Sống Trong Cuộc Đời
Thích
Như Điển

Tôi
đã có nhân duyên đi nhiều nơi, đến cũng rất
nhiều chỗ. Đây cũng là cơ hội để cho tôi học hỏi
và trao đổi kinh nghiệm với mọi người. Trong
cuộc sống này có rất nhiều người may mắn nắm bắt
then chốt của công việc, của sự suy nghĩ và cứ
theo đó mà hành động thì đa phần có chút ít lạc
quan, nhưng cũng có lắm người sống rất bi quan,
không biết cách giải quyết như thế nào để có thể
thoát ra những sự trói buộc, để nội tâm chúng ta
được thư thái nhẹ nhàng hơn.
Nhiều
lúc tôi lấy tư cách là một vị Thầy để nói chuyện
với học trò đệ tử, thì họ bảo rằng: “Vì tôi làm
chủ mọi vấn đề, nên mới dễ dàng chủ động trong
mọi tình huống; còn học trò đệ tử là những người
phụ thuộc và bị động, nên khó sống hay làm việc
trong sự chủ quan được.”
Rõ
ràng là như vậy. Ở Á châu chúng ta đa phần là
chỉ học cái kiến thức của ông Thầy, phần sáng
tạo thì ít đi, trong khi đó học theo lối học Âu
Mỹ ngày nay có khác. Vị Thầy chỉ là một người
bạn của học trò, sinh viên nhằm chia sẻ những
tri thức và sự học hỏi của mình cho học trò và
từ đó học trò dạn dĩ hơn, chủ động hơn cũng như
có nhiều khả năng tự lập hơn; chứ không bị lệ
thuộc nhiều theo như sự giáo dục của Á châu
chúng ta.
Từ đó
khi ra làm việc hay bước vào công sở, cuộc sống
xã hội, cuộc sống gia đình họ tự phân chia trách
nhiệm và thực hành bổn phận ấy với khả năng
chuyên biệt của mình. Rồi một nhóm 3, 5, 7 hay
10 người v.v... sẽ chỉ chịu trách nhiệm của phần
mình riêng lẻ, để rồi cộng hưởng giao thoa với
nhau trong một môi trường to lớn hơn. Đây là
cung cách tổ chức trong trường học, trong xã hội,
trong công ăn việc làm của xã hội Âu Mỹ ngày
nay.
Dĩ
nhiên những xã hội này họ vẫn cần những người
lãnh đạo như Á Châu chúng ta, nhưng kẻ lãnh đạo
chỉ là người biết lắng nghe thuộc cấp trình bày,
bàn bạc và cốt làm sao cho công việc được thành
tựu là điều chính yếu, chứ không phải lấy mọi
người để làm bàn đạp tiến thân lên đài danh vọng
của mình như một số nước Á Châu đang chủ trương.
Nếu
công việc thành tựu thì kết quả đó là kết quả
của tập thể. Nếu ngược lại, chỉ có cá nhân chịu
trách nhiệm, không ảnh hưởng đến một tập thể hay
một cộng đồng to lớn, mà giới lãnh đạo trong
trường hợp này phải biết quan tâm, chia sẻ với
những người cùng làm việc chung; chứ không phải
chỉ đứng chỉ tay năm ngón bảo người khác phải
làm, còn mình thì chẳng có trách nhiệm gì cả.
Một
xã hội như thế là một xã hội tương đối khá công
bằng. Thế nhưng xã hội này còn tiến nữa, sẽ tiến
dần đến phía trước, mà những gì nó sắp xảy ra,
con người không tự làm chủ được. Vì lẽ dần dần
nếp sống của con người bị thu hẹp trong những cá
nhân tự kỷ; chỉ biết sống cho mình, lo trau
chuốt tự ngã của mình và những gì thuộc về mình;
trong khi đó những người sống chung quanh ta thì
mặc kệ họ. Ngay cả những người gần gũi nhất
trong gia đình của mình. Rồi đây mọi việc sẽ ra
sao, ai trong chúng ta cũng khó đoán biết hết
được, nhưng có một điều người ta không thể chối
cãi được, khi con người càng giàu có về vật chất
thì lãnh vực tinh thần lại càng trở nên nghèo
nàn keo kiệt.
