NHỮNG BUỔI BÌNH
MINH CHIM HÓT
Tâm Lương - Châu
Minh Anh
Đang làm việc tại
hãng, chị Ánh nhận được điện thoại của chồng,
bảo phải về gấp vì hệ thống báo động chống
trộm ở nhà hú và cảnh sát đã tới tận nhà.
Chị hớt ha hớt hải đi xin phép, xong vội vã ra
xe phóng về ngay. Trên đường đi, chị cầu mong
sao, đó không phải vì bọn gian tới dọn nhà. Lòng
hồi hộp và tâm trí căng thẳng làm chị mất bình
tĩnh.Về đến nơi, chị thấy xe cảnh sát quay đèn
đứng trước sân. Chị xuống xe, không kịp chào hỏi
mấy người cảnh sát, hấp tấp tới mở cửa ga-ra.
Lúc ấy hệ thống báo động vẫn còn hú. Chị dè dặt
không dám vào vì thấy cửa lớn từ ga-ra vô
nhà mở toang. Cảnh sát đã đến quan sát trước,
biết là không có điều gì nguy hiểm, ra hiệu bảo
chị vào. Chị Ánh hồi hộp đi quan sát khắp nơi.
Thật hú vía, mọi đồ đạc còn y nguyên. Chị thở
đánh phào sung sướng. Lúc này chị mới đoán, có
lẽ con gái chị ra khỏi nhà sau cùng, gài hệ
thống báo động mà quên gài chốt cửa. Do đó, có
thể, vì hơi gió từ lỗ thông ra của hệ thống điều
hòa làm cho cửa mở nên bộ phận báo động mới cứ
hú hoài. Chị lầm bầm trách con gái sơ ý để chị
lo muốn đứng tim.
Về nhà sớm mấy
tiếng đồng hồ, chị muốn tìm một vài việc vặt
trong nhà làm cho đỡ buồn. Sau khi lau chùi bếp
núc xong, chị lên phòng con gái dọn dẹp. Chị kéo
màn cửa ra cho ánh sáng lùa vào và đưa mắt rảo
quanh khắp các nhà phía trước. Chị nhớ từng
chiếc xe của mỗi gia đình. Nếu có một chiếc xe
lạ là chị biết ngay. Bỗng một chiếc xe màu cà
phê sữa mới toanh đang chầm chậm chạy tới, dường
như muốn tìm nhà ai. Chị đưa mắt nhìn theo. Cuối
cùng chiếc xe quanh vào ngôi nhà đối diện, hơi
xéo về phía bên phải nhà chị. Đó là nhà chị
Minh, bạn học hồi thời trung học của chị ở Việt
nam. Thật là một sự tình cờ lạ lùng: hai người
gặp lại nhau sau hơn ba mươi lăm năm xa cách.
Nguyên cách đây
gần một năm, chị Ánh sống trong ngôi nhà xây
dựng đã lâu lắm, xa nơi này trên hai mươi dặm.
Rồi một người bạn hàng xóm của chị đã mua một
ngôi nhà mới xây cất, rất gần hãng làm để tiện
việc đi lại. Ngày đãi tiệc về nhà mới, người bạn
có mời vợ chồng chị Ánh đến dự. Vốn bản tính
không muốn thua ai, hễ thấy ai có cái gì hơn
mình là chị sinh lòng bực tức. Sau đó, bằng mọi
giá, chị phải cố làm cho bằng hoặc hơn mới thôi.
Vì vậy, chị đã đến khu nhà mới này mua một căn.
Còn gia đình chị Minh cũng vừa dọn đến đây chưa
được nửa năm, để được ở gần bên đứa con gái út
vừa ra riêng, cho vui cảnh gia đình đoàn tụ. Hai
bên gặp nhau rất vui mừng. Từ đó, họ thường
xuyên qua lại nhà nhau, kể về chuyện mình sau
những năm rời ghế trường trung học. Qua câu chuyện,
chị Ánh biết chị Minh đã đỗ đạt cao và tìm được
người chồng danh giá. Tới tiểu bang này, chồng
chị Minh, anh Bình, tiếp tục học lại và làm việc
có vai vế trong một công ty nọ. Còn những đứa
con của chị Minh cũng lấy sự học làm kế mưu sinh
bền vững cho tương lai. So sánh với mình, chị
Ánh thấy gia đình chị thua kém khá xa, từ chồng,
bản thân mình và cả con cái nữa. Bên ngoài, chơi
như có vẻ thân tình lắm nhưng trong lòng chị Ánh
rất đố kỵ. Nói chung, chị đã đối xử với chị Minh
theo cách bằng mặt mà không bằng lòng. Trái lại,
chị Minh luôn xem chị như một người bạn thân của
gia đình. Vì xa quê hương gặp được một người bạn
cũ ở gần, đó là điều vô cùng quý đối với chị. Vì
vậy, trong những bữa tiệc tại gia đình, lúc nào
vợ chồng chị Ánh cũng có mặt. Vào những lúc này,
anh Bình thường hay kể cho mọi người nghe về sự
thủy chung của vợ anh trong những năm anh ở tù.
Không biết có ai nói cho anh Bình về quá khứ của
chị Ánh hay không, nhưng khi nghe anh ấy nói tới
sự thủy chung của chị Minh, chị Ánh liếc nhìn
chồng, rồi tức ứa lên tới cổ, dường như đang bị
châm chọc vậy.
Thật ra, chị có
một tì vết, không biết có đúng thật hay không,
chỉ riêng có chị biết.
Nguyên sau năm
1975, chị Ánh được bổ dạy ở một trường tiểu học
trong thị xã quê chồng. Thời gian này cũng có
nhiều giáo viên mới về trường. Trong số ấy có
một giáo viên nam tên Tịnh, dáng dấp rất nghệ sĩ,
mái tóc gợn sóng bồng bềnh, thích đàn hát và
ngâm thơ rất hay. Từ đó, cứ mỗi khi Tết và hè
đến, nhà trường có tổ chức văn nghệ, Tịnh đều
nhận lãnh vai trò tập dượt. Chị Ánh cũng có máu
văn nghệ, rất thích hát, nên hai người thường
sát cánh bên nhau trong những dịp này. Thêm vào,
lúc ấy, nhà trường có chỗ ở tập thể cho giáo
viên ngay trong trường. Chị Ánh và anh Tịnh cùng
ở trong khu tập thể đó. Thời gian này chồng chị
Ánh đi ở tù. Ở nhà chị thường giao thiệp có vẻ
thân tình với Tịnh nên có nhiều người dị nghị.
Trong số bạn dạy chung trường, chỉ có chị Dung
là người trực tính, thường xuyên khuyên chị Ánh
chấm dứt ngay sự lãng mạn này, nếu không, về sau
đổ bể, sẽ mất hạnh phúc gia đình. Chị Ánh không
nghe lời. Thế rồi, một ngày nọ, một giáo viên
trong khu tập thể, có việc đi về khuya, đã bắt
gặp Tịnh đi từ hướng phòng chị Ánh về phòng
mình. Dù rằng không chắc Tịnh đã từ phòng chị
Ánh ra, người giáo viên ấy cũng đã phao tin với
một sự quả quyết.
Trước kia, chị
Ánh đã bán tín bán nghi là chị Dung đã kể lại
cho vợ chồng anh Bình nghe về chuyện ấy. Và gần
đây, mặc dù đã nhiều lần, chị Ánh để ý không
thấy nơi chị Dung có tính ngồi lê đôi mách, nói
xấu người nọ người kia, vậy mà không hiểu sao,
chị Ánh vẫn cứ tin anh Bình đã biết chuyện nên
thường hay ấm ức trong lòng.
Hôm nay, chị Ánh
thấy có một người đàn ông lạ xuống xe vào nhà
chị Minh trong khi chồng chị về Việt nam mới có
vài tuần. Chị Ánh dán mắt theo dõi. Chỉ chưa đầy
ba mươi giây, sau khi người đàn ông bấm chuông,
cửa lớn bật mở. Chị Minh bước ra, nói một câu gì
đó và ôm chầm lấy người đàn ông, lộ vẻ mặt đầy
vui mừng. Rồi chị dắt tay người ấy đưa vào nhà.
