.
Tại sao chàng trai lại cam
chịu sống một cuộc đời đầy sợ hãi, giả dối và bấp bênh như thế? Chính cái thế
giới phù hoa, những đặc quyền ưu tiên dành cho dân da trắng đã khiến chàng
thèm thuồng và ao ước ao được hưởng như họ.
Trở lại câu chuyện của chúng ta,
ngay từ thuở bé, chúng mình đã được cha mẹ và thầy cô giảng dạy rằng phải cố
gắng làm sao để được trở thành một đứa bé ngoan ngoãn, tử tế, dễ thương... Lúc
dần dần lớn lên, xã hội lại cho ta một cái khuôn thế nào là một người lịch sự,
đắc nhân tâm, được mọi người yêu mến.
Và khi em bước chân vào
chùa, người xung quanh liền khen em, là đại trượng phu, là sa môn, là thầy của
mọi người v.v... Hơn lúc nào hết, đây là lúc em chối bỏ cái bản ngã thật sự
của mình để cố gắng rập khuôn theo một hình bóng, một nhân dáng nào đó mà
người chung quanh em chờ đợi và ca tụng. Đó là lúc mà thằng cu Trắng đang cố
gắng chứng tỏ mình là dân da trắng 100%.
Em thân mến,
Nếu em đã thành công nghĩa
là em đã trở thành một bậc chân tu thánh thiện, trắng bạch như vỏ ốc, không ai
có thể tìm ra một chút ít tì vết nào. Và nhất là em rất bằng lòng về con người
của em, về những đức tính mà em đã dày công tập luyện, cùng những quyền lợi
phụ tùng mà thế nhân cung kính dành cho cái vỏ khả kính ấy, thì câu chuyện xin
dừng lại nơi đây.
Nhưng nếu em đã thoáng thấy có một cái gì trục
trặc bất ổn, giả dối... trong con người đầy mâu thuẩn của mình thì đâu hãy thử
một lần, lấy hết can đảm, nhìn kỹ mình, nó ra sao thì nhận như thế đó. Hãy thử
đừng nỗ lực, đừng cố gắng biến cái thành bản ngã khác mà em cho là tốt đẹp
hơn. Chàng cu Trắng mà dám nhìn nhận mình là dân da màu thì hơi đau thật đấy,
có nghĩa là chàng sẽ mất tất cả những uy danh và quyền lợi mà xã hội đã dành
cho tập thể da trắng. Cũng thế, khi em chịu nhận mình là một tôn giả chúng
sanh đầy đủ tham, sân, si như trăm nghìn chúng sanh tầm thường khác thì em sẽ
đánh mất hết lòng ái mộ, tôn kính của người chung quanh đã dành cho em. Nhưng
bù lại thằng cu Trắng được sống hồn nhiên thoải mái không còn phập phồng lo sợ
bị lộ tẩy... Em sẽ thấy có một khung trời kỳ diệu mở ra trước mắt. Đau đớn
biết bao khi ta phải chứng kiến ngày lâm chung của cái huyễn ngã mà ta đã khổ
công che chở tập luyện... nhưng bù lại ta sẽ không còn sợ hãi, lo ngại...
nghĩa là "vô hữu khủng bố, vô quái ngại... " (không còn sợ hãi... không còn
ngại cái quái gì hết).
Chấp nhận mình có những tánh xấu, không
có nghĩa là em sống si mê, buông mình theo vô minh, dục vọng, mà chấp nhận có
nghĩa là bình tĩnh quan sát, theo dõi để thấu đáo toàn thể cái cơ cấu được
mệnh danh tà TA, là BẢN NGÃ CỦA TA. Đây cũng chính là chỗ mà ngài Huyền Giác
quả quyết khẳng định: "Vô minh thật tánh tức Phật tánh" đó em. |