KIẾP NÀO CÓ YÊU NHAU...

TOẠI KHANH

 

        Bước vào một phòng kính trông như chiếc thang máy bằng pha lê trong suốt, tiếp theo là một động tác nhanh gọn như búng ngón tay vào một nút bấm, người con gái ấy đã lùi ngược mấy ngàn năm để trở về quá khứ tìm thấy tất cả những gì tưởng đã vĩnh viễn mất dấu. Chuyện cũ được tái hiện bằng tất cả hình hài vốn có.

        Trong kinh điển Pali có nói đến hai khả năng kỳ đặc của một người chứng đắc thắng trí là Túc Mạng Trí (Pubbenivàsanàna), khả năng nhớ lại những tiền thân của mình hay người và Vị Lai Trí (Anàgatamsanàna), khả năng thấy trước những chuyện đời sau. Tôi đã bắt đầu bài viết với một câu chuyện giả tưởng mà người con gái trong đó đã sử dụng một thứ kỹ thuật hiện đại gần giống với Túc Mạng Trí để tìm về dĩ vãng nhưng không phải chỉ là nhớ lại, mà là một sự tái hiện rất cụ thể. Tôi muốn nói gì qua cách so sánh ấy?

        Trong một bài viết trước trên một trang web Phật giáo, tôi từng nhắc rằng thế giới Thi Thiết không bao giờ vô thường, vì nó chỉ là những khái niệm. Khái niệm chỉ có thể bị lãng quên chứ không thể vĩnh viễn biến mất. Chỉ vì nó không là cái gì đó thực hữu. Nó còn đó, mất đó và mất đó nhưng còn đó. Nó mất trong niềm quên và tái hiện trong nỗi nhớ…

        Nói vậy, chúng ta có thể bất tử không? Dĩ nhiên là được. Như chính khoa học hiện đại cũng chấp nhận giả thuyết rằng người ta sẽ đạt được tốc độ ánh sáng khi trở thành cái gì đó giống hệt ánh sáng. Theo A-Tỳ-Đàm của nhánh Nam Truyền, ta cũng có thể vĩnh sinh khi ta chỉ tồn tại trong khái niệm. Nói vậy, khái niệm là giải pháp duy nhất cho ước mơ trường sinh. Quá khứ có thể tái hiện trong hình hài những khái niệm. Cả tưởng lai cũng vậy, nó hoàn toàn có thể được nhìn thấy qua những hình dung, một tên gọi khác của khái niệm. Ta không thể bất tử trong hình hài của Danh Sắc, của một thứ hiện hữu y cứ trên các năng lượng duyên tạo. Còn lệ thuộc vào duyên sinh, nghĩa là còn phải chấp nhận duyên diệt. Đó chính là căn bản của giáo lý Duyên Khởi. Và tôi trộm nghĩ đó cũng là một nguyên tắc Vật lý và cả Sinh Học. Vạn vật sinh diệt trong một sự tương ứng như vậy đó. Ăn dâu thì phải nhả tơ, cây chuối thì phải ra buồng, việc xong thì phải chết. Đến trong khói sương thì phải đi trong sương khói. Muốn được trường tại cùng hư không thì phải hoá thân vào một hình thức tồn tại giống hệt hư không.

        Bài học đó là một công thức căn bản cho vô số chuyện đời, kể cả việc tu học. Muốn trọn kiếp không quên đạo thì phải biến những lời kinh văn tự thành một thứ sinh lực trong tâm khảm. Kinh điển bằng giấy thì dễ mục nát, kinh điển trong computer thì cũng có thể bị tẩy xoá. Chỉ có kinh tượng trong lòng người tử vì đạo thì mới hằng tại một đời. Giấy tốt sẽ lâu mục, máy tốt sẽ lâu hư, chữ nghĩa nhờ vậy còn hoài. Càng lệ thuộc những nhân tố phù hư thì sự tồn tại càng ngắn ngủi. Tình yêu chỉ dựa vào bóng sắc ngoại diện sẽ tàn phai khi ngoại diện tàn úa. Tình yêu sẽ bất tử khi nó tồn tại trên cái gì đó không lệ thuộc năm tháng. Lời xưa cũng nói tượng đất kỵ nước và tượng gỗ kỵ lửa. Chỉ có kim cương là lâu bền. Nhưng hơn cả kim cương, cái gì càng giống hư không thì sẽ trường tại gần như hư không. Chung quy, hình thức tồn tại sẽ quyết định thời gian tồn tại. Ừ thì, kiếp nào có yêu nhau…

 

Toại Khanh

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008