LỜI DỐI

ĐÔNG MAI

          Tôi đi với hai chị thực tập sinh người Campuchia và Lào để đón Hồng Lĩnh – cô ca sĩ chuyên hát dân ca nổi tiếng trên toàn quốc - về hát minh hoạ cho chuyên đề “văn học dân gian” của thầy Trưởng - một giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu các làn điệu dân ca.

          Qua quãng đường dài hơn 20 km, xe bắt đầu cua quẹo vào con đường đất đỏ lởm chởm “ổ voi”. Xuống xe, Hồng Lĩnh được đông đảo sinh viên và thực tập sinh vây quanh. Người hỏi thăm sức khoẻ, kẻ xin hình, xin chữ ký… Như biết trước, Hồng Lĩnh đã đem hơn chục tấm hình ký sẵn để tặng những người ái mộ nhưng vẫn không đủ. Tôi và hai chị thực tập sinh là người dẫn đường, tất nhiên được ưu tiên mỗi người một tấm, khỏi phải chen chúc.

         Bỏ lại khu học xá sau lưng, bốn chúng tôi cùng đi xuống dãy nhà vệ sinh để “tẩy trần” trước khi vào lớp. Qua mùa mưa cây dại mọc tràn lan, cỏ đuôi chồn cũng nhô giò cao ngang ngực. Gió mạnh làm chúng xô đẩy nhau rập rời như sóng giỡn. Trong xa, vẳng lại tiếng một con chim lạ càng làm cho cảnh vật thêm hoang vắng. Cô ca sĩ thốt lên: “Má nó, ở cái chốn khỉ ho cò gáy này mà cũng có trường học nữa à”. Hai chị Khoản và Bô Pha hỏi tôi - giọng Hà Nội chánh tông: “Cố ấy nói gì thế?”. Họ học tiếng Việt ngoài Hà Nội nên nghe giọng Nam bộ rất khó. Và Hồng Lĩnh nói nhanh nên tôi cứ phải “phiên dịch” tiếng Việt (Nam) sang tiếng Việt (Bắc) từ sáng tới giờ. Lần này tôi nói chậm và chắc từng tiếng một: “Cô ấy bảo rằng ở đất-nước-chúng-tôi-có-nhiều-trường-học-dành-cho-cả-người-già (má) lẫn-người-trẻ (nó)”.

          Lúc tiếng ca vút cao giữa giảng đường cũng là lúc hai bàn tay tôi thò xuống hộc bàn, nhè nhẹ xé toạc tấm hình có sẵn chữ ký. Ngồi bên cạnh, chị Khoản và Bô Pha đang say sưa thưởng thức những làn điệu dân ca trên khắp đất nước quê hương tôi.

          Đông Mai

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008