Thật là một điều lạ lùng quá sức tưởng tượng vừa
xảy ra trước mắt chị Ánh. Chị thấy lòng vô cùng
sung sướng vì thần tượng của một số người, trong
đó có chồng chị Minh, sắp bị sụp đổ. Và bao
nhiêu tỵ hiềm, ganh ghét trước đây, giờ chị muốn
xổ ra hết. Chị vội xuống nhà dưới, lấy điện
thoại rồi bấm số, gọi ngay cho người bạn tâm đầu
ý hợp nhất, nhưng rất tiếc người ấy không có ở
nhà. Chị bấm sang số khác:
- A lô, chị Dung
đó hả ? Chị biết gì không ? Chuyện động trời.
Chuyện động trời.
- Có gì vậy?
- Con mẹ Minh lấy
trai, đem trai về nhà bà ơi! Chồng nó mới về
Việt nam được hai tuần. Mẹ chồng nó chết. Tui
hỏi tại sao nó không về, nó nói, nó có việc, cần
phải ở lại. Việc cần gì? Cần hẹn với bồ nhí!
Chồng đi vắng. Cơ hội ngoại tình tốt mà!
Trong khi chị Ánh
nói, nói thao thao bất tuyệt, chị Dung thoáng có
ý nghĩ: tại sao bữa nay chị Ánh đổi cách gọi chị
Minh là “con mẹ”, là “nó”, khác với mọi khi, chị
Ánh gọi là “bà Minh”, là “bả”. Chị Dung đâu có
biết trong lòng chị Ánh bao lâu nay âm ỉ một nỗi
cay cú sâu xa và hôm nay được dịp bộc phát.
Chính cách đổi lối xưng gọi và ngữ điệu đầy vẻ
căm tức làm chị Dung nghi ngờ tính trung thực
của câu chuyện.
- Bà nói sao chớ
bà Minh đời nào làm chuyện như vậy. Bả đàng
hoàng có tiếng tận hồi nào giờ mà.
- Đàng hoàng cái
con khỉ gì. Đạo đức giả. Bà không tới đây mà
coi. Xe thằng cha đó còn đậu trước mặt nhà nó
kia kìa.
Nói rồi
chị Ánh sợ người đàn ông kia đi, lỡ chị Dung tới
mà không thấy thì mất uy tín và mất lòng. Do đó,
chị phải lên gác vào phòng con gái, ngồi nhìn
ra cửa sổ canh chừng. Nếu người đàn ông ấy có
vội vã ra về, chị sẽ gọi báo cho chị Dung đừng
tới. Trong lúc này, chị không muốn ngồi không.
Chị lại bấm điện thoại, gọi một số bạn bè khác
và có quen với chị Minh để loan truyền tin này.
Trong số ấy có người tin và có người không tin.
Người tin thì muốn làm quân sư cho chị Ánh, chỉ
cho chị một vài cách thu góp bằng chứng chính
xác. Người này bày chị Ánh chụp hình. Kẻ kia xúi
chị Ánh dùng máy quay phim thu hết những hình
ảnh của chị Minh và gã đàn ông kia. Chị quá đỗi
sung sướng vì được những người bạn tử tế chỉ cho
những chiêu tuyệt vời. Hiện tại nhà chị chỉ có
máy chụp hình. Chị vội vã đi lấy rồi trở lên tìm
chỗ đứng cho thích hợp và đưa “dum” thật dài để
lấy hình cho lớn.
Thời
gian trôi qua thật nhanh. Chị Ánh loay hoay hết
việc nọ tới việc kia nên không biết giờ giấc là
gì. Lúc này chị cảm thấy đói bụng và nhìn đồng
hồ đã hơn bảy giờ chiều. Nhờ gặp lúc mùa hè nên
mặt trời lặn rất trễ. Ít ra cũng còn khoảng một
tiếng rưỡi nữa vẫn có đủ ánh sáng để chụp hình.
Chị Ánh cố kiên nhẫn chờ đợi vì nghĩ thế nào họ
cũng đi ăn thứ gì sau những giây phút tạo nên sự
mệt nhọc. Nghĩ vậy, chị chạy xuống bếp, vội vã
xúc một tô cơm và gắp một miếng cá kho còn lại
của ngày hôm trước, đem lên ăn, chớ từ lúc chiều
giờ, chị có ngơi việc đâu mà nấu nướng. Ngồi,
tay xúc cơm nhưng mắt chị vẫn không rời cửa nhà
chị Minh ở bên kia đường. Chị ngồi chờ thật lâu
mà chẳng thấy động tĩnh gì. Giờ chị mới thấy
thật là một cực hình khi phải ngồi canh chừng,
rình rập cố bắt cho được kẻ làm điều sai trái.
Bỗng trong trí chị thoáng qua câu của ông bà ta
thường nói: “Nai giạt móng, chó cũng le lưỡi”.
Thật nếu không có những lời hối thúc của những
người bạn chí cốt, nói chuyện với chị cách đây
mấy giờ, bảo là phải có một tấm hình để làm bằng
chứng thì chắc chị đã thối chí bỏ cuộc rồi. Thấy
cách này vừa tốn công, nhọc sức canh chừng, vừa
không chắc có tấm hình chụp rõ hoặc khỏi hư, chị
nghĩ chỉ có cách dùng máy quay hình là vừa tiện
lợi, khỏi vất vả nhọc công, lại vừa có hình bảo
đảm. Nhưng chẳng lẽ chỉ cần quay có một lần mà
phải mua một máy quay phim, giá rẻ cũng ba, bốn
trăm đô la. Làm vậy thật quá lãng phí. Hơn nữa,
hiện giờ, chị đang cần dành dụm tiền để mua cho
được chiếc xe Honda Accord đời mới, chứ “con mẹ
Kính nó có mà mình không có, nó sẽ khinh”. Chị
thầm nghĩ thế. Đang thấy một trở ngại lớn hiện
ra trước mắt, chị đâm thất vọng. Nhưng bỗng chị
thoáng nhớ ra, năm ngoái, con gái chị có mua một
đầu máy video, đem về xem được mấy ngày, nó
không thích và đem trả lại. Nó nói trong hoá đơn
có ghi là có thể trả lại trong vòng ba mươi
ngày. Chị vui mừng thở phào.
Chị Ánh
đang miên man trong niềm vui sướng thì cánh cửa
nhà chị Minh xịch mở. Chị Minh ra trước, trong
bộ đầm xòe màu sáng rất tươi mát, rồi tới người
đàn ông chậm rãi bước theo. Anh ăn mặc không
chải chuốt nhưng trông rất lịch sự, với cặp mắt
kiếng gọng đen trên khuôn mặt đầy đặn, nước da
trắng hồng hào. Nhìn qua dáng dấp có vẻ thư thả,
đạo mạo như kẻ có quyền có chức. Chị Ánh không
bỏ lỡ một giây phút nào, ném vội chén cơm lên
giường con gái, rồi vớ lấy máy hình bấm lia, bấm
lịa cho đến khi cả hai người đều vào hết trong
xe. Chiếc xe đời mới hiệu Pontiac từ từ lui ra
rồi tiến thẳng tới đường lớn. Chị Ánh khoan
khoái, hỉ hả trong sự thành công. Nhưng rồi chị
Ánh nghĩ tới con, lại thấy hơi hối hận vì hồi
chiều chị có ý trách con gái sao vô ý đi không
đóng cửa để hệ thống báo động hú, làm chị lo
lắng và để mất mấy giờ làm việc uổng phí. Giờ
thì chị thầm cám ơn con vì nhờ nó mà chị khám
phá ra một điều rất đắc ý. Thật là cơ hội ngàn
năm một thuở. Chị cảm thấy sung sướng vô cùng vì
nghĩ ngày mai vào hãng, chị sẽ kể lại câu chuyện
này cho mọi người nghe. Nếu ai tỏ ý không tin,
chị sẽ trưng bằng chứng ra liền. Nghĩ vậy, chị
Ánh vội đi thay quần áo và trang điểm qua loa,
rồi chạy ra tiệm hình rửa lấy liền. Vì nếu chậm
trễ sẽ không kịp giờ, tiệm đóng cửa mất. Hơn
nữa, chị muốn việc này phải hoàn tất thật nhanh
để chị có thời giờ đi tìm hiểu xem hai người ấy
đi ăn ở đâu, làm gì để chị có đủ bằng cớ chứng
minh.