Có
một hôm tôi đang hướng dẫn những sinh viên người
Đức tại chùa Viên Giác Hannover, tôi bảo rằng:
“ngày nay tất cả vật giá của mọi thứ đều leo
thang, tăng giá; chỉ có một món duy nhất rẻ mạt,
không biết các anh chị em có biết chăng?”
Thế
rồi người này đưa mắt hỏi người kia, có kẻ trả
lời món này món nọ, nhưng tôi trả lời thế cho họ.
Đó là: “Đạo đức của con người”.
Đạo đức này ngày nay hạ giá quá! Luân thường đạo
lý bị đảo lộn; cuộc sống gia đình và đời sống
của xã hội bị quay cuồng trong cơn thác loạn,
chỉ biết tranh đấu với đồng tiền, chứ có rất ít
người lo chiến đấu với vô minh; với khổ đau và
sanh tử.
Có
người hỏi tôi rằng: “Thưa Thầy, phải sống làm
sao cho thoải mái, không bị mọi thứ chi phối
mình và phải giải quyết cuộc sống này ra sao,
khi khổ đau đưa đến?”
Câu
hỏi nghe rất đơn giản, nhưng câu trả lời có hàng
trăm cách khác nhau. Tuy nhiên, tôi cũng trả lời
theo kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình rằng:
“muốn sống cho được an lạc, thoải mái, thì
hãy biết bỏ những gì đáng bỏ và biết giữ lại
những gì đáng giữ”. Điều này nghe thật đơn
giản nhưng không dễ thực hiện, vì đa phần cái gì
mình cũng muốn giữ lại. Cho nên hành trang mình
mang đi vào cuộc đời nặng trĩu cả hai vai và tâm
thức. Như vậy còn đâu sức lực của tự thân và chỗ
trống của tâm hồn và những lời hay ý đẹp cho nội
tâm mình. Sở dĩ có việc này vì khả năng buông xả
của con người còn rất yếu đuối; trong khi khả
năng chấp thủ thì quá dư thừa. Đây chính là
nguyên nhân ở trong cõi Dục này vậy. Con người
cái gì cũng muốn ôm vào lòng, vào tâm thức,
nhưng ta phải hiểu rằng mỗi người trong chúng ta
sẽ ôm giữ chúng được trong bao lâu? Có thể 10,
20, 50 năm hay nhẫn đến 100 năm đi nữa; khi ta
không muốn buông bỏ nó, thì nó cũng buông bỏ ta
mà ra đi thôi. Ngay cả tiền, tình, danh vọng,
sắc đẹp, tài sản, người thân, quyền lực, ngai
vàng v.v...
Vậy
cái gì là thật tướng của vạn pháp? Xin trả lời
là “Không”. Từ “Không” ta đến nơi đây rồi kết
cuộc rồi ta cũng sẽ về lại chỗ “Không” mà thôi.
Vậy thì tranh đấu, dành giựt địa vị, quyền lợi,
tiền bạc để làm gì mà lối thoát phía trước là
một cái “Không” to tướng. Biết thì ai cũng biết
vậy, nhưng tiếc thân này thì ai lại không tiếc?
Do đó mới sinh ra tham, sân, si, mạn, nghi, ác
kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà
thủ... thôi thì đủ thứ đủ loại; nó giống như một
loại tơ vò, tự thân mình trói buộc mình mà thôi.
Mới
đây tôi có gặp Sư Thúc ở Houston tức là Ngài
Trưởng Lão Thích Chơn Điền cũng là nhà thơ Ngốc
Tử. Có một bài thơ mới nhất Ngài sáng tác trong
năm 2007 nhan đề là “Ruồi than trong lưới nhện”
rằng:
“Tham dục lao vào chốn tử sinh,
Vô
minh nghiệp thức dẫn vòng quanh,
Ao
tù ngũ trược càng thêm trược,
Khổ khổ rồi ra cũng tại mình”.
Chỉ
cần bình chú bài thơ này thôi là ta có đủ một
nhân sinh quan, một vũ trụ quan để sống trong
cuộc sống đầy khổ đau phiền lụy này rồi. Vì sự
tham lam ham muốn, nên chúng ta mới tự quay
cuồng như con ruồi trong chốn lao tù sanh tử.
