GIÓ GIAO MÙA

BÍCH SƠN

 

       Minh nằm đó, nghe ngoài kia những cơn gió thoảng. Những cơn gió đầu mùa mang về chút lành lạnh của núi đồi Himalaya, gió không thổi mạnh như trên quê hương mà Minh từng sinh ra và lớn lên, gió chỉ hiu hiu làm những chiếc lá khô rơi rụng xuống thềm nhà tạo nên những đợt âm thanh lạ tai, Minh chợt liên tưởng đến những điệp khúc vô thường. Trong vô thức, Minh muốn đặt cho những cơn gió ngoài kia một cái tên thật thân thương. Minh nhớ đến cái thời xa xăm còn học tiểu học, Minh rất thích bài “Gió từ tay mẹ”, Minh cố lục lọi trong sâu thẳm ký ức cũng chỉ đủ để nhớ đề tựa và nhập nhoà hình ảnh một người mẹ ru con. “Gió từ tay mẹ” ư? Không, Minh không thể gọi những cơn gió nơi đất khách là gió của mẹ được. Dù rằng, Minh vẫn thường tâm niệm chỉ có những biên giới hành chánh chứ không có biên giới của con người. Minh lại miên man trong lôi cuốn của những suy tưởng. Minh nhớ cách đây không lâu, lần đó trên những dãy đồi Himalaya, Minh tình cờ nghe được lời một vị sư Tây Tạng: “Tôi không buồn vì kiếp sống lưu vong hay mất nước, với tôi đời sống của mỗi con người không lệ thuộc vào những biên giới hành chánh nhất định nào đó. Tôi chỉ buồn vì thảm cảnh những con người đã và đang làm khổ đau con người trên quê hương tôi và trên trái đất này”. Gió vẫn thổi… Minh cảm thấy người như bị cảm lạnh. Minh đến trước bàn Phật thắp nén hương cầu nguyện cho một “nhóm người” và cả cho Minh nữa… Chiếc chăn mỏng không đủ làm Minh cảm thấy ấm. Minh mở ngăn tủ, chiếc áo ấm Minh mang theo ngày nào vẫn nằm yên trong một góc, cũ kỹ và mỏng manh. Minh nhũ thầm “ba năm rồi còn gì!”. “Công án” vẫn chưa kết thúc. Từ “công án” mà Minh tự đặt cho riêng mình là thói quen mỗi ngày Minh dành 20 phút để quán chiếu hay nói đúng hơn là kiểm điểm lại mình, để nghĩ suy những vấn đề đối diện của cuộc sống, trước khi chìm vào giấc ngủ. Minh hẹn hôm sau nhé, 4 giờ sáng rồi còn gì! Minh với tay đóng cửa sổ phòng…

       Những tiếng “bíp bíp” cắt đứt cuộc dạo chơi của Minh lìa khỏi giấc mơ. Minh vươn vai choàng dậy… Trời ngoài kia hôm nay đẹp thật, cơn mưa nặng hạt chiều qua làm những tán lá xanh hơn, những đám sương mù giăng phủ trên những tàng cây, ánh nắng xuyên qua những cành lá tạo nên những tia sáng cùng chiều thẳng tắp, những tia nắng cuối thu hanh vàng pha trộn chút “bột màu” của sương mù trông nên thơ lắm… Minh muốn dùng nguyên ngày chủ nhật hôm nay cho một cuộc dạo chơi tự do trong cái thành phố đông nghịt dân cư này, một ý tưởng chợt loé sáng. Minh nhớ đến lời chú của Minh dặn ngày trước: “…những lúc buồn, những khi căng thẳng đầu óc, hãy nhớ đến cái thẻ đi xe buýt của trường”. Minh sửa lại quần áo, rồi cầm chiếc thẻ sử dụng giao thông công cộng miễn phí rời khỏi ký túc xá. Gió vẫn thổi…

