Sống Mãi Một
Bài Ca
(Về
tác giả bài hát “Phật giáo Việt Nam”)
LÊ VIỆT NHÂN
Cuối tháng 4, nhân dịp công tác ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, chúng tôi
tìm đến thăm nhạc sĩ Lê Cao Phan. Phải một hồi lâu nhờ các bác lái xe
ôm làm... hướng dẫn viên, chúng tôi mới tìm đến được nơi ở của nhạc sĩ, một
ngôi nhà nhỏ khá gọn gàng nằm trên đường Mạc Ðĩnh Chi - TP. Vũng Tàu.
Tiếp chúng tôi là một người phụ
nữ đứng tuổi, toát ra một vẻ lịch lãm và quí phái. Sau này chúng tôi mới
biết bà là nhà thơ Trần Thị Hồng Khương, ái nữ của Á Nam Trần Tuấn
Khải và là người bạn đời hiện nay của nhạc sĩ Lê Cao Phan. Trên chiếc bàn
nhỏ nhắn đặt giữa nhà là lọ hoa nhài trắng, tỏa hương thoang thoảng cộng với
những bức tranh cảnh vật do chính tay nhạc sĩ Lê Cao Phan vẽ khiến cho không
gian trong nhà đầm ấm và sang trọng hẳn.
Trong khi chúng tôi thưởng thức
món chè đậu xanh, nhà thơ Hồng Khương mở đầu câu chuyện: Loại hoa này do
chúng tôi tự tay trồng ở nhà, vừa khuây khoả vừa tạo thêm sắc hương. Ðã hơn
3 năm nay, chúng tôi về tĩnh dưỡng ở đây. Nói là tĩnh dưỡng nhưng thật sự
tìm đến nơi yên lành để sáng tác. Chỉ trong 2 năm 1994 và 1996, ông nhà tôi
(tức NS Lê Cao Phan) đã hoàn thành việc dịch tác phẩm Truyện Kiều sang tiếng
Pháp và tiếng Anh. Dưới sự tài trợ của tổ chức UNESCO, 2 tác phẩm trên đã
được NXB Khoa học Hà Nội và NXB Văn nghệ ấn hành. Riêng tôi thì cũng có tập
thơ "Suối lành" do NXB Văn nghệ ấn hành năm 1997, cùng khoảng 300 bài thơ
khác...
Câu chuyện của chúng tôi chợt
ngừng khi ngoài cửa có người đàn ông dắt xe đạp vào. "Ðó là nhạc sĩ Lê Cao
Phan". Nhà thơ Hồng Khương giới thiệu. Tác giả của bài hát bất hủ đã in sâu
đậm vào lòng mọi người con Phật, giờ đây với mái tóc bạc trắng, trông ông
đẹp và phúc hậu. "Tôi vừa đi ra biển về" - ông vui vẻ kể: "Buổi sáng vẫn
thường đi bơi, hôm nay có cái hẹn với mấy người bạn nên phải về sớm". Sau
khi biết được mục đích của chúng tôi, nhạc sĩ Lê Cao Phan trầm ngâm mấy
giây, rồi bộc bạch chậm rãi:
- Tôi sinh vào mùa Thu năm 1923
tại Quảng Trị, lúc 7 tuổi đã được cho đi học chữ Nho và 10 tuổi đã được học
tiếng Pháp. Năm 20 tuổi đã lấy được bằng Diplome. Xuất thân là dân sư phạm,
nên được học đủ thứ. Năm 23 tuổi (1946), đã sáng tác bản nhạc đầu tiên: "Diệt
trừ giặc dốt". Từ năm 1949, tham gia sinh hoạt ở Gia Ðình Phật Tử và là
Trưởng ban Hướng Dẫn GÐPT tỉnh Thừa Thiên-Huế. Thời gian 1949-1950, tôi bắt
đầu đến với đạo Phật (dù gia đình đã đến từ trước). Là Trưởng ban Hướng dẫn
sinh hoạt GÐPT ở một địa phương có phong trào Phật sự hoạt động mạnh, nên
những suy nghĩ trong tôi đối với đạo Phật đã thôi thúc tôi viết ra khúc nhạc
đó. Với cây đàn ghi ta, tôi soạn lời, bài hát hoàn thành và giới thiệu vào
năm 1951.