Nơi đây ta ngỡ là vui nhưng chỉ toàn là phiền
não, khổ đau cái này chồng chất lên cái kia
không bao giờ biết chán ngán và dừng lại. Vì vô
minh và nghiệp lực nó dẫn mình tới đây và điều
quan trọng là mình không biết tự làm chủ nó, nên
mới khổ đau tục lụy như thế này. Kẻ biết và kẻ
không biết khác nhau ở chỗ này. Người hiểu biết
là người biết dừng đúng lúc, kẻ không biết là kẻ
cứ thế mà lao vào. Điều này cũng giống như con
ruồi biết rằng phía trước đang có nhện giăng tơ,
nhưng ruồi vẫn không lưu tâm và không biết dừng
lại, nên cuối cùng bị chết đứng giữa sa trường
của cạm bẫy. Chúng ta cũng giống như vậy, trong
chốn tử sinh này có lắm mật ngọt, bơ sữa, thịt
thà, sắc đẹp, lợi danh... nhưng có ai biết dừng
lại chăng? Hay chúng ta chỉ biết chờ đợi ở một
phép lạ.
Cảnh
sống trần gian này vốn đã vẩn đục, mà chúng ta
càng cố cựa quậy thì nó càng đục thêm, nên chúng
ta không thể tự rời khỏi chốn này. Vì căn bản
của thế gian là ô trược, nhơ nhớp, phiền não,
khổ đau v.v... ngày nay ta có khổ, thật sự ra
không ai làm cho ta khổ, mà sự khổ đau hay an
lạc tự chính mình tạo nên mà thôi. Vậy thì điều
căn bản của vấn đề là phải: “Quẳng gánh lo đi”,
cái gì chúng ta mang được thì mang, cái gì gánh
được thì gánh, còn những gì không kham nổi nữa
thì hãy để gánh lại giữa đường, không nên cố sức
gánh, rồi cuối cùng cũng sẽ bị tử sanh, sanh tử
chi phối mà thôi. Nếu ta không gánh thì người
đến sau sẽ gánh tiếp, đâu cần phải lo. Nếu không
có ta thì xã hội này không còn có ý nghĩa nữa,
điều này là do mình quá chủ quan.
Có
một ông giám đốc của một công ty nọ rất nổi
tiếng và ông ta nghĩ rằng không ai có thể thay
thế vị trí của ông ta được. Thế nhưng ông đột
nhiên bị tai nạn xe hơi tử vong và chỉ cần 3
ngày sau là hãng kia đã tìm được một ông giám
đốc mới, ông này còn giỏi hơn ông trước nữa.
Thật
ra nếu ta có chết, thì cây cỏ bên vệ đường vẫn
còn sống đó. Chúng đâu có tình nguyện theo ta để
chia sẻ những khổ đau của chúng ta đang gặp phải
hay đối đầu đâu. Do vậy “người nào tu học
càng lâu, phải càng nên thấy mình không là gì
cả, thì kẻ ấy mới là kẻ tu chân chính”. Đây
là lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Nếu ai
trong chúng ta cũng như vậy mà thực hành thì
cuộc đời này có ý nghĩa biết bao nhiêu.
Đa
phần chúng ta chỉ thấy việc của người chứ ít ai
thấy việc của mình, mà nếu thấy thì chỉ thấy cái
lỗi của người khác, chứ ít khi tự thấy cái lỗi
của chính mình. Còn nếu tự thấy mình, thì chỉ
thấy cái tốt, chứ ít thấy cái xấu của mình. Vì
sao vậy? Vì lẽ ta lấy ta làm chủ thể để đi phê
phán người khác và ta lấy cái ta để đo lường cái
ta của đối phương nên mới như vậy. Bao giờ ta là
người và người là ta thì ta sẽ dễ thông cảm và
dễ tha thứ hơn. Thường ta tự củng cố tự ngã của
mình, nhưng trên thực tế tự ngã nó không là gì
cả; nó chỉ là một cái “Không” to
tướng mà thôi. Đã là không thì còn gì để nói đến
nữa? Những điều nói ra đó chỉ bằng thừa mà thôi.
Nếu ai trong chúng ta biết tôn trọng sự thật
này, thì người ấy sống rất có hạnh phúc. Tục ngữ
Nga có câu rằng: “Hạnh phúc là những gì mà
người ta đang có, chứ không phải những gì mà
người ta đi tìm”. Thật đúng như vậy! Thường
người ta đi tìm đủ mọi thứ trên đời mà quên tìm
lại chính mình, nên ta mới bị khổ đau sinh tử
dày vò. Bao giờ ta hiểu ta là ai thì ta sẽ biết
dừng lại.
