Một Nhà Sư Để Lại Nhục Thân

Tâm Diệu Phú dịch

  

 

Mạc Tư Khoa, Nga – “Thi thể của Giáo trưởng Lạt ma Itigelov đã được khai quật vào ngày 10 tháng 9 năm 2002, trong khu nghĩa trang gần thành phố Ulan Ude (Liên Bang Nga).  Lạt ma thị tịch và được an táng vào năm 1927, và việc khai quật này đã được thực hiện với sự hiện diện của thân nhân, viên chức, và chuyên gia.”

Đây là tin tức đã được loan báo trên báo chí, truyền thanh, truyền hình của nước Nga có liên quan tới một vị Lạt ma người Buryat mà thi thể đã được khai quật từ một phần mộ vào đầu thế kỷ 21.  Một thùng gỗ được đặt trong phần mộ mà trong đó có một vị Lạt ma ngồi trong tư thế “hoa sen.”  Thi thể của ngài còn nguyên vẹn giống như là đã được ướp; tuy nhiên, đã không có chuyện ướp xác vì các cơ bắp và da vẫn mềm mại cũng như các khớp xương vẫn gập lại được.  Linh thể của ngài được phủ đắp bằng y áo hàng lụa và vải.    

Giáo trưởng Lạt ma Itigelov là một chơn Tăng, rất nổi tiếng trong lịch sử Nga.  Ngài đã theo học ở trường Anninsky Datsan (một trường đại học Phật giáo ở nước cộng hòa Buryatia, mà ngày nay chỉ còn lại di tích) và đã tốt nghiệp với các văn bằng dược khoa và triết lý (về tự tánh không của mọi pháp). Ngài cũng có sáng tác một bộ bách khoa dược lý.

Vào năm 1911, ngài Itigelov trở thành một vị Giáo trưởng Lạt ma (vị lãnh đạo các tự viện ở nước Nga).  Trong suốt giai đoạn từ 1913 đến 1917, ngài tham gia vào các hoạt động xã hội của Sa hoàng, được mời tham dự lễ kỷ niệm 300 năm trị quốc của hoàng gia Romanov, thành lập ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở thành phố St. Petersburg, và hoàng đế Nikolai đệ nhị đã ban tặng cho ngài giải thưởng St. Stanislav vào ngày 19 tháng 3, 1917.      

Trong suốt Đệ Nhất Thế Chiến, ngài Itigelov đã sáng lập và tạo nguồn cảm hứng cho một tổ chức được đặt tên là “các chiến hữu Buryat” (Buryat brothers).  Ngài trợ giúp lực lượng quân đội về tiền bạc, thực phẩm, chiến y, dược phẩm.  Ngài cũng cho xây cất một lô các bệnh viện, mà những nơi này có các vị bác sĩ Lạt ma cứu giúp các chiến binh bị thương.  Vì những việc làm trên mà ngài đã nhận lãnh giải thưởng St. Anna cùng các giải ban khen khác.

Vào năm 1926, ngài Itigelov khuyên các nhà sư nên rời khỏi nước Nga do bởi “tư tưởng cách mạng bắt đầu xâm nhập” (Còn ngài thì vẫn chưa bao giờ rời khỏi nước Nga).  Vào năm 1927, lúc đó được 75 tuổi, ngài bảo các vị Lạt ma hãy chuẩn bị cho buổi tọa thiền bởi vì ngài cho biết là mình sắp sửa từ trần.  Các vị Lạt ma không muốn có buổi tọa thiền như vậy vì thấy ngài Itigelov vẫn còn sức sống.  Vì vậy, ngài Itigelov bắt đầu ngồi thiền một mình, các vị Lạt ma thấy vậy ngồi theo, và không bao lâu thì ngài thị tịch trong lúc tọa thiền.

Ngài Itigelov để lại chúc thư, yêu cầu chôn cất ngài như ngài hiện là–đang ngồi trong tư thế hoa sen, trong một thùng gỗ tuyết tùng tại một nghĩa trang truyền thống.  Lời di chúc này đã được thực hiện.  Cũng có thêm một lời di chúc nữa, yêu cầu các sư khai quật thi thể ngài vài năm sau đó.  (Đây là một điểm lý thú–điều này có nghĩa là ngài biết được thi thể mình sẽ còn nguyên vẹn).  Lời di chúc này cũng được các sư thực hiện vào năm 1955 và 1973, nhưng các sư sợ nói ra điều này cho mọi người biết tại vì chế độ chính trị thời bấy giờ đã không dành bất kỳ một chỗ đứng nào cho tôn giáo trong xã hội cả. Chỉ cho tới năm 2002, thi thể ngài cuối cùng mới được khai quật và chuyển đến tu viện Ivolginsky Datsan (nơi thường trú của một vị Giáo trưởng Lạt ma hiện nay).  Tại đây các nhà sư, mà quan trọng hơn nữa là các khoa học gia và các nhà nghiên cứu bịnh lý học, đã khảo cứu thi thể thật kỹ lưỡng.  Lời công bố chánh thức đã được đưa ra về thi thể này–được bảo quản tươi tốt, không có những dấu hiệu thối rữa, các bắp thịt và mô nội bì còn nguyên vẹn, các khớp nối và da còn mềm dịu.  Điều thú vị là thi thể chưa bao giờ được ướp tươi hay ướp khô gì cả.        

Hai năm qua, thi thể ngài Itigelov được giữ ở nơi thoáng khí, xúc chạm với những người khác, mà không có bất cứ hệ thống kiểm soát độ nóng lạnh hay độ ẩm nào cả.  Làm cách nào ngài Itigelov giữ được linh thể như vậy.  Không một ai biết được.

Đây là MỘT CA DUY NHẤT VỀ NHỤC THỂ ĐƯỢC CHỨNG THỰC VÀ ĐƯỢC BIẾT ĐẾN khắp cả thế giới.  Ai cũng biết kỹ thuật ướp xác tươi và khô tại một số quốc gia và dân tộc – nước cộng hòa Chí Lợi (kỹ thuật ướp xác của bộ tộc Chinchora), xác ướp khô ở Ai Cập, các vị thánh Cơ Đốc Giáo, các nhà lãnh tụ cộng sản, và những người khác.  Một số thi thể được tìm thấy trong các hình thức đông lạnh vĩnh viễn (permafrost), tuy nhiên khi những thi thể này tiếp xúc với bầu khí quyển ôxy thì bị phân hoại trong vòng vài giờ.

Trong kinh điển Phật giáo có nói tới nhục thân, nhưng từ trước tới nay chưa có trường hợp nào được chứng thực cả.  Tốt quá, bây giờ thì có rồi.

Sau hai năm khai quật, thi thể ngài Itigelov không bị thối rữa, tan rã, mọc nấm hay bị bất cứ gì cả.  Lạt ma Itigelov đã nói trước khi ngài viên tịch là ngài có để lại một thông điệp cho mọi người trên quả đất này. Đó là một thông điệp vô ngôn. Và giờ đây là tới phiên chúng ta phải tự tìm hiểu lấy thông điệp này.

 

Tâm Diệu Phú dịch

 

 

 

 
 
simple stats
Hit Counters