Chùa Tháp Vàng
Schwedagon ở Miến Điện
Võ
Quang Yến
Tọa
lạc trên ngọn đồi Singuttara cao 58m so với mặt
biển, giữa một mặt bằng 5.6 ha, tháp chùa
Schwedagon lóng lánh dưới nắng từ sáng đến tối.
Nhưng đẹp nhất là vào cuối chiều, những lớp vàng
trên tháp phản chiếu ánh mặt trời sắp lặn, cho
dội ra những tia sáng huyền ảo trong một bầu
không khí mát dịu vì nhiệt độ trong ngày đang
dần dần tiêu tan. Đúng vào lúc nầy, sở tan,
trường đóng, từng đợt gia đình lũ lượt kéo nhau
lên chùa lễ bái. Đây chánh điện, thiền đường
tương đối nhỏ, không đủ chỗ cho tất cả mọi người.
Tín đồ nếu không múc nước tắm các tượng, đi dạo
vòng quanh chùa, trên các dải chiếu trải quanh
hay trên nền gạch, theo đường kim đồng hồ như
tục lệ ở mọi chùa Phật khác, thì quỳ khấn, sụp
lạy ngay trong sân chùa, khắp nơi, trước các
ngôi tượng cũng như trước các bức tường. Mà thật
sân chùa vô cùng sạch sẽ nhờ hằng ngày nhiều
chục các cô các bà sắp thành hàng ngang cùng
bước cùng quét, hòng mong đóng góp "công đức"
cho gia đình, con cái và cả cho chính mình, ở
đời nầy cũng như ở kiếp sau. Trời dần tối thì
chùa cũng lên đèn. Ngọn tháp dần dần sáng chói
trên nền trời đen thẩm, huyền diệu như viên ngọc
bích trong tủ gương, một bảo vật cao 98 m đặt
trên một cái nền 6,4 m nên trông như một tháp mẹ
giữa một đàn tháp con.
Thật vậy, đi quanh kinh đô Yangon
của xứ Myanmar (Miến Điện) từ đâu cũng dễ thấy
tháp vàng chùa Schwedagon. Có bốn lối vào chùa
đầy cửa hàng bán hàng cúng và vật lưu niệm cho
khách du lịch hay kẻ hành hương. Hai bên đường
cửa Tây là một dãy tu viện
kyaung nên còn
giữ vẻ cổ kính thời trước. Cửa chính
zaungdan nằm ở
phía nam, có thang máy cho người yếu sức như ở
cửa Bắc. Hai bên cửa, hai tượng sư ưng
chinthe khổng
lồ 9 m đứng giữ. Chúng không có vẻ dữ tợn nhưng
từ đây vào chùa phải đi chân không nên trong
chùa không có tiếng lộp độp guốc dày ồn ào. Tháp
chính
zedi
là một công trình đầy đặc dựng theo lối cổ
truyền Miến Điện. Ở dưới là ba thềm vuông
pichaya, chồng
ở trên là các thềm bát giác trước khi đến năm
thềm tròn, một cách để chuyển những thềm vuông
qua hình tròn. Và những hình tròn nầy cũng là
một phương tiện để chuyển những thềm nằm ngang ở
dưới lên những thành phần dựng thẳng, thon mảnh
phía trên: một hình chuông
klaunglaung bon
đường kính 105 m, những dải vòng đốt
baungyit cao
12.5 m, hai vòng cánh sen sấp và ngửa
kyahlan cao 9.5
m, một hình chén lật ngửa
thabeik rồi một
hình bắp chuối
hnget pyawbu
cao 16 m. Nếu ở dưới chỉ có những lá vàng che
phủ, ở trên 13153 tấm vàng 30 cm vuông trang
hoàng phần hoa sen và bắp chuối. Trên cùng là
một vành
hti
hình dù, bằng sắt mạ vàng, cao 10 m, gồm có bảy
tầng, nặng hơn một tấn. Vòng nầy thon dần thành
một mũi nhọn mang 1065 chuông vàng nhỏ bằng vàng,
420 chuông nhỏ bằng bạc, một cái chong chóng cao
4.6 m xoay theo chiều gió và một quả cầu
seinbu. Cái
chong chóng mạ vàng và bạc, khảm 1383 viên đá
quý,
rubi,
xaphia,
topa,
và 1100 viên kim cương tổng cộng 270 cara còn
quả cầu cũng khảm 4351 viên kim cương tương ứng
với 1800 cara và trên chóp một viên kim cương
độc chiết 76 cara. Mỗi năm, tháp phải được mạ
vàng lại và 53 m khối đã được dùng năm 1955.