Ngài
Doogen là Tổ Thiền Tào Động ở thế kỷ thứ 13, khi
Ngài sang Trung Quốc ở tỉnh Triết Giang nơi chùa
Cảnh Phước để học đạo. Ngài đã đắc pháp với Lão
Thiền Sư Như Tịnh, pháp ấy chính là “Bình Thường
Tâm Thị Đạo”. Nghĩa là tâm bình thường là đạo.
Đôi khi ta chỉ lo đi tìm cái phi thường mà ta
quên cái bình thường của ta đang có. Đó là “hai
con mắt nằm dưới chân mày, lỗ mũi thẳng đứng,
cái miệng nằm dưới lỗ mũi kia”. Tâm bình thường
là vậy. Ta chưa bao giờ biết quý những gì chúng
ta đang có mà đa phần chúng ta hay rong rủi theo
sắc trần, rồi cũng chỉ chuốt lụy vào thân mà
thôi. Ta cũng giống như con thiêu thân tự đốt
mình trong ánh đèn dầu, nhưng nào đâu có biết,
đến khi vùi thân vào chốn bụi hồng, ta mới cảm
nhận thấm thía được sự khổ đau, tục lụy. Lúc ấy
đã quá muộn rồi còn gì nữa!
Cho
đến bao giờ thì bài pháp Tứ Diệu Đế mà Đức Phật
nói cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc
Uyển ở Ba La Nại sau khi Đức Thế Tôn thành đạo,
nó vẫn có một giá trị miên viễn lạ thường. Chỉ
cần chúng sanh ý thức được chừng ấy việc của khổ
đau; nguyên nhân gây ra sự khổ đau; phương pháp
diệt khổ và con đường dẫn đến Niết Bàn, an lạc
giải thoát, là con người được sống trong hạnh
phúc rồi. Hạnh phúc không ai ban tặng cho mình
và đồng thời người ta không thể ra ngoài chợ để
mua được. Nó cũng chẳng có bên ngoài, mà nó chỉ
nằm bên trong chúng ta. Ta hãy đào sâu vào nội
tâm; ta hãy quay lại với chính mình, thì ta sẽ
thấy nó ở đâu rồi. Lúc ấy chúng ta sẽ mỉm cười
cho sự tự đánh lừa mình lâu nay.
Vì
sao người ta hay nóng giận và sân si? Vì lẽ ta
muốn chứng tỏ cho điều hiểu biết của chúng ta là
đúng, nhưng đôi khi không phải như vậy. Lý do
cái tự ngã ấy mình tự vun sới rồi chất chứa cái
ngã kiến sai lầm, nên ai không theo ta thì ta sẽ
hờn, sẽ giận và nổi máu anh hùng ngay. Những
người hiểu biết họ sẽ dừng lại cơn sân hận bằng
cách bỏ đi nơi khác hoặc giả nếu có tự tin hơn,
hãy đi uống một ly nước lạnh để chế ngự nó, nếu
là người can đảm hơn và muốn sửa sai thì hãy đến
trước tấm kính treo đâu đó trong nhà, ta có thể
soi thấy được “bản lai diện mục của mình”. Nếu
bình thường thấy mình là đẹp, thì hôm nay sau
khi giận dữ thấy mình càng đẹp hơn nữa hay
chăng? Khi tâm tàm quý “xấu hổ” và kèm sự tự
thẹn của mình cũng như sự trợ giúp của những
thiện hữu tri thức thì chắc chắn ta sẽ thoát
khỏi trầm luân khổ ải. Bằng không, chốn địa ngục
A Tỳ sẽ chôn vùi ta, không có thời gian và không
biết bao giờ có thể ra khỏi sự tối tăm ấy.
