Điếu Tang
TÂM HOÀ
Có
câu nói: “Nghĩa tử là nghĩa tận”, tôi
hiểu rằng, thể hiện tình nghĩa cho người mới mất
là lần cuối cùng sẽ không có cơ hội nào nữa, hay
sâu xa hơn là hãy thể hiện tận cùng những gì bạn
có thể làm được cho người mới mất đó.
Thế nên, khi nghe
có Tang, thông thường những người thân xung
quanh đều muốn đến để thăm viếng lần cuối trước
khi tiễn người vừa nằm xuống về “cõi Thiên Thu”.
Mà tục lệ Việt
Nam
mình, đến “Điếu viếng” đâu thể đi tay không, cần
phải mang cái gì đó để biểu lộ tấm lòng. Giàu
thì tràng hoa thơm quý giá, mâm nhang đèn, ngũ
quả, thực tế hơn nữa là chút tiền để chia xẻ chi
phí trong tang lễ, hay dù nghèo cũng vài nén
nhang thơm, dăm ba trái cây, thậm chí có người
chu đáo “bù lỗ” vào bằng mấy sấp giấy tiền “Âm
Phủ” để gọi là chút lòng thành kính phân ưu cùng
thân quyến.
Dù ở
gốc độ nào để nhìn vào thì người ở xa, ở gần
cũng đều muốn chuyên chở một tấm lòng rất chung
đến Tang quyến là: chia xẻ nỗi mất mát với
thân quyến đang chịu tang kia. Nhưng về
phía Tang chủ thì sao? Có người cho rằng vì sợ
người mất mang nặng nợ ơn nghĩa khó siêu sanh
cho nên không dám nhận điếu tang, và tuyên bố:
Miễn Phúng Điếu; tức là không nhận điếu. Thậm
chí có người cẩn thận hơn gọi phone hết cho
người thân báo tang và thông tin không nhận điếu
một cách dứt khoát. Hay là số người rơi vào tình
trạng phải nhận điếu thì nơm nớp lo sợ người mất
mắc thêm nợ không thể trả nổi, khó bề tái sanh,
lại còn thêm tủi phận nghèo vì không lo nổi chu
tất tang lễ.
Dĩ
nhiên rằng, xưa nay có khối người cũng làm thế,
nhận hay không nhận điếu đều tùy thuộc vào quan
niệm sống và hoàn cảnh mỗi gia đình. Nhưng vì lo
sợ cho người mất với lý do trên mà không nhận
điếu thì tôi lại nghĩ: cho dù không nhận điếu
hay nhận điếu có gì khác nhau? Bạn nói là không
nhận điếu, nhưng một nén nhang, một cành hoa,
một cây nến đến với gia đình cũng là điếu rồi,
còn chưa nói tấm chân tình kia còn hơn vật đem
điếu. Vậy nói là không nhận điếu chỉ là mong
muốn mà thôi, thực tế vẫn chẳng thể từ chối được.
Tôi thấy nên nhìn theo cách của nhà Phật rằng:
Cuộc sống chúng ta là một kết hợp trùng trùng
duyên khởi, nó không có mặt một cách đơn lẻ, tất
cả đều nương tựa nhau mà có, cái này làm duyên
cho cái kia mà tồn tại, cho nên chúng ta đâu thể
sống một mình cho đến ngày ra đi mà không thọ
hưởng bất cứ một công ơn nhờ vả nào từ người
xung quanh, thậm chí còn phải cảm ơn cả các loại
sinh vật và thực vật đã góp phần nuôi sống thân
mạng mình. Vậy, chỉ còn cách sống thế nào để đền
ơn mà đã chết rồi thì người còn lại giúp người
ra đi làm gì đó để đền đáp.
Tôi
lại nghĩ, thay vì để người thân mang đến nọ kia
để điếu viếng đã tốn kém mà còn thêm phí tiền
của vì có khi một tràng hoa giá trên dưới cũng
$100 tại Mỹ (nếu ở Việt Nam cũng vài trăm ngàn
mới có tràng hoa đẹp), trái cây tươi đầy ấp mang
đi bỏ rác chỉ vài giờ sau lễ tang hoặc vài ngày
sau đó (thường khi đồ cúng tang không ai dám thọ
dụng), chi bằng chúng ta mạnh dạn làm một thùng
giấy đặt ngay trước bàn tang lễ với dòng chữ bên
ngoài thùng: “Tất cả số tiền này chúng tôi
sẽ chuyển làm từ thiện” (đại khái là vậy),
để tùy hỷ ai có lòng muốn điếu viếng hãy góp
phần vào đó, rồi sẽ mang gửi ở những nơi mà
chúng ta muốn làm để tạo phước cho người mất như
nuôi người già, trẻ khuyết tật, tu viện, cấp học
bổng, v.v… Chúng ta có thể thống nhất với gia
đình để quyết định xem nên chuyển số tiền ấy vào
đâu cho hợp lý. Nếu cần thiết, chúng ta có thể
công bố số tiền có được kèm theo lời cảm ơn và
cho biết số tiền sẽ về đâu trước giờ tiễn đưa
người mất về nơi cuối cùng. Làm như vậy, tôi
nghĩ người điếu tang cũng sẽ rất vui vì biết
chúng ta gián tiếp giúp họ tạo phước, phần chúng
ta cũng tạo thêm phước cho người mất, và người
nghèo khó cũng được nhân đó mà được lợi lạc,
chẳng hóa ra chúng ta đang làm một việc rất lợi
ích cho nhiều người đó sao? Còn nếu bạn nghĩ
rằng liệu ai đó dèm pha không tin tưởng, v.v…
thì bạn ơi vấn đề ở chỗ: đêm về “chỉ còn mình ta
với ta” mà bạn có thể an vui và ngủ ngon một
giấc không sợ hãi là được rồi.
Tôi
nghĩ việc điếu tang là việc không thể tránh khi
nhà có tang, nhưng chúng ta thử thay đổi cách
nhìn mới, cách làm mới có khi sẽ mang lại hiệu
quả thiết thực và nhiều ý nghĩa hơn là sống theo
lối mòn, “xưa bày nay làm”. Bạn nghĩ
sao?
San Jose CA,
Mar 6, 2009
Tâm Hòa
|