TÔI CŨNG CÓ MỘT ƯỚC MƠ
THÍCH TỪ LỰC

(Trong kỳ trại huấn luyện Huynh trưởng cấp 2 Huyền
Trang III tại Livermore, Bắc California, đã có rất nhiều bài viết về sinh
hoạt trong Trại, nhiều bài tham luận của trại sinh và rất nhiều bài giảng
của khối Huấn luyện. Sau đây là bài viết của TT Thích Từ-Lực, Viện chủ Trung
tâm Phật giáo Hayward, là một vị giảng sư của Trại đã viết bài này trước khi
đi vào các khóa giảng. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả)
Bốn mươi năm trước, vào thời điểm này, mục sư Martin Luther King
đã nói lên tiếng nói, mong ước cho một xã hội không kỳ thị, có thương yêu
giữa những người khác màu da. Bài nói chuyện của ông trước mấy trăm ngàn
người ở Lincoln Memorial tại Hoa Thịnh Đốn với nhan đề "I Have A
Dream” (Tôi Có Một Ước Mơ) đã làm xúc động cả trăm triệu người trên
thế giới về một mơ ước cho nhân quần, xã hội được sống trong thanh bình, tốt
đẹp.
Ngày hôm nay, trong trại Huyền
Trang nầy, quý anh chị trại sinh có ước mơ nào không? Tôi chỉ hỏi “dò đường”
vậy thôi, chứ ai mà không có mơ ước cho mình hay đơn vị Gia đình Phật tử
mình đang sinh hoạt. Chúng ta mong ước các em Đoàn sinh lớn lên trong một
gia đình có sự thương yêu, gần gũi của cha mẹ. Chúng ta mong quê hương của
chúng ta có thanh bình, hạnh phúc, và gần hơn, mình mong cho người hàng xóm
có nụ cười hoan hỷ, đời sống bớt đi những buồn phiền lo lắng. Với người con
Phật và hơn thế nữa, với phát nguyện của người Huynh trưởng, chúng ta tu tập
và đem lòng Từ Bi đó trải rộng cho tất cả mọi loài.
Tôi cũng có một ước mơ và xin
chia xẻ với quý Anh chị Huynh trưởng Trại sinh trong kỳ trại này. Tôi mơ ước
rằng: Trên vùng đất tự do chúng ta đang sống đây, trong mỗi ngôi chùa đều có
một Gia đình Phật tử và trong mỗi đơn vị Gia đình Phật tử đó, có (ít nhất)
một người đi tu. (Đi tu thiệt đó nghe!) Tôi cho rằng, đó là một ước mơ rất
bình thường, và vì vậy, tôi đã nuôi dưỡng nó gần mười năm nay. Tôi cứ cầu
nguyện, cứ mong ước cho “mơ” đó thành “thật”. Để làm gì, anh chị biết không?
Để thấy sức sống từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan rộng, đem yêu thương xóa
bỏ mọi đố kỵ, buồn phiền. Để thấy các em lớn lên trong một xã hội lành mạnh.
Thỉnh thoảng, tôi có đi thăm các em thiếu niên ở trong tù. Tôi thấy tội cho
các em quá. Lỡ gây lỗi lầm, vào tù, và như vậy là không còn có tương lai tốt
đẹp nữa. Tôi chợt nghĩ rằng nếu như những tổ chức nhằm giáo dục và đào luyện
nhân cách tuổi trẻ như tổ chức Áo Lam của chúng ta, được phát triển sâu rộng
và có sức thu hút mạnh mẽ thì các em sẽ có nhiều cơ hội và triển vọng tránh
được những lỗi lầm, những tác động xấu xa từ xã hội hay từ bạn bè. Nếu như
hiểu và thấy được lợi ích như trên, chúng ta cần cố gắng hơn nữa vào việc
nuôi dưỡng và phát triển những phương thức sinh hoạt phù hợp với đường lối
giáo dục của tổ chức Gia đình Phật tử chúng ta, trong đó, các Huynh trưởng
và vị Cố vấn Giáo hạnh giữ nhiệm vụ rất quan trọng. Về trọng trách của người
Huynh trưởng, chúng ta đã có dịp nghe anh TÂM TỰU Sử Thành chia sẻ rất súc
tích trong một khóa học. Rồi đây, tôi chỉ muốn đặt một vấn đề: Chúng ta có
trại A Dục, Lộc Uyển và cao hơn là Huyền Trang, Vạn Hạnh để đào tạo huynh
trưởng các cấp, vậy sao không thấy có trại nào, khóa học nào đào tạo Cố vấn
Giáo hạnh? Tôi vẫn nghĩ rằng, không ai sinh ra mà thành Phật được liền. Cần
phải tu tập, phải học hỏi.
Đức Bổn Sư chúng ta tu hành trải
qua không biết bao nhiêu kiếp mới thành Phật được. Cũng như vậy, đâu phải
làm Thầy, làm sư cô là có thể đương nhiên trở thành Cố vấn Giáo hạnh liền
đâu. Dĩ nhiên, chúng ta không dám lạm bàn về phương diện giới đức, đạo hạnh
của quý Ngài. Nhưng ở vị trí một Cố vấn Giáo hạnh, đạo hạnh chỉ là một phần;
còn có những phương diện khác như điều hành tổ chức, tâm lý tuổi trẻ, quý
Thầy, quý sư cô cũng cần thông hiểu và áp dụng khéo léo. Được vậy thì quý
Ngài có thể, khi cần, giúp đỡ hàn gắn sự nứt rạn do hiểu lầm, xây dựng cho
tập thể niềm tin tưởng và thương mến lẫn nhau, và nhất là tạo được mối quan
hệ tương kính và tương thân giữa vị Cố vấn Giáo hạnh và Ban Huynh trưởng. Lẽ
đó, tôi chỉ mong nếu có những anh chị Huynh trưởng (như anh Tâm K. chẳng hạn)
hay Đoàn sinh nào đã có sinh hoạt với tổ chức Gia đình Phật tử mà phát tâm
xuất gia, thì những vị những vị Cố vấn Giáo hạnh tương lai này hẵn am tường
hơn ai hết về hoàn cảnh, điều kiện sinh hoạt, và cảm thông được tâm tư của
nhau, từ đó sẽ hết lòng thương yêu tổ chức màu Lam.
Ước mơ của mục sư King đến nay đã
qua 40 năm vẫn chưa thành hiện thực, và không biết ước mơ của tôi đến bao
giờ mới được thành tựu? Cầu Phật gia hộ cho tất cả chúng ta cùng có kiên
nhẫn, cùng được cảm thông và gặp nhiều thuận duyên để luôn luôn sống trong
tình Lam chan chứa yêu thương và đoàn kết.
Thích Từ Lực

|