Chùa Schwedagon không chỉ có tháp
chính nầy. Nhiều tháp nhỏ hơn bao quanh nó, đặc
biệt bốn cái ở bốn hướng, bốn cái ở bốn góc chân
tháp xung quanh có những người sư tử
manoktikavà
sư ưng
chinthe
ngồi chầu, và 60 cái quanh chu vi làm thành một
rừng
zedi,
phần lớn mạ vàng hay ít nhất cũng ở trên nóc,
đua nhau sáng chói suốt ngày đêm. Trong số các
tháp nầy có một cái đặc biệt gồm có tám hốc dành
cho tám đức Phật ngồi giữ tám con thú tượng
trưng cho tám hành tinh, tương đương với tám
phương hướng kết hợp với tám ngày trong tuần:
voi có ngà (Thủy tinh, nam, sáng thứ tư), rắn
naga
(Thổ tinh, tây nam, thứ bảy),
chuột (Mộc tinh, tây, thứ sáu), voi không ngà (Rahu,
tây bắc, chiều thứ tư), chuột lang (Kim tinh,
bắc, thứ sáu), chim
garuda (mặt
trời, đông bắc, chủ nhật), cọp (mặt trăng, đông,
thứ hai) và sư tử (Hỏa tinh, đông nam, thứ ba).
Xen lẫn với các tháp là những điện đủ loại như
điện thờ đất, thờ mặt trời, thờ mặt trăng, cùng
các hành tinh: Thủy, Thổ, Hỏa, Mộc, Rahu (hành
tinh thần thoại), điện Konagamana với những
tượng xưa nhất của chùa thờ những vị Phật trước
đức Gautama (Cù-Đàm), điện Kakusandha với bốn
bức tượng ngữa gan bàn tay lên trời, điện
Tazaung arakanais với tượng đức Phật niết bàn
8.5 m, điện Shin Itzagone với đức Phật mắt to lạ
thường, điện đức Phật làm phép lạ, điện U-Nyo
với những tranh gỗ chạm kể lại cuộc đời đức Phật,
điện những dấu ấn đức Phật, điện thờ Gautama mà
uy thế sẽ kéo dài đến thế kỷ 4-5, điện Mahabodhi
phiên bản của Tháp Đại Giác, Bodhgaya - Ấn Độ,...
bên cạnh những tượng đặt ngoài trời hay trong tủ
kính như tượng vua
nat
Thagyamin,
tượng thần nat Bo Bo Gyi tức là vị hộ
pháp của chùa, các tượng Mai La Mu và Sakka tức
là hai nhân vật thần thoại được xem như là phụ
mẫu của vua Okkalapa, người sáng lập ra chùa,...
Lịch sử của chùa cũng đi đôi với sự tích những
cái chuông có tiếng của chùa. Trước tiên là một
cái nặng 30 tấn do vua Dhammazedi dâng cúng năm
1608, Felipe de Brito y Nicota, người Bồ Đào Nha,
muốn cướp đem về đúc súng ca nông, chuông rơi
xuống nước mất tiêu. Chuông Maha Gandha, nặng 23
tấn, được vua Singu cho đúc năm 1779; đầu thế kỷ
19, người Anh muốn đem chuông qua Calcutta,
chuông cũng rơi xuống nước, lần nầy người dân
thành công vớt lên được đưa về chùa cũ. Một cái
chuông thứ ba, Maha Tissanda, nặng hơn 40 tấn,
do vua Tharrawady biếu tặng năm 1841, đồng thời
với 20 kg vàng, hiện nay còn thấy ở chùa.
Người Miến Điện tin là chùa
Schwedagon được xây cất từ 2500 năm nay, nhưng
những nhà khảo cổ đều nhất trí tháp không thể
được dựng trước thời đại môn nghĩa là giữa hai
thế kỷ 6 và 10. Tục truyền khi đức Phật còn ngồi
Thiền định dưới cội Bồ-đề, hai anh em lái buôn
Tapussa và Bhallika lại dâng Ngài một cái bánh
mật. Để cám ơn, Ngài nhổ tám sợi tóc biếu cho họ.
