Ý NGHĨA HUY HIỆU HOA
SEN GĐPT

Huy hiệu của Gia
Đình Phật Tử là dấu hiệu tròn, Hoa sen trắng, có
tám cánh nằm trên nền màu xanh lá mạ.
I. Hình tròn:
tượng trưng cho đạo Phật viên dung, hoàn toàn,
vô ngại.
II. Sen trắng:
tượng trưng cho ánh sáng của Trí huệ hoàn toàn (giác
ngộ), và cho ánh sáng của hạnh Thanh tịnh hoàn
toàn (giải thoát). Hoa sen là loại hoa mọc trong
bùn dơ nhưng vẫn tỏa ngát hương thơm tượng trưng
cho sự không bị sa đọa của người Phật Tử dù sống
với xã hội độc ác dơ bẩn.
III. Tám cánh sen:
chỉ rõ mục đích Gia Đình Phật Tử:
A. Năm cánh
trên của Hoa sen tượng trưng cho năm hạnh của
người Phật Tử, từ ngoài nhìn vào:
1. Cánh
giữa: hạnh Tinh Tấn. Tinh Tấn nghĩa là luôn luôn
tiến trên con đường trong sạch, trên con đường
đến mục đích của Đoàn, trên con đường Đạo. Tượng
trưng cho hạnh Tinh Tấn là đức Phật Thích Ca,
người đã rời bỏ hạnh phúc gia đình, ngôi báu, vợ
con, danh lợi, để dấn thân trên đường Đạo, tu
khổ hạnh trong sáu năm, ngồi thuyền định 49 ngày
để đạt đến giác ngộ, rồi lại đi thuyết pháp giáo
hóa chúng sanh hơn bốn mươi chín năm. Một thiếu
niên, thiếu nữ sống theo hạnh tinh tấn là luôn
luôn tinh tấn thực hành các hạnh Hỷ xả, Thanh
tịnh, Trí huệ và Từ bi. Trái với hạnh Tinh Tấn
là lười biếng trên đường Đạo, trong bổn phận của
mình.
2. Bên trái
cánh giữa: hạnh Hỷ Xả, có nghĩa là luôn luôn vui
vẻ hoan hỷ, làm mọi người vui vẻ hoan hỷ, sống
phóng xả hy sinh. Gặp việc buồn, dữ, hoặc bệnh
tật không than khóc, không quá lo buồn, không sợ
hãi. Thấy người làm việc lành hoặc được may mắn
thì vui vẻ, tán thành, không ganh ghét, bực tức.
Thấy người gặp việc buồn khổ thì khuyên giải,
giúp đỡ. Gặp người xúc phạm đến mình không tức
giận. Biết hy sinh cho mọi người, mọi loài. Hỷ
Xả không có nghĩa là vui vẻ trẻ trung, cười nói
ồn ào. Hỷ Xả là hạnh của một tâm hồn trong sạch,
yêu đời, thương mọi loài, điềm tĩnh và biết hy
sinh. Người sống theo hạnh Hỷ Xả luôn có gương
mặt tươi trẻ, cặp mắt trong sáng, nụ cười hiền
hòa, và trong thân tỏa ra sức mạnh khiến mọi
người hoan hỷ hy sinh theo mình. Tượng trưng cho
hạnh Hỷ Xả là đức Phật Di Lặc, một đức Phật có
một lòng thương rộng lớn cao cả, một gương mặt
luôn luôn tươi cười.