       Minh bước lên chiếc xe buýt vừa đến. Số mấy nhỉ, đi về đâu? Minh không biết nữa, vì Minh không cố ý đi một tuyến đường nào và đến một nơi nào, Minh đi là chỉ để đi, con đường nào cũng là con đường, dù thẳng tắp hay uốn khúc, dù thênh thang trên những đại lộ ngoại ô hay chen chúc giữa phố thị đông người. Đời Minh cũng thế, chỉ là một con đường vô định, kiếp sống của Minh đã nhiều lần đi qua những khúc quanh bất ngờ, những đồi dốc hiểm nguy, những “tai nạn” tưởng không thể tồn tại. Vậy mà Minh vẫn đi, chuyến xe đời Minh vẫn lăn bánh. Minh tập cho mình sống theo một quan niệm “cũ rích” rằng: Đi rồi sẽ đến! Đến đâu, về đâu, nơi đó Minh vẫn chưa biết… Người soát vé hỏi xin tiền xe, Minh rút cái thẻ ép nhựa ra khỏi túi,  “sinh viên à?”, Minh khẽ gật đầu. Xe vẫn chạy…

       Ngoài kia, trên những con đường xa lạ, Minh thấy những người vô gia cư còn ngái ngủ bên những vỉa hè. Những chiếc bao bố làm chăn có đủ để giữ ấm cho đêm qua và cho mùa đông sắp đến không? Những con người đó sao? Họ là ai? Là đồng loại của Minh đó. Nếu là đồng loại của Minh tại sao có những con người “vung” cả vạn Đô la cho một cuộc chơi mà Minh vừa “điểm mắt” trên tờ “Times” sáng nay? Là bất công, là cuộc đời… Ừ nhỉ! Minh cảm thấy khoé mắt cay cay. Giấc mộng đêm qua dường như tan biến khỏi đầu óc của Minh. Minh nhận ra sự thật đôi khi trái ngược với những giấc mơ…

       Đêm qua, Minh mơ thấy mình đi trên những con đường quê nhà thẳng tắp, Minh nhận ra thành phố nho nhỏ vùng duyên hải miền Trung nơi Minh từng sinh ra và lớn lên đẹp lắm. Minh thấy những cao ốc chọc trời, Minh thấy ngoài đường người người ăn mặc lịch sự và cười vui, học sinh đến trường trong những bộ đồng phục sạch đẹp, sóng biển và gió tạo nên những khúc nhạc du dương, ngọn núi trước nhà Minh cũng xanh hơn Minh nghe rõ tiếng chuông chùa vọng ra từ đó,  Minh không thấy bóng dáng của những người hành khất, những nông dân lam lũ ngày nào giờ đã đổi thay, Minh không thấy những người say xỉn ngất ngưởng “mộng du” trong thành phố, những đống rác biến thành những vườn hoa, những tiếng chưởi bới thay bằng những khúc nhạc, những “khẩu hiệu suông” cũng được người ta hạ xuống… Thành phố trong mơ của Minh đẹp như vậy đấy!... Chiếc xe buýt đến trạm cuối, người soát vé vỗ nhẹ vai Minh, hỏi: “Đi xe công cộng lần đầu hả?”, Minh gật đầu cho qua chuyện rồi bước xuống xe.

