Phật Giáo Trong Vai Trò Bảo Tồn Văn Hóa
Thích Như Ðiển

 

          Hôm nay chúng tôi xin hân hạnh được trình bày với quý vị đề tài mà có lẽ ai trong chúng ta cũng hằng lưu tâm đến, đó là "Vai Trò của Phật Giáo đối với Văn Hóa" trong sự phát triển cũng như sự tồn tại của Phật Giáo suốt gần 26 thế kỷ qua trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam nói riêng và lịch sử thế giới nói chung.

Trước hết và trên hết chúng ta nên hiểu rõ ý nghĩa của những danh từ trên đây với những chức năng của nó cũng như sự liên hệ của Phật Giáo đối với văn hóa của một dân tộc như thế nào, để từ đó chúng ta có thể đi đến kết luận dễ dàng và cụ thể hơn.

Phật Giáo ở đây được hiểu như là: Những điều dạy dỗ của một bậc giác ngộ hoàn toàn chơn lý ở trong và ngoài thế gian này về vấn đề luân lý, đạo đức, giáo dục, triết lý, khoa học, giới luật, kinh điển. Một giáo lý của một bậc đã hoàn toàn giác ngộ, hiểu thấu trong quá khứ, hiện tại và vị lai, đem dạy bảo lại cho chúng sanh trong nhiều đời, nhiều kiếp, được gọi là Phật Giáo.

Văn hóa được định nghĩa là: Những gì thuộc về văn minh, văn hiến, ngôn ngữ, tập tục, thói quen, nghệ thuật, kịch nghệ v.v... bị biến đổi lâu đời, được nhiều người lặp đi lặp lại nhiều lần, được gọi là văn hóa. Văn ở đây được hiểu như là văn minh của con người. Trong văn minh đó có văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Văn minh vật chất thuộc về những sự phát minh của con người về kỹ thuật để phụng sự cho đời sống con người, và văn minh tinh thần là những gì vượt lên trên cá thể của một đời sống vật chất, như những giá trị đạo đức, luân lý, khoa học v.v... Như vậy văn hóa được hiểu như là nền văn minh và văn hiến của con người được trải qua nhiều đời và lặp đi lặp lại nhiều lần có tính cách như một thói quen, được gọi là văn hóa.

Giữa Phật Giáo và Văn Hóa có những điểm giống nhau và cũng có nhiều điểm khác như như sau:

A/ Sự khác nhau

          Văn hóa chỉ do loài người sáng tạo và bị biến đổi qua nhiều giai đoạn trong đời sống hằng ngày của con người, được nhiều người thực hành theo. Trong khi đó Phật Giáo được sáng lập và được phát sinh ra từ những bậc đã giác ngộ, những người hoàn toàn hiểu biết về cuộc đời này bằng sự thực tu và thực chứng của mình, rồi đem những kinh nghiệm của bản thân ra dạy bảo cho con người và muôn loài.

 B/ Sự giống nhau

          Văn hóa bao gồm những giá trị của văn hiến và văn minh thuộc về cả hai lãnh vực tinh thần cũng như vật chất. Và Phật Giáo cũng bao gồm những sự dạy bảo cho con người một giá trị tinh thần siêu thoát, giác ngộ và hãy tự giải thoát bởi chính mình.  Mặc dầu Phật Giáo và Văn Hóa có những điểm khác nhau và những điểm giống nhau như đã nêu trên, nhưng không vì thế mà giữa Phật Giáo và Văn Hóa có một sự nghịch lý nào cả, mà đó là một sự thật cần phải có để làm sáng tỏ giữa Ðạo Giáo và cuộc đời.

          Suốt trong dòng sinh mệnh của Phật Giáo đã gần 26 thế kỷ trôi qua trong lòng người, qua công cuộc truyền đạo và hành đạo của những nhà giáo dục Tu sĩ cũng như Cư sĩ đến từ Á Châu sang Âu Châu, rồi sang Mỹ Châu, Phi Châu và Úc Châu, Phật Giáo đã đóng góp một cách tích cực cụ thể cho những nền văn hóa của những dân tộc tại xứ đó.

          Ví dụ như tại Ấn Ðộ: Mặc dầu ngày nay Phật Giáo không còn là quốc giáo như những thời đại vàng son lúc Ðức Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, trong vai trò của mình đối với văn hóa và học thuật nữa, nhưng không vì thế mà vai trò của Phật Giáo bị lu mờ. Vì lẽ dễ hiểu là Phật Giáo được phát sinh ra và trưởng thành tại đó. Ngày nay khắp năm châu, bốn bể được hiểu giáo lý của Ðức Phật là nhờ nước Ấn Ðộ, nhờ Thái Tử Tất Ðạt Ða đã hy sinh đời sống vị kỷ, tư lợi của mình quyết xuất gia, tìm đường giải thoát cứu khổ cho nhân loại, nên được nhiều người nhắc nhở đến, cung kính như một vị cha lành của nhân loại. Do đó cho nên nhiều tín đồ Phật Giáo đã luôn ngưỡng vọng về Ấn Ðộ như những tín đồ Thiên Chúa Giáo luôn tìm đến Thánh địa tại Do Thái nơi Ðức Chúa đã giáng sinh cách đây 1981 năm về trước.

