“I
have consistently told the Chinese that
religious freedom is in their nation's interest.
I've also told them that I think it's in their
interest to meet with the Dalai Lama and will
say so at the ceremony today in Congress… If
they were to sit down with the Dalai Lama they
would find him to be a man of peace and
reconciliation. And I think it's in the
country's interest to allow him to come to China
and meet with him…"
President George Walker Bush
said in the Dalai Lama receives
Congressional Gold Medal on 17th
October 2007.

Đức Đạt Lai Lạt Ma được
Chính Phủ Hoa Kỳ
Trao Tặng
"Congressional Gold Medal"
Theo
Việt Báo
Đức Đạt Lai Lạt
Ma (Dalai Lama XIV), vị lãnh đạo Phật giáo và
cũng là nhà lãnh đạo tinh thần nhân dân Tây Tạng
nói: "Dân tộc Việt Nam rất anh hùng rất đáng
kính trọng. Sau một thời gian khó khăn, khi mức
sống của nhiều người được cải thiện thì sức mạnh
tinh thần và tâm linh của người Việt sẽ giúp họ
tìm ra con đường tốt đẹp hơn cho Việt Nam".
Ngài đã nói như vậy khi "phái đoàn" của Nhật báo
Việt Báo đến viếng thăm Ngài vào ngày 14 Tháng
9, 2006 tại Pasadena,
California.
Quốc Hội Hoa Kỳ,
với 387 Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ đã thông qua
dự luật sẽ trao tặng Đức Đạt Lai Lạt Ma
Congressional Gold Medal. Đây là huy chương cao
quý nhất dành cho người dân sự. Trước Ngài chỉ
có Tổng Thống George
Washington, Pope
John Paul II, và những người được Giải
Nobel như Nelson
Mandela và Elie
Wiesel được huy chương này.
Huy chương cao
quý nhất này được trao tặng cho Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
là để vinh danh những đóng góp, vận động lâu dài,
nổi bật cho hòa bình, nhân quyền khắp thế giới
và những cố gắng tìm giải pháp không bạo động
cho vấn đề Tây Tạng qua những cuộc đối thoại với
những nhà lãnh đạo Trung Cộng.
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
thứ 14 sẽ viếng thăm Washington, D.C.và được
trao tặng huy chương Congressional Gold Medal
vào lúc 1 giờ trưa ngày 17 Tháng 10, 2007 ở
Rotunda, U.S. Capitol và sẽ thuyết giảng sau đó
ở West Lawn Quốc Hội Hoa Kỳ. International
Campaign for Tibet sẽ phụ trách nhiều chương
trình ở đây từ 11 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Được biết Đức Đạt-Lai
Lạt-Ma năm nay 72 tuổi. Ngài sinh ngày 5 Tháng 5
năm Ất Hợi (16/7/1935) tại làng Takster trong
vùng Ambo ở Miền Đông Bắc Tây Tạng và Ngài được
đặt tên là Lahmo Dhondup. Khi chú bé Dhondup
được hai tuổi thì gia đình ngỡ ngàng đón tiếp
một phái đoàn từ điện Potala của kinh đô
Lhasa đến.
Khi chú bé
Dhondup làm một số thử nghiệm theo lời yêu cầu
của phái đoàn Lhasa,
phái đoàn xác nhận điều mà họ đã cảm biết được
từ những chỉ dạy bí hiểm của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
thứ 13 trước khi Ngài viên tịch. Chú Bé Dhondup
được công nhận là hóa thân tái sanh của Đạt Lai
Lạt Ma thứ 13.
Hai năm sau, lúc
4 tuổi chú bé Lahmo Dhondup được long trọng rước
về Lhasa và được
tấn phong là Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thứ 14 ngày
22/4/1940, với Pháp danh là Jetsun Jamphel
Ngawang Lobang Yehe
Tenzin Gyatso.
Vào mùa Xuân năm
đó, dọc đường cả ngàn vị Tăng và dân chúng Tây
Tạng đứng hai bên chào mừng Ngài, họ rất vui
mừng và chú bé thì bàng hoàng vì từ nay đời chú
sẽ đổi khác.
Đến năm 1949
Trung Hoa trở thành Trung Cộng. Tháng 10/1950
Quân của Mao Trạch Đông tiến vào Tây Tạng, năm
ấy Đức Đạt-Lai Lạt-Ma mới 15 tuổi, chưa hoàn tất
tu chứng để trở thành một vị sư và cũng chưa
hiểu gì ở thế giới bên ngoài nhà chùa và cung
điện Tây Tạng. Nhưng trách nhiệm với đạo và đời
thì đã nặng trĩu trên vai và tràn đầy trong trí
Ngài từ đấy.
Năm 1950, Ngài
mới 15 tuổi, được đăng quang là Quốc Trưởng và
là người lãnh đạo Tây Tạng, cũng là năm Tây Tạng
bị cuốn vào trận cuồng phong của Trung Cộng với
hai làn sóng dữ. Một là chủ nghĩa Cộng sản không
dung thứ vai trò của tôn giáo, Phật Giáo, và hai
là Trung Cộng muốn đồng hóa Tây Tạng vào cộng
đồng Trung Hoa. Tây tạng sẽ là một phần nhỏ của
Trung Cộng.