3. Bên phải
cánh giữa: hạnh Thanh Tịnh, có nghĩa là trong
sạch trong thân thể, trong sạch trong lời nói, ý
nghĩ, việc làm và sống một cuộc đời giản dị,
thanh bạch. Trong sạch trong thân thể, là lúc
nào thân hình cũng sạch sẽ, tóc tai gọn gàng,
quần áo chỉnh tề. Trong sạch trong lời nói, là
không nói lời giả dối, độc ác, thêu dệt, chải
chuốt, nói hai lưỡi; chỉ nói lời thành thật, hòa
nhã giản dị, và trung trực. Trong sạch trong ý
nghĩ, là từ bỏ tánh tham, sân, si, tư tưởng cần
trong sạch chơn chánh. Trong sạch trong việc làm
là cử chỉ, việc làm chơn chánh. Sống giản dị là
sống thanh bạch, đạm bạc, không xa hoa, phù
phiếm. Một người sống theo hạnh Thanh Tịnh là
thân thể áo quần luôn luôn sạch sẽ, tề chỉnh,
lời nói, ý nghĩ, việc làm luôn luôn trong sạch,
và sống cuộc đời giản dị thanh bạch. Tượng trưng
hạnh Thanh Tịnh là đức Phật A Di Đà, một đức
Phật có hào quang vô lượng, thọ mạng vô lượng,
hai quả đức do nhơn hạnh hoàn toàn thanh tịnh;
và cảnh giới của đức Phật A Di Đà hóa độ chúng
sanh là cảnh Tịnh Độ, một cõi hoàn toàn trong
sạch đẹp đẽ.
4. Bên trái
của Hỷ Xả: hạnh Trí Huệ, có nghĩa là hiểu biết
đúng đắn, cùng khắp, tất cả. Hiểu biết đúng đắn
là sự thật cảnh vật như thế nào, thì hiểu biết
đúng như vậy không sai lầm. Hiểu biết cùng khắp
là hiểu biết rộng rãi. Một người sống theo hạnh
Trí Huệ là phải học hiểu những điều phải học
đúng theo chương trình, phải học hiểu Phật Pháp
đúng theo thứ bậc của mình. Tượng trưng cho hạnh
Trí Huệ là đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, vị Bồ Tát
có trí huệ bậc nhất, tiêu biểu cho sự hiểu biết,
và thường thay thế đức Phật Thích Ca khai sáng
trí huệ cho mọi loài.
5. Bên phải
của Thanh Tịnh: hạnh Từ Bi, có nghĩa là đem vui
cứu khổ cho mọi loài. Đem vui là gieo sự vui vẻ
như người thích đọc sách, đem sách tặng khiến
cho người đó vui vẻ, hoặc dùng lời nói hòa nhã
giảng giải Phật Pháp khiến cho người nghe vui vẻ.
Cứu khổ là trừ những nỗi đau khổ cho mọi loài,
như đối với người khổ vì đói khát thì bố thí các
món ăn uống cho hết khổ... Một người sống theo
hạnh Từ Bi là luôn luôn cứu giúp mọi loài, mọi
người sống hạnh phúc. Tượng trưng cho hạnh Từ Bi
là đức Quán Thế Âm Bồ Tát, một vị Bồ Tát hiện
thân cứu khổ cứu nạn cho mọi loài, luôn luôn
thương tưởng, cứu giúp cho tất cả chúng sanh.
B. Ba cánh dưới
tượng trưng cho ba ngôi báu, từ ngoài nhìn vào:
1. Cánh
giữa: Phật Bảo. Phật Đà có ba nghĩa: Tự Giác, là
tự mình giác ngộ. Giác Tha, có nghĩa là giác ngộ
cho mọi loài cũng đồng giác ngộ như mình. Giác
Hạnh Viên Mãn, có nghĩa là hai công hạnh kể trên
hoàn toàn viên mãn. Từ trước tới nay có nhiều vị
đã chứng quả Phật, như Đức Phật Thích Ca, Đức
Phật A Di Đà, Đức Phật Dược Sư, Đức Phật Di Lặc
v.v...
2. Cánh trái:
Pháp Bảo. Pháp là lời dạy của Đức Phật hoặc các
vị Bồ Tát vâng theo lời Phật mà nói, hoặc các vị
Tổ Sư làm ra. Lời dạy tuyên dương chơn lý, có
thể đưa mọi loài thoát khổ được vui.
3. Cánh phải:
Tăng Bảo. Tăng Bảo là đoàn thể xuất gia tu hành
theo Đạo Phật, gồm bốn người trở lên, và sống
theo sáu phép hòa kính.
IV. Màu xanh lá
mạ: là màu tương lai - chỉ tuổi trẻ đang vươn
lên đầy hy vọng ở tương lai, màu của Thanh,
Thiếu, Nhi Phật Tử.
GĐPTVN tại Hoa Kỳ
 |