MẸ THIÊNG LIÊNG

Từ Thế Mộng

 

Tôi viết về mẹ tôi như viết về một nguồn sáng thiêng liêng nhất trong đời - mà đã thiêng liêng thì làm sao nói hết được.

Mẹ theo ba trôi giạt từ Huế vào Phan Thiết, ở chỗ này một ít chỗ kia một ít, không có nơi nào là nhà của riêng mình. Ba tôi cho việc đó không quan trọng; nhà nào cũng là nhà, sống ở đâu trên đời này mà chẳng được. Chỉ tội cho mẹ tôi. Kiếm tiền, nuôi dạy con cái, mẹ cáng đáng hết, không một lời trách móc. Việc gì mẹ cũng làm quá sức mình. Bây giờ nghĩ lại tôi không biết mẹ lấy sức đâu ra mà nuôi con từng ấy năm. Lại dạy con, nhất là tôi, sống sao cho ra hồn người!

Hồi tôi bảy, tám tuổi, gia đình chạy loạn tới xã Vĩnh Hòa dưới chân núi Tà Dôn, cách Phan Thiết mười mấy cây số. Tết đến, dẫu cuộc sống vô cùng cực khổ mẹ cũng nấu cho được vài đòn bánh tét, một nồi măng, một tra thịt, trước cúng ông bà, sau có cái cho con ăn đỡ tủi. Lại còn sai anh tôi và tôi đi mua một chai rượu nhỉ đang cất trên lò dành cho chồng.

Hai anh em đang hí hửng cầm chai về thì máy bay ào tới. Thấy người hốt hoảng chạy, mình cũng chạy; thấy người đâm nháo nhào vào đám bông vải bên đường, mình cũng đâm luôn vào đó; ai cũng rụt đầu, rụt cổ, cố co mình lại, không dám thở mạnh... Vậy mà có một người đàn bà quáng quàng chạy gào to giữa trời: “Lợi ơi! Tư ơi! Lợi ơi! Tư ơi!”. Mẹ tôi đó!

Chúng tôi chạy ào ra, ôm chầm lấy mẹ. Mẹ nắm hai tay chúng tôi, vừa chạy vừa nhìn tưởng như vừa sinh hai thằng con mới.

Tết đó chúng tôi trốn chui trốn nhủi trong rừng. Pháp thả bom ầm ào, xe tăng chạy rậm rịch, chúng tôi cứu được cái mạng không là may rồi. Bao nhiêu món ăn bỏ lại hết. Em tôi chép miệng, anh tôi vạch đất, tôi nhìn mây qua kẽ lá mặc sức tưởng tượng. Nhìn cảnh đó mẹ tôi chịu sao nổi. Khuya, mẹ mò về làng một mình. Lòng yêu thương con dìm hết mọi nỗi sợ hãi đang rình rập theo từng bước chân đêm rón rén của mẹ. Mẹ về, một gánh cho con! Nhai miếng bánh tét trong miệng, thấm vị béo vị bùi; ăn miếng măng kho thấy mềm thấy ngọt; ngậm miếng thịt rim hành tiêu tỏi ớt, cảm cái thơm cái đậm cái nồng, mới thấy có một điều vô thủy vô chung là tình thương của mẹ.

Tản cư về lại ở nhờ dưới mái tranh xưa, mẹ đi củi rừng dương kiếm sống. Anh tôi và tôi theo giúp mẹ. Ba tôi xách đồ nghề đi hớt tóc dạo. Không xong, chuyển qua làm thợ mộc, cũng không khá hơn là bao. Một hôm, đêm chưa khuya đèn còn ngọn sáng, nghe căn nhà dì Bảy Khanh bên kia đường có tiếng xí xô xí xào của lũ Tây đen rạch mặt. Trời ơi! Dì Bảy Khanh góa chồng có đứa con trai là Ly; tuổi dì mới ngoài 30, sắc xuân còn đang nồng. Dì có sao không trời? Bỗng có tiếng súng, tiếng thét. Xóm nhỏ quằn trong đêm kinh hoàng.

