VU LAN, MỘT CÕI VỀ
Trí Nguyệt
Vài dòng cho những ai không còn mẹ trong ngày Vu
Lan!
Không biết từ bao giờ
trong tôi có một cảm giác nhẹ khi nghe ai nhắc tới Vu Lan. Ý nghĩa sâu sắc
theo từ nguyên thì tôi không biết, nhưng có một điều chắc chắn tôi cảm nhận
được là khi nghe hai từ đó thì tức khắc tôi nghĩ tới người mẹ bất hạnh của
tôi đã ra đi biền biệt hơn ba mươi năm khi tôi hai tuổi. Vu Lan – Má, hai từ
đó bỗng nhiên hóa làm một trong ý tưởng của tôi. Má tôi ra đi khi người vừa
tròn hai mươi hai tuổi. Cũng có thể nói má tôi bất hạnh, mà cũng có thể nói
tôi là thằng bé bất hạnh. Cả hai đều đúng.
Năm xưa, khi còn bé, tôi
thường theo nội đi chùa vào những dịp lễ lớn, trong đó có lễ Vu Lan. Trong
những lễ lớn đó, nội tôi ít khi bảo tôi phải đốt hương, người chỉ bảo tôi quỳ
lạy Phật thôi, nhưng đặc biệt là lễ Vu Lan, người thường khuyên tôi nên đốt
ba nén hương dâng lên đức Phật để nhờ phép mầu của Ngài cứu má tôi ra khỏi
mê đồ, vãng sanh về tịnh cảnh. Những lần như thế thì tôi được dịp đốt hương
và chính đôi bàn tay nhỏ bé của tôi dâng hương lên đức Phật. Tôi không biết
cúng vái như thế nào, chỉ nhờ nội bồng tôi lên để cắm hương vào lư một cách
vội vã. Ba cây hương xiêng vẹo thật buồn cười. Nội tôi phải sửa lại cho ngay
ngắn. Khói hương nhẹ tỏa, tiếng chuông ngân vang, giọng kinh thanh thoát
trong ngày lễ Vu Lan đã quây quanh tôi. Tôi quỳ kế bên nội, len lén nhìn
khuôn mặt từ bi của đức Phật hy vọng rằng ngài sẽ hiểu những gì tôi muốn nói
như lời nội tôi khuyên tôi, chứ thật ra tôi chẳng có một chút xíu van xin gì
trong lòng tôi cả. Tôi nhớ má, tôi nghe lời nội và chỉ nhìn đức Phật. Ðó là
những gì tôi có thể làm được trong ngày lễ Vu Lan.
Năm tháng cứ dần trôi,
tóc nội gần như nhuộm trắng cả. Một hôm nọ, nội nhìn tôi với một vẻ vừa vui
vừa buồn, bảo: Con đã thực sự lớn, nội càng già yếu không thể chăm sóc được
nữa. Bao năm qua nội đã nuôi con thay má con. Ngày nội ra đi không còn lâu nữa.
Trước khi ra đi, nội muốn thấy con phải tự tay mình đốt hương dâng lên đức
Phật hàng ngày, tự miệng mình cầu xin hàng ngày cho má con và cho nội nữa,
cho nên nội quyết định cho con ở chùa. Từ đó tôi trở thành một chú tiểu
trong một ngôi chùa vùng quê yên tĩnh. Một vài năm sau đó, chính tay tôi đốt
hương đưa cho nội cúng vái trong những dịp lễ Vu Lan và cắm hương dùm cho nội,
vì lúc đó tay nội hơi run. Sau những lần đó, tôi không còn được hầu nội đốt
hương cúng Phật nữa, người đã thực sự ra đi như má tôi đã ra đi năm nào.
Những dịp lễ Vu Lan kế
tiếp trong đời tôi là những dịp tôi nhớ má và nội một cách hoàn toàn nhất.
Cứ sau mỗi lần theo quý thầy tụng kinh Báo Hiếu trong dịp lễ Vu Lan, tôi
thường ra sau chùa ngồi dưới một gốc cây suy nghĩ miên man về má và nội. Hai
người thương yêu tôi nhất lại ra đi biền biệt cả. Nội, thì tôi còn nhớ rõ
khuôn mặt, giọng nói, dáng đi và nhất là đôi mắt từ từ đẫm ướt khi quyết
định cho tôi xuất gia. Còn má, tôi hoàn toàn không nhớ gì hết. Tôi chỉ biết
má tôi qua tấm hình nhỏ xíu trong Thẻ Căn Cước với khuôn mặt tròn đầy phúc
hậu, mặc chiếc áo dài đen cài nút bên phải giống như kiểu vạt khách mà tôi
được mặt khi vào chùa. Má tôi chụp hình không tươi cười, nét mặt người vừa
nghiêm trang vừa hiền hậu, đôi mắt nhìn thẳng vào tôi như có ý bảo với tôi
rằng có nhận ra người là ai chăng.