Đất
là nơi ta bị vấp ngã, té xuống, nhưng cũng từ
đất ta sẽ chống hai tay đứng thẳng lên. Có người
từ đó sẽ đi vào đời bằng mọi cung cách khác
nhau, nhưng cũng có lắm người tự ngã gục bên vệ
đường, trên mặt đất; không có khả năng tự chế
ngự để gượng đứng lên với đời, rồi cũng gởi thân
tứ đại này vùi sâu vào ba tất đất. Đất chỉ vô
tình làm một chuyện rất công bình, mà lâu nay
đất chưa bao giờ chê thây chết, trong khi đó,
biển cả bao la nhưng không dung chứa tử thi. Rõ
ràng là con người có đủ điều kiện và sự hiểu
biết để chọn cho mình có một lối đi ít làm cản
lối cho người khác. Vì đi ra thì có ngang qua,
dọc lại, nhưng nếu đi vào thì mục đích chỉ thấy
tánh mà thôi. Lúc ấy ta không làm phiền lòng ai,
mà ta chỉ mỉm cười sau khi ta thấy được mặt thật
của sự tử sinh rồi.
Có
một ông Bác Sĩ Phật Tử bảo với tôi rằng:
“những gì ông ta làm cho Phật sự hôm nay, ông
không sợ ai chê cười hoặc khen tặng, mà ông chỉ
sợ là ông không làm được gì để đem lại lợi lạc
cho Phật Pháp mà thôi.” Câu nói ấy giống như
một triết lý sống, nhân sinh quan của một người
trí thức Phật Tử. Trên đời này người “trí thức”
rất nhiều, nhưng người “tri thức” thì rất ít. Vì
trí thức hay hiểu người mà ít hiểu mình, còn tri
thức thì tự hiểu mình nhiều hơn là hiểu người.
Tất
cả chúng ta, nếu mọi người đều học hạnh: “tiên
trách kỷ, hậu trách nhân”. Nghĩa là đầu tiên tự
trách mình, sau đó mới trách người, thì xã hội
này chắc chắn sẽ được an ổn nhiều hơn; mọi người
sẽ sống trong một xã hội thái bình và an lạc.
Nếu ngược lại chỉ còn cách ta tự đốt thân lẫn
tâm ta mà thôi.
Tiếng
khen và lời chê thật ra nó không có thật tướng,
vì người đối diện thích thì khen và không thích
thì chê, đó là chuyện bình thường trong cuộc
sống. Còn ta, không lẽ ta chỉ sống theo lời khen
tiếng chê ấy sao? Như vậy ta chỉ là một người bị
động, chứ ta không là ta nữa! Ví dụ, khi người
ta khen mình trẻ đẹp thì vui và khi bị chê xấu
xí, dại dột thì mình buồn, vậy sự vui buồn ấy nó
có thật tướng hay không? Vậy tại sao ta phải bị
nó quấy nhiễu? Già hay trẻ, đẹp hay xấu, giỏi
hay dở... nó chỉ là những sự đối đãi trong cuộc
đời. Tại sao ta lại bị nó làm biến tướng và ta
lại đi làm nô lệ cho nó; khiến nó muốn cái gì
thì ta chạy theo nó muốn đứt hơi luôn, nhưng nào
có kết quả gì đâu? Ngoại trừ phiền não và khổ
đau đang đón chào ta.
Vậy
thì câu hỏi được đặt ra: Bao nhiêu thì đủ?
- Kẻ
biết đủ là đủ, còn người không biết đủ thì không
bao giờ có đủ cả.
Tình
bao nhiêu thì đủ? Tiền bao nhiêu thì đủ, danh
vọng, địa vị bao nhiêu thì đủ? Tài sản, con cái,
lợi danh bao nhiêu thì đủ?... rõ ràng nó cũng
giống như thời gian và không gian. Thời gian thì
vô cùng mà không gian thì vô tận. Nó không có
cái bắt đầu và không có cái chấm dứt. Ngoại trừ
chúng ta biết chấm dứt sự khổ đau sanh tử này,
bằng cách là chúng ta phải tự bước ra khỏi những
sự lẫn quẩn của cuộc đời này mà thôi. Do đó cụ
Nguyễn Công Trứ đã nói:
“Cái vòng danh lợi cong cong,
Kẻ
hòng ra khỏi, người mong bước vào”
Danh
và lợi là những chất mật ngọt của cuộc đời, nó
không thẳng tấp, mà nó lại cong queo, nhưng ở
đây lắm người muốn bước vào thử xem sao. Vì đã
có không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách đã
trải qua nơi chốn hồng trần ấy. Kẻ chán người
chê, nhưng cũng có lắm kẻ mê chưa ngộ. Cho nên
mới có cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược là
vậy”. Thật ra, sự thật đã hiển nhiên phơi bày ra
đó mà con người tự cố tình lừa dối mình, nên mới
bị cuộc đời làm mờ mắt mà thôi. Người trí và kẻ
hiểu biết quyết không phải như vậy.