Lấy được hình,
chị Ánh lướt xem qua thật nhanh. Chị không hài
lòng vì đã không chụp được bức hình nào thật rõ
hai người đứng gần bên nhau. Chị thấy một điểm
lạ là nguời đàn ông đã không tỏ lộ nhiều âu yếm
với chị Minh. Đến việc lên xe, chị Minh cũng
phải tự mở cửa bước lên. Theo chỗ chị Ánh biết,
những tay bồ nhí khi “bắt” được vợ người thường
làm nhiều cử chỉ rất nịnh đầm. Nhưng rồi chính
chị lại phủ nhận ý nghĩ của mình: “có tay rất
nịnh đầm, có tay nó thấy dễ dàng xâm chiếm được,
nó coi rất xoàng”. Chị Ánh cho rằng chị Minh nằm
trong trường hợp sau này.
Đầu óc chị quay
cuồng với biết bao ý nghĩ. Chị vội vã ra xe để
thực hiện điểm chính chị muốn làm. Chị nhẩm tính
xem trong thành phố có mấy nhà hàng lớn. Chị
đoán họ sẽ đến một trong những nơi này vì đồ ăn
thường rất ngon. Và rồi chị lái xe tới tiệm ăn
được coi là ngon nhất trước. Chị đảo một vòng
quanh bãi đậu xe để tìm chiếc xe màu cà phê sữa.
Chị đi từ nhà
hàng này tới nhà hàng kia đều chẳng thấy bóng
dáng chiếc xe muốn tìm.Chị đâm nản lòng, toan
quay về, nhưng thấy chợ ở gần đó, tiện đường chị
lái xe vào mua một ít thức ăn cho ngày mai. Bỗng
chị thấy một chiếc xe màu cà phê sữa đậu lù lù
trước cửa quán phở làm chị giật mình. Chị cố giữ
bình tĩnh, chạy chậm lại nhìn kỹ: đúng rồi,
chiếc xe Pontiac mang biển số xe thuê, đúng y
như số chị đã ghi trong giấy mang theo. Tim chị
đập mạnh và càng đập mạnh hơn khi mắt chị liếc
nhìn vào quán phở, thấy ngay chị Minh và người
đàn ông ngồi đối diện nhau tại bàn sát tường
kính. Trước mặt anh là một tô xe lửa to bự
chảng, còn trước mặt chị Minh là một tô loại nhỏ
nhất của tiệm. Chị Ánh định đậu xe vào một chỗ
trống gần đó để ngồi quan sát cho dễ, nhưng vừa
lúc ấy, cả hai người cùng đứng dậy rời khỏi bàn.
Chị Ánh buộc phải lui xe quay về nhà. Đi đường
chị hối tiếc đã không tìm được họ sớm để xem
cảnh tình tự của hai người như thế nào.
Đêm đó, chị Ánh
không tài nào chợp mắt được. Chị nằm trằn trọc
suy nghĩ đủ thứ. Điều chị nghĩ đến nhiều nhất là
làm sao trong những ngày sắp đến, quay cho được
hình hai người đứng bên nhau âu yếm chuyện trò.
Rồi anh Bình, chồng chị Minh, sẽ xấu hổ biết bao
khi chị Ánh nói toạc hết sự thật và trưng bằng
chứng những điều chị nói. Chị Ánh cứ miên man
mãi với những tưởng tượng như vậy. Cuối cùng chị
cũng ngủ được nhưng khi chuông đồng hồ báo thức
reo, chị phải khó khăn lắm mới trở mình dậy
được.
Hôm ấy vào hãng,
mọi việc xảy ra hoàn toàn không như chị nghĩ.
Nhiều người đã biết tính tình của chị. Họ tỏ ý
không tin. Nhưng sau khi xem một số tấm hình chị
Ánh chụp được, một số ít đã tin, một số nửa tin
nửa ngờ. Vậy là nguồn tin chồng chị Minh về Việt
nam, ở nhà chị Minh dẫn trai vào nhà, cứ một
người trong hãng biết thì có năm, bảy người
ngoài hãng biết. Người phao tin ban đầu có kẻ dè
dặt, thêm vào cuối câu chuyện là điều này không
chắc lắm. Nhưng qua người sau, người sau nữa,
câu thêm kia bị bỏ mất. Vậy là nguồn tin từ chỗ
không chắc đã trở thành tin có thật. Bao nhiêu
lâu nay, có biết bao người bị những tin đồn xấu
rất là oan ức, loan đi xa trong những trường hợp
như thế.
Sáng mai hôm ấy,
chị Ánh làm việc trong tâm trạng bồn chồn. Chị
chỉ mong chóng tới giờ giải lao để có thể dùng
điện thoại dành cho công nhân, gọi về một vài
người bạn của chị. Khi đến giờ, chị phóng ngay
đến chỗ để điện thoại và giữ suốt cho đến hết
giờ nghỉ. Bao người đứng chờ, nhìn chị với đôi
mắt bốc lửa, đầy tức tối. Chị biết nhưng cứ phớt
tỉnh. Lúc xong chị Ánh mắc ống nghe vào ổ điện
thoại gắn trên tường, nét mặt rạng rỡ, trông có
vẻ hả hê lắm. Chị biết thêm một tin mới: chị
Minh xin nghỉ làm hai ngày thứ năm và thứ sáu.
Vậy là chiều nay, chắc chắn, thế nào gã đàn ông
kia cũng đến nhà chị Minh. Chị đoán vậy nên đã
lo chuẩn bị rất sít sao. Chị đã gọi cho con gái,
bảo đi mua máy quay phim có chân và hỏi cách sử
dụng thật kỹ, để chiều nay về chỉ lại cho chị.
Đến buổi chiều,
mọi việc xảy ra đúng như chị Ánh dự tính. Chưa
đến sáu giờ, chiếc xe Pontiac màu cà phê sữa
đến. Chị Minh, trong bộ đồ màu xanh trứng sáo,
ra đón người đàn ông ở ngoài sân. Trên phòng,
con gái chị Ánh đã giúp chị sửa soạn máy quay
phim đâu ra đó. Giờ chị chỉ cần đưa ống kính qua
lại để thâu hình cho chính xác. Chị đang say sưa
nhìn trong màn ảnh hình của chị Minh và người
đàn ông thì chuông điện thoại reo. Chị không thể
bắt ngay được vì đang lúc hấp dẫn: chị Minh đang
đứng cạnh người đàn ông ra chiều âu yếm, chỉ hai
lẳng hoa treo trước nhà, nói một điều gì đó.
Người đàn ông gật đầu mỉm cười và vỗ vai chị
Minh. Trong khi đó, tiếng chuông điện thoại vẫn
cứ reo. Chị Ánh nghĩ, người nào gọi mình đây
chắc là có chuyện cần lắm. Chị vội bước tới đầu
giường con gái, cầm ống nghe lên. Tiếng một
người đàn bà ở bên kia đầu dây the thé:
- Làm gì mà không
chịu bắt phone vậy bà? Nè, con Minh nó có mời bà
đi dự tiệc tối thứ bảy này không? Nó mời vợ
chồng bà Hưởng đó.
Chị Ánh vừa nghe
điện thoại, vừa cố lách mình đi qua chỗ đứng
nhìn vào màn hình. Chị phải làm vậy vì phòng con
gái quá chật, để máy quay phim đã choán hết lối
đi. Đó là chân máy đã để dụm lại, chứ chưa dang
rộng ra đấy. Trong lúc quá vội vàng, chị đã đá
phải chân máy rất mạnh, làm máy rớt xuống, miểng
nhựa máy bị bể văng tứ tung. “Thôi rồi, đến
nước này thì làm sao đem trả lại được. Lại mất
toi mấy trăm bạc nữa rồi”. Chị tiếc đứt ruột
nghĩ thế vì hiện chị đang cần dành dụm tiền để
có đủ số tiền ứng trước mua chiếc xe Honda
Accord.
Lúc
này, cảnh chị Minh
và người đàn ông đang trò chuyện trước sân không
còn hấp dẫn chị nữa. Trái lại, chị thấy rất gai
mắt, làm chị khó chịu, dường như họ đang trêu
tức mình vậy. Chị vừa bực, vừa buồn theo thang
gác xuống nhà dưới. Chị đi mà không biết xuống
nhà làm gì. Đứng tần ngần một lúc, định thần lại
chị mới nhớ ra là mình cần cái xúc rác để lên
hốt mảnh vụn của máy.
