CHIẾN TRANH
Nói đến chiến tranh thì mọi người đều nghĩ tới nó. Những chiến tranh gì?
Ở đây không phải là cuộc tranh chấp vì một tư tưởng chính trị nào. Cũng
chẳng phải những trận đánh xảy ra ở nước này hay nước khác, nhưng là một
cuộc chiến tranh chớp nhoáng với những nạn nhân luôn luôn thua trận là con
người. Cuộc chiến tranh đó tương tợ như một hỏa diệm sơn mà thỉnh thoảng lửa
bên trong bỗng nhiên bùng lên, êm dịu một thời gian, để rồi sẽ phun lửa trở
lại và tàn phá mọi vật sống xung quanh. Không bao giờ con người chịu tìm
cách dập tắt những ngọn núi lửa đó, mà họ cứ thản nhiên để tiếp tục sống
trong sự đe dọa của chúng.
Mọi sự đều có nguyên do hoặc một khởi
điểm, và khởi điểm này cũng chỉ là kết quả của một nguyên nhân trước nữa.
Hỏa diệm sơn chẳng khác gì cái nắp hơi bị dồn ép dưới một áp lực rất mạnh
phát xuất từ trung tâm quả đất; và chiến tranh cũng có một căn do vô hình,
một nguyên nhân liên tục, một mầm mống khó nhận rõ phát sanh từ lòng tham
sân của con người. Con người nuôi dưỡng những độc tính ấy để tự mình phá hủy,
diệt vong vì chúng.
Cho nên mọi sự tàn bạo bất nhân đều bắt nguồn
từ tâm con người. Và thật là bi đát khi nhận thấy rằng nhân loại không bao
giờ tìm phương pháp để khắc phục những ác tính đó. Một cách thụ động và an
phận, như tên nô lệ yếu hèn, nhân loại cứ mặc để cho những tánh tham sân,
sinh ra từ vô minh của con người, hoành hành tấn công và chinh phục. Tại sao
có tình trạng như thế? Bởi vì con người xưa nay tự cho đó là điều “không thể
tránh được”.
Không thể tránh được, thế thường vậy rồi.
Nhưng có điều ai cũng thấy rõ là những tính tàn bạo, sân hận nói trên phần
nhiều được trưởng dưỡng và ngấm ngầm phát triển trong những lúc xã hội tạm
an bình, sau cơn binh lửa. Chính nền hòa bình mỏng manh đó đã tạo nên sức
mạnh của chiến tranh, vì những giai đoạn hòa bình như thế chỉ là những cuộc
đình chiến nhất thời; và mặc dầu tay chúng ta đã giải giới, nhưng tâm chúng
ta thì chưa. Tánh tham sân nơi lòng người đâu đã thật diệt hết, như lưỡi
gươm của kẻ chiến bại vừa mới được tước bỏ xuống mà thôi.
Muốn kết quả thì mọi ác tính tàn bạo sát hại
nơi thân tâm và ý nghĩ của chúng ta phải cùng một lúc đoạn trừ tất cả. Có
người châm biếm sẽ hỏi. Thật con người có thể khắc phục được những tánh tham
sân đó sao? Hỏi như vậy tức là họ đã phủ nhận hoàn toàn ý chí của con người.
Trên phương diện ác và thiện, dĩ nhiên tánh nào phát triển mạnh sẽ thắng
tánh kia. Và một nền hòa bình thật sự, vĩnh viễn chắc chắn chỉ có thể thực
hiện ngoài những hành động ác độc xấu xa của con người.
Nhưng muốn thắng chiến tranh hay có ý nghĩ
xem nó như là điều phản lại “văn minh” thì ít nhất chúng ta cần phải có một
ý chí cương quyết bền bỉ, với một niềm tin mãnh liệt rằng đánh bại chiến
tranh không phải là một việc khó. Chỉ có ý tưởng đó, mới giúp chúng ta đủ
can đảm và sức mạnh để tìm phương pháp tiêu diệt nó. Và cũng đã có biết bao
nhiêu người từng say sưa với lý tưởng mong thực hiện những điều cao đẹp trên
mà Thánh Gandhi (Ấn Ðộ) ở thời đại chúng ta là một bằng chứng. Muốn chấm dứt
hận thù, tưởng nhân loại cần thấm nhuần sâu xa tư tưởng bất bạo động của
Thánh Gandhi.
Ngày nay, qua những phát minh khoa học, chứng
tỏ loài người tuy đã tiến bộ nhiều, song những tính tàn bạo nơi con người
vẫn chưa diệt hết. Ðể thử xem những con vật với bản tính thù ghét nhau lâu
đời có thể sống chung yên ổn được không, một học giả Trung Hoa ở Gia-Nã- Ðại
đã đem con mèo đặc biệt hung tợn nhốt cùng chuồng với con chuột rất dữ. Ông
ta thấy rằng chúng cấu xé nhau luôn, và lúc nào con mèo cũng thắng cuộc. Về
sau, ông ngăn hai chuồng ra, chỉ để chừa phía dưới một cái lỗ vừa đủ cho mỗi
con có thể vớ đến dĩa đồ ăn mà thôi. Vì vậy, hai con buộc phải ăn chung
trong một dĩa. Dần dần chúng quen biết nhau và sự cấu xé cũng dịu bớt lần.
Cuối cùng, ông để hai con sống chung như cũ và lần này thì chúng không cắn
nhau nữa.
Vậy thì tánh tàn bạo nơi con người có khó
diệt trừ lắm không? Có nên bảo rằng con người cũng cần tập hòa giải thân yêu
với kẻ thù của nó cũng như trường hợp bắt bác mèo làm thân với chú chuột
trên đây không? Dù sao thì cũng chỉ có một cách là phải giáo dục cho con
người nhận rõ được hạnh phúc của hòa bình và giúp họ tin tưởng chắc chắn
rằng hòa bình là điều có thể thực hiện, họa may lúc ấy các cuộc chiến tranh
mới có thể chấm dứt dần dần được.
Trước mặt những kẻ thích bạo tàn sát hại nhau,
nghĩ không có lợi ích gì mấy khi bảo họ rằng: “Các bạn đều là nhân loại”.
Muốn kết quả, tưởng chúng ta nên nói với họ thế này. “Sớm chầy thế nào
các bạn cũng phải gặt lấy trở lại những điều ác mà các bạn đã gieo rắt cho
thiên hạ, vì mọi người đều tương quan mật thiết, nên toàn thể không khỏi
chịu ảnh hưởng chung của đau khổ”.
Và không gì lầm lạc hơn khi chúng ta tưởng
rằng con người có tâm niệm thích đánh nhau hơn là chung sống hòa bình. Ai
thích chiến tranh, tốt hơn hãy cố gắng chiến thắng những tánh tham sân si
nơi mình, để mong đạt đến con người thuần túy đạo đức và toàn thiện. Ðến đây,
thiết tưởng mọi gia đình, trường học, quốc gia, tôn giáo nên bắt đầu giáo
dục cho con người hiểu rõ sự tương quan giữa các chủng tộc và toàn thế giới
nhân loại. Như thế tức chúng ta đã thể hiện được tinh thần Từ Bi, cứu giúp
chúng sanh của Phật Giáo rồi vậy.
Theo tạp chí Pháp ngữ” “La
Pensée Bouddhique”
(Tư Tưởng Phật Giáo).

|