Mẹ tôi phóng mình chạy. Ba tôi giữ chặt mẹ tôi lại. Mẹ vùng vẫy dữ dội. Người trong nhà nhào tới giúp ba. Mẹ muốn bứt tung những cánh tay người, mẹ muốn bứt tung cả ruột gan mình, phóng tới: anh tôi đang ở bên đó học bài cùng Ly. Dì Bảy Khanh chỉ còn là một xác chết không gì che thân, khắp mình máu đổ. Sau đó vài hôm, anh tôi và Ly cùng biến mất. Mẹ tôi như người mất hồn. Không ăn, không ngủ. Giật mình, nói mê từng chặp “Lợi, con ơi!”, nghe cả tiếng gan bào. Lần lần, mẹ hồi tỉnh lại. Đâu phải chỉ mình con mẹ ra đi. Anh Tài, cháu gọi ba tôi là chú ruột, cũng ra đi từ hai năm trước. Và hàng vạn, hàng triệu đứa con của những bà mẹ khác cũng đã lớp lớp ra đi quyết bẻ tan xích xiềng nô lệ.

Vắng anh Lợi, mẹ càng phải làm việc gấp hai, gấp ba. Mẹ bán cháo vịt, mẹ nấu cơm tháng, mồ hôi lúc nào cũng đẫm đầy mặt, đầy lưng. Mẹ không than thở với ai, gánh hết mọi khổ cực ở đời. Rồi mẹ tôi ngã bệnh. Bắp vế phải sưng to, ngày càng đỏ, càng cứng. Mẹ đau đớn quằn quại. Bệnh mạch lươn đã quật ngã mẹ. Thuốc ư? Có, nhưng phải là thuốc đặc trị của Pháp, hiếm và cực kỳ đắt. Tôi chưa từng thấy nó bao giờ. Tiền đâu? Mẹ chỉ còn biết cầu nguyện Phật trời. Chúng tôi chỉ còn biết giương mắt ra ngó. Sức khỏe mẹ cạn kiệt, chân không lết nổi nữa.

Vậy mà mẹ vẫn quyết cho tôi đi học xa. Tôi đậu trung học đệ nhất cấp thì Phan Thiết hết cấp. Muốn học tiếp tôi phải ra Nha Trang ở nhờ nhà người quen, dạy kèm con chủ nhà. Tôi tự xoay xở được, nhưng còn mẹ? Tôi nỡ nào để mẹ một mình với căn bệnh không bao giờ chữa khỏi. Tôi viết thư cho mẹ đòi bỏ học, đi làm để kiếm tiền nuôi mẹ. Phan Thiết - Nha Trang mấy trăm cây số chỉ dài như một giấc chiêm bao. Tôi mở mắt ra đã thấy mẹ đứng đó vịn vai em tôi, khắp người như có hào quang chiếu rọi (chiếc khăn quàng xanh thẫm rơi xuống làm mẹ lộ ra cái đầu trọc). Mẹ tôi đó.

Bà phải nằm lăn trên sàn xe lửa, cạnh rác rưởi, gà vịt, không tiền, không vé... để người soát vé thương tình cho đi nhờ. Nửa người như liệt, mẹ bay đi, bay đi để kịp ngăn thằng con rồ dại là tôi!

Học một năm Trường Võ Tánh, tôi chuyển qua thi sư phạm cấp tốc, mong mau mau ra trường về với mẹ hiền tôi. Nhưng không còn kịp, mẹ đã thành tiên bay về trời!

Trước khi nhắm mắt, mẹ cầm tay anh tôi và tôi, run rẩy dặn: “Các con phải thương nhau và nuôi em con học hành cho tốt”. Mẹ vuốt tóc em và ra đi. Chúng tôi một lòng vâng theo lời mẹ dạy. Em tôi thành đạt. Chúng tôi, ba đứa con trai của mẹ, đùm bọc nhau, nương nhau mà sống như có mẹ kề bên. Bây giờ cả ba đều đã già, mỗi lần gặp nhau đều bên nhau không rời.

Xưa, có điều gì mong cầu hoặc gặp điều gì bất trắc, mẹ chắp tay cầu nguyện Phật trời. Nay, chúng tôi chắp tay cầu nguyện mẹ: Mẹ thương yêu thành mẹ thiêng liêng!

 

TỪ THẾ MỘNG

 

 

 

 
 
simple stats
Lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008