Đêm hôm đó tâm
trạng chị rối bời như tơ vò. Phần thì tiếc phải
mất đứt hơn ba trăm đô để lấy cái máy. Phần thì
nóng lòng chờ xem chị Minh có gọi mời đi dự tiệc
nhà hàng tối thứ bảy không. Chị mong vậy vì muốn
biết chị Minh giới thiệu người đàn ông kia là ai
mà chờ hoài, đã hơn mười giờ đêm, vẫn không thấy
gi cả. Có lúc chị rất mâu thuẫn với mình, có vẻ
hồi hộp sợ chị Minh gọi lắm. Vì nếu vậy, có thể
sự việc không xấu như chị nghĩ. Nhưng rồi, do
bản tính ưa tìm cái xấu của người nên chị cố moi
trong đầu xem người nào quen với bà Hưởng để nhờ
hỏi xem chị Minh mời đi dự tiệc vì lý do gì. Chị
Ánh rất mặc cảm, không muốn gọi hỏi trực tiếp bà
Hưởng vì lâu nay chị không chơi thân với bà.
Cái khổ vì ray
rứt suy nghĩ cách nọ, cách kia để biết được câu
chuyện giữa người đàn ông và chị Minh, cùng với
sự hối tiếc làm bể máy quay phim, đã dày vò chị
Ánh suốt một đêm. Chị khó tìm được giấc ngủ yên
bình, không mộng mị. Sáng ra thức giấc, chị Ánh
thấy trong người uể oải lắm.
Đứa con gái hiểu
tâm trạng của mẹ nên vừa nghe tiếng chân mẹ
xuống nhà dưới, cô đã vội bước theo ngay. Hai mẹ
con ngồi nói chuyện rất lâu trong phòng gia
đình. Chị Ánh rất sung sướng đã có một đứa con
rất thương yêu chị. Chị làm điều gì, con gái chị
không cần đắn đo suy tính điều đó đúng hay sai,
cô đều hưởng ứng nhiệt tình. Như có lần chị ghét
một người trong hãng, chị về nhà bảo con gái gọi
cho anh “sếp” người Mỹ, báo cho anh ta biết một
điều sai lầm về người chị ghét, con gái chị làm
ngay, không phân vân, do dự. Rồi trong chuyện
này, cô trấn an mẹ là đừng lo gì. Chiều nay cô
và mẹ sẽ vào nhà hàng đó ăn cơm tối. Giờ chị mới
thấy đứa con gái mình chưa đầy ba mươi tuổi đã
tỏ ra già dặn, sâu sắc không thua gì chị. Hơn
thế nữa, cô lại còn có bản lĩnh, gan lì hơn chị.
Chị thầm nghĩ: “hổ phụ sinh hổ tử” rồi mỉm cười
sung sướng.
Ngày hôm đó, nhờ
có quân sư tại gia, chị có được tin rất vui như
cặp vợ chồng đứa con gái út chị Minh không đi,
nên chị đỡ lo phần nào. Chiều đến, con gái chị
xin về nhà sớm hơn mọi khi để sửa soạn đi với
mẹ. Hai mẹ con đã đến nhà hàng sớm hơn giờ chị
Minh mời khách khoảng mươi phút. Chị Ánh do dự
không muốn vào vì sợ chị Minh thấy. Đứa con gái
khuyên chị: “Mẹ cứ đi vào tự nhiên, coi như
mình không biết họ có bữa tiệc hôm nay”.Chị
Ánh hơi yên tâm theo con bước vô, nhưng chị vẫn
rón rén bước, chứ không dám bước mạnh chân như
sợ có người nghe.
Hôm ấy, nhà hàng
có tiệc cưới. Khách chưa đến nhiều nhưng những
người phục vụ đã dùng những tấm màn chắn có
khung gỗ để chia phần dành cho đám cưới và phần
riêng cho thực khách lẻ. Khu này vỏn vẹn chỉ có
năm bàn. Chị Ánh đưa mắt liếc nhanh khắp một
vòng khu vực này. Chị thở phào thật mạnh khi
thấy chị Minh ngồi xoay lưng về phía chị, tại
một bàn trong góc, có tấm màn chắn che ngang,
cùng với hai người đàn ông. Chị vững tâm tiến
tới một bàn không xa bàn của chị Minh mấy, nhưng
chắc chắn khi họ có đi ra, không ngang qua bàn
chị. Ở bàn bên kia, chị Minh và hai người đàn
ông chuyện trò rất thân mật. Chị Ánh đang cố
gắng theo dõi câu chuyện của họ thì bỗng có
tiếng chân người bước tới. Chị Ánh quay lại và
giật mình đánh thót, biến sắc mặt khi thấy vợ
chồng chị Hưởng đi vào. Nhưng thật may mắn cho
chị Ánh, anh Hưởng có người quen đi dự đám cưới,
đến hỏi chuyện. Do đó, anh chị ấy không nhìn ai
chung quanh cả. Lúc này, chị thở hơi ra, hít hơi
vào thật mạnh, cố giữ bình tĩnh để lỡ chị Hưởng
có thấy, vẻ mặt chị cũng không mất tự nhiên. Chị
thầm cám ơn người đi dự tiệc cưới kia đã vô tình
giúp chị có thời giờ trấn an tinh thần. Niềm vui
của chị kéo dài chưa được vài phút thì chị Minh
ngồi chờ khách mời, mãi chưa thấy đến, cũng sốt
ruột, đã nhìn ra và thấy vợ chồng anh Hưởng. Chị
Minh đứng lên ra đón họ. Chị Ánh thấy chị Minh
đi ra thì mặt tái đi vì nghĩ thế nào khi dẫn
khách vào chị Minh cũng thấy chị. Nhưng không,
chị Minh chỉ chờ cho anh Hưởng nói chuyện xong
với người bạn kia rồi mời vào bàn, chứ không để
ý tới ai khác. Chị Minh chỉ những người trong
bàn, nói:
- Hôm nay có
bữa tiệc đặc biệt. Và cũng đặc biệt vì khách mời
hôm nay chỉ có anh chị…
Chị Minh chưa kịp
giới thiệu tên từng người thì anh Hưởng trố mắt
nhìn người khách đã đến nhà chị Minh cách đây
mấy hôm và nói:
- Trời ơi!
Quang…phở.
Chữ “phở” anh nói
thật nhỏ vì sợ chạm tự ái người mới gặp.
Họ ngồi nói
chuyện với nhau khá lớn tiếng. Dường như nỗi cảm
xúc đã đến với họ quá bất ngờ nên họ không thể
kềm giữ âm giọng ở mức độ vừa phải. Thoạt tiên,
hai người hỏi về công việc làm của nhau. Xong
bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa của họ cứ lần lượt
được kể ra. Chị Ánh không cần cố gắng lắng nghe.
Chị đã nghe rõ mồn một mọi chi tiết trong hơn
mười phút qua. Giờ chị đã biết người đàn ông chị
đang muốn tìm hiểu tên là Quang. Anh mới từ Nhật
qua để tìm hiểu thị trường làm ăn ở Mỹ, vì hãng
anh đang làm việc muốn đầu tư vào đây. Về mối
quan hệ gặp gỡ giữa Quang và Hưởng ngày xưa, chị
nghe được, rất cảm động.
Lúc còn đi học,
Quang rất mến Hưởng vì Hưởng học rất giỏi. Quê
Hưởng ở một tỉnh miền Trung xa lắc, xa lơ, Quảng
Ngãi. Gia đình Hưởng không giàu có, làm nghề
nông. Thấy con ham học, cha Hưởng đã cắt lần
mảnh vườn rất rộng của ông bà để lại, bán cho
con vào Sài gòn ăn học. Anh ở trọ trong một nhà
trọ cho học sinh, sinh viên ở đường Lý Thái Tổ.
