Cận Tử Nghiệp Của Mẹ

Thông Hạnh

 

Bạch Thầy cả ngày nay con thấy trong người khó chịu và nóng ruột quá, chắc là gia đình con có chuyện. Con xin Thầy hoan hỷ cho con về thăm nhà.

Thầy nói: Chú thấy trong người khó chịu và nóng ruột, chắc là gia đình chú có chuyện không hay! Thầy hoan hỷ cho chú về để lo liệu. Nhưng nhớ đừng vì công việc mà đánh mất mình.

Từ Xuân Sơn về Quảng Thành chừng tám cây số tính theo đường chim bay, đi xe đạp chừng 20 phút là tới nhà. Quả đúng như vậy, vừa tới cửa ngỏ nhà là được tin mẹ bệnh nặng khó qua khỏi.

Mẹ nằm ở giường, nước da vàng úa, xanh xao, người ốm nhom, đang thở những hơi khó nhọc. Cố gắng lắm mẹ mới cất lên ba tiếng: Chú mới về !

Mô Phật, con mới về. Con thấy trong người nóng ruột quá nên xin thầy về thăm mẹ. Không ngờ mẹ bệnh nặng quá mà con nào có hay! Lúc này lòng con quặn thắt, thương mẹ vô cùng mẹ ơi! Nhưng đã muộn, không còn kịp nữa phải không mẹ! Khi vô thường đã đến, thì không một ai trên cõi đời này tránh khỏi. Biết vậy, nhưng mà còn nước còn tát.

Con đưa mẹ đi bệnh viện, mẹ không chịu đi, mẹ nói: Trước sau mẹ cũng chết, đi bệnh viện vô ích. Nhưng con quyết định đưa mẹ đi. Nhập viện được một ngày bác sĩ bảo: Bệnh tình này khó qua khỏi.

Lúc này con mới đâm lo, sợ và buồn nữa. Lo vì trong người không có một đồng dính túi. Trước lúc đưa mẹ đi viện, phải mượn Sư cô Tịnh Duyên một chỉ vàng để đưa mẹ đi. Nay tiền đã hết vì đóng viện phí và lo thuốc cho mẹ. Buồn vì mẹ sanh được 10 người con, 05 trai, 05 gái, mà lúc này, mẹ đang hấp hối trên giường bệnh không có một người để chăm sóc cho mẹ, chỉ một mình con bên cạnh mẹ mà thôi! Sợ vì lúc này mẹ ọc ra cả thau máu tươi. Những bệnh nhân nằm phòng với mẹ thấy vậy, họ sợ quá nên họ bỏ ra khỏi phòng hết, chỉ còn lại mẹ và con, vì vậy nên con lại càng sợ hơn. Nhưng khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, con bình tĩnh và hết sợ. Con nhớ lại lời Phật dạy: Khi cận tử nghiệp đến nghĩa là người thân của mình sắp lâm chung thì mình phải bình tĩnh sáng suốt niệm lớn danh hiệu Phật A DI ĐÀ để trợ duyên. Ngõ hầu đức Phật sẽ phóng quang tiếp độ. Nếu thần thức người đó sáng suốt, bình tĩnh và nhất tâm bất loạn, chắc chắn chư Phật sẽ phóng quang tiếp độ. Lúc này con đứng trên đầu giường, khai thị cho mẹ:

Đức Phật dạy:

“Hữu sanh hữu tử hữu luân hồi

Vô sanh vô tử vô khứ lai”.

Lại nữa: Tâm vô thường, thân vô thường, hoàn cảnh vô thường, hơn nữa đây là nghiệp dĩ của mẹ. Vậy, mẹ nghe lời con, gạt bỏ tất cả những buồn phiền, bức xúc, chỉ nhứt tâm niệm Phật mà thôi.

Mẹ đã nghe lời, mẹ con đồng niệm Phật khoảng mười phút sau thì mẹ nhẹ nhàng ra đi, lúc này là 11h15 khuya, ngày 03 tháng 10 năm 1991.

Sanh tiền, ba mẹ hành nghề đồ tể mấy chục năm. Trước khi đi xuất gia con có nguyện: “Con xin gánh chịu một phần nghiệp lực của ba mẹ đã tạo tác”, nhưng nguyện lực con quá thấp kém nên không thể cứu mẹ trong lúc này được. Đúng như trong kinh đức Phật dạy:

“…Giả sử bách thiên kiếp

Sở tác nghiệp bất vong

Nhân duyên hội ngộ thời

Quả báo hoàn tự thọ”. (*)

Đã hơn mười năm trôi qua, cái chết của mẹ ở trong con vẫn không nguôi. Nên hằng năm con đều phát nguyện lạy kinh Lương Hoàng Sám để sám hối thay cho ba và mẹ.

Hôm nay con viết những dòng chữ này kể về cái chết của mẹ, lòng con quặn thắt và chua xót lắm. Con xin thành tâm nguyện cầu 10 phương chư Phật phóng quang tiếp độ cho mẹ con. 

THÔNG HẠNH

 

(*) bốn câu trên trích từ “Quy Sơn Đại Viên Thiền Sư Cảnh Sách” (Bài Văn Cảnh Sách của Thiền sư Đại Viên núi Quy Sơn) – một tác phẩm trứ danh nhằm cảnh tỉnh và sách tấn hàng xuất gia – được lưu truyền rộng rãi trong giới Tăng sĩ Trung Hoa & Việt Nam, chứ không phải trích từ “Tạng Kinh”. Thiền sư Đại Viên hay Quy Sơn Linh Hựu (潙山靈祐), sinh năm 771 tại Trường Khê – Phúc Châu, một trong những vị Thiền sư trứ danh của Phật giáo Trung Hoa. Ngài môn đệ của Tổ Bách Trượng Hoài Hải, thầy của Ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch. Ngài Linh Hựu được xem như Tổ sư khai sáng dòng Thiền Quy Ngưỡng cùng với Ngài Ngưỡng Sơn. Tương truyền với đạo cao đức trọng – sở học uyên thâm, tính đến ngày Ngài viên tịch vào năm 853, số đồ chúng thọ học cùng Ngài lên đến con số trên dưới 1500 vị. [Lê Bích Sơn cước chú]

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008