Ở cõi Thu Vân

BẢO TRÂM

 

       Tháng 9, năm...

       Vu Lan qua đã 3 ngày rồi, hôm nay Trâm mới biết. Hình như đã nhiều năm rồi Trâm đã quên bẵng đi mùa Vu Lan. Chả bù với ngày xưa còn bé, cứ đến mùa Vu Lan, Trâm nôn nao lắm. Nôn nao được mặc chiếc áo dài lên chùa, hát bài Bông hồng cài áo hay đôi ba bài tân cổ giao duyên cho các bác nghe. Nôn nao thật nhưng lại chợt buồn sao ấy khi người ta cài lên áo mình một đóa hoa màu trắng, trong khi bạn bè đang liến thoắng tươi cười với những bông hồng đỏ đậm tình trên áo. Bạn biết không, vừa hát bài Bông hồng cài áo, vừa nghĩ đến hoa hồng trắng đang ghim trên áo mình... lúc ấy, Trâm thấy tủi thân lắm. Mẹ của Trâm sao đi mãi không về!

       Bốn tuổi đầu, làm sao mà nhớ gì cho được! Cái ngày nhìn mẹ cười nói lần chót là ngày nào, ra sao, nắng hay mưa, thời điểm nào, giờ phút nào... Tất cả đã ở mịt mù, xa hơn vùng quên lãng. Cái quên lãng bất đắc dĩ của một đứa trẻ vừa lên bốn. Tiềm thức đã không cho phép nó vào sâu hơn nữa. Nó chỉ biết tự hỏi rằng sao mẹ đâu không về vuốt tóc, về ru nó ngủ. Sao mẹ đâu không về đón nó mỗi chiều tan trường mẫu giáo? Bà ngoại cứ chỉ những cụm mây trắng mà nói với Trâm rằng: Mẹ con đang ở trên trời đó! Vậy thôi! Mãi đến khi lên 10, lúc đã nhận thức được phần nào sự thật, tình cờ Trâm đọc quyển Mây Mùa Thu của Duyên Anh. Câu chuyện thằng bé mồ côi đi theo gánh hát cải lương. Mây Mùa Thu tựa như một khúc Nam Ai thật buồn. Buồn muốn khóc. Trâm đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, thậm chí đến thuộc lòng cả Lời Mở Ðầu của Duyên Anh trong quyển sách. Trâm không thích nói ngoa, Trâm đã thuộc lòng Lời Mở Ðầu ấy và, bây giờ 25 năm sau, Trâm vẫn còn thuộc như in, không sót một chữ. Ðoản văn ấy như sau: Mùa thu, mây thường trôi cả về một góc trời, tụ tập ở đấy. Người ta bảo mây xây thành. Có một cụm mây không thích trôi theo những cụm mây khác. Nó tách riêng ra, thoát lên cao và lang thang trên bầu trời bao la. Mười mấy năm rồi, tôi vẫn còn nhìn thấy cụm mây đơn độc ấy mỗi năm trời vào thu. Cụm mây đơn độc ơi, bay thơ thẩn nửa đời người, mà chẳng biết bay đến bao giờ mới thôi, bay đến bao giờ mới chịu dừng lại. Nhưng đừng nên dừng lại xây thành. Vì nếu dừng lại thì mây sẽ thành mưa và tôi sẽ không còn gì để nhớ nhung mỗi độ thu về...

       Trâm đã tưởng tượng mẹ mình là cụm mây trắng ấy, ở trên cao, chỉ cần ngửng đầu lên sẽ thấy, như lời bà ngoại đã nói. Cho dù sự thật có phũ phàng đến đâu, Mẹ Trâm là cụm mây trắng ấy, cứ lơ lửng giữa không trung trong vòm trời thu muộn, trôi mãi trôi hoài suốt cõi thời gian.

       Nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi, ngày Trâm đến tạ từ 22 năm về trước, hình như có nắng chan hòa trải dài trên lối đi. Trong cơn nắng Việt Nam xưa cũ ấy, Trâm hứa ra đi mai mốt Trâm về. Về làm gì nhỉ? Ðể thấy Mạc Ðĩnh Chi giờ là một công viên, mẹ Trâm đâu còn ở đó. Người ta đã biến nghĩa trang thành công viên, đám xương khô kia chẳng nghĩa lý gì!

       Trâm đã không giữ lời hứa ngày xưa. Trâm ra đi sẽ chẳng trở về. Quê hương đã chết từ độ đó. Thi sĩ Ðỗ Trung Quân ở quốc nội đã viết như thế này: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người (!)”. Ðúng thế, điều đó là điều tối cần thiết cho mỗi con người chúng ta. Cần thiết cho bản năng sinh tồn hay hơn thế nữa. Mẹ và Quê hương, tuy hai mà một. Vẫn biết vậy, thế nhưng... Quê hương của Trâm đã chết, nó đã qua đời từ ngày “thay ngôi đổi chủ” ấy. Nó đã thật sự chết từ độ đó. Cái Quê hương bây giờ làm sao Trâm nhớ! Cố nghĩ đến nhưng rồi vô vọng, cái tình cảm tự nhiên sao không đi theo. Câu trả lời quá đơn giản, viết thêm cũng bằng thừa. Trâm không quen biết nó! Bởi lẽ đó, Trâm cố vươn lên lớn nổi thành người, thành con người hôm nay, tuy không to tát, nhưng chưa bao giờ hổ thẹn với lương tâm và vẫn nuôi hy vọng thấy quê hương xưa sống lại giữa tro tàn.

       Giờ còn lại đây cái thế giới riêng tư của Trâm, do chính tay mình tạo dựng. Thế giới ấy, Trâm đặt tên là Thu Vân. Mây mùa Thu. Mẹ đã rời Mạc Ðĩnh Chi, Trâm mang mẹ Trâm về cõi Thu Vân nhé, nơi ấy may ra tìm chút bình an.

       Quê hương bây giờ, là cõi Thu Vân...

 

       BẢO TRÂM 

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008