Có lần Quang vô phòng Hưởng chơi, thấy chỉ có
một cái giường, đủ cho một người nằm thẳng, chớ
không đủ để trở mình qua lại. Còn đèn học chỉ có
một bóng đèn tròn, sáng tù mù. Tiền gia đình cho
rất eo hẹp. Hưởng chỉ có thể thuê một căn phòng
như thế. Thấy vậy, Quang về thưa cha mẹ hoàn
cảnh của Hưởng rồi đưa anh về nhà ở. Hưởng sống
rất có lễ nghĩa. Cứ một năm hai lần, anh về thăm
quê: Tết và hè. Mỗi lần vào, anh đều đem rất
nhiều món quà đặc sản của quê hương anh để biếu
gia đình Quang như mạch nha, đường phèn, đường
phổi, kẹo gương. Ngoài những món ấy, thỉnh
thoảng Hưởng còn đem theo vào đường mía non đổ
trong tô sành lớn, khoai lang xắt lát đã phơi
khô hoặc bánh tráng nướng, cả hai đều đã được
trụng trong nước đường mía non vừa mới nấu tới,
ăn nghe ngọt lịm. Có khi anh định đem nước chè
hai, bỏ trong chai thủy tinh cho Quang uống thử
để biết, nhưng không được vì rất mau chua. Đặc
biệt anh còn đem đường cáu vào nữa. Anh khoe với
Quang tất cả những thứ đó là sản phẩm từ lúa
gạo, mía đường của quê hương anh. Mấy lần đầu,
Quang thay mặt cha mẹ nhận, nhưng những lần sau
anh từ chối vì gia đình anh chỉ muốn giúp người
không vụ lợi.
Lúc họ còn học Đệ
nhất ở một trường công lập tại Sài gòn khoảng
năm 1962, băng học giỏi trong lớp có bốn đứa
nam. Đứa nào cũng có biệt danh đứng sau tên.
Riêng Hưởng, lúc đầu bạn bè gọi anh là Hưởng
“nẫu”. Nẫu là từ bạn bè anh hiểu: người miền
Trung hay dùng để thay cho từ “họ”. Nhưng sau
Quang thấy tên này không xác định rõ ràng, chính
xác gốc gác của Hưởng vì có nhiều tỉnh miền
Trung dùng từ “nẫu” nên sau Quang đặt tên khác
cho anh và tên này mang chết cho đến ngày xa
nhau: Hưởng đường cáu. Sở dĩ có tên này vì trong
chỗ học của Hưởng lúc nào cũng có một thố đường
cáu. Còn Quang đã được bạn bè đặt tên là Quang
“phở”, hay có đứa bạn tinh nghịch đã bỏ tên
Quang và chỉ gọi là Phở tàu bay. Vì hồi đó Quang
thích ăn phở lắm, gần như tuần nào anh cũng phải
ghé phở Tàu bay vài ba lần.
Anh Hưởng nhắc
lại chuyện cũ đến đây làm cho mọi người cười
oang oang. Anh nhìn anh Quang hỏi:
- Vậy đến đây
cậu đã đi ăn phở chưa?
- Rồi. Hai
ngày liền: chiều thứ năm và chiều thứ sáu. Cô em
gái của mình đây đã đưa mình đến hai quán phở
ngon nhất ở đây.
- Cũng tô xe
lửa chớ?
- Dĩ nhiên.
Chị
Ánh nghe được tới đó thì lặng người đi. Đứa con
gái chị, vẻ mặt cũng tỏ ra thất vọng vô cùng.
Thế là cuộc theo dõi của họ để cố vạch ra cái
xấu của bạn mình đã hóa ra công cốc.
Cơm
và món ăn đã đem lên. Những món ăn mà trước kia
chị Ánh rất thích, đang nhè nhẹ tỏa hơi nóng và
đưa mùi thơm phức vào mũi chị. Giờ chị không còn
lòng dạ nào ngồi dùng tại chỗ nữa và gọi xin hộp
“to go” đem về nhà.
Trên đường về, con gái chị Ánh lái xe. Chị ngồi
thẳng lưng, ngã người ra phía sau, hai tay buông
thòng xuống ghế, dáng rất uể oải. Chỉ trong chốc
lát, thoáng trong đầu chị, có một sự so sánh
giữa bao nhiêu lần, chị cố tâm nói xấu để hại
người trước đây và lần này: chị thấy rõ ràng
trong những ngày qua, tâm chị quá lo lắng, tinh
thần luôn căng thẳng, bạc nhược, sức khỏe sa sút
rõ ràng và lại còn hao tổn tiền tài nữa. Bây
giờ, chị mới thấy thấm thía về những điều sai
lầm do sự thiếu chín chắn của chị đem lại. Chị
đã thực sự cảm thấy hối hận và đã tự trách mình
nhiều điều: Phải chi mình nghe lời chị Dung,
tin là chị Minh không đời nào làm chuyện bậy bạ
thì đâu có chuyện này xảy ra! Phải chi mình đừng
nghe lời mấy người bạn đốc thúc thì đâu đến nỗi!
Phải chi mình đừng tung tin này tại hãng thì có
sao đâu! Bây giờ ai cũng biết hết. Mình ăn làm
sao, nói làm sao với chị Minh đây? Phải chi …và
…
Đầu óc chị Ánh
lẩn quẩn mãi với những điều tự trách mình nên
tâm hồn chị vẫn cứ trĩu nặng, lồng ngực như có
vật gì đè ép đến muốn ngạt thở. Bỗng chị lắc đầu
qua lại mấy lần, dường như để xua đuổi những ám
ảnh đang dày vò tâm tư chị.
Về đến nhà, con
gái chị hối thúc chị đi tắm ngay. Chị mệt và uể
oải lắm, chỉ muốn đi nằm chứ không muốn làm gì.
Con gái chị lại năn nỉ chị đi tắm lần nữa, chị
mới chịu nghe theo. Làn nước mát toả từ đầu lan
xuống khắp thân mình làm chị thấy dễ chịu. Lồng
ngực không còn bị đè nén khó thở nữa. Đầu óc
bưng bưng, căng thẳng cũng tự nhiên biến đi
ngay. Thì ra làn nước mát có thể chữa được căn
bệnh tinh thần, đã làm chị bải hoải, chán chường
từ lúc ra khỏi nhà hàng.
Đêm hôm đó vào
giường ngủ, chị Ánh thấy trong lòng có vẻ dễ
chịu lắm. Nhưng cái cảm giác êm ả đó không kéo
dài được bao lâu. Nỗi hối hận về cách cư xử quá
tàn nhẫn với một người bạn lúc nào cũng thương
mến mình, đã trở lại ám ảnh chị. Chị chịu sự ray
rứt như thế kéo dài cho tới khi mệt lả và chị
ngủ đi lúc nào không biết. Khi thức giấc, chị
cảm thấy thân mình uể oải, rã rời như người vừa
ốm dậy. Chị cố ngồi nhổm lên, nhìn vào tấm gương
cạnh giường và thấy đôi mắt mình như trõm sâu,
có quầng thâm, nước da tái nhạt. Nhìn vào đồng
hồ, chị thấy còn quá sớm nên lại đắp mền nằm
nữa. Chị nghĩ đến cảnh sáng mai vào hãng làm
việc, thế nào cũng có người hỏi chị thêm về việc
chị Minh. Nghĩ đến đây, chị cảm thấy hơi lo phải
gặp anh Thịnh, người công nhân già nhất trong
hãng, vì dường như anh ấy không thích việc chị
làm. Chính ngay sau khi nghe chị phao tin về chị
Minh, anh ấy nói:
- Muốn tìm
hiểu một sự việc hay đánh giá một con người, hãy
nhắm mắt lại. Kết quả đem đến sẽ chính xác nhiều
hơn là mở mắt. Vì mở mắt chỉ thấy cái lộ ra, cái
xuất hiện trước mắt, chứ không hiểu được những
cái còn tiềm ẩn ở bên trong.
Rồi anh tiếp: -
Cũng do cái cách đánh giá mở mắt, thấy sao
nói vậy, nên đã có biết bao người chịu đựng
tiếng đời mỉa mai, châm biếm oan ức. Và có khi
từ cái tin đồn xấu sai lạc này, một số người lại
suy diễn ra: nó có cái xấu này, tức phải có cái
xấu kia, nên đã gán ghép vô tội vạ thêm cho một
vài cái xấu khác nữa. Còn những người nhắm mắt
đánh giá, họ chịu khó tìm hiểu cặn kẽ hoàn cảnh,
nguyên nhân và mục đích của sự việc nên kết qủa
chính xác hơn nhiều.