- Trong hoàn cảnh nào, bài hát
trở thành "đạo ca"?
- Khi bài hát ra đời, một số đông
Phật tử đón nhận nhiệt tình, nhưng khi có ý kiến chọn bài hát làm "đạo ca"
thì có một số không tán thành. Phải cho đến 1964, Giáo hội mới thống nhất
chọn đây là bài "đạo ca" chính thức của Giáo hội và được hát vào các ngày lễ
lớn.
Thế nhưng, điều đáng buồn là có
những nơi khi sử dụng lại quên ghi năm sáng tác. Nên mọi người cứ nghĩ rằng
đây là bài hát tôi vừa sáng tác nhưng thật sự thì bài hát đã tồn tại trên 30
năm qua.
- Thời gian sau này, nhạc sĩ
không viết nhiều nhạc nữa?
- Do tôi dành nhiều thì giờ cho
việc nghiên cứu và dịch thuật. Trước đây, tôi viết rất nhiều, vừa qua một số
tác phẩm của tôi viết cho thiếu nhi ngày trước đã được Saigon Audio đưa vào
sử dụng hiện nay.
- Cảm tưởng của ông khi nghe lại
bài "đạo ca" do chính mình sáng tác?
- Vui lắm chứ, suốt một thời trai
trẻ, tôi sống hết mình với âm nhạc. Tất cả là tự học và tự mày mò để sáng
tác. Mỗi khi nghĩ lại cứ nhớ đến cái thời xách đàn ghi ta đi dạy nhạc cho
các trường trung học và tiểu học. Thời ấy đến với âm nhạc bằng cả tấm lòng,
nên vấn đề sáng tác hoàn toàn trong sáng. Hồi năm 1994, mình sang Canada dự
lễ khánh thành một ngôi chùa lớn. Trong phần hành lễ, người ta giới thiệu
bài hát của mình một cách trân trọng, còn mình thì ngồi phía dưới cùng các
ông lão ngâm nga hát theo... Mà thôi, người nhạc sĩ mà niềm vui nhất là
những sáng tác của mình được công chúng đón nhận. Mấy năm nay, mình đã làm
thơ với bút danh mới: Hoàng Tầm Phương. Nhân sinh nhật thứ 75 vừa rồi, mình
đã viết 57 bài thơ...
Tâm sự với chúng tôi đến đây,
nhạc sĩ Lê Cao Phan cùng nhà thơ Hồng Khương lấy cây đàn ghi-ta và cây đàn
tranh trỗi cho chúng tôi nghe lại bài hát Phật Giáo Việt Nam.
Gió từ phía biển thổi lên cùng
với lời nhạc trầm hùng, chúng tôi nghe như có muôn lời tâm sự của 2 nghệ sĩ
tài hoa gửi gắm thế hệ trẻ: Một chút lòng thành này xin dâng về Tam bảo và
cầu mong các thế hệ kế thừa cố gắng giữ gìn tinh hoa ấy và hãy sử dụng nó
đúng với những gì chúng ta mong muốn...
Ca khúc “PHẬT
GIÁO VIỆT NAM”
Tác giả:
LÊ CAO PHAN
Phật Giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ nay
Một lòng chúng ta tiến lên vì đạo
thiêng
Nào cùng vui trong ánh đạo vàng
rạng ngời bốn phương
Vang ca đón chào Phật Giáo Việt
Nam
Noi tấm gương Ngài Thích Ca giải
thoát chúng sanh
Chúng ta dốc lòng nguyện cùng
gieo rắc quanh mình
Bao mối vui lành tràn lan hàng
tan đau đớn
Chắp tay ta cùng dưới Đài sen
thắm kết đoàn
Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc
Nam Trung từ nay
Nào cùng nắm tay kết nên một Đài
sen
Cùng làm sao cho đóa sen ngời đời
đời ngát hương
Muôn phương thấm nhuần Phật Giáo
Việt Nam

|