VỀ ĐÂU KHI GIÔNG BÃO?
DIỆU TRÂN
“Về đâu, khi giông bão?”Có
ai còn thực sự đứng giữa trời giông bão mà lầm thầm tự hỏi câu này không? Chắc
chắn là không rồi.
Mưa, mà đang ở ngoài sân thì sẽ chạy
ngay vào nhà, đang ở ngoài đường thì tìm ngay mái hiên, hàng quán nào mà núp.
Bão, thì dời ngay tới nơi khác, an toàn.
Với giông bão bên ngoài, không cần
phải suy nghĩ, chắc ai cũng nhanh nhẹn, cũng thông minh mà hành động như thế.
Nhưng lạ thay, với những cơn bão trong tâm hồn, sao chúng ta lại thường làm
ngược lại? nghĩa là, thay vì núp mưa, tránh bão thì lại lao thẳng vào mưa
bão cho thân thể tả tơi, bầm dập?
Trong sinh hoạt đời thường, những bất
toại ý, những bất đồng, ganh ghét, tỵ hiềm thường đưa tới lộng ngữ; và khi
đã mất tự chủ, mất ái ngữ thì cơn cuồng nộ dễ dàng bật lên như giông bão.
Rồi khi cơn bão tâm linh bùng lên, chúng ta thường lao vào bão qua những
ngọn gió đen của bất đồng, ganh ghét, tỵ hiềm đó. Ta cứ điên cuồng xoáy vào
những lời, những việc mà kẻ kia đã làm ta đau khổ, buồn giận. Ta cứ gầm thét
với chính ta “Sao lại đối với tôi như thế? Sao lại nói với tôi như thế?
Sao lại phỉ báng, khinh khi tôi như thế? Sao lại … Sao lại ….” Thái độ
đó chính là bão vừa nổi, ta lập tức lao ngay vào trung tâm cơn bão.
Làm sao mà ta chẳng bị nhận chìm,
chẳng tả tơi, bầm dập? Sao ta không tìm nơi trú ẩn cơn bão tâm linh, như vẫn
thường nhanh nhẹn và thông minh trốn cơn giông bão của trời đất? “Về đâu,
khi giông bão?” chính là câu hỏi cho cơn bão tâm linh.

Kinh nghiệm, sách vở cũng như lời
giảng dạy của các bậc minh sư, của thiện hữu tri thức vẫn nhắc nhở, nhưng có
lẽ chúng ta chưa thực tập đủ nên khi hữu sự thì cái tâm sân hận lại kéo ta
vào ngay cơn bão đang sẵn cuồng nộ, ngả nghiêng, tuy chúng ta đều đã biết,
đáng lẽ phải lập tức quay về với hơi thở chánh niệm.
Chỉ chú tâm vào hơi thở, không gì
khác nữa. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra.
Hãy theo dõi bước đi của hơi thở để thấy khi ta thở vào, bụng ta phồng lên,
khi ta thở ra, bụng ta xẹp xuống. Hãy theo dõi bụng và hơi thở như theo dõi
con ếch bên bờ giếng. Ta “nhìn” được hơi thở của con ếch mà ít khi chịu nhìn
hơi thở của chính ta. Chỉ hụt mất một vài hơi, liệu ta còn đó để mà giận, mà
hờn hay không?
Hơi thở quan trọng như thế nên các
bậc thầy thường dùng nó để dẫn dắt chúng ta trở về chánh niệm.
Nhưng Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni đã
biết, chúng sinh trong cõi ta-bà này vô minh và cường nghạnh lắm. Hoặc không
biết cách tránh, hoặc biết mà không tin, cho rằng chỉ làm cho thỏa lòng là
đúng nhất. Chính vì thế mà phương pháp tìm nơi trú ẩn khi bão tới, rất đơn
giản, nhưng chốn ta-bà càng lúc càng tơi tả cuồng phong.
Riêng kẻ vô minh là tôi, ngoài hơi
thở, vừa tìm thêm cho mình một khí giới nữa để đóng tất cả cửa ngõ lục căn
khi giông bão ập tới. Đó là, lập tức niệm 4 tiếng “A Di Đà Phật”. Không cần
biết phải trái, đúng sai gì, khi thấy cơn buồn giận nổi lên, hãy đóng ngay
lục căn bằng tiếng niệm “A Di Đà Phật”.
Tất nhiên, trong khi niệm, ta vẫn
đang thở, nhưng tiếng niệm Phật trong lúc cấp bách đó có sức mạnh vũ bão của
thanh gươm bén lóe lên, may ra mới kịp chặn đứng giông bão. Khi lục căn đã
đóng, gió mưa không thổi tốc được vào nhà, trong khi tiếng niệm Phật còn âm
vang, có nghĩa là ta đã vào trú được nơi an toàn. Tiếp tục niệm Phật để mưa
tạnh, gió yên, khi ấy, hãy về với hơi thở đã điều hòa để quán chiếu những gì
làm ta buồn, ta giận, cũng chưa muộn.
Lúc đó hãy phán đoán phải trái, đúng
sai.
Tới đây, ta đã làm chủ được ta, ta đã
đẩy xa cơn bão, ta phải biết mỉm cười vì cơn bão hung hãn kia đã không quật
ngã được ta. Phải biết mỉm cười với mình trong ý nghĩ “Cơn bão nào rồi cũng
qua!”
Với ý nghĩ đó, mọi sự phải trái, đúng
sai đều không đáng kể vì mọi sự ấy cũng như cơn bão thôi. Sẽ qua hết, trừ
BẢN LAI vì:
“Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai” (*)
Bản chất đích thực của Bản Lai vốn
trong suốt, tưởng như chẳng là gì, thì lấy chỗ đâu cho bụi bám?
Vạn pháp quy KHÔNG.
Chỉ một câu niệm Phật đủ đưa ta về an
trú trong chánh niệm.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Như-Thị-Am, Đinh Hợi
(*)Lục Tổ Huệ Năng
|