AO LÀNH TRONG BIỂN ĐẠO
Trần Kiêm Đoàn
Cuộc sống có những sự tình cờ rất
lạ lùng và thú vị. Đó là một thế giới hiện tượng giữa ta và người, giữa
“tâm” và “vật” trùng trùng kết hợp và tác động lên nhau bất ngờ đến chóng
mặt. Nhưng rồi trong dòng chảy triền miên của thời gian, sự tình cờ lại tạo
ra một trật tự, một hướng mới dường như có sự sắp đặt vô hình nào đó. Có
những tôn giáo gọi trật tự mới nầy là “ý Trời”, là “thiên mệnh”, là sản phẩm
của một quyền năng thiêng liêng và cao cả nào đó. Riêng Phật giáo – và cũng
chỉ có Phật giáo – mới giải thích mọi sự hợp lý và phi lý của thế giới, của
kiếp người một cách tổng quát, linh động và chặt chẽ có thể làm thỏa mãn cho
những đầu óc suy tư đơn giản và phức tạp nhất.
Như 80 năm trước, khu chùa Kim
Quang bây giờ là vùng hoang phế đã có từ nghìn năm qua nơi châu Mỹ. Ba mươi
năm trước không hề có bóng người Việt Nam lai vãng. Và trong những giấc mơ
hoang dại nhất, cũng không có một người Việt nào viếng chùa hôm nay lại lẩn
thẩn nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ qua Mỹ và đến viếng một ngôi chùa
Việt có tên là Kim Quang – ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam đầu tiên trên đất Mỹ…
! Thế nhưng chúng ta thật sự có mặt ở nơi nầy là do một chuỗi duyên nghiệp
trùng trùng tác tạo. Còn có mặt với nhau nơi vùng đất nầy, trên khuôn viên
chùa nầy là còn niềm vui, còn khả năng và cơ hội xây dựng một tinh thần an
tịnh. Hai mươi năm qua. Một chút lắng lòng nhìn lại…
Về với Kim Quang
Lần đầu đến chùa Kim Quang vào
một ngày mùa Hè năm 1985 không phải với mục đích lễ Phật mà chúng tôi ghé
chùa vì mục đích… thuê nhà! Đang đi học ở Sac-State, tôi muốn thuê một cái
nhà nhưng chẳng quen một người nào và cũng chẳng biết vùng nào nên ở, vùng
nào nên tránh giữa cái thành phố Sacramento hoàn toàn xa lạ nầy. Đang là
sáng thứ Bảy, đi hoài chẳng biết đi đâu, tôi nghĩ bụng rằng, cách hay nhất
là cứ đến chùa xin nhờ giúp. Trong đời sống văn hóa truyền thống Việt Nam,
dù hoàn cảnh có ly lọan và nhiễu nhương đến mức nào, thì mái chùa và các vị
sư Phật giáo vẫn là khung cảnh và con người thường được xem là ít bị nhiễm
độc nhất. Mái chùa như một bàn tay của mẹ hiền ôm con mà không phân biệt.
Chùa không vồn vã với kẻ quyền thế, giàu sang; mà cũng chẳng lạnh lùng quay
mặt với người cô thế, nghèo nàn. Nếu trong cuộc đời thường, có chăng hiện
tượng ngược lại thì sự khập khiểng không phải tại ngôi chùa mà tại kẻ giữ
chùa. Ông từ mở và đóng cửa ngôi đền, anh linh ngôi đền không làm việc đó.
Trong thời điểm năm 1986, Kim
Quang là ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam duy nhất ở Sacramento, hầu như ai cũng
biết nên hỏi đường đến chùa không khó.
