NHỚ MỘT BẬC THẦY

Thích Viên Lý

 

     Như một cõi riêng tư vô phiền nhiễm, Thầy ngồi đó với tất cả sự trầm tỉnh, an lạc, thanh thoát, tự tại và tươi mát. Thầy đã huân tập đạo phong khả kính này qua suốt cuộc đời tu tập của Thầy. Thầy đã dự kiến được cái ngày mà thế nào trong cuộc sống phù hư này, chắc chắn Thầy sẽ phải đối mặt! Thầy ngồi đó không nói năng gì mà thực sự Thầy đã nói lên tất cả. Không thiết tha với sự ăn uống, không quan tâm đến cảnh mất còn. Có gì quan trọng  trong đời sống tạm bợ này khi mà ở cuối cùng của lằn sống tất cả đều trở thành vô nghĩa ngoại trừ sự yên tỉnh tuyệt đối của tâm hồn! Quả thật thời gian lao đi quá nhanh, nhanh hơn cả một đường tên bắn. Gần bảy mươi năm mà cứ tưởng mới như hôm nào!

      Những hình ảnh thân thương ngày nào của Thầy nơi Tổ Đình Thập Tháp - Bình Định, rồi Huế, Nha Trang, Phan Thiết, Sài gòn… và Galang, Hoa Kỳ, Úc, Nhật, Âu và còn nhiều, nhiều địa danh khác nữa, thoáng chốc bị chìm dần vào quên lãng. Tất cả còn lại chỉ là cái quá vãng mà khi đối cảnh tâm thức thoạt hiện như một gợi nhớ mong manh về một mảnh đời không tên gọi. Cùng lắm thì cũng chỉ là kỷ niệm, một kỷ niệm tự nó không nói lên điều gì trừ những giả danh như những trò đùa trên sân khấu đời thường.

     Cái giá của sự sống đắc quá. Sự giới hạn của sức người làm sao có thừa khả năng để vượt thoát. Càng không vượt thoát nổi khi những chất tố của tứ đại không được điều hòa. Ai cũng thừa  biết sự bất điều hòa của tứ đại nhiều lúc làm cơ thể Thầy đau lắm, nhưng vốn được trang bị sẳn những nhận thức thấu triệt về thật tướng của mọi hiện tượng, Thầy bình thản nhìn thẳng vào thực trạng khổ đau của cuộc đời, Thầy cười. Một nụ cười bao dung, hỷ xã. Nụ cười nở trên hiện thực khổ đau chẳng khác gì đóa sen tươi thắm, ngạt ngào nở trên vũng bùn lầy hôi tanh mà tự thân  vẫn cứ là tịch nhiên vô nhiễm. Bằng tất cả sự an nhẩn, tự tại, rộng lượng, khinh an… Thầy thấy rõ bản chất huyển hư của một  kiếp người. Thầy Ung dung, tự tại vượt lên trên sự hành hạ của cái đau thể xác. Thầy thanh thản, an nhiên đối diện với những thách đố của cuộc đời. Lấy hỷ xả đáp lại hơn thua, đem bao dung đối trả hiềm khích. Phong thái cao vời đó của Thầy tự nó nói lên cái phẩm giá cao trọng của một bậc chân tu thạc đức, còn ngôn từ nào đẹp hơn để biểu đạt trọn vẹn phẩm hạnh cao quý vô giá ấy của Thầy.

     Mỗi lần đến thăm Thầy, tôi cứ tưởng là mình đang đứng trước Ca-Lợi-Sắc-Tra. Có thể nói Thầy là hiện thân của nhẫn nhục, bản thân của tuệ giác, trụ cột của chuyển hóa và chất liệu của  thương yêu. Những câu nói đầy ẩn dụ của Thầy là những câu nói có sức chuyển hóa người nghe rất lớn: “ Phật đang có mặt trong Thầy, Bồ Tát Quán Âm cũng đang có mặt trong Thầy”, “ Phật cho Thầy ăn, Chư vị Bồ Tát cho Thầy ăn. Đầy đủ, rất đầy đủ”, ấy vậy mà Thầy ít khi thấy đói dù có lúc Thầy nhịn ăn suốt cả tháng ròng. Nhịn ăn một thời gian dài mà có thể sống còn thì hiểu được, nhưng nhịn uống suốt cả tháng trường quả thật đã là một thắc mắc lớn và ngạc nhiên vô cùng đối với những người đang có thẩm quyền về y học.

     Khi còn sinh tiền, có những câu Thầy nói mà tự nó biểu tỏ được sự thể chứng thể tính bất nhị của sắc không: “ Pháp hỷ thực, Thiền duyệt thực mới đích thật là món ăn quan yếu của sự sống, tôi đã và đang sống bằng và với những dưỡng tố quan yếu đó. Ăn mà không ăn, không ăn nhưng ăn, thế mới ngộ chứ”. Đã mấy ai hiểu được thực sự Thầy muốn nói gì! Thương Thầy, ai cũng thỉnh mời Thầy ăn uống. Nhưng không, rất nhiều lần Thầy nhẹ nhàng từ khước, vì hơn ai hết, Thầy tự biết Thầy đang cần gì.