Trong mười năm
liền kế tiếp Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã phải vừa hoàn
tất việc tu học để trở thành một vị sư - một
tiến trình nhiều gian khổ và khó khăn cho trí
tuệ, lại vừa học hỏi về thế giời bên ngoài với
trách nhiệm lãnh đạo một quốc gia. Nhà sư Tensin
Gyatso bàng hoàng khi nghe Mao Trạch Đông cho
Đạo Phật là một thứ độc dược của con người và kế
hoạch phát triển Tây Tạng trong cuộc Cách Mạng
Vô Sản.
Cả đạo và đời đều
bị đe dọa. Khi Đức Đạt-Lai Lạt-Ma hoàn tất bằng
Tiến Sĩ Phật học thì cũng là lúc Tây Tạng bị
thôn tính.
Đêm 17/3/1959 Đức
Đạt-Lai Lạt-Ma cải trang thành thường dân cùng
một số nhỏ trong triều đình trốn khỏi
Lhasa và băng
rừng vượt núi tìm đường thoát ra ngoài.
Từ đấy Trung Hoa
cũng như Tây Tạng trải qua những biến động do
Mao Trạch Đông đề xướng như cải cách ruộng đất,
chiến dịch tiêu diệt bọn khuynh hữu, cách mạng
văn hóa… kéo dài hơn một phần tư thế kỷ, trong
số 20 đến 70 triệu người bị giết có hơn một
triệu người Tây Tạng (15%). Có chừng 100 ngàn
người Tây Tạng lưu vong, tản mác đi khắp năm
Châu. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã xây dựng lại hai
thực thể là cộng đồng lưu vong cho hiện tại và
cho dân tộc Tây Tạng tương lai.
Tại vùng đất
Dharamshala của Ấn Độ, dưới sự hướng dẫn của Đức
Đạt-Lai Lạt-Ma cộng đồng ấy đã mở một kỷ nguyên
vận động quốc tế chưa từng thấy trong lịch sử
Tây Tạng và đạt được những kết quả chưa từng
thấy từ nhiều cộng đồng lưu vong khác.
Kể về lực thì
thật ra cộng đồng Tây Tạng lưu vong không đông
mà cũng chẳng giàu, nhưng nói vế thế thì cộng
đồng này có sức tác động hiếm có ở nhiều diễn
đàn khác nhau, đó chính là nhờ vị lãnh đạo tinh
thần của họ, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thứ 14.
Cách đây 20 năm
vị lãnh đạo Tây Tạng mở một chiến dịch ngoại
giao ở diễn đàn của Quốc Hội Hoa Kỳ bằng kế
hoạch Hòa Bình Năm Điểm nhằm kêu gọi Bắc Kinh
cùng hợp tác để biến Tây Tạng thành khu vực hòa
bình, tôn trọng nhân quyền của người Tây Tạng,
tôn trọng môi sinh Tây Tạng. Và quan trọng nhất
là mở ra việc đối thoại với Tây Tạng.
Năm sau Tây Tạng
tiến xa hơn trên mặt trận ngoại giao khi đề nghị
trước Quốc Hội Âu Châu tại Strabourg một số điểm
chiến lược là Tây Tạng không đòi độc lập nhưng
yêu cầu được quyền tự trị, với chính quyền dân
cử do dân bầu lên và sống chung hòa bình với
Trung Cộng.
Những thử thách
chính trị càng trở nên nguy ngập như vụ Thiên An
Môn, hàng ngàn người bị thảm sát, lúc đó người
dân Tây Tạng mới hiểu vì sao Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
kêu gọi dân chúng phải đấu tranh bất bạo động và
muốn thảo luận chuyện hòa giải với Trung Cộng.
Năm 1989 Đức
Đạt-Lai Lạt-Ma được giải thưởng Nobel Hòa Bình.
Đối với Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, giải thưởng Nobel
vinh danh Ngài nhưng có nghĩa là thế giới công
nhận và ủng hộ cuộc đấu tranh có chính nghĩa của
nhân dân Tây Tạng.
Trải qua gần nửa
thế kỷ, từ năm 1967 đến nay Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
14 đã thăm viếng gần năm mươi quốc gia, gặp gỡ
hầu hết các vị lãnh đạo dân chủ của thế giới.
Đối với Trung Cộng thì đây là một khiêu khích
không thể chấp nhận được vì Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
không phải là Quốc trưởng của một quốc gia, Tây
Tạng chỉ là một đặc khu của Trung Quốc. Ngài
cũng là một vị Tăng Thống đã hân hạnh được gặp
ba vị Đức Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo Hoàn
vũ (Paul VI, John Paul
II và Benedictine).
Nhờ nhân cách đặc
biệt của Ngài mà cuộc đấu tranh bền bĩ của người
Tây Tạng mà ngày nay Tây Tạng đã trở thành vấn
đề của Thế Giới và Trung Quốc.
