Phong Tục Trong Ngày Tết
TOAN ÁNH
Ðộng Thổ
Ðộng Thổ nghĩa là Ðộng đến đất. Vậy lễ Ðộng
Thổ nghĩa là Ðộng đất, và trong khi động đất phải có lễ cúng Thổ Thần để
trình xin bắt đầu động đến đất cho một năm mới. Nguồn gốc lễ Ðộng thổ bắt
đầu từ năm 113 trước Thiên Chúa giáng sinh. Nguyên năm đó là năm Mậu Thìn,
vua Hán Vũ Ðế thấy triều đình chỉ có tục tế trời mà không tế Ðất mới bàn
cùng quần thần, và sau đó đặt ra nghi lễ Hậu Thổ, tức là Thần Ðất, còn gọi
là xã tế.
Nghi thức:
- Ðào một ao, ở giữa có một nền tròn: trên
nền tròn có năm bệ, trên mỗi bệ đều có lễ Tam sinh gồm bò, dê, lợn.
- Lễ phục của mấy vị chủ tế và bồi bái đều
màu vàng.
- Lễ Xã Tế đầu tiên do vua Hán Vũ Ðế chủ tế
và cử hành tại đất Hoài Khưu gân sông Phàn.
- Lễ Ðộng Thổ bắt đầu từ đó, nhưng đến năm
vua Hán Thành Ðế lên ngôi, năm 32 trước Tây lịch có lệnh bãi bỏ lễ này.
- Về sau vì có thiên tai xảy ra nên lễ Xã Tế
lại được tái lập và tồn tại mãi về sau.
- Lễ Xã Tế chia làm năm bậc dành cho Hoàng
Ðế, các vua chư hầu và các quan đại phu trở xuống và có tác dụng khác nhau.
Xưa kia, tại Việt Nam lễ này cũng được tổ
chức từ triều đình tới dân gian, nhưng về sau lễ này chỉ còn tồn tại trong
dân chúng, tại triều đình, Thần Ðất đã có tế trong dịp tế Nam Giao. Hàng
năm, sau ngày mồng Ba Tết, tại các làng có làm lễ Ðộng Thổ để cho dân làng
có thể Ðào bới cuốc xới được. Chính ra thì ngày lễ Ðộng Thổ không nhất định
là ngày nào, nhưng để giúp dân chúng tiện việc làm ăn, nhiều làng thường cử
hành lễ này sau ba ngày Tết. Các bậc kỳ lão và quan viên được cử làm chủ tế
và bồi tế để cúng Thần Ðất. Lễ vật cũng gồm hương đăng, trầu rượu, y phục và
kim ngân đồ mã. Trong buổi lễ, ông chủ tế với nguyên áo thụng xanh cuốc mấy
nhát xuống đất để lấy một cục đất đặt lên bàn thờ, tường trình với Thổ Thần
xin cho dân làng được động thổ. Sau buổi lễ Ðộng Thổ này, dân làng mới được
động tới đất. Ai cuốc xới trước lễ động thổ bị dân làng bắt vạ. Trong ba
ngày Tết, nếu không may có ai mệnh chung, tang gia phải quàn lại trong nhà,
đợi lễ Ðộng Thổ xong mới được Ðào huyệt an táng.

Lễ Thượng Nguyên
Lễ Thượng Nguyên vào rằm tháng Giêng. Từ
Triều đình đến dân chúng đều có lễ Phật trong ngày này. Tục ta tin rằng
trong ngày rằm tháng Giêng, đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng tỏ lòng
thành của các tín đồ Phật Giáo. Trong dịp này, chùa nào cũng đông người tới
lễ bái. Các cụ bà Ðã quy y cũng nhân ngày lễ này, đến chùa tụng kinh niệm
Phật. Các cụ vừa lần tràng hạt vừa kể lại sự tích của đức Phật và chư bồ
tát.
Nguồn gốc: Theo đạo Phật, ngày mùng Một và
ngày Rằm mỗi tháng được coi là ngày Phật, các tín đồ Phật Giáo trong những
ngày này đều rủ nhau đi lễ chùa. Theo sách Trung Hoa, lễ Thượng Nguyên không
phải là một ngày lễ Phật. Trước đây chính là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp này,
nhà vua hội họp các ông Trạng để thết tiệc và mời vào vườn Thượng Uyển thăm
hoa, ngắm cảnh, làm thơ. Tết cũng còn có một tên nữa là Tết Nguyên Tiêu.
Nhân tết này, ban Ðêm tai kinh thành và các thị xã có chăng Ðèn kết hoa. Ở
các nơi gần sông như Giang Châu, Tô Châu gần sông nước có cuộc bơi thuyền.