     Ở vào những tháng năm mà bối cảnh xã hội tác động mãnh liệt đến tình tự nhận thức của con người, viễn tượng dung hợp thật sự hãy còn chưa lộ dạng, Thầy ngồi đó như một gạch nối cần thiết. Thầy liễu triệt trọn vẹn rằng, đồng thuận thật sự và lâu dài phải là một đồng thuận dựa trên căn bản Lục hòa, không ai là người thua, kẻ thắng. Ý thức rõ điều đó, Thầy cố gắng giữ vững vai trò Trung đạo dẫu rằng đó là việc của Chùa hay Phật sự chung của Giáo Hội trong, ngoài …

     Kỹ lưỡng, nghiêm túc, chừng mực, tận tụy là những đặc tánh nổi bậc của Thầy ngoài những tâm hạnh căn bản như tri túc, thiểu dục, một lòng hy hiến cho đời, cho đạo với tinh thần vị tha, vô ngã triệt để.

      Trước ngày Thầy vĩnh viễn từ giã cuộc đời, một cách âm thầm, chúng tôi vào thăm Thầy khi Thầy đang điều trị tại bệnh viện. Một mình, tươi tỉnh, Thầy vẫn nhìn tôi và cười một cách an nhiên, đôn hậu, dù lúc ấy Thầy không còn nói được. Cơn đau nghiệt ngã đã cướp đi giọng nói ngọt ngào, từ ái đầy vị tha của Thầy… nhưng, có sá gì những chướng duyên bé nhỏ ấy, Thầy vẫn tiếp tục nói bằng ánh mắt thương yêu trìu mến, bằng những nụ cười thanh thoát, vô ưu. Thầy vẫn thản nhiên như chẳng việc gì xảy ra trên cõi trần đầy lao lung, tục lụy. Ôi đáng kính, đáng phục biết dường nào!

     Thế rồi, ngày Thầy viên tịch, nơi ngôi Chùa mà Thầy đã khổ công xây dựng trong bao năm trời, lặng nhìn lên bàn thờ đầy hương trầm quyện tỏa, vẫn nụ cười bao dung hoan hỷ đó, Thầy như đang nhắn nhủ với đời: “ Hãy vui lên mà hành đạo, hãy buông bỏ, đừng thủ trước, vì thủ trước là vướn mắc. Có chi trường cửu trên thế gian tạm bợ này mà phải khổ sầu, vương vấn. Tất cả đều huyển hư, mọi hiện tượng đều sinh diệt, biến dị. Hãy sống với một cái tâm thật sự thanh tịnh, thật sự an lạc, vì chết đâu có nghĩa là chấm dứt mọi sự, ta sẽ trở về như một bắt đầu cho một hành trình mới, sẽ làm nhiều hơn, làm đến chỗ rốt ráo không còn gì để làm và đi đến tận cùng nơi không còn chốn nơi để đến. Hãy vui lên và quên đi tất cả. Chỉ có tuệ giác siêu việt mới là cái vốn vô giá. Chúng ta đang và sẽ gặp nhau trong tuệ giác siêu việt này”. Cảm nhận được sự nhắn nhủ sâu sắc của Thầy qua nụ cười, ánh mắt, tôi cố gắng vui, nhưng những giòng cảm xúc thì cứ lại dâng trào, nhất là trong giờ phút Trà tỳ nhục thân Thầy giữa tiếng kinh cầu đầy thanh thoát! Chính những giây phút ấy, hơn lúc nào, tôi chợt nhìn ra được một thật tế đặc hữu: Thân người huyễn hóa, nhưng tình đạo thì thâm viễn mênh mông! Tự biết mình vượt nhưng vẫn chưa tự vượt, tôi sụp lạy trước giác linh Thầy, Thầy Thích Thiện Trì, bậc minh sư cao cả như một trọng kính vô biên.

          Nhân ngày Lễ Tiểu Tường của Thầy, trong tâm tình của một người sư đệ, xin chân thành dâng lên Thầy mấy vần thơ quê kệch để thay thế cho nén tâm  hương:

 

Từ cõi vô cùng vào nhân giới

Cửa Không hôm sớm trải lòng ra

Tử sinh một mái chèo lênh láng

Biển Pháp mênh mông trăng hiện đầy

 

Đùa vui đầu ngọn sóng sanh tử

Tự tại cuối giờ kiếp huyễn sinh

Đi đến cợt cười như gió thoảng

Chòm cây lùm trúc rộn niềm vui

 

Nguyện mãn quay về quê chốn cũ

Tên gọi còn không há lũy cương

Không tánh chân thường siêu giới ngoại

Dạo chơi thơi thảnh cõi vô cùng.

 

Thích Viên Lý

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008