TƯỚI MÁT TÂM CON – DÒNG NƯỚC TỪ BI

Đồng Phước - LTMD

 

 

 

- Kính Bạch Thầy, con biết viết gì cho tờ báo xuân sắp tới, khi mà con nói rằng: “Hạnh phúc phải biết quên mình” thế nhưng lòng con còn vướn bận chuyện thế gian. Con không đủ tự tin để đem trái tim sưởi ấm cho người thân, không đủ nước mắt để khóc cho những góc khuất cuộc đời, và không đủ nụ cười để góp một chút hương cho gió làm dịu vợi những niềm đau…

- Con có còn lạy Bồ tát Quán Thế Âm vào mỗi buổi sáng? Có lắng nghe biển lòng đang réo rắt sục sôi và có cầu nguyện ngài cứu vớt con trên vạn nẻo đường đời?

- Kính Bạch Thầy, lời thầy dạy với con là phép nhiệm mầu làm sao con có thể quên được, nhưng …

- Có điều gì khó nghĩ hả con?

Dạ vâng, Thưa thầy:

Khi chưa gặp Phật con là một kẻ tham lam ích kỷ. Trong tình yêu con muốn mình luôn chiếm giữ, đoạt lấy… Nhưng khi thất bại con muốn trả thù kẻ vong ân. Trong cuộc sống con luôn muốn hưởng thụ và chưa bao giờ hài lòng với số tiền mình kiếm được. Con sẽ ăn ngủ không yên nếu kẻ nào dám hơn con hoặc qua mặt con và bằng mọi cách con phải là người chiến thắng. Trong công việc con muốn làm ít, hưởng nhiều; sẽ rất bất an nếu kẻ nào làm ít hơn con mà có số tiền nhiều hơn hoặc ngang bằng con, và con rất hả hê nếu kẻ nào làm nhiều hơn con mà hưởng ít. Trong học tập con chỉ muốn thầy giáo phải chú ý đến con, con không chịu học bài mà không bằng lòng với điểm số mình nhận được. Con luôn chạy theo xu hướng mà người ta cho là hợp thời và muốn làm một người quan trọng mà không quan tâm thế nào là hợp thời và không cần biết thế nào là người quan trọng và quan trọng ở điểm nào và với những ai mình sẽ là người quan trọng?......? Và có rất rất nhiều điều mà với mọi người con chưa bao giờ muốn mình thua cuộc. Con sẽ rất đau khổ nếu điều đó xảy ra với con và con sẽ làm cho nó nổ tung nếu con biết kẻ nào làm cho con thất bại…

- Vậy điều gì đã xảy ra khi con đảnh lễ Phật và chư Bồ-tát?

Kính bạch Thầy!

Con tìm đến Phật trong cuộc sống ganh đua, lúc mà trái tim con mang đầy thương tích và tâm hồn con là một cái giếng hoan tàn. Những mảnh vụn của thất bại như một cái gai ăn luồn mà con càng muốn vứt bỏ  thì nó càng ăn sâu và cứa vào chỗ đau làm con chới với. Con chỉ biết cầu cúng và hy vọng đức Phật từ bi gỡ bỏ cái gai trong mình, nhưng tại sao con càng đi chùa càng buồn khổ còn mọi người quanh con lại an lạc. Phải chăng họ đã tìm ra giá trị của niềm hạnh phúc, của sự chiến thắng và niềm tin ở  sự  nguyện cầu? “Con muốn hạnh phúc? Con muốn chiến thắng? và con muốn có niềm tin  ở bản thân và mọi người? Vậy con có thể lạy 100 lạy và niệm 10 tràng hạt ở tượng Bồ Tát Quán Thế Âm vào mỗi buổi sáng? Thầy tin lòng từ bi đấng mẹ hiền sẽ lắng nghe hết thảy niềm đau của chúng sanh và cứu độ con vượt qua bể khổ. Và để có hạnh phúc, con hãy học hạnh lắng nghe của Ngài, tôn trọng hạnh phúc của người khác… Con sẽ được hạnh phúc”.

