BỨC TRANH ĐÀN GÀ

LÊ BÍCH SƠN

 

          Với tôi, ngày xuân là những ngày đẹp nhất của một năm, và có lẽ cuộc đời đẹp nhất ở thời thơ ấu. Ở tuổi 30 nhìn lại, tuổi thơ của tôi đã trôi qua tự bao giờ, tất cả những gì tôi có thể nhớ cũng chỉ là một dấu chấm mờ xa xăm. Cái dấu chấm mang theo trong nó cả một vùng trời để thương, để nhớ và để ưu tư… Nhớ gì và thương gì? Đó là cả một thiên hồi ký. Trong thiên hồi ký ấy, bao giờ hình ảnh kính yêu của Mẹ cũng được đặt ở nơi trang trọng nhất…

        Ngày ấy, so với hai em Phương và Trâm, tôi là người được Mẹ cưng nhiều nhất, Mẹ dành cho tôi những gì Mẹ có thể. Bao giờ cũng vậy, phần quà ngon nhất cho những đứa con đều thuộc về tôi; Tết về áo quần của tôi bao giờ cũng bảnh bao hơn… và dĩ nhiên là tôi vô cùng “hãnh diện” với hai em về “phần thắng” này. Tôi không hãnh diện sao được, khi mà dưới “cái vòm trời có bốn người” ấy, tôi đã “hoàn thành nhiệm vụ” mà những người còn lại đều “nạnh” cho tôi. Ngày đó, là con trai duy nhất trong nhà, “nhiệm vụ” của tôi là lo việc nhang đèn các bàn thờ, bên cạnh đó tôi còn quán xuyến khá nhiều công việc như: giúp Mẹ lấy và gói thuốc cho bệnh nhân, tôi biết leo lên “con ngựa sắt” để chạy qua đại lý thuốc Tây bên kia cầu Diêu Trì mà cất cao tiếng: “Cô Ngọc Anh ơi! Bán cho Má con 20 viên “móc dù”, 5 viên “con nhộng”, 1 chai “thuốc đỏ”. v.v….”, khi Mẹ bận việc, tôi còn biết hướng dẫn các em tập đọc, và mỗi khi Tết đến tôi là người duy nhất dám… đốt pháo. Bao giờ Mẹ cũng luôn dành cho tôi nhiều “đặc ân” hơn cả.

        Thưở nhỏ, năm nào cũng vậy, tôi trông Tết đến thật mau và trông đến kỳ nghĩ học để được vui chơi thoả thích. Cứ mỗi tháng Chạp âm lịch hàng năm, từng ngày tôi bắt đầu nhắc Mẹ: “Còn mấy ngày nữa Tết rồi !” với lòng hân hoan kỳ lạ. Tôi hân hoan chờ đợi vì Tết đến tôi được mặc áo mới, được Mẹ chở đi chùa và thăm bà con, được yêu cầu mọi điều, nhưng thích nhất là Mẹ không bao giờ dùng những “hình phạt nghiêm khắc” đối với tôi vào những ngày này. Và dĩ nhiên, khi tôi hân hoan thì cũng chính là lúc Mẹ tôi bắt đầu phải thêm “nặng gánh lo âu”: nào lo Tết, nào lo lễ nghĩa và lo cả những gánh nợ cuối năm… Một tay Mẹ bương chải, một mình Mẹ lo toan, đôi vai Mẹ gánh cả một gia đình với ba đứa con thơ dại… Tôi vẫn còn nhớ như in cái hình bóng Mẹ tôi vừa ngồi bán thuốc Tây, tay vừa gọt Gừng, vừa hỏi bài chúng tôi, vừa trông coi gia đình.v.v. mà sau này lớn lên tôi thường gọi đùa với Mẹ là “Bà Mẹ Ba trong Một”. Những ngày giáp Tết, hình ảnh Mẹ tôi còn là người đàn bà thức đêm ngồi đợi sương xuống để đem bột bánh hong trên mái nhà, phải canh chừng nồi bánh Tét và cả giấc ngủ “ba cục nợ” của Mẹ nữa…