Người Tây Phương
thường lý luận rằng sở dĩ Đức Đạt-Lai Lạt-Ma chủ
trương đấu tranh bất bạo động là vì Ngài chịu
ảnh hưởng tinh thần bất bạo động của Thánh
Mahatma Gandhi. Thật ra chiến lược đấu tranh bất
bạo động xuất phát từ cái tâm Từ Bi của một nhà
tu hành. Nhất là Ngài được thế giới coi là hóa
thân của một vị Bồ Tát mà người Việt gọi là Quán
Thế Âm Bồ Tát, là vị Bồ Tát của Từ Bi, một đức
tính của Nhà Phật. Ngài thông cảm với những
người có tinh thần đấu tranh quyết tử, nhưng tâm
từ bi thì luôn hướng về sự thuyết phục hòa bình.
Nhìn về quê hương
Tây Tạng, Ngài là một nhà lãnh đạo tài ba, nhìn
ra thế giới bên ngoài, Ngài là người có công
hoằng pháp vĩ đại nhất của Phật giáo. Thông điệp
về hòa bình và từ bi của đạo Phật đã như những
giọt nước cam lồ tưới mát cho hiện trạng nóng
bỏng của thế giới ngày nay. Chưa khi nào sức
bành trướng của Phật Giáo mạnh mẽ như ngày nay,
một phần nhờ vào Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, vị Tăng
Thống Phật Giáo Tây Tạng. Ngài được coi như một
Đức Giáo Hoàng của Phật Giáo.
Ảnh hưởng của
Ngài không chỉ hạn hẹp trong lãnh vực chính trị
của Tây Tạng mà trong cách suy nghĩ và cách sống
của rất nhiều người qua những luận giải của Ngài
về Phật Giáo. Luận giải của Ngài giúp nhiều
người thức tỉnh và nhớ tới ánh sáng Từ Bi của
Đạo Phật, trong thế giới âm u ngày nay.
Ngoài việc nhấn
mạnh đến Từ Tâm như một bản sắc rực rỡ của Đạo
Phật, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma còn hiện đại hóa Phật
Giáo cho Thế Kỷ XXI. Ngoài hai đóng góp lớn về
lòng Từ Bi và tinh thần hiện đại hóa, Đức
Đạt-Lai Lạt-Ma còn thể hiện đức tính cung kính
và khiêm nhường.
Là một nhà lãnh
đạo lưu vong, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thấu hiểu tâm
trạng của những người Việt lưu vong. Thế giới
ngày nay đầy dẫy những oán thù, xung đột và cả
khủng bố, Ngài đề cập đến vấn đề Việt Nam như
sau. Tinh thần Tây Tạng không chỉ là ý thức
chính trị, là lòng khát khao tự do, mà cũng là
một sức mạnh tâm linh nhắm vào sự giải thoát
bằng lòng từ bi. Lòng từ bi là chân tánh của
chúng ta. Trong nhiều hoàn cảnh, chân tánh ấy có
thể bị đe dọa. Khi để thù hận nổi lên, mình đánh
mất lòng từ bi, nghĩa là mình đã thua. Sự giác
ngộ giúp chúng ta vượt chặng đường khổ ải mà vẫn
giữ được từ tâm đối với những người làm mình
khổ.
Nói về Phật tử,
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma khuyên đừng nghĩ tới việc xây
chùa hay sự giải thoát cho bản thân mình dưới
mái chùa. Ngài cảnh tỉnh các Tăng Ni là phải mở
rộng ra thế giới tri thức bên ngoài, đừng chấp
vào những lễ tục bí hiểm trong chùa với chiêng
trống om xòm. Hãy bước ra khỏi chùa, tham gia
vào các sinh hoạt xã hội. Từ đó mình hiểu được
các vấn đề của xã hội, của con người và tìm ra
những giải đáp cho các vấn đề ấy bằng giáo lý
Phật Giáo. Và trong mọi hoàn cảnh, tình huống,
không bao giờ đánh mất lòng từ bi của mình. Nuôi
dưỡng từ tâm chẳng những có lợi cho sức khỏe bản
thân mà còn ích lợi cho đời sống và cho hòa bình
của nhân loại.
Nói về Việt Nam
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma viết trong một thông điệp gởi
cho Việt Báo: "Dân Tộc Việt Nam cũng đã trải
qua một chấn động lớn trong Thế kỷ XX và đã vượt
qua rất nhiều thử thách như dân Tây Tạng. Tôi
tin rằng cùng chịu ảnh hưởng rất nhiều của Phật
Giáo, hai nền văn minh Tây Tạng và Việt Nam có
rất nhiều điểm tương đồng. Mỗi nền văn minh lại
có một lịch sử lâu dài, đa sắc đa diện và ngay
trong hiện tại, nền văn hóa phong phú mà thực
chất là sự hiếu hòa của chúng ta hàm chứa một
khối kinh nghiệm hữu ích nếu được quảng bá cho
các nền văn minh khác".
Theo Việt Báo

 |