Anh Thịnh còn nói
dài lắm, nhưng chị Ánh chỉ nhớ một vài điểm
chính như thế. Chị hiểu là anh ấy muốn ám chỉ
chị đã phao tin về chị Minh trong cái nhìn hời
hợt. Lúc ấy chị giận lắm, nhưng bây giờ chị thấy
thật thấm thía. Chị liên tưởng đến chuyện ngày
xưa của mình: chị bị phao tin đồn là ngoại tình
với Tịnh, cũng do cái thấy bên ngoài cạn cợt rồi
kết luận, đã làm chị mang tiếng oan suốt một
đời. Nỗi oan ấy không làm sao giãi bày được. Chị
phải chịu ngậm đắng nuốt cay bao nhiêu lâu nay.
Giờ chị muốn làm
như anh Thịnh nói, nhắm mắt lại để suy nghĩ, để
tìm hiểu nguyên nhân đã gây nên những lỗi lầm
đã qua. Thoạt tiên, chị cho là do tính mình hời
hợt, vội vàng. Rồi tiếp đến chị nghĩ vì tính chị
không muốn hòa đồng với mọi người, thấy ai cũng
ghét, ai nói gì, làm gì cũng không ưa. Lý do
nào, suy xét kỹ chị đều thấy không hoàn toàn
đúng trong trường hợp vừa xảy ra. Cuối cùng, chị
bừng sực nghĩ ra, đúng rồi, nguyên nhân đã tạo
ra mọi rắc rối trong đời chị là tính đua đòi và
đố kỵ. Chị nghiệm thấy vì có tính đua đòi nên
chị ít khi chịu thua người. Rồi khi biết là thua
người, chị sinh ra ganh ghét, đố kỵ. Điều đó đã
gây ra biết bao tệ trạng trong bao nhiêu năm
qua.
Ngẫm lại hiện tại
chồng chị và chị không còn hòa thuận như xưa
cũng vì tính chị ưa đua đòi cho bằng người nọ,
người kia. Những năm đầu mới qua Mỹ, tiền làm ra
hàng tuần của hai vợ chồng đã bỏ chung trong một
tài khoản. Rồi họ đã mua được nhà, sắm được xe
riêng cho mỗi người đi làm. Khi đã tạm ổn định
được cuộc sống, chị bắt đầu nhìn bạn bè chung
quanh. Thấy ai có nhẫn, bông tai hột xòan, chị
rỉ tai chồng bảo để dành dụm tiền mua cho chị,
chứ đi dự tiệc hay đám cưới, người ta có mà mình
không có, họ sẽ khinh. Rồi chị tiến xa hơn nữa,
muốn luôn có những bộ đồ đi dự đám cưới phải đổi
mới. Tiền của chị và chồng làm ra bao nhiêu, chỉ
đủ cho chị mua sắm cho chính mình. Ở Việt nam,
chồng chị còn cha mẹ già, suốt nhiều tháng không
gởi về cho ông bà đồng nào, đã làm anh nóng
ruột. Anh nhẫn nhịn chịu đựng, nhưng không chịu
nổi. Thế là những cuộc cãi vả về tiền nong đã
làm mất niềm hòa khí trong gia đình. Anh đem chữ
hiếu của con đối với cha mẹ ra nói với chị, chị
không thèm để ý tới. Chồng chị thấy đó là cách
đối xử tệ bạc của người ích kỷ, chỉ biết sống
cho riêng mình. Từ đó, hai vợ chồng mở tài khoản
riêng. Họ sống chung trong một nhà, nhưng ít khi
họ hỏi tới nhau, trừ trường hợp có ai mời dự
tiệc, đám cưới họ vẫn đi chung và nói với nhau
những câu chiếu lệ, để tránh miệng đời đàm tiếu.
Sự việc ấy đã xảy
ra cả gần năm nay nhưng chị không lấy thế làm
buồn, vì hằng ngày chị đã có một số khá đông bạn
bè, có vẻ rất ăn ý với chị, thường xuyên điện
thoại chuyện trò hoặc đi shopping mua sắm đồ.
Giờ chị mới nhận thấy, chính họ là những người
đã tạo cho chị sự đau khổ vừa qua. Bỗng chị nhớ
tới câu nói của một người bạn đã nói với chị hồi
lâu lắm: “Đừng sợ những người hay phản đối
mình, mà sợ những người luôn tán đồng lời nói
hay việc làm của mình”. Chị thấy lời nói
thật chí lý trong hoàn cảnh của chị bây giờ.
Thật vậy, giờ chị
đã nhận ra chị Dung mới là người bạn tốt. Trong
đời chị, ít ra đã có hai lần chị Dung phản đối
việc chị làm. Một lần chị Dung đã can ngăn chị
đừng giao thiệp quá thân tình với Tịnh và lần
này chị đã tỏ ý không tin chị Minh ngoại tình.
Rất tiếc những lần ấy chị đã không chịu nghe nên
mới ra cớ sự. Chưa bao giờ chị cảm thấy thương
mến chị Dung bằng lúc này. Rồi chị miên man nghĩ
tới những cái tốt của chị ấy trước
kia.
Ngày ấy, chị Ánh
mới học hết bậc trung học, rời Sài gòn để về quê
sinh sống. Một lần nọ đi chợ, chị đã gặp chị
Dung đứng quyên tiền giúp đồng bào nạn nhân bão
lụt. Chị đã không cho còn tỏ vẻ khó chịu, lầm
bầm nói: “Làm chuyện tào lao. Ăn cơm nhà, vác
ngà voi”. Rồi không ngờ, sau hai người lại
dạy chung một trường. Chị tưởng chị Dung ghét
chị nhưng không, chị ấy vẫn thản nhiên, như
không nhớ gì chuyện cũ. Chị biết chị Dung được
nhiều người mến, một phần do tính chị thành
thật, ngay thẳng, phần khác do chị có người cha
rất quảng đại và nhân từ. Ông là một thầu khoán
có tiếng trong thị xã. Ông được các trường học,
các tổ chức từ thiện…đặt cho cái tên là Mạnh
Thường Quân. Ông sống rất bình dân, thích giúp
đỡ người nghèo hay bất cứ ai gặp lúc khó khăn,
hoạn nạn. Như có một lần, một người đàn bà đã
đến kêu khóc, cầu xin ông giúp tiền để bà mua
được thuốc đặc trị, cứu con bà trong cơn nguy
khốn tại bệnh viện. Ông đã sẵn sàng giúp và giúp
cho đến khi con bà bớt bệnh về nhà. Ông thường
nói với các con ông:
“Dù xây chín bậc
phù đồ,
Không bằng làm
phước cứu cho một người…”
Có khi ông đem
hết tiền kiếm được trong việc thầu khóan cho nơi
này, nơi kia. Mẹ Dung có lúc phải phàn nàn. Ông
cười khề khà nói: - Tích ngân không bằng tích
đức.Rồi ông an ủi vợ: - Cứ giúp người đi
rồi trời sẽ giúp mình bà ơi.
Chị Dung đã hấp
thụ được tính thương người và thích giúp người
của cha. Chị cũng như cha, sống rất giản dị, nên
dù cho có phải chi quá nhiều thứ trong cuộc sống
hằng ngày ở Mỹ, chị vẫn có dư dật. Đi đường,
trong xe chị, lúc nào cũng có dăm đồng tiền lẻ.
Hễ thấy người ăn xin đứng mang tấm carton ghi
chữ “homeless”, chị lấy cho một, hai đô. Thấy
toán người cứu trợ mặc đồng phục trắng, đưa
thùng ra xin tiền, chị vui vẻ cho ngay. Rồi có
lúc, có hội đoàn người Việt Nam quyên tiền giúp
những người không may mắn ở quê nhà vì bão lụt,
vì cuộc chiến tranh năm xưa, chị hưởng ứng không
chút do dự. Rồi nào là gia đình bạn bè có tang
chế, chị sẵn sàng góp phần giúp đỡ… Tất cả những
việc làm ấy đã đem lại cho chị Dung những niềm
vui sướng nhẹ nhàng. Chị Ánh nhớ có nhiều lần
chị Dung đã kể lại cảm giác đó cho nhiều người
nghe. Lúc đó, có người, trong đó có chị Ánh,
nghĩ là chị Dung hay khoe khoang, nhưng thật sự
trong thâm tâm chị Dung khi kể lại những chuyện
này, chị chỉ mong mọi người nên làm như vậy. Giờ
này có một câu chuyện về chị Dung còn ghi sâu
đậm trong tâm tư chị là lần chị ấy giúp một
người đàn bà Mỹ trắng.
