CON ÐƯỜNG SỐNG THEO PHẬT GIÁO
Hoà Thượng
THÍCH TRÍ CHƠN
Văn
hóa được xem như sự phát triển của tinh ba nhân loại và trong vấn đề này văn
hóa thực đã có sự liên hệ mật thiết đối với tôn giáo và luân lý. Bất cứ nơi
nào nền văn hóa được nẩy nỡ dồi dào, chúng đều phát triển trên nền tảng của
tôn giáo, những thói quen tốt đẹp, nhũng tập tục xã hội, nghệ thuật, văn
chương, ngôn ngữ, âm nhạc, hội họa và mọi công trình vĩ đại khác của quốc
gia và dân chúng. Những điều đó đã phản ảnh sâu rộng sự cao quý tinh thần
hay văn hóa của mỗi quốc gia và dân tộc.
Sự thật ai cũng nhận thấy rằng
mọi tư tưởng văn hoá của các quốc gia Ðông Phương đều được nuôi dưỡng lớn
mạnh bởi sự bồi đắp của Phật giáo mà nó được xem như là một trong những sản
phẩm tuyệt hảo nhất của thế giới.Với một giáo lý vững bền, tồn tại qua hơn
2.500 năm, văn hoá Phật giáo đã làm phong phú đời sống tinh thần cho nhiều
quốc gia Á Châu và những ảnh hưởng lành mạnh của nền văn hóa đó ngày nay
đang còn được thể hiện trong nhiều nếp sống các dân tộc Ðông Phương qua tinh
thần yêu chuộng hòa bình, khác hẳn với các quốc gia hiếu chiến Tây Phương.
Sự đóng góp của Phật giáo cho
nhân loại được thể hiện trong hai phương diện: bồi đắp nền văn hóa và xây
dựng tinh thần. Về tinh thần, nó bao gồm trong sự rèn luyện nếp sống con
người hướng theo lý tưởng và những lời dạy đạo đức cao quý. Những kẻ bị
phiền não khổ đau, Phật giáo đã chỉ cho họ con đường dẫn đến hòa bình, và
hạnh phúc vĩnh cữu cùng giúp họ giải quyết mọi vấn đề phiền toái của cuộc
sống. Với những người khác, Phật giáo đã khơi nguồn sự theo đuổi văn hóa
cùng thực hiện những công trình nghệ thuật của họ và hướng dẫn nhiều quốc
gia ngăn cách bởi những hàng rào chủng tộc, địa lý, hướng về sự đoàn kết
nhất trí trong tinh thần thân hữu hòa bình.
Tiến xa hơn nữa, Phật giáo đã
từng xây dựng một lý tưởng xã hội Phật giáo như sự nhận xét dưới đây của một
du khách ngoại quốc khi đến thăm Ấn Ðộ vào thời A Dục Vương đang trị vì “Không
có kẻ trộm cướp, tất cả dân chúng đều thành thật chất phác, cuộc sống hòa
bình và hạnh phúc được thể hiện khắp nơi trong nước. Không có sự tranh chấp
giữa chủ và thợ, giữa chính quyền và dân chúng. Mọi quyền lợi và của cải
được phân phối công bình và những hình thức tư bản bóc lột không bao giờ
thấy xuất hiện”.
Nhưng bất cứ tôn giáo lớn nào
trong lịch sử cũng đều thăng trầm theo hoàn cảnh quốc gia xã hội, nên Phật
giáo cũng không thể thoát khỏi ngoài thông lệ ấy. Như sự sụp đổ của kinh
thành Constantinople đã kéo theo sự suy tàn của đạo Cơ Ðốc, và sự phát triển
sau này của nền khoa học đã đem lại sự sa đọa cho trào lưu tiến bộ của nền
văn hóa Tây Phương. Cũng thế, sự suy yếu của Phật giáo với sự xâm lăng của
ngoại quốc đã dẫn đến sự phá sản dần dần nền Phật giáo tại Ấn Ðộ.
Có hai đức tính quan trọng biểu
thị cho đường lối sống theo Phật giáo, đó là tính ngay thật
và đạo đức. Chính đời sống của đức Phật là một tấm gương hoàn
toàn về hai đức tính chân thật và đạo đức. Ngài đã từ bỏ giang, sơn, ngôi
báu, khoác vào mình chiếc áo tu hành khổ hạnh để tìm cho loài người con
đường an vui giải thoát mà không màng đến sự tán thưởng hay lợi danh. Hằng
ngày, Ngài đã vượt qua không biết bao nhiêu dặm đường, leo đồi lặn suối, lên
thác xuống ghềnh để giảng truyền giáo lý cho mọi người không phân biệt giàu
nghèo, sang hèn, thông minh hay ngu dốt. Ngài đã từng săn sóc và nuôi dưỡng
những kẻ bệnh tật bởi chính bàn tay của Ngài; nâng đỡ những người bị ép chế,
an ủi những người khổ đau và khai sáng cho những kẻ mê lầm. Vì đại nguyện
cứu khổ cho loài người, Ngài đã lìa bỏ tất cả hạnh phúc cá nhân để sống theo
hạnh nguyện khất sĩ của kẻ tu hành.
