Lời Sám Hối Muộn Màng

Quang Ngọc

 

 

Hôm nay tháng Bảy Vu lan, tháng tưởng nhớ về ân đức sinh thành, con viết lên đây vài dòng bộc bạch thay lời sám hối với mẹ. Kính lạy Tam bảo chứng minh lòng chí thành sám hối muộn màng của một người con bất hiếu, đã vì tiền tài danh vọng mà đánh mất chữ hiếu đễ ngày nào. Cúi xin mẹ hiền nơi chín suối có linh thiêng chứng tri cho lòng thành đứa con khờ dại này. 

Mẹ ơi! Tuy mẹ không có công sinh thành, nhưng là người đã dưỡng dục con nên vóc nên hình. Thế mà những ngày tháng cuối đời của mẹ, con đã chạy theo bao nhiêu cám dỗ bởi danh vọng tiền tài nên quên đi thâm ân dưỡng dục cù lao. Mặc dù mẹ và gia đình đã hết lời khuyên can nhưng con vẫn bỏ ngoài tai, và còn cho rằng tự mình biết nên làm gì. 

Kính thưa mẹ, ngày mẹ nhập viện lần cuối vì bệnh cũ tái phát, đó cũng là ngày con bị phẫu thuật. Sau một ngày mê man trên giường bệnh, khi tỉnh dậy con được nghe các em nói lại là mẹ nhắn lời hỏi thăm sức khỏe của con. Trong tâm con lúc bấy giờ thật là bàng hoàng, hổ thẹn và đau đớn biết chừng nào về những tháng ngày qua. Ngày nào con khổ đau, khó khăn thì mẹ luôn đến gần, chia ngọt sẻ bùi, giảng dạy cho con đạo lý làm người. Thế mà khi mẹ cần có con trong những ngày tháng cuối đời thì con lại vì danh vọng mà không đến thăm mẹ. Mỗi lần đi chữa bệnh về, thân thể rất đau đớn ăn uống không được, mẹ muốn gặp con tâm sự vài lời, nhưng con đã không đến chỉ vì sợ thất thu trong việc buôn bán của mình. Vậy mà mẹ vẫn không buồn giận và thậm chí đến lúc tính mạng thập tử nhất sinh mà khi nghe con bệnh mẹ lại còn hỏi thăm sức khỏe của con. Ôi! Tấm lòng của mẹ thật cao cả sáng ngời đã đánh thức sự khờ dại trong con.

Mẹ ơi! thật đau đớn thay khi con tỉnh cơn say danh vọng thì mọi chuyện đã muộn màng rồi. Sau khi xuất viện con đã về bên mẹ, con đã khóc và nói rất nhiều, nhưng mẹ không còn tỉnh táo để nghe lời sám hối của con nữa. Mỗi tuần con đều ngồi chờ chị Hai đến chở con đi thăm, nhưng lần nào mẹ cũng mê mang trên giường bệnh, không lần nào nói chuyện được với con cả. Nhưng khi con không có ở bệnh viện thì mẹ lại tỉnh táo và có thể nói chuyện chút ít với mọi người. Mỗi lần như thế, nỗi đau vì sự hối tiếc trong con nhân lên gấp bội. Mẹ ơi! Phải chăng đây là sự trừng phạt dành cho người con bất hiếu này? Con luôn trách mình tại sao lại như vậy, tại sao con trở nên người bất hiếu. Và cho đến ngày mẹ trút hơi thở cuối cùng trong sự lo lắng bởi thương cho con trẻ dại khờ này,… mà mẹ vẫn chưa nghe con nói được lời gì hết.

Giờ đây lòng con tràn ngập sự hối tiếc, nhưng hình bóng mẹ hiền đã không còn nữa và con muốn nói cho mẹ nghe những lời yêu thương thì mẹ đã vĩnh viễn về miền đất lạnh. Nước mắt con rơi rất nhiều vì nhớ về người mẹ kính thương mà con đã một lần bỏ quên. Có khi con tự an ủi rằng, trong đường đời có mấy ai biết được rồi mình sẽ đi về đâu? Lỗi lầm của con cũng như một trong những người mà đạo Phật thường gọi người ấy là kẻ vô minh. Đó là nhận thức sai lầm về ý nghĩa sự sống mà nhiều người vẫn cứ nhận rằng mình là người thông minh. Con cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, nhưng trong con lúc nào cũng không thể tha thứ cho lỗi lầm của mình.

Sau đám tang của mẹ, bao nhiêu biến cố khác liên tiếp xảy ra. Những gì con theo đuổi ngày trước và tiền bạc bao năm tháng khó nhọc tìm kiếm, trong phút chốc, chỉ sau cơn bệnh đã tan biến theo mây khói. Lúc đó con như một người có xác không hồn, đi cũng không biết mình đi đâu, làm không biết mình đang làm gì. Vừa bị bệnh, lại mất mẹ, gia đình tan rã, con chỉ muốn ngủ một giấc ngàn thu không bao giờ thức dậy, để mong sao quên hết tất cả đau buồn vừa xảy ra. 