Tôi đến chùa, thầy trụ trì đi
vắng. Gia đình Phật Tử Kim Quang đang sinh họat. Tôi lặng người nghe tiếng
còi và tiếng hát quen thân của các em vang lên từ phía sau sân chùa. Tâm lý
tôn giáo và sùng kính thường có một nơi trú ẩn sâu kín nhất, đó là sự xúc
cảm lắng đọng của tâm hồn. “Sơ phát tâm” – sự dấn thân tình nguyện đầu tiên
– là một dấu ấn tâm linh một thời mà mãi mãi. Nên sự vận động cải đạo hay
bỏ đạo về sau vì lợi quyền hay tham vọng nhất thời là dấu hiệu suy đồi của
đức tin và trạng thái vô luân của tâm thức. Người ta đến chùa và xa
chùa một thời nào đó tùy hoàn cảnh. Nhưng tình cảm thiêng liêng đã mọc rễ từ
trong vô thức – vùng vô thức không ai thấy được – nhưng nó vẫn hiện diện đâu
đó. Như phút nầy, khi nghe các em hát, tiếng hát một thời từ cõi vô thức
trong tôi dấy lên, hoà với tiếng hát hiện thực làm tôi sống lại. Chớp mắt
của quá khứ hiện về. Ai cũng có những chớp mắt hoài niệm như thế trong những
phút bất ngờ nhất.
Liên đoàn trưởng GĐPT là chị Ngô
Thị Thu. Tôi chờ cho đến hết buổi sinh hoạt để được trực tiếp gặp chị. Tôi
được sự hướng dẫn tận tâm để thuê cho được một ngôi nhà ở vùng North
Highlands và gia đình tôi định cư trên vùng đất nầy từ đó.
Trụ trì chùa Kim Quang là thầy
Thích Thiện Trì. Lần đầu được gặp Thầy, tôi không có một ấn tượng sâu sắc
như mình mong ước. Dáng dấp nhẹ nhàng, từ tốn, lịch thiệp nhưng toát ra một
vẻ tự tin và nghiêm khắc của Thầy làm người diện kiến lần đầu cảm thấy kính
nể, e dè hơn là gần gũi. Kinh nghiệm đi thăm quý Thầy ở Huế, nhất là Thầy ở
các chùa nổi tiếng như Từ Hiếu, Từ Đàm, Châu Lâm, Tây Thiên, Trà Am… là
không nên đến gặp Thầy trong các ngày Chủ Nhật hay trong các dịp vía lớn,
rằm, mồng một, vì gặp Thầy để đảnh lễ là chỉ được gặp hình tướng một nhà tu;
chưa gặp được một bậc tu hành trong thực tế đời thường. Bởi vậy, tôi thường
gặp Thầy Thiện Trì vào những ngày giữa tuần để được lắng nghe hay có những
lần hạnh phúc hơn là được “song ẩm” những chén trà đạo vị với Thầy.
Có một lần vào buổi chiều thứ Tư,
tôi đang ngồi uống trà với Thầy ở nhà tăng thì có hai vợ chồng người Mỹ đến
thăm chùa. Họ ái ngại nhìn ngôi chùa đã chịu nhiều sương nắng với vết dột
trên trần và hỏi đến việc trùng tu. Thầy cười hiền từ và nói rằng: “Việc đời
có tụ có tán. Khi gặp duyên lành thì chùa sẽ có ngày được xây dựng lại.”
Trong câu chuyện trà đàm sau đó, Alice và Robert Meyers, tên cặp vợ chồng
người Mỹ, hỏi về pháp tự Thích Thiện Trì của Thầy có nghĩa là gì. Tôi dịch
“Thiện Trì” có nghĩa là “Compassion Lake”. Thầy không đồng ý, nói rằng: “Thiện
Trì là cái Ao Lành, nói chi đến cái hồ cho lớn lao. Thầy chỉ mong làm được
cái Ao Lành trong Biển Đạo mênh mông thôi…”
Cũng cả năm trường mới hiểu được
Thầy. Bản chất “giáo thụ” và nghệ sĩ nơi Thầy như hình với bóng. Nhờ có chút
ít vốn liếng chữ Hán và chữ Nôm của những năm học ở Đại học Sư Phạm Huế, tôi
trở thành tâm đắc với Thầy trong những dịp luận bàn thơ cổ. Có một lần Thầy
và tôi uống hết gần 5 bình trà chỉ vì bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc 4 câu ngắn
ngủi của Trương Kế.