Lời Thầy dạy vẫn còn đó và con đã chập chững bước theo sự chỉ dạy của Thầy. Dẫu những ngày đầu lạy Phật với con quả thật khó khăn: thứ nhất, chùa thì rất nhiều nhưng lấy đâu ra một mái chùa quen để lạy Phật, khi mà trước đây con đến đó chỉ để chơi và để thỏa mãn sự hiếu kỳ. Thứ hai, con phải làm gì để người ta không nhìn thấy và nói gì khi lỡ người ta cũng hiếu kỳ như con khi nhìn “một người điên” lạy chiếc tượng đá? Và thứ ba lạy 100 lạy với niệm 10 vòng tràng hạt vào mỗi buổi sáng quả là một cực hình vì chưa bao giờ con chịu ngồi yên một chỗ để chỉ ngồi xuống đứng lên trong vòng 15 phút. Nhưng để có hạnh phúc, chiến thắng và niềm tin con dậy 4 giờ sáng để mọi người không thấy “những điều không bình thường” ở con. Ngày đầu tiên con dậy từ lúc 3 giờ và không dám ngủ tiếp, con đi loanh quanh và cầu nguyện: ước gì Bồ Tát gần nơi con ở và đó là một góc khuất thật an toàn, yên tĩnh nơi con có thể lạy ngài vào mỗi buổi sáng mà không bị ai phát hiện. Và thật bất ngờ bước chân vô thức đã đưa con đến một con hẻm vào chùa Hiển Nam đó là một con đường cũ dẫn đến cổng chùa và tiến thẳng vào chánh điện. Để tạo một khung cảnh trang nghiêm và giảm bớt tiếng ồn Thầy Trụ trì đã mở một con đường mới thay vào đó Thầy đặt một tôn tượng Bồ Tát Quan Thế Âm hướng nhìn ra cổng chùa cũ và cách cổng chùa chừng 10m; hai bên cổng là hai cội bồ đề rợp bóng. Đây quả thật là một nơi giống như con mong đợi…

- Đó là lúc Bồ tát Quán Thế Âm lắng nghe ước nguyện của con, vậy có gì khó khăn lạy Phật phải không con?

Dạ không, thưa thầy…

Ngày đầu tiên lạy Phật với con quả thật có thật nhiều thiếu sót, con không biết đứng ở tư thế nào? đếm trước hay lạy trước? và niệm Phật thế nào để không vừa lạy Phật, niệm Phật mà nghĩ đến chuyện khác. Con cứ lặp đi lặp lại cả tiếng đồng hồ, hai chân mỏi nhừ, tê buốt mà sai vẫn hoàn sai. Vậy mà trước đây con cứ nghĩ “Làm Thầy tu sướng thật, chỉ có việc đứng lên ngồi xuống và đọc mấy câu có sẵn trong sách mà người ta dâng thật nhiều tiền, còn mình làm việc cả ngày mà sếp trả công thật bèo, nhiều lúc còn bị la mắn oan ức nữa…”. Phải có bí quyết gì để quý Thầy lạy Phật cả đời mà không biết chán? Suy nghĩ như vậy, con bắt đầu tìm sách đọc để xem “bí kíp lạy Phật” của quý Thầy. Hôm nào con cũng thức dậy từ 4 giờ lạy Phật, 7 giờ sáng đi làm, 6 giờ tối đi học 10 giờ tối tranh thủ xem sách và ngủ lúc nào tuỳ theo nội dung của quyển sách. Con cố gắng hoàn tất mọi việc hằng ngày và hy vọng thời gian trôi thật nhanh để đến 10 giờ tối… mà quên mất hôm nay có ai nói xấu mình, ai dám qua mặt mình và mình đã chiến thắng được ai. Tuy nhiên, càng đọc con thấy mình càng mơ mờ, càng đọc con càng rối: Tại sao Đức Phật xuất hiện? Tại sao Phật bảo chúng ta phải tu và tu như thế nào? Tại sao Phật không dẫn đường chúng ta đi mà bảo ta phải tự mình thắp đuốc mà đi? Tại sao và tại sao?.....? Giá mà có ai đó giúp mình vào chùa lạy Phật để làm quen, học hỏi quý Thầy và nhờ quý Thầy giải đáp vấn đề mình chưa hiểu thì có lẽ mình sẽ đoạt “bí kíp” dễ dàng hơn lại ít tốn thời gian hơn. Thế là trước khi lạy Phật con quan sát xem có ai nhìn thấy mình và để ý xem quý Thầy tu như thế nào? Và thật lạ, cổng chùa nơi con lạy Phật đã được ai đó quét dọn hằng ngày, được nối thêm nguồn điện chiếu sáng và thi thoảng lại có những bó hoa hồng, hoa cúc hoặc những đĩa hoa quả thật tươi. Điều mà trước đây con chưa từng thấy hoặc tại con vô tâm không để ý, hoặc tại ai đó cũng đang kiếm tìm một chút “niềm tin”? Con đang loay hoay tìm kết luận với những giả thuyết mình đưa ra thì bất chợt con gặp ánh mắt từ ái của Thầy trụ trì nhìn con với một nụ cười thân thiện: “Con có muốn vào chùa uống với Thầy một tách trà trước khi bắt đầu một ngày mới”? “Thưa thầy? Con có thể vào chùa và uống trà với Thầy được ư?” “ Ha, ha,… Nếu con không chê chùa nghèo, trà dở, và nếu Thầy có thời gian thì con có thể vào uống trà mỗi buổi sáng sau khi lạy Phật…”