        Có một năm Mẹ đau nặng lúc Tết sắp đến, mọi công việc gia đình một tay Mẹ lo không hết, Mẹ ngã quỵ. Bà Nội thương Mẹ nên đưa chúng tôi về phía Nội để Mẹ tôi nghỉ ngơi, và Bà chăm sóc cho Mẹ, hai em không chịu xa Mẹ. Thửơ ấy, với tôi được thoát khỏi “tầm kiểm soát” của Mẹ là một điều vô cùng hy hữu, vả lại không gian đồng quê ở bên Nội trong đôi mắt trẻ thơ của tôi là cả một thiên đàng, tôi tha hồ bay nhảy mà không phải sợ những con “quái vật bằng sắt” (xe hơi) nơi phố thị, ở đó lũ trẻ cùng trang lứa như tôi nhìn tôi với đôi mắt đầy “nể phục”; và vì Bà tôi là người Huế nên năm nào ăn Tết cũng đầy đủ mọi thứ bánh mứt mà gia đình tôi không có… 25 Tết, tôi chào Mẹ để lên phía Nội với lời trách thầm: “Trên nhà Nội lúc nào bánh mứt cũng nhiều hơn nhà mình, nhà Nội có cả một vườn hoa thật đẹp nữa, chứ đâu như nhà mình….” rồi bước lên xe. Mẹ tôi nhìn theo nước mắt chảy ròng…

        … Sự hiện diện của tôi trong gia đình khiến Ông bà tôi vui hơn, thời gian mà Ông bà Nội dành cho tôi cũng nhiều hơn, tôi được nghe kể nhiều chuyện về phía Nội cùng những chuyện cổ tích mà Mẹ tôi chưa bao giờ kể.v.v. những điều ấy khiến tôi thích nghi rất nhanh với không gian sống mới mẻ này… Chiều tối 30 Tết, khi tôi đang phụ Ông bà Nội xếp bánh mứt vào dĩa dâng lên các bàn thờ, thì Mẹ tôi đẩy cổng bước vào. Thân Mẹ mệt lả, mắt Mẹ buồn tuênh! Bao giờ cũng vậy, Mẹ luôn nhỏ nhẹ. Mẹ thưa với Ông bà xin đưa tôi về lại nhà để ăn Tết, Mẹ nói Mẹ nhớ tôi nhiều, Mẹ không thể xa tôi trong những ngày gia đình sum vầy đón Tết, vừa nói Mẹ vừa khóc…

        Trời miền Trung mỗi độ Xuân về mang theo cái lạnh dù không buốt giá nhưng cũng đủ “thấm da thấm thịt” và những cơn mưa phùn gợi lên trong lòng cảm giác buồn nao nao. Con đường từ nhà Ông bà nội đến nhà tôi hơn mười cây số, tôi ngồi phía sau nhìn Mẹ mệt mỏi vừa đạp xe vừa khóc. Lúc ấy, tôi không hiểu vì sao Mẹ khóc, Mẹ bảo tôi hứa với Mẹ một điều là không bao giờ bỏ Mẹ đi nữa, tôi “Dạ !” rồi ôm Mẹ khóc theo. Mẹ chở tôi đến một chợ Hoa mua cành mai và hai chậu Thược Dược, rồi bảo tôi chọn loài hoa tôi thích nhất. Biết Mẹ không có tiền, tôi chọn chậu Vạn Thọ Đà Lạt... Về đến nhà, hai em Phương và Trâm đang khóc, thấy Mẹ và tôi chúng lau nước mắt rồi nũng nịu: “Má bảo ra chợ một chút, vậy mà….!”