       Trạm xe buýt nơi Minh đến cũng như bao trạm xe buýt khác, ồn ào, huyên náo và lẫn cả những khổ đau. Một người đàn ông đạo Sikh đầu đội khăn, béo phì đang cố chui mình vào trong chiếc taxi, một đạo sĩ Hindu đang lê những bước chân vất vưởng trong tay là chiếc bình đựng nước cũ kỹ, hai cô gái diện mạo dễ nhìn đang “hành nghề” với một người “bạn cùng phái”, nạn nhân vẫn không hay biết điều gì đang xảy ra với túi xách của mình, cô đang đợi chuyến xe buýt sắp đến… Minh muốn la lên, nhưng xứ người chỉ có mình Minh, những người dân bản xứ vẫn tiếp tục chứng kiến và lặng thinh. Minh biết những kẻ móc túi nơi đây không dùng dao lam tấn công như ở đất nước của Minh, nhưng sao Minh vẫn cảm thấy sợ, một sự lo sợ đôi khi không cần thiết. Nạn nhân bước lên xe… Minh lầm thầm: “Là bất công, là cuộc đời!”… Chuyến xe chuyển bánh, Minh bất giác sờ vào túi của mình. Căn “bệnh nghề nghiệp” len lõi trong những suy tưởng vu vơ của Minh, Minh thầm ước giá mà Minh có được một chiếc camera để quây lại “đoạn phim đời” Minh vừa chứng kiến. Một chú bé khều nhẹ tay Minh xin tiền, Minh lấy những đồng cắc bỏ vào tay chú bé còm cõi, rách rưới và mỉm cười. Nụ cười của kẻ bố thí, ban ân ư? Không, Minh không bao giờ nghĩ mình đang bố thí, Minh không tự cho mình có quyền thương hại hay ban ân, Minh chỉ chia xẻ với đồng loại thôi. Minh bước đến một quán nước bên đường tự thưởng cho mình cốc nước...

       Kệ sách của Minh đầy những chồng sách báo, mới có cũ có, Anh có Việt có Hoa có, thân có chống có, Đạo có Đời có,… dày đặc những tin tức và sự kiện. Minh với tay lấy mấy tờ báo vừa gởi đến, bên trong là những tin tức vừa diễn ra trên quê hương Minh, những bài báo dọc ngang trình bày ngập cả “lối đi”, hoặc được xếp thành những hộp (box) gọn gàng, hoặc trình bày một cách vụng về ngược chiều vectơ (vector) thị giác. Minh ngâm mình trong những dòng sự kiện. Những bài báo hoặc ngờ vực hoặc hân hoan hy vọng, hoặc chưởi bới hoặc ca ngợi về những sự kiện, những chính sách đã và đang diễn ra trên quê hương Minh, những điều mà trước đây Minh tưởng chừng là những việc hoàn toàn xa lạ, không phải để Minh giết chết thời gian trong những “thứ” ấy. Vậy mà hôm nay Minh lại hết mực quan tâm, những sự kiện đó liên quan gián tiếp đến vận mệnh những người đồng hương của Minh và cả gia đình Minh nữa. Minh chăm chú đọc, những chính sách cởi mở, những cuộc tiếp đón các “phái ly khai” trong “hình thức thân thiện”, những thành quả ban đầu của kinh tế và xã hội… dù viết ở góc độ nào, đảng phái nào, luận điệu nào, những tin tức đó cũng là những dấu hiệu đáng mừng. Minh cố tạo cho mình một quan điểm khách quan để nhìn nhận mọi vấn đề. Minh thấy quê hương mình đang chuyển mình để thích ứng với hiện thực, những “cái vỏ cũ rích” dường như cũng đang được tháo bỏ dần, người ta bắt đầu thấm nhuần và thực hiện tinh thần “Từ bi” trong sự bao dung của những người “Hỷ xả”… Minh hình dung một làn gió mới đang thổi vào quê hương Minh, tuy không đủ để làm dịu mát mọi thứ nhưng cũng bắt đầu làm bớt đi cái không khí nóng bức, ngột ngạt. Giấc mơ đêm qua dường như lại bắt đầu nẩy mầm trong tư duy Minh. Minh nhìn sang bàn viết, tấm hình Ngài Dalai Lama XIV và Thánh Gandhi dường như đang mỉm cười.

       Ngoài kia những làn gió mát vẫn thổi, ánh trăng cũng sáng hơn, trời đêm xanh hơn với muôn ngàn vì sao hy vọng. Minh đặt tên cho những cơn gió thân thương ngoài kia là “gió giao mùa” nhé! Minh cầu nguyện những cơn "gió giao mùa" sẽ tiếp tục thổi vào quê hương Minh, thổi vào đời sống những người dân đói rách trên xứ sở Minh đang lưu lạc này!

 

       LÊ BÍCH SƠN

       Ấn Độ, tháng 9 năm 2003   

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008