Tương truyền, Trương Kế sau bao
nhiêu năm trải qua nhiều chặng đời vinh nhục thăng trầm với chữ nghĩa khoa
bảng. Một hôm du thuyền trên bến sông Vân Kiều, trăn trở hoài không ngủ được,
Trương Kế ngâm hai câu thơ đối cảnh sinh tình:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên…
(Quạ kêu trăng lặn
sương mờ,
Đèn chài gió sóng khơi bờ sầu dâng…)
Được hai câu thì thơ bỗng chững
lại, loay hoay mãi không tìm ra tứ thơ cho hai câu tiếp. Vẫn theo tương
truyền, động lực “gỡ bí” cho Trương Kế sau khi làm được hai câu thơ đầu bị
bí là thầy trò sư cụ chùa Hàn Sơn. Sư cụ dạo quanh hồ nơi sân chùa trong ánh
trăng thượng huyền mới chớm với chú tiểu đi theo. Sư cụ cũng “đối cảnh sinh
tình” nên ngẫu hứng ngâm:
Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung,
Bán tợ ngân câu bán tợ cung…
(Mồng ba, mồng bốn
trăng non,
Nửa cong câu bạc nửa tròn cánh cung…)
… Ngang đây thì cũng như Trương
Kế trên bến Phong Kiều, sư cụ bí không làm tiếp được… Chú tiểu theo hầu, cúi
đầu thi lễ sư cụ và xin phép làm nối thêm hai câu sau:
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng
đọan,
Bán trầm thủy để, bán huyền không
(Ngọc bình một mảnh
chia chung
Nửa lưng đáy nước, nửa chừng trên không…)
… Hai thầy trò sư cụ đã hoàn
thành bài thơ tứ tuyệt “Vọng Sơ Nguyệt”. Sư cụ ngâm tròn bốn câu với nỗi cảm
khoái dâng trào đầy thi vị trong đêm khuya, nên đã sai chú tiểu lên chùa
thỉnh một hồi đại hồng chung để cúng dường Tam Bảo. Tiếng chuông lọt vào tai
Trương Kế đang thao thức với tâm trạng lòng buồn, thơ cạn… Tiếng chuông như
điệu kèn đam mê sâu đắm thoát ra từ cõi thơ. Hồn thơ của Trương Kế tưởng như
đã lụi tàn trong nỗi buồn “đối sầu miên” bỗng trỗi dậy. Bỗng đâu từ ngoài
thành Cô Tô, tiếng chuông chùa Hàn Sơn ngân nga vọng lại. Ông lắng nghe
tiếng chuông và chợt tỉnh. Tiếng chuông nửa khuya vang lên rửa sạch lớp bụi
trần gian của tâm thức đầy tục lụy. Cảm nhận giải thoát đến từ tiếng chuông.
Tiếng chuông đến từ vô ngã. Một đời bôn ba trên trường khoa bảng của Trương
Kế đã bị tiếng chuông cuốn phăng vào quá khứ. Hiện hữu là một sự tỉnh thức:
Là tâm trạng thoát tục; là khách thuyền.
Nhà thơ bỗng cảm thấy tâm hồn
lâng lâng như thóat tục và làm tiếp hai câu sau:
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
(Thành Cô Tô, chùa Hàn Sơn
Chuông khuya lay động tâm hồn thiền nhân)
Tôi đọc lại những câu lục bát mà
tôi đã dịch từ thời sinh viên. Thầy trầm ngâm nhận xét: “Dịch suông nhưng
chưa chỉnh lắm.”
Câu chuyện xoay qua bình thơ mà
điểm chính hôm đó là “cái bí” của Trương Kế trên bến Phong Kiều và Sư Cụ
chùa Hàn Sơn. Theo Thầy thì Trương Kế bị bế tắc sau hai câu đầu là do cái
tâm của thi nhân còn đeo nặng nghiệp chướng của dòng đời đầy bi phẫn nên
không thoát được. Trong lúc tôi thì nhắm vào nghệ thuật thuần túy và nhận
định rằng, Trương Kế “bí” là vì đã dùng hết tinh hoa của ngôn ngữ thi ca khi
ông điểm xuống một chữ “thần” tuyệt tác, đó là chữ “miên”. Tôi lý luận là
“đối sầu” thì xưa nay đã có nhiều người nói trong thơ. Nhưng mà “đối sầu
miên” thì quả thật là tuyệt bút nên nhà thơ đã ngất lịm trong thơ, không còn
đáng để nói nữa. Bước sang hai câu thơ đầu của sư cụ chùa Hàn Sơn, theo Thầy
thì hai câu của sư cụ tả cảnh trăng thượng huyền đã quá hoàn chỉnh. Sau sự
viên mãn thì chẳng còn gì để nói nữa. Tôi lại xin phép không đồng ý với Thầy
về lý do “bí” của sư cụ. Tôi nhận xét hai câu của sư cụ là hai câu thơ tả
cảnh tầm thường. Cuối sự tầm thường thì thơ không còn bay xa được nữa. Hai
câu tuyệt bút trong bài “Vọng Sơ Nguyệt” là hai câu sau của chú tiểu.
