LỄ RAKSHA BANDHAN
TRONG PHONG TỤC ẤN ĐỘ
LÊ BÍCH SƠN

Hàng năm, khi người Việt khắp
nơi với bao nỗi niềm và tâm trạng chào đón mùa Vu Lan Báo Hiếu, thì cũng là
lúc trên khắp đất nước Ấn Độ người ta hân hoan kỷ niệm ngày Raksha Bandhan.
Lễ Raksha Bandhan còn gọi là lễ Rakhi hay ngày Shravan Purnima.

ảnh minh hoạ
Truyền thuyết ngày Raksha
Bandhan được đề cập trong rất nhiều thiên sử thi và thiên hùng ca văn học Ấn
Độ. Theo sử thi “Bhavishya Puran” (một trong mười tám bộ sử thi kinh điển
Vệ-Đà), ngày lễ Raksha Bandhan dựa trên truyền thuyết về cuộc chiến giữa các
thiên thần (gods) và quỷ
dữ (demons). Trong cuộc chiến này, quỷ vương Brutra đã đánh bại đội binh
thiên thần của Thiên vương Indra. Được tin các thiên thần thất trận, Thiên
vương Indra tiếp kiến và xin Đạo sư Brihaspati (Guru Brihaspati) tìm cách
cứu vãng tình thế. Brihaspati trao Thiên vương Indra những sợi chỉ thần đã
được niệm thần chú gia trì (trì chú) vào ngày Shravan Purnima (ngày trăng
tròn tháng Shravan lịch Ấn Độ), và dặn Thiên vương Indra đeo vào cổ tay
trong ngày xuất trận. Rồi ngày quyết định ra quân đã đến, phu nhân Thiên
vương Indra là bà Sachi (còn gọi là Indrani) cẩn thận đeo những sợi chỉ thần
vào tay chồng mình. Người ta tin rằng với sự mầu nhiệm và năng lực siêu
nhiên từ những sợi chỉ thần “Raksha” các thiên thần đã thắng trận.
Một truyền thuyết khác
được tìm thấy trong văn học Ấn Độ, truyền thuyết như sau: Quỷ vương Bali là
người vô cùng tôn sùng Thần Vishnu (thần bảo hộ thế giới); để đáp lại điều
đó, Thần Vishnu có trách nhiệm phải bảo vệ vương quốc của Quỷ vương Bali.
Thần Vishnu rời nơi cư ngụ của mình là Vaikunth đến vương quốc Quỷ vương
Bali thực hiện trách nhiệm của mình. Nữ thần Laxmi (vợ của thần Vishnu) với
ước mong chồng mình sớm trở về với gia đình, Laxmi đã tìm đến vương quốc
Bali hoá thân thành một phụ nữ Bà-la-môn, ẩn náu trong vương quốc này chờ
ngày chồng này hồi quy. Trong khi vương quốc Bali tổ chức đón ngày trăng
tròn tháng Shravan (theo văn hoá Ấn Độ một tháng 30 ngày được chia ra làm
hai tháng nhỏ gọi là: tháng có trăng và tháng không trăng), Nữ thần Laxmi đã
tìm cách cột những sợi chỉ thiêng vào tay của Quốc vương Bali như bày tỏ sự
chúc phúc. Xúc động trước nghĩa cử này, Quốc vương Bali liền hỏi nàng là ai
và tại sao đến đó. Nhân dịp này, Laxmi trình bày nguyên nhân và nguyện vọng
của nàng đến vương quốc Bali. Nghe xong, quốc vương Bali vô cùng cảm động
bèn tâu trình đến Thần Vishnu hãy trở về Vaikunth để tận hưởng hạnh phúc bên
nàng Laxmi, trọn đời bảo vệ nàng; và quốc vương nguyện trọn đời hiến thân
cho thần Vishnu. Chính vì thế mà lễ Raksha Bandhan còn gọi là “Baleva” nghĩa
là lễ Quốc vương Bali người hiến thân cho thần Vishnu. Kể từ đó đến ngày
trăng tròn tháng Shravan hàng năm, người Ấn có truyền thống mời tất cả chị
em trong gia đình cột những sợi chỉ thiêng vào cổ tay như sự chúc phúc từ
các chị hay em gái, và người anh trai, em trai trong gia đình có trách nhiệm
bảo vệ các chị gái, em gái của mình.
Một truyền thuyết khác
cũng được nhắc đến trong ngày Raksha Bandhan rằng: Raksha Bandhan là một
hình thức lễ nghi giữa Yama (Diêm Ma, còn gọi là Diêm-La Vương) và chị gái
là Yamuna (chị em sinh đôi với Yami). Yamuna đã cột sợi chỉ thiêng “rakhi”
vào cổ tay Yama và cầu chúc Yama bất tử với thời gian. Cảm động trước việc
làm này, Yama tuyên bố nếu ai được cột những sợi chỉ thiêng Rakhi và hứa sẽ