          Phật giáo hay nói đúng hơn là giáo lý của Ðức Phật đã cảm hóa biết bao nhiêu bậc hôn quân bạo chúa của xứ Ấn Ðộ, điển hình như vua Asoka (A Dục Vương - trước Thiên Chúa giáng sinh 263-274) đã trở thành một Phật Tử thuần thành đối với Ðạo Phật nhờ những giới luật của Ðức Phật đã chế ra và sau đó Hoàng Ðế A Dục đã lấy giới luật căn bản này viết vào Hiến Pháp trị dân. Ở Nhật Bản có Thánh Ðức Thái Tử (Shotoku Taishi - thế kỷ thứ 7-8 sau TC) cũng đã cai trị dân Nhật Bản bằng tinh thần Tôn Giáo và Văn Hóa của Ðạo Phật, và ngày nay trong Hiến Pháp của Nhật thời Thánh Ðức Thái Tử trị vì đã có những Ðạo Luật đó. Ðiều đó đủ chứng tỏ rằng Phật Giáo đã có một sức dung hóa hết sức nhiệm mầu, trên từ những bậc vua chúa, dưới đến nhân dân trăm họ.

          Khi Phật Giáo được truyền sang Trung Hoa vào đầu thế kỷ thứ nhất sau Thiên Chúa giáng sinh, Phật Giáo đã tích cực đóng góp vai trò của mình trong công cuộc phổ biến văn hóa Thiền của Bồ Ðề Ðạt Ma (thế kỷ thứ 6) một cách uyển chuyển và dung hòa được với nền văn hóa của Khổng Mạnh vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân Trung Hoa hơn 10 thế kỷ trước đó. Vì Phật Giáo đi đến đâu chỉ mang một sứ mạng duy nhất: ban phát tình thương và trí tuệ. Về tình thương Phật Giáo chủ trương không hận thù. Vì Ðức Phật vẫn luôn dạy cho các đệ tử của Ngài rằng: "Lấy oán báo oán, oán oán chồng chất. Lấy ân báo oán, oán liền tiêu diệt". Vì lẽ giản dị đó nên Phật Giáo được nhiều người ưa chuộng. Về trí tuệ Phật Giáo luôn chủ trương rằng: cuộc đời này là bể khổ, con người mãi lặn hụp trong sự khổ đau không bao giờ thoát khổ này, nên Ðức Phật đã chỉ cho họ một con đường để đạt đến trí tuệ viên mãn. Ðó là Bát Chánh Ðạo, Tứ Diệu Ðế, v.v...

          Phật Giáo biết được bổn phận và nhiệm vụ của mình, nên từ các bậc vua chúa đến triều thần và dân chúng đã tin theo và thực hành một cách triệt để song song với văn hóa của Khổng Mạnh. Từ những bộ kinh điển có giá trị được các vị Tu sĩ người Ấn Ðộ mang sang Trung Hoa, rồi chính tay những vị này dịch sang chữ Trung Hoa và ngày nay Phật Giáo Trung Hoa có được Tam Tạng kinh điển bằng tiếng địa phương của họ là nhờ vào những vị Tu sĩ này đã đóng góp không ít vào văn hóa của dân tộc Trung Hoa. Lúc bấy giờ Trung Hoa là một nước hùng cường nhất Á Châu, nên văn hóa và tôn giáo của Trung Hoa cũng dễ ảnh hưởng đến các nước lân cận như Việt Nam, Ðại Hàn, Mông Cổ, Nhật Bản. Chính vào thời kỳ này Phật Giáo được truyền sang Việt Nam bằng những nhà sư người Ấn Ðộ và người Trung Hoa qua hai ngõ đường bộ và đường thủy. Ðường bộ từ kinh đô Lạc Dương cũ của Trung Hoa và đường thủy từ biển Nam Ấn Ðộ đến. Có thuyết cho rằng trước khi Phật Giáo được du nhập vào Trung Hoa phải vào Việt Nam trước, vì ngày xưa những thương nhân Ấn Ðộ buôn bán với Trung Hoa chỉ dùng tàu bè để đi đường biển, và trên tàu buôn của họ có mang theo nhiều Tu Sĩ Phật Giáo để chỉ làm nhiệm vụ cầu đảo trời đất, mưa thuận gió hòa cho thuyền buôn đi đến nơi về đến chốn, và trên đường đi ấy, trước khi vào kinh đô Lạc Dương trên đất liền của Trung Hoa, những thuyền buôn và những nhà sư Ấn Ðộ này đã phải ghé sang Việt Nam để chờ mùa gió nồm, và đây là cơ hội để những nhà Sư này truyền bá Ðạo Phật tại nơi đây.