Trên đường về, vua Ajetta cướp hai sợi khi họ
băng qua vịnh Bengan, sau đó vua thần rắn
naga lại còn
chiếm mất hai sợi nữa. Trong lúc đó, vua môn
Okkalapa nước Suwannabhumi cầu khấn (có thể ở
điện Kannaze mà tượng Phật được gọi là
Sudaungbyi nghĩa là "đức Phật chấp thuận ước
nguyện của nhà vua") để có được thánh tích. 49
ngày trước khi nhận quà biếu đầu tiên, đức Phật
đã xuất hiện báo trước cho nhà vua biết. Thần
thoại kể rằng đồi Singuttara, nơi vua Okkalapa
ngự trị, xưa kia đã có chứa một cái gậy, một cái
gáo nước và một mảnh áo của các đức Phật trước,
lâu ngày mất linh thiêng nếu không có thánh tích
mới. Vì vậy, khi hai anh em lái buôn đem hộp
đựng tóc về thì vua đang chờ đợi, lập tức cho
lập đàn cúng tế và mời tất cả các vị thần linh
địa phương kể cả các thần
nat
lại dự. Tất cả đều
ngạc nhiên khi mở hộp đựng tóc thì thấy còn đầy
đủ tám sợi. Hơn nữa, hộp vừa mới mở thì bổng
nhiên hào quang sáng tỏ khắp mặt đất, sấm chớp
rực trời, bão táp nổ dậy rúng động cả núi Meru,
cho rơi ngọc quý xuống đến đầu gối, làm hoa nở,
trái mọc trên Hy Mã Lạp Sơn mặc dầu không phải
đúng mùa... và nhất là gây ra một số phép lạ:
người câm biết nói, người mù biết thấy, người
điếc biết nghe, người què biết đi,...
Biết là thánh tích rất thiêng,
vua truyền cho đem rửa sạch (có lẽ ở giếng cạnh
Sandawdwin) và đóng một cái hộp bằng vàng để tạm
thời chứa đựng (đặt ở điện Naungdawgyi do chính
vua Okkalapa cho cất) trong lúc xây dựng một cái
tháp xứng với thánh tích ấy. Khi tháp xây xong,
vua lại làm lễ và chuyển tóc qua tháp. Người
Miến Điện tin cái tháp nầy gồm có nhiều lớp: ở
trong là một cái tháp bằng vàng, sau đó lần lượt
được phủ thêm những tháp bằng bạc, đồng, chì,
cẩm thạch và ngoài cùng bằng sắt. Mặc dầu linh
thiêng như vậy, chùa tháp dần dần bị bỏ quên cho
đến đời vua Ashoka mới lại được sửa sang. Qua
thời đại Pagan, các vua Anawratha rồi Byinya U
de Pegu và Binnyagyan lần lượt cho trùng tu và
tiếp tục xây thêm, nâng tháp cao lên đến 90 m.
Qua thế kỷ 15, tục lệ dán lá vàng vào tháp bắt
đầu. Nữ hoàng Shinsawbu hoàn chỉnh chùa có hình
dáng ngày nay, từ đấy lưu danh lâu đời. Bà đích
thân dâng chùa 40 kg vàng là trọng lượng của bà
để lợp đỉnh chùa. Vua Dhammazedi, rể của bà, và
cũng là người kế vị, còn làm hơn: ông cúng chùa
bốn lần trọng lượng của ông và vợ ông. Năm 1485,
ông cho dựng ba tấm bia kể sự tích chùa bằng ba
thứ tiếng Miến Điện, Pali và Môn, chuyển một
truyền thuyết qua một chuyện thật. Rủi thay,
nhiều cuộc hỏa hoạn và động đất làm thiệt hại
nhà chùa như năm 1768 làm gảy mất chỏm
zedi.
Vua Hsinbyushin cho sửa lại như
ta thấy ngày nay.
Một ngôi chùa kiến trúc đặc sắc
như vậy, tượng trưng cho một đất nước thấm nhuần
Phật giáo, ai mà không muốn được lại viếng thăm.
Trong lòng mỗi người Miến Điện đều ấp ủ mộng mơ
một ngày kia có dịp lại vãng cảnh chùa đồng thời
cúng lạy cầu khấn.
Tôi được đưa đến đây một buổi
chiều xuân, nắng ấm, thẩn thơ dạo quanh cho đến
lúc mặt trời lặn. Tháp vàng óng ánh như khêu gợi,
quyến rũ khách du hành. Vì vậy, không quản thì
giờ, ngại khó khăn, tôi đã tranh thủ để trở lại
một lần nữa, cũng vào cuối chiều. Lần nầy hết
còn có cái ngạc nhiên thú vị của cuộc khám phá
ban đầu, tuy vậy tôi vẫn thích thú tìm được hạnh
phúc trong sự chờ đợi một cảnh tượng đã sống,
một cảnh đẹp đã trông, và cảm thấy như bị mê
hoặc, vì cái thẩm mỹ đã đành, mà tuồng như cũng
vì cái vượng khí thiêng liêng của một ngôi chùa
từng được xem là một " bí ẩn mạ vàng,... một kỳ
quan lừng lẫy" để dùng chữ của Rudyard Kipling
đã từng được may mắn lại chiêm ngưỡng nơi nầy.
1988-2006
Võ Quang Yến

|