Đó là một buổi chiều thật ấm áp
với Thầy. Khi về, Thầy cho tôi mượn cuốn sách “Buddhism @ Zen in Vietnam”
viết bằng Anh ngữ của thầy Thích Thiên Ân. Cuốn sách do Rev. Karuna Dharma
tặng Thầy đề ngày 20-11-1983. Trang đầu phía trong, dưới bài thơ Xuân của
Mãn Giác Thiền Sư (1090), bằng tiếng Hán và tiếng Anh, Thầy có ghi hai câu
thơ bằng tiếng Việt của Mãn Giác Thiền Sư (thi sĩ Huyền Không) một nghìn năm
sau:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Tôi vẫn còn giữ cuốn sách và
không còn cơ hội trả lại cho Thầy. Nhưng tôi sẽ “trả lại” bằng những hoài
niệm về Thầy qua những dòng suy tư không bao giờ phai cũ…
Ra đi…
Thầy ra đi vào lúc 8 giờ rưỡi tối
ngày 31 tháng 7 năm 2003 ở tuổi 69. Những ngày tang lễ của Thầy tại chùa Kim
Quang chư Tăng và Phật tử tề tựu về chùa luân phiên cầu nguyện và tiễn đưa.
Giữa cuộc đời thường nầy bao giờ cũng thế, những hình thức quan chiêm lễ bái
từ trái tim bao giờ cũng có linh hồn và thấm thía bề sâu hơn là những hình
thức lễ nghi xưng tán rộn ràng trên bề mặt. Những ngày cuối cùng của Thầy
còn trên mặt đất nầy, tôi cảm nhận sự tiếc thương và tưởng nhớ “tâm truyền
tâm” mà Thầy thường nói thấm thía hơn là những gì có thể diễn đạt được.
Nhắc đến Thầy là nhắc đến cáo AO
LÀNH khiêm cung trong BIỂN ĐẠO. Cái AO như một giọt nước từ bi trong biển
đạo mênh mông vô cùng từ vô thủy đến vô chung. Thầy đến và đi. Những giọt
nước đầy và cạn. Cuộc sống có rồi không. Cho nên, cái có lớn lao và miên
viễn nhất cho một kiếp người là CÓ CÁI KHÔNG. Tranh đấu để có CÁI CÓ thì hầu
như ai cũng có thể làm được. Nhưng cuộc chiến đấu để CÓ CÁI KHÔNG là một
cuộc chiến trường kỳ và gian nan mà trên đường đi biết bao nhiêu người bỏ
cuộc. Bởi vậy, đức Phật dạy: “Kẻ thù số một là chính mình. Tự thắng mình là
chiến công oanh liệt nhất!” Phải chăng những tháng năm dài nằm trên giường
bệnh là chặng đường có hồng ân Tam Bảo độ trì để thử thách và chuẩn bị cho
Thầy an nhẫn trong CÁI KHÔNG đời thường để tìm về CÁI KHÔNG tuyệt đối của
Đạo. Trong cõi không an lạc ấy Thầy vẫn thường hằng hoà nhập với sự sống.
Muốn đến viếng Thầy, thiện khách chỉ cần một có một khoảng Tâm Không là đang
tiếp cận với Thầy trong thinh lặng. Có mùi hương trầm và tiếng chuông công
phu đâu đó. Tiếng vọng từ kiếp trước, kiếp nầy, hay kiếp lai sinh?
Sacramento, Mùa Phật
Đản 2006
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn
|