Mẹ ơi! Nỗi niềm hối tiếc khôn nguôi và lòng nhớ mẹ tha thiết nên cứ mỗi đêm về trong giấc ngủ con ước gì được thấy mẹ. Cho đến một đêm con nằm mơ thấy có bàn tay vô hình nào đó đang đuổi theo giết con. Con bị vây phủ trong bức màn đen sẫm đến ngạt thở. Trong cơn hoảng loạn ấy, con lại thấy có bàn tay vô hình khác cứu con ra khỏi cái chết. Nỗi bàng hoàn nửa tỉnh nửa mơ, con nghĩ rằng mẹ linh thiêng đã về cứu nguy, nên con mong sao được thấy rõ khuôn mặt của mẹ và nói với con vài lời tha thứ. Với lòng thành ấy, con dõi mắt hướng về bàn tay linh thiêng thì con lại thấy bóng đằng sau lưng đức Quan Thế Âm, vị Bồ tát mà lúc nào con cũng tôn kính đứng nhìn về phía trước. Từ khi thấy giấc mộng đó, con đi tìm hỏi rất nhiều người, nhưng ai cũng chỉ xem đó là điều mộng mị vớ vẩn và cuối cùng con đã được một người chú chỉ dạy đến chùa tìm gặp quý thầy, nhờ quý thầy giải thích giúp cho. Nhờ nhân duyên ấy con đã đến chùa làm công quả, tập tành học đạo.

Mỗi tuần con đều đến chùa làm công quả và nhờ sự siêng năng nên được các cô, các bác, các anh chị rất thương. Năm ấy, con dự mùa Vu lan đầu tiên. Khi ngồi tụng kinh Báo hiếu, nước mắt con rơi rất nhiều và thấy xấu hổ cho việc làm của mình. Trong lời kinh chỉ rõ từng cái sai mà con vấp phải và lúc ấy con mới biết những gì con làm đều sai với lời Phật dạy. Khi hiểu rõ về sự bất hiếu của mình, con đã nghĩ rất nhiều về mẹ và mong muốn làm sao để báo đền ân hiếu dưỡng trong muôn một.

Lòng ôm ấp bao nhiêu suy nghĩ mà không sao tháo gỡ được, cho đến một ngày con gặp được một vị thầy và thầy đã tháo gỡ cái gút trong con. Nhưng có lẽ nhân duyên của thầy và con chỉ chừng ấy thôi. Con nghĩ rằng sao nghiệp của mình nặng quá, muốn được gần thầy học đạo, nhưng thầy bận lo việc hoằng pháp không đủ thời gian chỉ dạy. Tuy trải qua mấy tháng tu tập, được thầy chỉ dạy rất nhiều, nhưng nhân duyên không cho con được ở đó tu tập nữa, nên con phải quay về với các cháu, rồi tiếp tục đến chùa xưa làm công quả.

Nhưng chuyện đời không như mình tưởng, đến một ngày việc xảy ra cũng phải xảy ra và ngôi chùa con đến làm công quả phải đóng cửa. Thế là con quay về với căn phòng của mình, và chỉ còn biết cầu Phật, cầu Quan Âm, cầu Hộ pháp dẫn dắt cho con đi theo con đường chánh pháp, mong sao gặp được một vị thầy có thể dẫn dắt con tiếp tục tu tập, có thể giúp con làm tròn tâm nguyện của mình.

Thế rồi lời nguyện cầu của con cũng được chư Phật chứng giám, nên con đã gặp được một vị thầy. Thầy đã tận tình chỉ dạy cho con mỗi ngày, từ lời ăn tiếng nói đến từng cử chỉ hành động. Thầy chỉ cho con biết phải làm sao để có chánh kiến, làm sao đối phó với nghịch cảnh, làm sao để có thể báo hiếu cha mẹ hiện tiền và cũng như đã quá vãng. Thầy dạy con phải chuyên cần hành trì, tụng kinh, bái sám… phải luôn giữ vững giờ giấc, không được xao lãng. Từ đó con đã vơi đi những đau buồn chất chứa trong lòng, tinh thần trở nên an ổn, ngày ngày vui với lời kinh tiếng kệ, thân bệnh nan y không còn là mối lo nặng trĩu như xưa nữa. Giờ đây con có thể tự mình ngày ngày lạy Phật tụng kinh, trong khi những chuyện đó trước đây con nghĩ rằng mình không bao giờ làm được. Nhờ sự tận tình chỉ dạy của thầy con mới có được ngày hôm nay. Thật là Phật pháp nhiệm mầu khi những ai biết tin hiểu và hành theo.

Ngày xưa con luôn sống trong tuyệt vọng chán chường, thế mà chỉ nhờ một giấc mơ thấy bóng dáng đức Quan Thế Âm đã dẫn dắt con đến với thầy, để con có thể đi trên con đường tu tập. Trong tâm con, thầy như ngọn đuốc soi đường, khi con té thầy là cánh tay nâng đỡ, khi con sai thầy là vị đạo sư chỉ rõ cho con lối về. Quả thật, những ai đã từng trải qua cơn đau trong cuộc đời thì mới hiểu rõ những lời chân thật với tấm lòng bao la của thầy. Xin cho con gởi đến thầy lời thành kính tri ân qua những dòng chữ này.

Những lời sám hối tận đáy lòng nhân mùa Vu lan này, ngưỡng mong hương hồn của mẹ linh thiêng chứng giám cho con và xin mẹ hãy nhận nơi con lời sám hối muộn màng này. Đặc biệt, những lời tâm tình hôm nay, con nguyện sẽ là bài học thức tỉnh cho những ai đó đang còn mẹ, xin đừng làm cho cha mẹ phải khóc vì sự bất hiếu của mình.

Con cúi đầu đảnh lễ chư Phật mười phương cùng chư Bồ tát hãy cứu độ cho hương linh của mẹ con được sinh về cõi Phật A Di Đà. Con nguyện từ đây sẽ làm một đệ tử ngoan, biết vâng lời thầy dạy, biết yêu thương, chia sẻ nỗi khổ niềm vui với tất cả mọi người.

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008