Thiền
sư xem hoa nở, trăng tròn, con người và sự vật,
thường hay thốt lên rằng:
“Hoa
nở để rồi tàn,
Trăng
tròn rồi lại khuyết,
Người
còn để ly biệt.”
Đó là
một nguyên lý của cuộc sống. Đó là mặt thật của
cuộc đời.
Ta
nên đối diện với tử sinh và làm chủ với sinh tử,
chứ đừng để tử sinh chi phối, thì đó ta mới thật
là ta.
- Vậy
sống trong cuộc đời tương đối này phải làm sao
cho được vừa lòng người?
Câu
hỏi tuy rộng nghĩa, nhưng tựu chung mình phải
xét tự lực của chính mình có thể kham nhẫn đến
đâu, chứ không nên chạy theo thị phi phải trái
của cuộc đời. Sách xưa có câu chuyện khuyên
người, xin chép lại để hầu quý vị:
Có
hai cha con người kia mua được một con lừa nên
rất đắc ý. Một hôm người con leo lên lừa để cỡi,
dọc đường bị người quở rằng: “Tại sao đứa con
bất hiếu quá vậy? Trong khi nó còn trẻ mà cỡi
lừa, còn cha của nó già rồi, mà phải đi dưới đất
trong cơn nắng cháy?” Người cha nghe nói như thế
thấy có lý nên bảo con leo xuống để mình leo lên
lưng lừa cỡi đi. Đi được một lúc, người qua
đường thấy bảo rằng: “Ông già kia tại sao không
biết thương con, trong khi trời nắng chan chan
như thế này lại để con thơ đi dưới đất còn mình
thì cỡi lừa như vậy?” Ông ta nghe như thế thấy
cũng có lý. Nghĩ lại cho cùng, cha cỡi cũng bị
nói, mà con cỡi cũng bị nói, nên ông bảo đứa con
leo lên luôn trên lưng lừa, thì chắc rằng không
bị mỉa mai nữa. Thế là cả hai cha con đều cùng
cỡi trên lưng lừa. Đi được một quãng đường nữa,
lại gặp người bảo: “Tại sao hai cha con ông này
chẳng biết thương thú vật gì cả, con lừa có một
chút xíu mà hai cha con ông cỡi trên lưng nó thì
con lừa nó chịu sao nổi, nếu vấp té nó sẽ bị gãy
chân ngay”. Bây giờ chẳng còn cách nào hơn là cả
hai cha con ông leo xuống lừa đi bộ hết là xong.
Đi được một đoạn tưởng như thế là yên thân, nào
ngờ có người đối diện bảo rằng: “Tại sao cha con
ông này lại ngu ngốc như vậy kìa? Con vật sinh
ra phải làm tôi tớ cho con người, mà tại sao cha
con ông không cỡi nó, mà lại đi bộ nhọc nhằn như
thế?...”
Quả
là lời nào nghe cũng có lý hết cả. Nhưng cha con
ông đã làm để chìu theo những lời lẽ đó, nhưng
kết cuộc vẫn không vừa lòng một ai, cho nên ông
ta quyết định là đoạn đường còn lại, mình phải
tự làm chủ lấy mình chứ không thể chìu theo ý
của tất cả mọi người được.
Điều
này cũng giống như lời Phật dạy: “…Các con
đừng tin theo một lời gì, dầu lời ấy do chính ta
nói ra. Các con cũng đừng nên tin một điều gì,
dầu điều ấy đã được nhiều đời truyền tụng lại;
các con hãy tin một điều gì, mà điều ấy đã được
thể nghiệm qua bản thân nhận xét của các con”.
Cuộc
sống này rất đa dạng, mỗi người nên tự chọn cho
mình một cách sống sao cho thích hợp nhất với
chính bản thân mình.
THÍCH NHƯ ĐIỂN
Viết
xong ngày 28 tháng 04 năm 2008
tại
chùa Phật Ân Minnesota - Hoa Kỳ

|