Nhân Mùa Phật Ðản
Bàn Về Tích Ðản Sanh
TÂM DIỆU

Hàng năm cứ vào mỗi độ tháng tư âm lịch là hoa sen bắt
đầu nở. Hoa sen nở báo hiệu mùa Phật Ðản trở về như để đón mừng Ðức Thế Tôn
ra đời. Lịch sử kể rằng bà Ma Da, công chúa của một nước láng giềng, là phu
nhân của vua Tịnh Phạn nước Ca Tỳ La Vệ, khi có thai, theo phong tục của xứ
mình phải trở về quê mẹ để sinh nở. Trên đường về, trong lúc dừng chân nghỉ
ngơi tại vườn Lâm Tỳ Ni, hoàng hậu Ma Da đã hạ sinh Thái tử. Khi Thái Tử
sinh ra thì được chư Thiên đến nâng đón và tắm rửa. Sau đó, lúc để xuống
đất, Ngài đã bước bảy bước và dưới mỗi bước chân là một bông sen nở. Thái Tử
đưa tay lên trời mà nói: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn".
Ðó là bảy bước chân và lời nói đầu tiên của Ngài. Ai là
người Phật tử cũng biết lịch sử Phật Ðản Sanh cùng những lời giải thích khác
nhau về ý nghĩa bảy bước đi và lời tuyên thuyết đầu tiên này. Có nhiều
người, trong cũng như ngoài đạo Phật, thắc mắc không hiểu vì sao đạo Phật là
đạo phá ngã chấp mà đức Phật lại nói chỉ có Ngài là tôn quý nhất, không
những trong thiên hạ mà còn khắp các cõi trời và cõi người nữa. Có nhiều vị
lại cho rằng tất cả hàng trời người đều tôn xưng Ngài là "Ðấng Thế Tôn" thì
như thế câu nói trên cũng không phải sai và cũng không trái với giáo lý giải
thoát... vân vân và vân vân. Thật ra trong kinh Phật, có giải thích sự kiện
này. Hôm nay nhân mùa Phật Ðản, người viết xin được trình bầy thêm, y cứ vào
kinh điển và ý nghĩa lời kinh, để làm sáng tỏ.
Về câu "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn"
dịch ra tiếng Việt là: "Trên trời dưới trời, chỉ có ta là tôn quý".
Câu này chỉ là một phần câu, được ghi trong Kinh Sơ-Ðại Bản-Duyên
trong bộ Kinh Trường A hàm Quyển Một, một quyển kinh ngắn lược thuật
nhân duyên giáng sanh, thành đạo và giáo hóa của bảy đức Phật trong thế giới
Ta Bà. Nguyên văn câu đó được dịch như sau: "Trên trời dưới trời, duy
ta là tôn quý, ta muốn cứu độ chúng sanh khỏi vòng sinh già bệnh chết"
[1][2]. Ðó là lời Ðức Phật Thích Ca thuật lại khi Ðức Phật Tỳ Bà Thi, vị
Phật thứ nhất bổ sanh trong thế giới Ta Bà, ra đời đã nói lên lời như vậy,
cũng giống như Ngài (Phật Thích Ca) đã nói lên lời như vậy, và "ấy cũng là
thông lệ của chư Phật" [3]
Xét về mặt ngôn ngữ, câu trên cho thấy rằng chỉ có
Ngài là bậc tôn quý nhất trong loài người và trời, Ngài đã thoát khỏi vòng
sanh tử luân hồi và thị hiện cõi Ta Bà để cứu độ chúng sinh thoát khỏi vòng
sinh tử như Ngài. Tuy nhiên, nếu xét về mặt ý nghĩa của câu nói,
chúng ta nên hiểu chữ "Ta" trong câu "duy có ta là tôn quý" không
phải là cái Ta của Thái Tử Tất Ðạt Ða, một cái Ngã sinh diệt như cái Ngã của
trăm ngàn chúng sinh khác. Chữ Ta ở đây chính là Phật Tánh,
là Chân Tâm, chẳng hề sanh chẳng hề diệt, hoàn toàn thanh tịnh, là
cái xa lìa tất cả những cái gì gọi là đối đãi. Cái Ta đó hay cái Ngã đó
chính là Chân Ngã, chính là Pháp Thân thường trụ, không bao
giờ hoại, bao trùm khắp không gian và thời gian. Trong kinh Ðại Bát Niết
Bàn, phẩm Như Lai Tánh, đức Phật dạy: "Ngã tức là nghĩa Như Lai tạng. Tất
cả chúng sinh đều có Phật Tánh tức là nghĩa của ngã. Nghĩa của ngã như vậy
từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sinh
chẳng nhận thấy được." Cũng trong kinh này (Phẩm Tứ Tướng), Phật nói rõ
"thân của Như Lai tức là Pháp Thân, chẳng phải thân thịt máu mạch gân
xương tủy hợp thành. Vì tùy thuận thế gian mà thị hiện vào thai mẹ, vì tùy
thuận cách sanh của chúng sinh mà thị hiện làm đứa trẻ...".
Thật ra, Phật Tánh hay Chân Tâm hay Chân Ngã hay Pháp
Thân là một cái gì khó hiểu, khó nhận biết và khó trình bày vì thực chất của
nó nằm ngoài ngôn ngữ, ngoài thế giới tương đối hiện tượng. Chúng ta chỉ có
thể biết qua nhận thức, qua kinh điển rằng: Phật Tánh là một cái gì đó chỉ
có người chứng ngộ mới biết được, là một cái gì đó "không sanh không diệt,
không đi không đến, chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại, chẳng phải do nhân
làm ra, cũng chẳng phải không nhân, chẳng phải tự tác, chẳng phải tác giả,
chẳng phải tướng, chẳng phải không tướng, chẳng phải có danh, chẳng phải
không danh, chẳng phải danh sắc, chẳng phải dài ngắn, chẳng phải nhiếp trì
trong ấm, giới, nhập...".
