Như thế, bạn tôi…

Tuệ Khang

 

Pythagore được nhắc đến như một nhà toán học vĩ đại đối với học sinh. Tôi chỉ biết đến ông qua những những định lý trong toán học, sau này mới biết thêm ông đóng góp nhiều về tôn giáo và tín ngưỡng vào cuối thế kỷ thứ VI (sinh khoảng 582 TCN và mất khoảng 507 TCN).

Điểm lý thú là gần như cùng thời với Đức Phật (565 TCN - 486 TCN). Tôi vẽ trong trí tưởng mình hình ảnh Phật đi thuyết giảng bên đất Ấn thì tại vùng đất không xa lắm, Pythagore cũng đang giảng dạy cho học trò. Có một điểm giống nhau là cho phép người nữ được tu học.

Thời đó chưa phát triển mạng internet, thông tin không phổ cập như bây giờ. Đức Phật truyền bá cũng chỉ trong phạm vi nước Ấn. Hai đất nước cách biệt nhau, hai nền văn hóa khác biệt nhau. Không trao đổi cùng nhau, nhưng có một cách nhìn tương đồng trên quan điểm này. “Theano, con gái của Brontinus, là một nhà toán học. Bà được cho là người đã viết các tác phẩm về toán học, vật lý, y học và tâm lý học trẻ em, dù không tác phẩm nào còn tồn tại đến ngày nay. Tác phẩm quan trọng nhất của bà được cho là về các nguyên lý của sự trung dung. Ở thời phụ nữ thường bị coi là vật sở hữu và chỉ đóng vai trò người nội trợ, Pythagoras đã cho phép phụ nữ có những hoạt động ngang quyền với nam giới trong tổ chức của ông.” (trích Wikipedia)

“…Pythagoras đã cho phép phụ nữ có những hoạt động ngang quyền với nam giới trong tổ chức của ông.”Đọc lời này, tôi mến phục sự cải cách của nhà toán học Pythagore, vào thời điểm cổ xưa đó.

Trong cuộc sống tôi có ba người bạn, là một niềm vui minh chứng cho người nữ có một khả năng không thua kém nam giới. Người bạn đầu tiên, chúng tôi học ban toán, lúc đó nữ sinh lớp toán rất ít. Bạn tôi giỏi một cách đặc biệt, vì thường hoặc giỏi toán, hoặc giỏi văn, khó giỏi hai môn này một lúc. Vậy mà bạn tôi vừa giỏi toán, vừa giỏi văn, chưa kể đến sinh ngữ và những môn học khác. Dù chúng tôi đông hơn, nhưng hạng nhất lớp luôn phải nhường cho bạn. Điều làm bọn tôi mến phục là bạn tuy giỏi, nhưng không tự kiêu tự phụ, luôn khiêm nhường. Bạn ít nói, dễ thương trong học lẫn hạnh nên được sự cảm tình của bạn bè cùng lớp. Thầy cô và ban giám hiệu đều thương. Sau khi thi, chúng tôi chọn khác ngành nên không gặp nhau nữa, thỉnh thoảng có những buổi họp mặt của trường mới gặp nhau đôi chút, tôi không dám nói, “tiếc rằng cô không đi tu”, nếu không tôi lại vui mừng khi có một người tu với tâm hạnh như thế.

Nhiều năm sau, tôi tham gia những sinh hoạt tại các tự viện Phật giáo. Đạo tràng rất vui và thân thiết như con một nhà. Vào dịp cuối năm, Thầy trụ trì giới thiệu với bọn tôi một nhân vật mới gia nhập, cô ấy nhỏ hơn chúng tôi vài tuổi. Nghe những người biết cô ấy nói, cô học giỏi, luôn đứng nhất lớp từ nhỏ đến khi ra trường. Khi nghe kể như thế, tôi cũng có nể nang và cũng hơi ngán, vì những người nữ học giỏi thường cao ngạo. Nhưng trái với điều đó, chỉ một thời gian sau, cả đạo tràng chúng tôi - không những bọn tôi mà các bác các chú trong đạo tràng đều thương mến. Cô rất vui vẻ, luôn giúp đỡ mọi người, không quản việc gì, lại khiêm nhường, luôn tôn trọng bọn tôi. Sở dĩ chúng tôi nói thế, vì tôi học không giỏi, từng bị các bạn coi thường khi học, nhưng cô không hề có thái độ khinh thị đó. Huynh đệ trong Đạo tràng phát tâm xuất gia rất nhiều, mỗi người chọn một nơi thích hợp. Chúng tôi chia tay nhau về trú xứ mới. Một hôm được tin thân mẫu Thầy trụ trì mất, chúng tôi trở về chùa cũ. Gặp nhau, nhìn ai cũng chững chạc nghiêm trang. Sau bao năm xa cách, cô vẫn thế, nhỏ nhẹ và khiêm nhường, dù rằng bây giờ đã là giáo thọ của nhiều đạo tràng. Gặp lại cô, tôi rất vui khi thấy hình ảnh khiêm hạ nơi con người tài hoa đó vẫn còn. Tôi nói là tài hoa, bởi cô làm thơ, viết nhạc, viết văn và cả hát nữa…

Người bạn mà tôi quen gần đây nhất, tôi biết cô trong những buổi đại lễ. Cô thông minh trong cách tiếp chuyện, dễ thương nhưng khiêm hạ và giản dị trong cách sống. Tự tin chính mình và cởi mở với mọi người, tôi nhận thấy thế khi xem băng cô giảng. Hai người bạn tu sĩ của tôi chỉ một tâm thành trong việc giảng dạy, cả hai đều giản dị trong lối sống, cung kính các bậc trưởng thượng. Được học trò và Phật tử yêu mến, các sư huynh nơi các cô sống đều tôn trọng quý mến người sư đệ của mình.

Tôi thật vui khi thấy có những bậc nữ lưu như thế. Họ không nói gì trên mọi cải cách, chỉ âm thầm tu tập, đem những gì học và tu được trong đời mình truyền bá lại cho đàn em, với tất cả tấm lòng.

Tôi có thể cho bạn biết quý cô đang sống nơi đâu, nhưng cho phép tôi tôn trọng, vì quý cô luôn nói rằng, các cô chỉ là một tu sĩ bình thường như bao nhiêu huynh đệ quanh mình thôi. 

 

  

theo Hoa Linh Thoại

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008