Có ai đó nói rằng “đi buôn được vàng” thì có lẽ con là người may mắn nhất trong những người đi buôn may mắn nhất. Vì từ khi vào chùa con không chỉ được lạy gần Phật hơn mà những buổi lạy Phật của con không còn vội vã, vấp váp như trước. Thay vì phải đứng lấp ló trước cổng chùa, phải lén nhìn quý Thầy tụng kinh, phải vò đầu bức tóc với những câu chữ trong Pháp Phật thì giờ đây ngôi chùa đã trở thành mái nhà thứ hai thân thiết của con. Ngoài lạy Phật, con được đi dạo quanh khuôn viên của chùa để ngắm nhìn sự thay đổi của cây cỏ, được chiêm ngưỡng những thánh tượng tuyệt đẹp, được quý Thầy giảng pháp và học theo đời sống phạm hạnh của quý Thầy. Để được thân thiện và gần gũi với mọi người trong chùa con xin thầy cho con được quét dọn tháp chùa Hiển Nam - ngôi tháp tứ diện, cao 7 tầng với 49 tượng Phật A Di Đà đang tiếp dẫn chúng sanh về từ cõi Ta-bà về cảnh giới Tây Phương – Và kể từ đó con trở thành một cận sự nữ ở chùa. Những lúc buồn vui, con được quý Thầy chia sẻ, giúp đỡ; đi đâu về, hoặc có món gì ngon quý Thầy đều dành phần cho con, việc gì khó nghĩ con đều nhờ quý Thầy cố vấn… Và cũng từ đó công việc, học hành của con hanh thông một cách rõ rệt: Từ chỗ buồn chán trong nghề nghiệp con đã đạt giải nhì trong kỳ thi nghề giỏi cấp quốc gia, từ chỗ không được thi tốt nghiệp con đã giúp hầu hết các bạn trong lớp vượt qua kỳ thi một cách dễ dàng, và cái nhìn của mọi người quanh con giờ đây đã thay đổi. Thay vì mọi người biết đến con và nhìn con với con mắt là một người sắp bị đuổi việc ở cơ quan, bị thầy quở trách vì ngủ gậc trong giờ học, bị người yêu xa lánh và bị mọi người phàn nàn trong cách hành xử hằng ngày thì giờ đây cách nhìn ấy đã chuyển hướng 180o.

- Vậy là con đã hết đau khổ vì đã chiến thắng bản thân và chiến thắng được mọi người?

- Dạ vâng, nhưng thưa Thầy giờ đây con vẫn còn lạy Phật nhưng tâm con không hề thanh thản.

