TẢN MẠN BÊN THÁP
TRẦN TUẤN MẪN

Rằm tháng Giêng năm Nhâm Ngọ, tôi lên vùng núi Thiên Thai đến thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, để lễ lạy tháp Ôn Từ Đàm. Trời Huế lạnh và nhiều sương, nắng chiều vươn nhẹ trên tầng cao của tháp. Tất cả đều im vắng, thanh thản nhẹ nhàng như đám lá rừng thông lắc lư đằng sau tháp.

Có tiếng chuông đổ về, có lẽ từ chùa Thuyền Tôn, ngôi chùa cổ vừa được Ôn hoàn tất việc đại trùng tu năm ngoái. Một con chim nhỏ bay từ xa ghé lại phía bên tháp Tổ Liễu Quán kế cận tháp Ôn, cất tiếng hót ngắn, lẻ loi, cô quạnh. Tôi bỗng nhớ đến Ôn vô cùng.

Ôn nằm xuống đây gần ngót năm tháng. Buổi chiều Ôn về cõi Tịnh, nắng Huế vàng hoe. Hôm đoàn xe đưa Giác Linh rời chùa Từ Đàm về đây, mưa Huế sùi sụt. Bỗng chốc tôi ngỡ mình đang mơ..., vô thường là thế này đây, giả đấy thật đấy là cái thực tại này; trộm nghĩ giá mà thấy được tất cả đều giả trong thế giới hiện tượng này thì an tâm biết mấy.

Bảy tháng trước đây, nhân hôm cuối chuẩn bị cho lễ Tốt nghiệp và Cấp phát Văn bằng Cử nhân Phật học cho Tăng Ni sinh Khoá I của Học viện Phật giáo Việt nam tại Huế, tôi hầu Ôn đi khắp Học viện. Ôn đang bệnh nhưng bước đi vẫn chững chạc, khuôn mặt rạng rỡ. Nhìn mấy bông hoa hồng vừa mới cắm vào bình, Ôn dạy: "Sao lại lựa hoa có màu nhạt quá rứa?!" Rồi khi xuống hết cầu thang, chỉ những hoa hồng đỏ thắm, do Quý Sư Cô đang cắm vào bình, Ôn dạy: "Ừ, ít ra thì cũng có hoa đỏ như ri nì!" Tôi buộc miệng: "Bạch Ôn, hoa giả cả đó". Ôn cười nhẹ và nói: "Chớ có cái chi không giả, chỉ ra coi nào!" Ôn là thế, luôn luôn nhẹ nhàng đơn giản, tuỳ duyên mà dạy bảo. Một hôm Ôn gọi tôi đến bên cạnh và nói: "Anh đừng nghĩ rằng hút thuốc mới viết được văn hay. Cụ Nguyễn Du ngày xưa đâu cần đến thuốc lá?" – "Dạ con sẽ cố theo lời Ôn dạy mà bỏ thuốc lá..." – " Ừ, phải, anh phải bỏ hút, phải có sức khỏe để làm Phật sự..." – "Dạ bạch Ôn, con sẽ cố gắng... nhưng con nghĩ có lẽ xưa kia cụ Nguyễn Du có hút thuốc lào..." Ôn cười: "Nghe cũng đúng... nhưng xưa không ai nhắc nhở cụ Tiên Điền".

Tháp Ôn chỉ mới được hoàn tất phần cơ bản, bia đá chưa được dựng và tám cột trụ đá trước hai vòng tháp chưa khắc các câu đối, nghe đâu Quý Thầy đang chọn câu, lựa chữ. Tôi còn nhớ ba năm trước đây, có lần Ôn dẫn phái đoàn sang thăm hữu nghị Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, nhân khi được đề nghị viết vào sổ lưu niệm ở một Phật tự, Ôn đề nghị được viết bằng bút lông thay vì bút bi. Phía bạn ngạc nhiên và hoan hỹ đáp ứng, Ôn viết một mạch hai câu đối bằng chữ Hán riêng tặng bổn tự. Tôi từng được nhận thức tài năng văn học cũng như bút pháp Hán tự của Ôn nhưng quả thực chưa bao giờ thấy Ôn phóng bút linh hoạt đến như thế. Thế là những ngày tiếp theo, Ôn đến đâu, các vị ở đấy cũng chuẩn bị sẳn giấy bút để xin chữ Ôn. Thậm chí tại chùa Đại Từ Ân, nơi thờ Ngài Huyền Trang, người ta bày sẳn cả một tờ giấy to hơn cái bàn viết và một cây bút lông lớn như cán chỗi gác bên nghiên mực vừa được mài quánh. Ôn bình thản ấn bút vào nghiên, vung tay viết một mạch, nét chữ mạnh mẽ mà uyển chuyển, hùng tráng mà thanh bai... Xong phần lạc khoản, tiếng vỗ tay vang lên. Ôn cười nhẹ và cảm ơn mọi người. Phải chi những cột đá này được khảm khắc bằng những nét chữ của chính Ôn.