Hôm ấy, vào một
ngày mùa đông giá lạnh, nhiệt độ ở âm độ, chị
Dung lái xe qua một khúc quanh thì thấy một
người đàn bà Mỹ trắng, đứng sau xe của mình, đậu
sát bên con lươn của xa lộ, nhìn mọi xe đi qua
với đôi mắt như muốn cần sự giúp đỡ. Xe nào đi
trước chị cũng đều phóng rất nhanh. Hơn nữa, tới
khúc cua họ mới thấy nên chẳng ai có thể dừng
lại để giúp. Lúc ấy, xe chị đi ở làn xe
trong cùng. Chị nghĩ, có lẽ, mình nên dừng lại
để hỏi xem bà ta cần gì. Nếu chồng chị có thể
giúp, chị sẽ vào cây xăng gọi anh ấy đến.
Chị xuống xe, đi
bộ ngược lại về phía bà Mỹ, dưới cái rét mùa
đông, lạnh buốt thấu xương. Thấy chị đi tới, bà
lộ vẻ vui mừng, vội đi về phía chị, trong dáng
đi thật nặng nề. Sau một vài lời trao đổi, chị
biết xe bà hết xăng. Chị đưa bà đến cây xăng,
rồi tắt máy ngồi chờ. Mấy phút sau bà ra với can
nhựa trên tay, nhìn chị bằng đôi mắt long lanh,
sung sướng, vì dường như bà không nghĩ rằng chị
ở lại chờ chở bà. Khi chị Dung đưa bà về tới
nơi, bà xuống xe, rồi hỏi trả tiền công cho chị.
Chị lắc đầu nói là chị chỉ giúp bà thôi. Bà ta
cảm động, cám ơn rối rít và ôm qua vai chị Dung,
siết thật chặt. Bà hỏi chị người nước nào. Chị
trả lời: “Việt Nam” và thấy trong ánh mắt bà lộ
rõ sự xúc động lẫn cảm phục. Chị lái xe đi mà
thấy niềm vui lâng lâng tràn ngập trong lòng.
Chị thật sự không ngờ chị chỉ giúp người trong
một sự bộc phát tình cờ nhưng đã làm cho một
người Mỹ cảm kích về lòng tốt của một người Việt
Nam. Chị Ánh đã nghe câu chuyện ấy từ lâu lắm
nhưng chị không để ý đến. Nay vì cảm mến chị
Dung, tự nhiên những việc làm tốt của chị ấy cứ
hiện ra trong tâm trí chị…
Chị Ánh đã so
sánh cách sống để tạo niềm vui của hai người.
Chị thấy cách của mình rất tốn kém và làm cho
nhiều người gai mắt. Còn cách của chị Dung đơn
giản quá, dễ làm quá, mỗi tháng có tốn kém bao
nhiêu đâu. Sao mình không tìm niềm vui trong
những việc làm dễ dàng và thật đẹp như vậy mà cứ
viễn vông đeo đuổi những cái tạo nên sự vui
thích quá đắt tiền. Chẳng hạn, như dự định, sắp
tới đây chị phải bỏ tiền ứng trước chừng ba ngàn
đô để mua chiếc xe Honda Accord đời mới. Chị
phải trả trong năm năm. Những năm đầu, mỗi tháng
ít nhất chị phải trả tiền lời từ 150 đô tới 200
đô. Nói chung, sau khi trả xong hết nợ xe, coi
như mượn hơn ba vốn phải trả mất một lời. Tiền
lời là tiền mất đứt. Vậy là một số tiền làm ra
cực nhọc sẽ thả cho gió theo mây ngàn bay. Chị
đã nghe một vài người nói về điều ấy rồi nhưng
tính đua đòi đã che lấp hết trí khôn nên chị
không biết gì tới lợi hại nữa và chị đang muốn
lao đầu vào.
Nay sau lần bị hố
nặng, chị Ánh đã biết suy xét lại và có ý muốn
phục thiện. Vậy nên chị đã thực sự chán ngán lối
sống bao lâu nay của mình. Chị nghĩ nếu chị bắt
chước chị Dung sống giản dị, người sung sướng
nhất đầu tiên phải là chồng chị. Vì khi chị chịu
bỏ tính đua đòi, nguyên nhân của sự rạn vỡ tình
vợ chồng, thì sự hòa thuận gia đình sẽ đến. Và
chắc chắn nó sẽ đem lại nguồn hạnh phúc tươi vui
biết bao mà chồng chị hằng mơ ước. Chị chỉ mới
nghĩ tới thôi, lòng chị lúc ấy đã có cái cảm
giác rộn ràng, lâng lâng như sau những ngày chị
sống trong mưa bão dầm dề rồi được thấy ló dạng
ánh mặt trời vậy. Có lẽ đúng thế, những đố kỵ,
giận ghét, hận thù, hơn thua, cố chấp, bắt bẻ là
những cơn bão tố trong đời sống tinh thần. Còn
lối sống bình dị, hòa đồng, thương yêu người, dễ
tha thứ và thích giúp người rõ ràng đẹp như
những buổi bình minh sau giông bão.
Sáng nay, chị Ánh
chỉ mới nghĩ tới cái hay, cái tốt của một người
thôi, sao mà lòng chị thấy vui và nhẹ nhàng quá.
Chị vẫn cứ nhắm mắt để tận hưởng niềm vui sướng
bao lâu nay chị không hề có. Và rồi chị lại tiếp
tục nghĩ tới những điều đẹp như thế.
Chị nghĩ ngay tới
tình bạn của anh Quang và anh Hưởng. Một tình
bạn thật cao đẹp. Họ thương mến nhau, một đằng
vì có tính ưa giúp người không mong sự trả ơn,
còn đằng kia vì có cá tính sống rất nghĩa tình,
có ơn thì tìm cách trả, trả không được thì nhớ
hoài. Họ đem lòng thành mà đối xử với nhau nên
dù có xa cách bao nhiêu năm, tình bạn khi gặp
lại, vẫn thắm thiết như xưa. Chị Ánh liên tưởng
tới tình bạn của mình với chị Minh…Chị không
muốn nghĩ đến vì sợ sẽ làm gián đoạn niềm vui
đang dạt dào trong lòng chị.
Chị Ánh biết rằng
chị Minh và cả chồng chị luôn luôn tốt với chị
và xem chị như một người thân của gia đình. Có
cái gì hay, cái gì đẹp cần làm để tạo cho cuộc
sống thêm tươi vui, họ đều nói với chị. Trước
đây, chẳng bao giờ chị thèm để ý tới cái hay,
cái tốt ở nơi họ. Nhưng sáng mai nay, tất cả như
một cuốn phim chiếu lại, lần lượt diễn ra trong
đầu óc chị.
Anh Bình, chị
Minh năm nay, tuổi ước chừng trên dưới 55. Con
cái đều đã thành gia thất nên anh chị không còn
lo cho kinh tế gia đình. Tuổi sắp về già, anh
chị muốn có một đời sống tinh thần an ổn. Vậy
nên anh chị thường lui tới chùa để làm nguồn
vui. Ngoài việc tới đây để làm công quả, tụng
kinh, niệm Phật, anh chị còn tìm đọc những sách
giảng giải về giáo lý, nghe những băng thuyết
pháp để hiểu thêm về những cái hay của đạo Phật.
Riêng anh Bình rất thích tìm hiểu những hạnh tu
để dẹp bỏ những căn bệnh con người thường phạm
phải. Gặp câu gì hay về khuyên dạy tu tập, anh
đều ghi vào quyển sổ riêng. Chị Ánh có lần qua
nhà chị Minh chơi, đã tò mò lật quyển sổ ấy ra
xem. Có một chỗ anh ấy ghi chữ lớn và đóng khung
lại. Chị Ánh thấy lạ đọc chơi, nhưng không ngờ
tới lúc này chị vẫn còn nhớ:
“Nhẫn những
việc khó nhẫn,
Giúp những
điều khó giúp,
Hòa những
người khó hòa,
Xả những
điều khó xả…”
Bên ngòai phần
ấy, anh có ghi câu: “Kiên trì làm cho được sẽ
đem lại nguồn vui tinh thần dài lâu.”