          Xét ra hai thuyết trên, thuyết nào cũng có lý cả, nhưng cho đến nay lịch sử Phật Giáo Việt Nam vẫn chưa khẳng định được điều đó, vì trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến loạn hãi hùng của dân tộc Việt Nam, đã mất đi những tài liệu lịch sử rất nhiều, nên không thể quyết định được việc nào là đúng và việc nào là sai.

          Ða số dân Việt Nam đều thờ cúng ông bà, theo Ðạo Khổng Mạnh giống như người Trung Hoa, nên Ðạo Phật được truyền vào đây một cách dễ dàng không khó khăn mấy, và cũng chính nhờ những Thái Thú coi đất Giao Châu như Sĩ Nhiếp sùng bái Ðạo Phật nên giáo lý của Ðức Phật càng ngày càng phổ cập trong nhân gian Việt Nam nhiều hơn. Ban đầu chỉ là những nghi lễ có tính cách cúng dường Ðức Phật, như tán tụng, dâng hoa, quả, xây chùa cho có chỗ cho những vị truyền giáo ở, đúc chuông, tạc tượng để cho có nơi để Phật Tử chiêm bái, lui tới thiền môn, và chính những vị Tu sĩ này đã phiên dịch những kinh điển bằng tiếng Phạn ra tiếng Hán tiếp tục để truyền bá cho người Việt Nam. Thuở bấy giờ người Việt Nam bị Bắc thuộc lần thứ nhất ( - 111 đến thế kỷ thứ 6) nên văn hóa của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi Hán văn của Trung Hoa, nên đã không cần dịch ra chữ Việt Nam (lúc bấy giờ chỉ có tiếng mà chưa có chữ theo mẫu tự A, B, C...). Người Việt Nam học hỏi giáo lý của Ðức Phật và thực hành theo những giáo lý ấy để dần dà biến thành một tôn giáo của dân tộc từ triều Lý đến triều Trần trong những thế kỷ 11, 12, 13 và 14 của Việt Nam.

      Và ngày nay trong tất cả tôn giáo, Phật Giáo cũng bị chung số phận là không được truyền bá rộng rãi trong dân gian, quần chúng Phật Tử nữa, mà chỉ thu hẹp lại trong phạm vi thật hạn hẹp, chỉ có tính cách tín ngưỡng hơn là một tôn giáo lớn đem văn hóa của mình ra đóng góp cho quốc gia như trong những thế kỷ trước, nhưng không vì thế mà người dân Việt Nam mất đi niềm tin yêu với Phật Giáo. Vì lịch sử đã chứng minh rằng: Ðạo đức bao giờ cũng tồn tại với thời gian trên cõi thế này và chính thể hay chính quyền chỉ có tính cách giai đoạn mà thôi....

          Ðạo Phật cũng đã hiện diện với dân tộc của Quý vị (Ðức) cũng đã hơn một thế kỷ nay, qua các nhà truyền giáo của người Nhật, người Tây Tạng, người Tích Lan và Việt Nam chỉ mới trong thập niên 50 trở lại sau này. Chúng tôi thấy rằng mặc dầu đất nước của Quý vị đã có sẵn một tôn giáo lớn, đó là Thiên Chúa và Tin Lành, nhưng Quý vị đã đón nhận và giúp đỡ chúng tôi thật tận tình và không phân biệt màu da hay tôn giáo, mà còn khuyên giúp người Việt Nam nên bảo tồn những sản phẩm tinh thần đó song song với việc hội nhập vào đời sống hằng ngày đối với dân tộc Ðức. Chúng tôi đoan chắc rằng: với tinh thần này Phật Giáo Việt Nam cũng sẽ cố gắng đóng góp với Văn Hóa của Quý vị cho xứng đáng là những người con Phật học hỏi và thực hành giáo lý trí tuệ và tình thương của Ðức Phật.

          Chúng tôi, những người Việt Nam và những người Phật Tử Việt Nam hiện cư ngụ tại Cộng Hòa Liên Bang Tây Ðức luôn luôn nhớ ơn chính quyền và nhân dân Tây Ðức đã giúp đỡ cho vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa Phật Giáo tại đây ngày càng phát triển vững mạnh và đảm bảo được giá trị tinh thần của những người theo Phật một cách sáng suốt, chân thật.

          Qua sự khảo sát và nhận xét trên về Phật Giáo đối với một nền văn hóa dân tộc, ta có thể kết luận như sau: "Khi một dân tộc, một quốc gia phú cường, thịnh vượng, là vì dân tộc đó chuộng những giá trị tinh thần như đạo đức, luân lý, văn hóa ngoài những sự phát minh về khoa học có tính cách vật chất. Ngược lại một dân tộc bị suy vi, một nền văn hóa thiếu đạo đức và thiếu sự đóng góp tinh hoa của nhiều tôn giáo khác nhau thì dân tộc ấy sẽ sa vào hố độc tôn và sẽ bị biến đổi theo đà thoái hóa của luật tự nhiên".

          

          THÍCH NHƯ ĐIỂN

 

 

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008