Có lần nội kể cho tôi
nghe rằng: ngày xưa, má và nội đi chợ, đến trưa mà chưa về tới nhà. Nội bảo
má thuê xe xích-lô máy về, tốn khoảng 3-4 đồng thôi. Má nói với nội rằng "mình
ráng đi bộ một chút, để dành tiền ấy mua vài cây kẹo cho thằng Thắng nó mừng".
Khi nội kể đến đó thì nội thường xoa đầu tôi nói thêm "Má con thương con như
thế đó, nhưng tiếc thay, con người hiền lương mà lại xấu số". Ðó là những gì
mà tôi có thể nhớ má thôi.
Ngày đó, đứng hầu chuông
cho Phật tử thập phương lạy Phật trong những dịp lễ Vu Lan, tôi thuờng nhìn
những bà mẹ dẫn con nhỏ lạy Phật mà thèm, mà nhớ, mà ước ao, nhưng chẳng biết
ước ao gì cụ thể. Cũng bảy tuổi như tôi lúc đó, mà bọn nhỏ được mẹ nuông
chìu, tung tăng trong bộ quần áo mới, còn tôi, phải đứng nghiêm trang thỉnh
từng tiếng chuông trong chiếc áo Nhựt bình nâu cũ. Tôi không còn đốt hương
cho nội hay cho tôi để dâng lên đức Phật cúng vái cho riêng má tôi nữa, mà
tôi phải đốt hương cho mọi người để họ cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ của họ.
Tôi chỉ nghĩ đơn giản là má và nội tôi bây giờ tức là thầy, là sư huynh đệ của
tôi. Khi nghe quý thầy dâng lời nguyện cầu, họ thường cầu nguyện chung cho
những hương linh đã qua đời trong nhiều kiếp. Như vậy thế nào cũng có vong hồn
của má và nội hưởng phước.
Tôi yên tâm như vậy.
Lễ Vu Lan ngày nay có vẻ nhộn nhịp
hơn ngày xưa. Mọi người dường như vui vẻ, ăn mặc sang trọng và cúng kiến có
vẻ thịnh soạn hơn, lại còn có ca nhạc giúp vui nữa. Có một điều mà từ nhỏ
tôi chưa được thấy bao giờ, đó là lễ Bông hồng cài áo. Những ai mà trên áo
của họ đính chiếc hoa màu hồng là nói lên rằng người đó còn cha và mẹ. Chiếc
hoa màu trắng là dấu hiệu người con mồ côi bất hạnh. Thường thì trên áo tôi
luôn nở hoa màu trắng lạnh lùng trong mỗi độ Vu Lan về. Tôi thật sự đau buồn
cho tôi và cho những ai cùng số phận, nhưng nhìn xung quanh, tôi thấy ai
cũng vui cười, cũng ca hát, chẳng có chút gì thương nhớ má, thậm chí những
người đang mang hoa trắng. Tôi cũng vui khi thấy những cô chú lớn tuổi mà
trên áo còn rung rinh cánh hoa màu hồng tươi, nhưng đau buồn nhất là khi tôi
thấy một em bé còn bồng trên tay của một bà cụ mà ai đó đã gắn cho nó chiếc
hoa màu trắng trinh nguyên như nét mặt ngây thơ của nó. Tôi tự nói cho chính
tôi nghe: "Này em bé, em không thể nào ngây thơ như thế khi chiếc hoa màu
trắng lạnh đó theo em suốt cuộc đời này."
Dù cho lễ Vu Lan mỗi thời mỗi khác,
hình ảnh bà cụ dắt bé mồ côi lên chùa, làn khói hương, giọng tụng kinh và
tiếng chuông ngân trong ngày rằm tháng bảy vẫn như xưa. Vu Lan là đề tài để
người ta suy tưởng về các đấng sanh thành, để ôn lại, nhớ lại Ba, Má. Vu Lan
là thời gian đạo đức để người con đưa suy tư của mình trở về quá khứ. Những
thời gian khác, người ta thường tự cho mình có một vị trí đáng kể trong xã
hội, nhưng trong mùa Vu Lan, ai cũng thấy mình còn bé bỏng lắm, vì người
đáng kể thật sự là Ba, Má, chứ không phải mình. Dù sống đến bao nhiêu tuổi,
đến ngày lễ Vu Lan cũng phải nghĩ về thuở ấu thơ để nhớ về Ba, nhớ về Má của
mình. Cho nên Vu Lan là cõi đời thật sự để trở về của người con lang thang
trong kiếp sống mênh mang này. Hình thức lễ Vu Lan là thế, ý nghĩa Vu Lan là
thế, không thay đổi, nhưng nếu có bị thay đổi thì sự thay đổi đó bắt đầu từ
những ai vẫn còn tiếp tục vui cười để cố quên đi cành hoa màu trắng trên
ngực áo của mình nhuộm trắng một bầu trời tang tóc đau thương của thân phận
mồ côi.
|