Khi nói về Phật Tánh, Ðức Phật thường dùng phương cách
lìa tứ cú để dạy chúng ta, có nghĩa là lìa khỏi bốn kiến chấp hay bốn
phạm trù thế gian tương đối: có, không, cũng có cũng không, chẳng có chẳng
không. Ngoài ra Ngài cũng dùng tỷ dụ hay phương thức ngụ ngôn, hàm
chứa những ý nghĩa thâm thúy, ám thị lý tuyệt đối mà chân lý tuyệt đối này
không thể dùng lời trực tiếp mà giảng giải vì lời chỉ là khí cụ diễn đạt cái
tư tưởng tương đối, cái có hình, có tướng trong thế giới nhị nguyên. Như
khi nói về Chân Tâm Phật Tánh, ngài kể trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn về một cô
gái nghèo, trong nhà có kho vàng ròng mà không biết, đến khi có người khách
khéo biết phương tiện chỉ cho chỗ cất giữ kho báu, cô trở nên giầu có. Người
khách khéo biết phương tiện dụ cho Phật, cô gái nghèo dụ cho vô lượng chúng
sinh hiện bị các phiền não che đậy và kho vàng ròng chỉ cho Phật Tánh Chân
Tâm. Câu chuyện gã cùng tử hay viên ngọc châu trong đáy túi áo trong Kinh
Pháp Hoa cũng tương tự.
Như vậy, khi nói câu "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã
độc tôn" Ðức Phật, lúc ấy là Thái Tử Tất Ðạt Ða, không nói về cá nhân
ngài, về cái thân tứ đại ngũ uẩn sinh diệt, mà nói về cái Tâm Chân Thật,
cái Ngã Chân Thật của chúng sinh. Chính cái Tâm đó mới là tôn quý,
mới là tối thượng và cái Tâm Chân Thật đó chính là Tâm Phật mà ai ai cũng
có, bất luận giầu nghèo sang hèn, bất luận mầu da ngôn ngữ, bất luận tôn
giáo chính kiến.
Bây giờ nói về bảy bước chân trên bảy đóa sen nở của
Phật. Tại sao không phải là ba bước, bốn hay năm bước. Có người giải
thích Ngài bước bảy bước là vì "Ngài là vị Phật thứ bảy", tiếp nối sáu vị
Phật đi trước, mà bắt đầu là Phật Tỳ Bà Thi. Có người khác giải thích bảy
bước là tiêu biểu cho bảy đại: địa đại (đất), thủy đại (nước), phong đại
(gió), hỏa đại (lửa), hư không đại, kiến đại, và thức đại; còn bảy đóa sen
nở tượng trưng cho sự thành Phật của bảy hàng để tử Phật gồm Tỳ kheo, Tỳ
kheo ni, Sa di, Sa di ni, Thức Xoa ma na, Ưu bà tắc, và Ưu bà di,...vân vân
và vân vân.
Thật ra, con số bảy trong Phật giáo có rất nhiều tiêu
biểu. Ngoài thất đại còn có thất bồ đề phần tức bảy cấp bậc tiến đến giác
ngộ, biểu tượng cho trình tự tu chứng. Thêm vào đó, còn có thất giác chi,
tức bảy pháp của người Phật tử cần phải tu tập để tiến tới giải thoát (Niệm
Giác chi, Trạch Pháp Giác chi, Tinh Tấn Giác chi, Hỷ Giác chi, Khinh An Giác
chi, Ðịnh Giác Chi, Xả Giác chi). Trong Kinh Thập Thượng thuộc bộ Kinh
Trường Bộ, Ðức Phật có nói tới mười thứ "bảy pháp" [4] tổng cộng là bảy mươi
pháp đã đưa Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác (bảy tài sản,bảy giác
chi,bảy thức trí,bảy tùy miên, bảy phi diệu pháp, bảy diệu pháp, bảy thượng
nhân pháp, bảy tưởng, bảy thù diệu sự, bảy lậu tận lực).
Con số bảy mang nhiều biểu tượng như trên và bảy bước
chân đầu tiên của Phật cũng có thể mang hàm ý như thế, tuy nhiên, ai là
người Phật tử thấm nhuần đạo Pháp cũng đều hiểu rằng, không phải Phật chỉ
bước có bảy bước với bảy bông sen nở dưới chân mà là bước vô lượng bước
trong khắp cõi Ta Bà, trong khắp không gian vô tận và thời gian vô cùng.
Không một chỗ nào, không một sát na nào mà không có bước chân Phật, mà không
có hoa sen nở.
TÂM DIỆU

Cước Chú:
(1) Hòa Thượng Thích Thiện
Siêu, Kinh Trường A Hàm, Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản năm 1986, trang 8.
(2) Hòa Thương Thích Minh
Châu, trong Kinh Trường Bộ tập 1(Kinh Ðại Bổn), Viện Nghiên Cứu Phật Học
Việt Nam ấn hành năm 1991, trang 453 dịch là: "Ta là bậc tối thượng ở trên
đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời
sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa".
(3) Hòa Thượng Thích Thiện
Siêu, Kinh Trường A Hàm, Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản năm 1986, trang 8
(4) Hòa Thượng Thích Minh
Châu, Kinh Trường Bộ, Tập 2, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành năm
1991, trang 666-670
Nguồn:
www.thuvienhoasen.org
|