Thuyền được trang hoàng muôn màu sắc, thắp sáng, hoa treo rực rỡ. Tại các hí
trường và các Công viên có nhiều trò vui như đánh gươm, cưỡi ngựa, nhảy
múa... Các văn nhân trong Ðêm Nguyên Tiêu thường họp nhau uống rượu thưởng
xuân, vịnh ngâm thơ phú.
Theo các nhà thuật số, ngày Rằm tháng Giêng
còn là ngày vía Thiên quan. Nhân ngày này, tại các đền chùa có làm lễ dâng
sao, nghĩa là cúng các vị sao để giải trừ tai ách quanh năm. Cúng lễ dâng
sao, người ta lập Ðàn tràng tam cấp, trên cúng Trời Phật, Tiên Thánh, giữa
cúng các vị sao thủ mạng, ở dưới cúng bố thí chúng sinh. Mỗi năm mỗi người
có một vị sao thủ mạng. Lễ vật cúng dâng sao dùng hoa quả, trầu cau, xôi,
chè rượu, vàng mã và cả hình nhân nữa.
Lễ Du Xuân
Lễ Du Xuân là lễ nhà vua ngự du lúc xuân
sang. Lễ có từ đời nhà Lê. Ngày mồng một tháng Giêng, sau khi các hoàng thân
và các quan chúc mừng, nhà vua ngự du xuân có các quan văn võ đi theo. Ngài
mặc áo Hoàng Bào cỡi ngựa đi trước. Các quan, lính tráng mang cờ quạt khí
giới theo sau. Lễ Du Xuân của nhà vua, cũng giống như việc người dân xuất
hành, vị bộ Lễ phải chọn hướng để nhà Vua đi, ngõ hầu quanh năm trong nước
được thái bình, khang thịnh. Lễ có từ đời nhà Lê. Ngày mồng một tháng Giêng,
sau khi các hoàng thân và các quan chúc mừng, nhà vua ngự du xuân có các
quan văn võ đi theo. Ngài mặc áo Hoàng Bào cỡi ngựa đi trước. Các quan, lính
tráng mang cờ quạt khí giới theo sau.
Lễ Thần Nông
Thần Nông tức là vị Hoàng Ðế Trung Hoa đầu
tiên đã dạy dân nghề làm ruộng, chế ra cày bừa và là người đầu tiên đã làm
lễ Tịch Ðiền hoặc Hạ Ðiền. Lễ Thần Nông tức là lễ tế vua Thần Nông để cầu
mong sự được mùa và nghề nông phát đạt.
Trên các quyển lịch hàng năm, người ta thường
vễ một mục đồng giắt một con trâu. Mục đồng tức là vua Thần Nông, còn con
Trâu tượng trưng cho nghề Nông. Hình mục đồng cũng như con trâu thay đổi
hàng năm tùy theo sự ước đoán của Khâm thiên giám về mùa màng năm đó tốt hay
xấu.
Năm nào được mùa, Thần Nông giày dép chỉnh
tề, còn năm nào mùa kém, Thần Nông có vẻ như vội vàng hấp tấp nên chỉ đi
giày một chân. Con Trâu đổi màu tùy theo hành của mỗi năm, vàng đen trắng
xanh, đỏ đúng với Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Hàng năm xưa có tục tế và rước
Thần Nông tại triều đình.
Nghi thức lễ tế Thần Nông: Lễ tế Thần Nông hàng năm cử hành vào ngày Lập
Xuân, bởi vậy nên tế Thần Nông còn được gọi là Tế Xuân. Theo chỉ dụ của vua
Minh Mạng, hàng năm sau tiết Ðông Chí, tòa Khâm thiên giám phải lo sửa soạn
việc tế Thần Nông. Các quan cùng nhau họp để nặn trâu và tượng Thần Nông.
Trước ngày Lập Xuân hai ngày, tại gần cửa Ðông Ba (ngày nay tức là cửa chính
Ðông), các quan Khâm thiên giám cho lập một cái Ðài hướng Ðông. Trâu và
tượng Thần Nông cũng được đưa tới lưu tại phủ Thừa Thiên để ngày hôm sau các
quan trong phủ mới rước từ phủ tới Ðài. Các quan vận lễ phục, có lính vác
gươm dáo, tàn lọng, cờ quạt đi theo.
Tới Ðài thì một lễ đơn giản được cử hành như
có ý để trình với thần linh tượng và trâu. Sau đó, trâu và tượng Thần Nông
lại được khiêng về kho. Hôm Tế Xuân lại được rước ra Ðài, nhưng lần này đi
rước là các quan bộ Lễ và các quan tỉnh Thừa Thiên. Khi đám rước đi qua cung
vua, một viên Thái Giám vào tâu Vua biết. Sau đó, đám rước lại tiếp tục đi
và khi đi qua bộ Lễ, một viên quan đánh vào mông Trâu ba roi, có ý thôi thúc
cho trâu phải làm việc.