Và rồi chị Ánh đã
lật sang trang tiếp để xem anh Bình ghi những gì
nữa. Ở đây anh ghi mười hai căn bệnh của con
người. Giờ chị không thể nhớ hết, nhưng chị chỉ
nhớ thật rõ mấy căn bệnh chính chị mắc phải:
“…Lời nói
hại người,
Hay tìm lỗi
người,
Phạm tội
không hối…”
Bên dưới anh ghi
hàng chữ: “Cố gắng chữa được những căn bệnh
này để tránh tạo nghiệp xấu.”
Bây giờ, tâm chị
đang lắng dịu và lại có đủ thời giờ suy nghĩ nên
chị thấy những lời khuyên kia hay quá. Bao nhiêu
lâu nay chị chìm đắm trong cái vui về của cải
vật chất, nhưng những thứ ấy nào có đem lại cho
chị niềm vui trọn vẹn lâu dài đâu. Nay nhớ lại
những điều anh Bình ghi trong sổ, chị thấy nếu
làm được vậy thì giá trị của niềm vui tinh thần
thật tuyệt vời và bền vững. Tới đây chị muốn tìm
một giấc ngủ thật yên bình để sáng ngày mai qua
nhà chị Minh nhờ quá giang xe đi chùa. Chị hy
vọng theo vợ chồng anh Bình, đời chị sẽ tươi đẹp
hơn. Nhưng chị lại nhớ tới chuyện xảy ra mấy
ngày qua. Chắc là chị Minh chưa biết điều gì cả.
Chị nghĩ chị sẽ không để cho chị Minh nghe ai
nói mà chính chị sẽ nói hết những điều ấy ra.
Chị tin chị Minh sẽ tha thứ cho chị vì chị nhớ
anh Bình đã có lúc nói một điều trước chị và chị
Minh rồi chị Minh khen là rất hay: - Làm cái
xấu mà chịu nhận mình đã làm xấu để rồi bỏ là
tốt.
Hơn nữa đã có đôi
lần, chị Ánh nghe vợ chồng anh Bình nói rằng
những cái gì xảy ra không tốt cho mình, như có
kẻ nào vu mình làm chuyện xấu chẳng hạn, thì đó
có thể là do cái nhân xấu mình đã gieo trong một
kiếp trước và nay mình phải chịu cái qủa như
vậy. Chị nghĩ quan niệm như thế thì mọi chuyện
xấu đến với mình đều do lỗi mình cả. Thật vui
sướng biết bao cho những ai hiểu và làm được như
vậy, chị Ánh thầm nhủ. Do nghĩ thế nên chị tin
khi chị thú nhận lỗi lầm, hy vọng chị Minh sẽ
không giận chị đâu. Tuy lý luận nghe có vẻ rất
lạc quan nhưng chị Ánh vẫn thấy lo trong lòng.
Chị e rằng lời nói và việc làm không giống nhau
vì chị đã từng thấy nhiều người nói nghe thật là
hay, chừng khi đụng việc mới biết.
Sáng ra chưa đến
chín giờ, chị Ánh đã sửa soạn xong và qua nhà
chị Minh. Chị đến cửa, định bấm chuông rồi lại
ngừng. Chị khá hồi hộp, không biết rồi sự việc
sẽ xảy ra như thế nào. Chị không muốn chần chờ
và khi chị Minh vừa mở cửa, chị nói ngay. Chị
qua là nhờ chị Minh cho chị đi chùa vì chị chưa
rành đường đến đó. Nghe chị Ánh đề nghị một
điều, thật chưa bao giờ chị Minh nghĩ tới, đã
làm chị hết sức ngạc nhiên. Sau một hồi trò
chuyện, chị biết chị Ánh đang trải qua một cơn
sốc tinh thần rất mạnh. Chị đã an ủi chị Ánh
không nên quá buồn về những việc đã xảy ra bằng
lời nói chân tình và nét mặt thật thanh thản, tự
nhiên. Cách cư xử đó của chị Minh hiện ra trước
mắt chị Ánh, khác với những điều chị vừa nghi
ngờ. Chính vì vậy nên từ đôi mắt thật dịu hiền
của chị Minh nhìn chị lộ đầy tình thương mến đến
lời nói nhẹ nhàng và các từ dùng không hàm chứa
một chút gì trách móc, giận hờn đã làm chị Ánh
xúc động đến nghẹn ngào và chị đã ôm chầm lấy
chị Minh. Chị Ánh không nói nên lời, nhưng nước
mắt cứ tự nhiên lăn dài trên má chị. Chị Minh
cũng cảm động nhiều lắm. Chị kìm tiếng khóc
trong sự sung sướng. Chị sung sướng, một phần vì
ít nhiều chị đã cảm hóa được một người bạn có
nhiều tính sai quấy bằng một tấm lòng chân
thành. Chị cũng sung sướng, một phần khác, vì
chị đã thực hiện trọn vẹn điều chị hằng tâm niệm
từ lâu là phải luôn ghi nhớ áp dụng trong cuộc
sống hằng ngày câu:
“Lấy
ân báo oán, oán tự tiêu tan.
Lấy oán
báo oán, oán thêm chồng chất…”
Giờ đây những tấm
gương trong sáng về lối sống vị tha, thương
người và hay giúp người của những người bạn tốt
như vợ chồng anh Bình và chị Dung đã gây một ấn
tượng đẹp, sâu xa trong lòng chị Ánh. Chị biết
với bản tính của chị, không phải một sớm một
chiều tu dưỡng là có thể đạt được những đức tính
của họ. Chị mong muốn có một đời sống như họ để
tìm những nguồn vui mới mà chị chắc chắn sẽ đem
lại cho chị niềm hạnh phúc lớn lao. Rồi chị bày
tỏ với chị Minh ý muốn có một đời sống tinh thần
dễ chịu, lòng không phiền não, ưu tư. Chị Minh
nghe thế, lòng thấy vui lên vì chị vừa được một
người bạn cho một cuốn băng niệm Phật, niệm sáu
chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”, chị hy vọng sẽ
làm chị Ánh hài lòng. Chị nói: - Muốn đạt
được những điều chị muốn, chị hãy cố gắng lắng
nghe cuốn băng niệm Phật này nhiều lần mỗi ngày.
Trong lúc đi xe tới hãng, hoặc trên đường về
nhà, chị nên nghe băng này thì tốt lắm. Chị sẽ
đạt được điều nguyện ước nhanh hơn.
Nói rồi chị bỏ
cuốn băng vào máy cassette cho chị Ánh nghe liền.
Chị Ánh ngồi tựa lưng vào ghế sofa, đôi mắt nhắm
lại, chăm chú lắng nghe. Băng niệm Phật này đã
được ghi theo những nốt nhạc, lúc trầm, lúc bổng,
đã đưa tâm hồn chị vào một cõi hư không, huyền
ảo nào đó. Vốn bản tính thích âm nhạc, lại được
nghe băng có điệu nhạc ru lòng người nên chị
cảm thấy vô cùng sung sướng. Và chị càng vui
sướng hơn khi chị đọc theo băng. Chị nguyện kể
từ nay, chị sẽ cố gắng học theo cách sống của
chị Dung, chị Minh, nhẫn nại làm những điều chị
đã học được trong quyển sổ của anh Bình và
thường xuyên nghe cuốn băng chị vừa có. Chị hy
vọng đời chị sẽ chuyển qua một hướng mới, tươi
đẹp hơn.
Đêm hôm đó, chị
đã say sưa nghe cuốn băng suốt mấy tiếng đồng hồ.
Những từ của danh hiệu Phật được phổ nhạc đã
làm những nỗi ưu tư, phiền muộn trong lòng chị
tan biến dần dần. Tâm chị như nhẹ hẳn đi và một
cảm giác lâng lâng nhè nhẹ, lan tỏa khắp người.
Sáng hôm sau thức
giấc, mặt trời ửng hồng đã ló dạng ở phương đông,
chị Ánh nghe ngoài vườn tiếng chim hót líu lo.
Chị vốn hiện đã vui, lại nghe tiếng chim ríu rít,
bỗng một niềm vui sướng dạt dào dâng lên trong
tâm hồn chị.
Chị ao ước sao
trong suốt quãng đời còn lại của chị sẽ mãi mãi
có những buổi bình minh chim
hót đẹp và vui như hôm nay…

|