Vấn Đề Tu Học Của Người Phật Tử

THÍCH NHƯ ĐIỂN

 

Ðã từ lâu, vấn đề này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần; và hôm nay chúng tôi đặt lại vấn đề này cho việc tu và học của người Phật Tử cũng không ngoài mục đích là làm cho sự hiểu đạo cũng như sự hành đạo ngày càng được thấm nhuần và hữu ích nhiều hơn. Có nhiều người Phật Tử đi chùa thật lâu năm biết lễ Phật, biết tụng kinh, biết cúng dường chư Tăng, biết giúp đỡ kẻ khác .v.v... nhưng ít ai hiểu trọn vẹn của ý nghĩa trên một cách rốt ráo; đúng theo chơn tinh thần của Ðạo Phật, mà hay hiểu theo sở học hoặc quan niệm chủ quan của mình về một vấn đề hoặc về một việc làm gì.

Cũng có người bảo: "vì chẳng ai dạy ai cả, xưa làm sao nay làm vậy, nên họ làm". Ðiều đó cũng không sai. Vì lâu nay có nhiều người làm theo thói quen, tập quán hoặc tục lệ; chỉ chú trọng phần thực hành mà quên đi ý nghĩa của nó. Vả lại Ðạo Phật không những chỉ lễ bái nguyện cầu không chưa đủ mà cần phải hiểu rõ mục đích của sự lễ bái và sự lợi ích của vấn đề tu và học Phật Pháp mới là điều quan trọng của người học Phật. Vì Ðức Phật dạy rằng: "Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là đãy sách". Kẻ chỉ biết thực hành, không biết phương pháp tu ví như người mù sờ voi. Người chỉ biết thao thao bất tuyệt, không thực hành giáo lý cũng không hơn gì một cái túi đựng sách. Vấn đề tu và học ở đây không những cho người Phật Tử tại gia mà cả cho người xuất gia nữa. Nếu người Phật Tử tại gia không hiểu mà người xuất gia không chỉ vẽ thì quả là điều thiết sót rất tai hại cho Phật Pháp. Hoặc cũng có lắm khi người tại gia hiểu Phật Pháp quá rành sanh tâm cống cao ngã mạn xem chư Tăng chẳng ra gì; nên mới có câu "quy y Phật, quy y Pháp mà chẳng quy y Tăng". Hoặc giả "kinh điển không cần tụng đọc, vì làm như thế hao sức tổn thần". Những người nói như vậy có thể là những kẻ đã quá liễu ngộ Phật Pháp, không cần đến phương tiện nữa; nhưng cũng có thể là những người đi sai đường đạo. Vì bao giờ cũng phải cần cái giả mới tìm đến cái chơn. Nếu không có thân này, lấy gì để giác ngộ?

Những hiện tượng hiểu đạo một cách lờ mờ hoặc chủ quan tự đắc đều gây nên một số tai hại cho Ðạo. Ðạo Phật không chủ trương bành trướng mạnh trong khi nội dung tu học chẳng có gì. Cũng vì vậy cho nên chư Tăng cứ mỗi năm 9 tháng tha phương hành đạo, 3 tháng phải đóng cửa tu hành, trì giới, giữ luật nghiêm minh để phần nội tâm mình được phong phú; có như thế việc hành đạo mới có hiệu quả. Nếu không, kết quả chẳng khả quan chút nào mà còn khổ nhọc đến cả thân lẫn tâm nữa. Vấn đề này đã được Ðức Phật và chư Tổ Sư vẫn thường hay huấn dạy từ đời này qua đời khác. Cho đến ngày nay vẫn còn có giá trị.

Ngày nay một số kinh sách đã được in lại rất nhiều ở ngoại quốc; nhưng có rất ít người chịu nghiên cứu. Có nhiều người đến chùa thỉnh kinh về nhà, mang lên bàn Phật thờ cho có phước; chẳng chịu tụng đọc hoặc nghiên cứu hành trì. Ðọc và tụng một bài kinh bao giờ cũng khó hơn xem một quyển tiểu thuyết hoặc một truyện chưởng. Vì kinh kệ quá khô khan không có gì hấp dẫn bằng những loại trên. Nhưng thử hỏi, nếu vật thực hằng ngày chúng ta chỉ dùng toàn loại mềm, hoặc cứng, hoặc chua, hoặc ngọt thì cũng không đủ cho các cơ quan tiêu hóa và tuần hoàn làm việc mà phải cần có đủ mọi thứ cho sự phát triển của con người. Món ăn tinh thần cũng phải vậy, có thứ khó, thứ dễ mới dung hòa được đời sống tâm linh của mình. Có nhiều người bảo "đọc kinh chẳng hiểu và chùa thì xa phải làm thế nào?" - Thật sự ra câu trả lời có trăm phương ngàn lối; nhưng tựu chung nếu người có tâm thì vạn sự tất thành; chẳng luận việc đời hay việc đạo.

Ngày nay vì hoàn cảnh ly hương, mỗi người một nẻo. Việc tu học cũng không đơn thuần như khi còn ở quê nhà. Ngay cả việc chư Tăng một năm đóng cửa 3 tháng tu hành, an cư kiết hạ cũng không phải là chuyện dễ dàng. Vì ngày nay mỗi Thầy hầu như lo mỗi chùa và công việc Phật sự đều tập trung vào chùa đó; nếu chùa đó không có những người hộ đạo trực tiếp lo việc hương đăng, tiếp khách thập phương thì vị trụ trì đó khó có thể tạo cho mình một khoảng thời gian tự do trong 3 tháng để lo việc tu hành và xây dựng đạo hạnh; mà phải phương tiện. Nghĩa là vẫn an cư kiết hạ nhưng vẫn tiếp khách thập phương và du phương hóa độ.