Ngày nay, giữa lúc đa số quần
chúng đều mù quáng chạy theo thế giới Tây Phương vật chất để đi tìm mọi thú
vui tình cảm, và ánh sáng văn minh ngoại giới đã che lấp sự cao khiết ở nội
tâm con người, đời sống đức Phật cần được nêu cao như một tấm gương toàn hảo
để cho tất cả mọi người chung tu sửa. Ðã đến lúc con người xa lìa những
phiền toái của cuộc sống và chấm dứt sự tìm cầu mọi xa hoa lạc thú trong
những y phục đắt tiền và vật chất thế gian. Ðã đến lúc con người cần dứt bỏ
những tập quán và nếp sống xấu xa, phát sinh từ nền văn hoá ngoại lai để trở
về theo con đường sống chân chính của Phật giáo, mà xưa kia đã từng được
toàn thể dân tộc tôn kính. Người Phật tử nên ý thức rằng nguồn vui chân
chính của con người không phải tìm thấy ở đời sống xa hoa vật chất bên
ngoài hay những dục vọng thế gian mà là nơi những đức tính tốt đẹp vĩnh cữu
trong tâm hồn, những thái độ khiêm nhường nhẫn nhục, những hành động lợi tha
từ bi cao quý.
Con đường chân thật sống theo
Phật giáo ngăn cấm con người không được giết hại sinh mạng trong bất cứ
trường hợp nào và phải kính trọng tài sản của những kẻ khác. Nó không chấp
nhận cuộc sống lang chạ bất chính, hay lừa dối đảo điên và dùng những thứ
rượu làm say người. Ngoài năm giới cấm này được xem như những nguyên tắc đạo
đức sơ đẳng nhất để áp dụng cho hàng Phật tử, còn có những bổn phận và trách
nhiệm khác mà mỗi người con Phật bắt buộc phải chu toàn trong đời sống công
dân và gia đình. Những điều này được đức Phật giảng dạy trong nhiều bộ kinh
như Singalovada, Maha-Mangala v.v …..Nói tóm, tất cả những lời dạy đó đều
thể hiện toàn bộ quy luật của Phật giáo về luân lý và đạo đức xã hội, bao
gồm trong những bổn phận hàng ngày của mọi Phật tử đối với bất cứ cuộc sống
nào của họ.
Chính những nguyên tắc đạo đức
căn bản này, vào thời kỳ xa xôi khoảng thế kỷ thứ năm trước Thiên Chúa, đã
được đức Phật đem thực hiện để xây dựng mối giao hảo giữa con người, nhằm
thiết lập nền tảng cho một xã hội Phật giáo đích thực tại Á Ðông, và giúp
cho sự phát triển của nền văn hóa Phật giáo đã được hơn phần ba nhân loại
thấm nhuần mà di sản của nó hiện đang còn là nguồn khích lệ và sáng tạo cho
hàng trăm triệu người trên thế giới. Bởi hành động đạo đức mà người Phật tử
được xem như là cán bộ của một sức mạnh văn minh Phật giáo vĩ đại, một kẻ kế
thừa và duy trì nền văn hóa đạo Phật tương lai. Bổn phận và trách nhiệm bắt
buộc của hàng con Phật là phải bảo vệ và phát triển nền văn hóa Phật giáo đó,
không riêng vì sự lợi ích cho chính họ là những Phật tử hiện đang sống mà cả
đến những thế hệ con cháu họ mai sau .
Nhu cầu khẩn cấp của chúng ta
hiện nay là cố gắng phát huy truyền bá Phật giáo, để có thể ngăn chận làn
sóng duy vật đang xâm nhập phá hoại những di sản tinh thần và tập tục văn
hóa cao đẹp của quốc gia này, một nỗ lực cần thiết để phục hưng lại những
giá trị đạo đức cho tất cả mọi người Tích Lan. “Chúng ta đừng quên Tích
Lan là một xã hội bao gồm nhiều sắc dân và tín ngưỡng. Cho nên, để có thể
sống trong sự hòa thuận và giúp cho quốc gia tiến bộ, chúng ta nên biết kính
trọng ý kiến lẫn nhau, thay vì nuôi dưỡng óc kỳ thị phân chia vì địa vị giai
cấp, màu da và tôn giáo. Ðiều này không có nghĩa bảo chúng ta luôn luôn
không được nghĩ đến tín ngưỡng hoặc dân tộc của mình, nhưng có ý nhắc nhở
chúng ta khi muốn phát triển và nâng cao nền văn hóa hoặc quốc gia, chúng
ta nên cố gắng tránh mọi sự gây tai hại và khổ đau cho những kẻ khác, dù lý
tưởng của chúng ta theo đuổi có tốt đẹp đến đâu chăng nữa.”
Chúng ta phải luôn ý thức rằng,
mọi tôn giáo tuy có khác biệt về hình thức diễn đạt chân lý, nhưng tất cả
đều dạy con người làm việc lành. Mục đích chung của các tôn giáo là cứu con
người thoát khỏi vực thẳm vô tôn giáo mà nó được xem như là mối đe dọa lớn
lao nhất đối với cuộc sống con người trong mọi thời đại. Và khi chúng ta
hành động tán dương những sai biệt của tôn giáo với ý niệm tạo nên sự hiềm
khích giữa các tôn giáo, tức chúng ta đã phản lại chân tinh thần của tôn
giáo đích thực vậy. Ðến đây, với những ai có thiện chí xây dựng xứ sở này,
tưởng nên nhớ kỷ nguyên tắc khoan dung mà vị Thủ Tướng của chúng ta (Tích
Lan) đã tóm tắt trong câu châm ngôn bình dân sau đây “Không ỷ vào đa số
để đàn áp, không thấy mình thiểu số mà tỵ hiềm”.
 |