bảo vệ chị-em gái mình suốt đời, người ấy sẽ trở thành bất tử.
Bộ sử thi vĩ đại của
Ấn Độ “Mahabharata” chép
rằng: Khi thần Krishna khuyên Yudhishthir cử hành lễ thiêng để bảo vệ
Yudhishthir trước sự nguy hiểm của những kẻ thù địch trong chiến trận. Bà
Kunti – mẹ của thần Pandavas – đã cột những sợi chỉ thiêng Rakhi vào các
cháu nội của bà là Abhimanyu và Draupadi với thần Krishna. Đây là sự lý giải
tại sao lễ Raksha Bandhan được tiến hành….
Ngày nay, Raksha
Bandhan là một trong những ngày lễ đặc biệt đối với hầu hết người dân vùng
bắc Ấn. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng của người Ấn Độ. Trong
ngày này, các chị em gái trong nhà chuẩn bị các sợi chỉ thiêng Rakhi đeo vào
cổ tay của anh em trai trong gia đình và những người thân như sự cầu chúc
sự khoẻ mạnh để có thể gánh vác mọi trọng trách từ gia đình đến xã hội. Từ
sáng, các chị em gái đã chuẩn bị các “thali” (mâm, khay) “đồ lễ” trong đó có
các loại bánh ngọt, gạo màu, bột màu kumkum, nhang thơm, đèn diya hoặc đèn
dầu mù-tạt, v.v. và dĩ nhiên là không quên các sợi chỉ thiêng rakhi. Mâm đồ
lễ này trước được dâng cúng các vị thần bảo hộ gia đình và tổ tiên. Sau đó,
các chị em gái tiến hành cột vào tay các anh em trai những sợi chỉ thiêng
rakhi, rồi “Tilaks” (dùng bột màu kumkum trét vào trán) các anh em trai và
mời bánh ngọt. Trong khi tiến hành những việc này, các chị em thường đọc: “Suraj
shakhan chhodian, Mooli chhodia beej. Behen ne rakhi bandhi / Bhai tu chir
jug jee” (Mặt trời toả ánh sáng, củ cải đỏ luôn lan trải giống tốt của
mình, chị / em cột những sợ chỉ thiêng rakhi vào tay anh / em, cầu nguyện
rằng anh / em sẽ được sống lâu trăm tuổi). Sau khi chúc thọ, tiếp đến các cô
đọc: “Yena baddho Balee raajaa daanavendro mahaabalah tena twaam
anubadhnaami rakshe maa chala maa chala” (Chị / em đeo những sợ chỉ
thiêng rakhi vào tay anh / em mà quốc vương Bali – vua của các quỷ thần – đã
từng đeo nó. Ồ, những sợi chỉ thiêng rakhi! Nguyện cầu cho anh / em không
bao giờ nản lòng để bảo vệ những người đã hiến thân cho mình). Nhận được
những lời chúc phúc và phó thác này, các tu mi nam tử sau đó chúc phúc và
hứa sẽ trọn đời bảo vệ các chị / em gái (và cả vợ nữa) trong gia đình, sẽ
cứu thoát những người phụ nữ thoát khỏi thế giới tội lỗi. Dĩ nhiên không chỉ
là lời nói suông, mà các chàng phải trao một vài món quà nào đó cho các chị
em gái trong gia đình (nếu đã có vợ thì tất nhiên là không quên cô ấy).
Trong ngày này, các nàng tha hồ đòi hỏi quà cáp và buộc các đấng tu mi nam
tử phải làm điều gì đó mình thích (dĩ nhiên không phải là một cái “cheque”
vài trăm $US
J
).
Lễ Raksha Bandhan có
lai lịch và cách thức tiến hành như trên. Tuy nhiên, ngày nay xã hội Ấn Độ
đã có những thay đổi, lễ Raksha Bandhan không chỉ là một ngày chúc tụng giữa
các anh em ruột thịt với nhau, một ngày đoàn tụ gia đình, mà nó còn là một
ngày lễ hứa hẹn bảo vệ lẫn nhau giữa những người khác nhau trong cuộc sống.
Giới trẻ Ấn Độ ngày nay ví von lễ Raksha Bandhan là lễ Valentine thứ hai
trong năm, ngày đó các chàng tha hồ mà hứa hẹn…
Đại học Delhi, Vu Lan &Raksha
Bandhan Ất Dậu
(19 Aug 2005)
LÊ BÍCH SƠN
*
Chân thành cảm ơn Nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên
ngành Sanskrit – Indra Deo Mishra – đã cung cấp những tài liệu và dịch nghĩa
phần Hindi trong bài viết này!

|