- ???

- Bạch Thầy, trong khi con lạy Phật để cầu giải thoát thì con lại nghe những niềm đau từ quanh con vọng lại: những người thân của con, những người con quen, và cả những người chưa quen… Giá như, giá như con có thật nhiều nghị lực, giá như con có thật nhiều tình thương, và giá như con có thể… Con không biết làm gì để biến hai từ “ giá như” thành “ hiện thực”. Những gì con đạt được chỉ là một hạt cát trong biển cát bao la. Thầy ơi! Đó có phải là chiến thắng???

- Con ơi! Đau khổ không phải là điều xa lạ đối với mọi người và với riêng con. Đau khổ đã là bạn đồng hành từ lâu lắm, thế thì có gì phải ngỡ ngàng. Đau khổ đến từ người này hay người khác, từ hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác, điều đó có nghĩa gì đâu? Đã trót sinh ra trên cõi đời và mang thân phận con người thì có mấy ai lại không đau khổ? Nhưng may mắn thay Đức Phật đã tái sinh để đưa con người đau khổ về “Con người Tỉnh Thức”, và khi con lạy Phật sẽ có lợi lớn cho con. Vì sao? Vì điều đó làm tăng trưởng tín căn, đẩy lùi ngã mạn. Khi con lễ, đó là dấu hiệu của khuất phục, không phải Phật hay Bồ Tát đã khuất phục con, mà là kiêu căn, ngã mạn, kiến chấp đã bị sự khiêm cung của con khuất phục. Còn những gì con lắng nghe và đang vọng lại quanh con là lúc con đang đang thức tỉnh. Tâm con là một dòng sông dài, khi êm ả hiền hòa, lúc thác ghềnh gào thét. Con nghe để hiểu chính con. Trong sân khấu cuộc đời, con luôn phải mang những chiếc mặt nạ, mải mê với nhiều vai diễn thuần thục đến độ quên cả chính con, những lúc ấy con nghe để tìm lại chính mình. Và như con đã nhận thấy, ngoài những biểu hiện trong đời sống hàng ngày, trong con còn nhiều góc khuất với những mảng màu sáng tối thiện ác đan xen, đôi khi kỳ quái đến huyễn hoặc; nếu con đã nghe được tiếng lòng với tất cả các cung bậc của nó thì đó là một bước tiến rất xa trên lộ trình tâm, một sự nhận diện về thân tâm đầy đủ và trung thực để bước lên cấp độ cao hơn. Tâm của con đã được tưới mát bằng một giòng nước từ bi, con hãy tinh tấn để học theo hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quán Thế Âm để nghe được tự tánh tức nghe đến tận cùng sâu thẳm của vô thanh, nghe ra cái tịch nhiên im lặng sấm sét và ngay đây, phiền não rơi rụng, tuệ giác hiện tiền, thực tại hiển bày thì cái “giá như” của con hiển nhiên trở thành “hiện thực”.

 - Dạ vâng, Bạch Thầy! Những bài học của Thầy là một phép mầu vi diệu. Nếu như hôm qua Thầy dạy con lạy Phật là Thầy đã ươm trong con một hạt giống từ bi và hôm nay nhân dịp nói chuyện tất niên Thầy đã giải thích cho con những khúc mắt và tưới tẩm cho con một giòng nước mát. Vậy con xin Thầy cho phép con được chép lại buổi nói này và lấy tựa đề: “Tưới mát tâm con – dòng nước từ bi” làm món quà đầu xuân để chia sẻ với những ai đã, đang và sẽ ươm những hạt giống từ bi. Con hy vọng tìm chút đồng hành để hạt giống ấy sẽ luôn được tưới tẩm và vươn lên tươi tốt. Con xin hồi hướng công đức lên chư Phật, thành kính tri ân công đức đến Thầy, quý Thầy chùa Hiển Nam thành phố Quy Nhơn và tất cả các bạn đồng tu với những lời chúc lành trọn vẹn.

 

Đồng Phước

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008