Cũng vì ý thức được việc khó khăn của Phật Tử và vấn đề giới luật rất quan trọng đối với người tu hành nên năm vừa qua chúng tôi đã tổ chức An Cư Kiết Hạ trong vòng 3 tháng từ Rằm Tháng Tư cho đến Rằm Tháng Bảy thấy có nhiều kết quả rất khả quan. Ðã đào tạo được một Ban Nghi Lễ vững vàng cho các Phật Tử tại gia và việc học hỏi giáo lý cũng như Thọ Bát Quan Trai hàng tuần trong 3 tháng hạ đã mang lại một sinh khí tốt đẹp trong việc tu hành. Chỉ có việc chúng tôi không nghe và không gọi điện thoại, mặc dầu từ đâu gọi đến đã làm cho nhiều người phật ý; nhưng xin quý vị cũng thông cảm cho chúng tôi về hoàn cảnh đặc biệt đó.

Nói đóng cửa không có nghĩa là chùa không tiếp ai hết, mà có nghĩa là giới hạn trong mọi công việc như 9 tháng khác trong năm, chỉ chuyên chú tu trì và hành đạo mà thôi. Cũng nhờ như vậy nên trong mùa An Cư Kiết Hạ vừa qua chúng tôi đã hoàn thành được 2 quyển sách trong một lúc. Từ kết quả đó, nên năm nay chùa Viên Giác cũng quyết định an cư như năm trước. Ngày nhập hạ đúng ra là Rằm Tháng Tư…; nhưng lúc ấy chúng tôi vẫn còn ở Úc. Sẽ làm lễ tại đó và sau khi về Ðức trong suốt cả tháng 6… dương lịch phải đi tham dự các Lễ Phật Ðản ở các nơi trong những ngày cuối tuần để trợ lực cho quý Thầy khác tại Âu Châu.

Tuy nhiên công việc tu hành hàng ngày tại chùa vẫn tiến hành như thời khóa đã định. Nghĩa là 5 giờ thức dậy. Ngồi thiền từ 5 giờ 30 đến 6 giờ. Sau đó tụng kinh và kinh hành nhiễu Phật đến 7 giờ. Từ 7 giờ đến 8 giờ đọc sách hoặc chấp tác. 8 giờ dùng sáng. Từ 9 giờ đến 12 giờ học tập giáo lý hoặc phiên dịch kinh sách. Lễ quá đường kinh hành nhiễu Phật bắt đầu lúc 12 giờ đến 1 giờ. Từ 1 giờ đến 2 giờ là giờ chỉ tịnh. Từ 3 giờ đến 6 giờ chiều được thực hành như buổi sáng. 7 giờ tối dùng cháo. Ðến 8 giờ khóa lễ Tịnh Ðộ. 10 giờ ngồi Thiền đến 10 giờ rưỡi là chỉ tịnh.

Trong tháng 6… không có Thọ Bát Quan Trai vào cuối tuần. Bắt đầu từ 1.7… tức 14 tháng 5 âm lịch đến 16 tháng 7 âm lịch, chúng tôi sẽ áp dụng chương trình tu học như năm trước. Cứ mỗi cuối tuần đều có Thọ Bát Quan Trai, học tập giáo lý và những ngày trong tuần tổ chức những khóa giáo lý đặc biệt cho các Phật Tử ở gần chùa. Từ 22 đến 28 tháng 7 năm…. suốt cả tuần lễ này sẽ tổ chức một khóa giáo lý cấp tốc cho những vị Phật Tử ở xa không có cơ hội về chùa thường, sẽ học và ở lại chùa tu tập trong thời gian một tuần lễ. Sau đó sẽ có thi tốt nghiệp và sẽ có một căn bản vững vàng về giáo lý không luận là ai và ở đâu. Nếu quý vị nào muốn đều có thể ghi danh về chùa tham dự khóa tu học Phật Pháp này. Quý vị Phật Tử tại gia suốt trong một tuần lễ này sẽ sống như một người xuất gia thanh thoát tự tại. Nếu quý vị nào có ý nguyện trên xin dàn xếp công việc nhà ngay từ bây giờ để có thể tham gia được khóa học này.

Ðức Phật vẫn dạy rằng: "Cuộc đời là vô thường nhưng sự chết là chắc chắn". Sự chết sẽ không đợi chờ người trẻ hay kẻ già. Vậy có được cơ hội nào chúng ta nên tận dụng cơ hội ấy để tu học và tìm đường giải thoát cho chính mình cũng như cho thân nhân và bằng hữu.

Mặc dầu đời sống ở ngoại quốc không biết bao nhiêu là thứ trói buộc; nhưng nếu chúng ta biết cởi bỏ sự ràng buộc đó cũng chẳng phải là khó. Nếu chúng ta quyết tâm thực hiện. Với biển Phật Pháp rộng bao la vô tận so với một tuần lễ chẳng thấm vào đâu; nhưng vẫn còn hơn là không thực hành gì cả với một cuộc đời sáu hay bảy mươi năm cũng sẽ trôi qua một cách vô ích nếu chúng ta không biết quay về với Ðạo.

Ðây cũng là cơ hội cho người xuất gia cũng như tại gia hành trì trong 3 tháng hạ. Vậy kính mong chư Tăng, chư thiện tín và quý vị Ðàn Na Thí Chủ xa gần hưởng ứng và hỗ trợ cho để công việc Phật sự trên được thành công viên mãn. Mong rằng với đạo tâm sẵn có của quý Phật Tử xa gần, quý vị sẽ lưu ý và phát tâm học, hành đạo cũng như trợ duyên cho vấn đề này để công việc tu học của chính mình có kết quả tốt đẹp.

 

THÍCH NHƯ ĐIỂN

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008