Tháp Ôn vẫn vắng lặng và chiều xuống dần. Từ độ Trung thu năm ngoái, lần này tôi về Huế, vắng bóng Ôn, không được hầu chuyện và nghe Ôn dạy bảo. Tôi vô cùng muốn được nghe lại tiếng nói Ôn, đầm ấm, thấm sâu vào lòng. Một bận Ôn cùng Hòa Thượng Minh Châu dẫn một phái đoàn Phật Giáo Việt Nam sang chiêm bái các Phật Tích tại Ấn Độ và tôi được tháp tùng. Đoàn ghé đến Kusinagar, vào chùa Đại Niết Bàn và sau thời Kinh tán Phật, tiếng Ôn vang lên: "Kính lạy Đức Thế Tôn, đến nay chúng con mới có duyên may đến đất Phật lễ lạy Thế Tôn, nhưng Thế Tôn đã nhập diệt từ hơn 25 thế kỷ rồi..." Mọi người nước mắt ràng rụa, một cảm giác khó tả, vừa bùi ngùi tiếc nuối, vừa hân hoan thanh tịnh...

Dạo thăm Ôn lần cuối, tôi từ Thành Phố Sài Gòn bay ra Huế, tưởng mình là người về trễ nhất, té ra trên chuyến bay còn có nhiều Tăng Ni và Phật tử: Đại Đức Đạt Đức, cư sĩ Lê Mộng Đào, chị Từ Uyển... Tôi quỳ bên giường Ôn, nhìn qua thấy chị Từ Uyển đang sụp lạy, nước mắt chảy dài. Chị Kim Lan -- tội nghiệp, từ Đức về Huế cả tuần nay -- đang nắm lấy tay Ôn thì thầm điều gì đó. Sau đó, dưới bóng cây Bồ Đề trước sân chùa Từ Đàm, thấy hai chị mắt đỏ hoe, tôi nhắc nhở hai chị và cũng tự nhũ mình: "Ôn vẫn thanh thản và tự tại như thế... Khi Ôn tịch, chúng ta không nên khóc như thói thường..." Thế mà ba ngày sau, khi Ôn xã nhục thân, giữa tiếng chuông trống Bát Nhã và tiếng niệm Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật của Quý Thầy, Quý Sư Cô và chư Phật tử, tôi thấy hai chị nấc lên từng hồi. Tôi bỗng thấy như bị tức ngực, hình ảnh Ôn và mọi người mờ đi... E mình đã khóc? Thôi cũng chẳng sao, xưa ngài A-nan cũng vật vả khóc than khi Đức Phật nhập Niết Bàn.

Tôi còn nhớ cách đây tám năm khi tôi đang hầu chuyện với Thượng Tọa Chơn Thiện ở phòng tiếp tân của khách sạn Kanishka ở New Delhi-Ấn Độ, bỗng thấy Ôn và Hòa Thượng Minh Châu đến gần. Chúng tôi đứng lên vái hai Ôn, Ôn ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống rồi khoan thai bảo tôi: "Anh M., chuyến ni trở về hãy xuống tóc, tôi lo liệu cho... chứ anh cứ lông bông bên ngoài thì uổng lắm." Tôi xúc động đến nghẹn lời, chỉ biết chắp tay vái lạy hai Ôn. Thượng Tọa Chơn Thiện đỡ lời: "Bạch Ôn, anh M. còn vướng bận nhiều chuyện, con sẽ xem chừng rồi sẽ trình Ôn..." Lạy Ôn, đến nay tóc tôi vẫn còn để dài, còn dài hơn hồi đó và đã nhuốm bạc. Tôi vẫn vướng bận trần lao nhưng xin nguyện một dạ theo Phật, quy mạng về Ôn...

"Kính bạch Ôn, còn đâu nữa những lời chỉ dạy của Ôn, con muốn biết bao nhiêu được nghe lại âm thanh của Ôn khi được hầu Ôn và được nghe Ôn nhận định về tư tưởng của Rousseau, Montesquieu, đến Maria Montessori, Frénet, Rogers, Whitehead, Dewey..., đến nền Giáo dục hiện đại. Con muốn biết bao nhiêu được nghe lời Ôn nhắc nhở, chỉ dạy cho con về việc nghiên cứu Kinh sách và tu tập. Con nhớ biết bao nhiêu những lần được theo chư Tăng Ni Phật tử đón và đưa Ôn vào những buổi sáng, buổi trưa, chiều và tối tại sân ga, sân bay trong những lần Ôn có Phật sự đến Sài Gòn. Con nhớ biết bao nhiêu..."

Bây giờ thì Ôn nằm yên trong tháp tịnh. Ngôi tháp bảy tầng cao vút lên. Trăng rằm tháng giêng tròn vành vạnh. Cảnh vật trầm hẳn dưới ánh sáng lung linh của vài tia nắng cuối cùng và của ánh trăng vừa mới hiện. Trời se lạnh và sương xuống nhiều, xao xác vài tiếng chim kêu và tiếng vỗ cánh ở đồi thông phía sau tháp. Thoang thoảng mùi hoa đêm, tôi tưởng tượng chăng?

Bỗng nhớ đến hai câu thơ của Ôn:

          Đạo thụ hoa khai hương mãn kính
          Tòng lâm nguyệt hiện điểu quy sào

"Kính lạy Ôn, con phải ra về trước khi trời tối". Tôi biết và sẽ có hàng bao nhiêu người đến lễ tháp Ôn, nhưng giờ này, giữa buổi chiều hôm hiu quạnh, chỉ có mình tôi đang thương nhớ Ôn vô cùng.

 

Học viện PGVN tại Huế, Trọng Xuân Nhâm Ngọ 2002

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008