        Năm ấy, đón Tết không có pháo. Giờ giao thừa đến, Mẹ nhìn sang các nhà bên cạnh, nhìn vào mắt chúng tôi… Im lặng. Mẹ thay áo mới cho ba anh em chúng tôi, rồi bảo theo Mẹ đến các bàn thờ lạy Phật và cúng ông bà tổ tiên. Mẹ thắp nén hương, đôi mắt buồn vời vợi. Cúng xong, Mẹ bảo chúng tôi đến bên bàn để Mẹ “Lì-xì”. Ba anh em chúng tôi ai cũng có phần, ngoài số tiền “Lì-xì Tết”, Mẹ bảo Mẹ đã “Lì-xì” cho mỗi “đứa” một chậu hoa cho năm cũ rồi. Riêng tôi, Mẹ “Lì-xì” thêm bức tranh “gà mẹ và ba con” nữa. Rồi Mẹ bảo mỗi đứa phải chúc Mẹ một câu. Tôi là anh cả, phải làm gương, cúi đầu lí nhí: “Con cầu Ông Phật trên chùa Bà Lương* cho Má được khoẻ mạnh và sống lâu trăm tuổi để nuôi chúng con !”. Mẹ rưng rưng nước mắt, mắn yêu: “Sống lâu, con cái bỏ Má đi hết Má sống với ai !” tôi không biết phải trả lời như thế nào, chỉ im lặng cúi đầu… Mẹ bảo chúng tôi ngồi quây quần bên Mẹ, tay cầm bức tranh Mẹ chỉ vào chú gà con đang đối mặt với chú ếch, trong khi bên bụi chuối gà mẹ đang cùng hai chú gà con khác mổ thức ăn. Mẹ bảo: “Đây là anh trai ham chơi, muốn bỏ nhà “đi rông”, nên gặp phải rắc rối. Lớn lên gà con đừng bỏ Má đi nha !”. Mẹ ôm tôi khóc thật nhiều. Sáng mồng Một Tết, mắt Mẹ đỏ hoe!

*

*        *

        Cuộc sống như một dòng chảy, cuốn đời tôi đến những ngõ đời xa lạ, những bước chân tôi ngày càng xa dần mảnh đất tôi từng sinh ra. Tôi đi và đi mãi! Thời gian vô tình, bước chân vô định, cuộc thiên di của tôi có lẽ cũng sẽ là vô biên. Bao năm tôi xa Mẹ, có những đêm không ngủ, có những tháng ngày phiêu lãng đơn côi dưới đất trời, có những chiều một mình thơ thẩn nhìn về phía chân trời xa xăm, hay những khi đời tôi rơi vào vực thẳm khổ đau và tuyệt vọng… bao giờ tôi cũng gọi thầm hai tiếng “Má ơi !”. Và cũng đã bao nhiêu lần hồi tưởng lại tuổi thơ, bao lần tôi nhớ đến bức tranh đàn gà, cũng là bao lần tôi khóc và nhớ Mẹ. Tuổi thơ trôi qua, anh em chúng tôi giờ đã lớn khôn, mỗi người mỗi “nghiệp”, các em gái sống gần với Mẹ, chỉ có tôi làm thân du tử phiêu bạt bốn phương trời.

        Chiều cuối năm, ở một nơi thật xa quê hương, bức tranh đàn gà lại hiện về trong tôi. Trong bức tranh đó, vẫn căn nhà xưa, vẫn tháng ngày cơ cực, vẫn bóng dáng “gà mẹ hiền hoà bới thóc cho con”, nhưng hình ảnh chú gà con ngày nào giờ đã đi xa. Xa lắm!

 

Đại học Delhi, cuối Đông 2003

LÊ BÍCH SƠN

 

 

 

Chú thích:  

* Chùa Bà Lương là tên dân gian thường dùng để gọi Chùa Khánh Lâm. Nếu gọi đúng phải gọi là “Chùa Bàu Lươn”, vì ngày xưa phía trước ngôi chùa này có một cái bàu rất lớn, trong bàu có rất nhiều lươn. Theo thời gian, tên gọi truyền khẩu dân gian từ “Chùa Bàu Lươn” đã gọi “trại” thành “Chùa Bà Lương”.

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008