Tới Ðài các quan làm lễ tế Thần Nông theo như
nghi lễ các cuộc tế khác. Tế Thần Nông xong, Trâu và tượng Thần Nông lại có
quân lính khiêng cất vào kho. Tại các tỉnh, trong ngày Lập Xuân cũng có lễ
tế Thần Nông, và lễ cũng được sửa soạn từ sau ngày Ðông Chí. Các quan tỉnh
phụ trách việc hành lễ. Trâu và tượng Thần Nông cũng được đem chôn sau buổi
lễ như tại Kinh đô.
Theo tục lệ VN, ngày mồng bảy tháng Giêng là
ngày lễ Hạ nêu. Cây nêu trồng trong năm, khi sửa soạn đón Tết cùng với cung
tên bằng vôi trắng vẽ trước cửa nhà Ðể trừ ma quỷ, nay được hạ xuống.
Lễ Hạ Nêu còn gọi là Lễ Khai Hạ. Mọi công
việc thường xuyên, người ta chỉ bắt đầu lại sau ngày Lễ này, tuy tại vùng
quê người ta vẫn còn ăn chơi, vì tháng Giêng là tháng ăn chơi, và vì lúc đó
công việc đồng áng đã vơi.
Sự tích cây nêu: Tục truyền ngày xưa, khi Tết đến, bọn ma quỷ
hay tối quấy nhiễu dân gian. Dân gian kêu Ðức Phật, Phật liền ra tay bắt bọn
ma quỷ. Bọn ma quỷ sợ hãi đức Phật, không dám quấy nhiễu, nhưng chúng hỏi ở
đâu là Ðất của Phật để chúng tránh xa. Phật đáp: Ở đâu có phướn, có chuông,
có khánh, đấy là Ðất của Phật. Ma quỷ lại hỏi địa giới của Phật đến đâu và
lấy gì làm phân biệt. Phật bảo chúng là ở đâu có vết vôi trắng là Ðịa giới
của Phật.
Sau đó, ngày Tết, người ta dựng cây, trên
ngọn nêu có treo khánh sành và phướn giấy, và ở trước cửa nhà có rắc vôi bột
thành hình cung tên để trừ ma quỷ. Ma quỷ thấy cây nêu và vôi trắng không
dám phạm tới vì sợ đức Phật
Nguồn gốc lễ Khai Hạ: Lễ Khai hạ, người Trung Hoa gọi là lễ Nhân
nhật, nghĩa là Ngày của Người. Theo sách Phương sóc chiêm thú thì tám ngày
đầu năm mỗi ngày thuộc riêng về một giống:
Mồng 1 thuộc giống Gà, Mồng 2 - giống Chó,
Mồng 3 - Giống Lợn, Mồng 4 - Giống Dê, Mồng 5 - Giống Trâu, Mồng 6 - Giống
Ngựa, Mồng 7 - Giống Người nên được gọi là Nhân nhật, Mồng 8 - Giống Thóc.
Nhân ngày Nhân nhật là ngày của giống Người
nên người ta làm lễ cúng Trời Ðất để đánh dấu ngày đó. Người VN nhân dịp
này, ngoài lễ giữa trời cúng Trời Ðất, còn sửa soạn lễ cúng Gia Tiên, cúng
Thổ Công và cúng thần Tài. Thường sau lễ này, những người buôn bán mới bắt
đầu đi chợ, mở cửa hàng.
Lễ Khai Hạ ngày nay: Ngày nay, nhiều nơi không còn lễ Khai hạ nữa,
tuy nhiên tại các gia đình Việt Nam nhất là những gia đình buôn bán, ngày
mồng 7 tháng Giêng vẫn có cúng lễ, cầu buôn may bán đắt, phát đạt, thịnh
vượng quanh năm. Người ta cũng cúng gia tiên, cúng Thổ Công, cúng Thần tài
và một số người vẫn cúng Trời, Ðất như cổ lệ.

TOAN ÁNH
* Toan Ánh tên thật Nguyễn Văn Toán.
Sinh năm 1915 tại Thị Cầu Bắc Kinh. Di cư vào Nam năm 1954. Công chức, hiện
sinh sống tại Việt Nam. Khởi viết từ thời tiền chiến
Tác
phẩm đã xuất bản :
Nếp Cũ
Con Người Việt Nam
Tín Ngưỡng Việt Nam (1967)
Làng Xóm Việt Nam (1968)
Múa Thiết Linh, Ném Bút Chì
(1969)
Phong Tục Việt Nam (1969)
Nghệ Thuật Ăn Trộm Và Bắt Trộm
Của Người Xưa (1969)
Nghệ Thuật Tham Nhũng Và Hối Lộ
(1970)
Nho Sĩ Ðô Vật (1996)
|