Hương Tết Quê Nhà...
Hoàng Lan Nhi
Mỗi
năm, khi những cơn mưa cuối đông vừa dứt, tiết
trời còn se lạnh thì những tia nắng ấm áp mang
mùa xuân mới trở về. Thời khắc giao mùa ấy, ngôi
làng nằm giữa con sông Vu Gia và Thu Bồn sôi
động hẳn lên. Năm hết Tết đến. Công việc chuẩn
bị cho cái Tết khá tất bật. Tết đến gần lắm rồi!
Từ 25
tháng Chạp trở đi, cả làng đã nghe hương vị từ
các bếp lửa, hương vị từ các loại bánh trái hòa
quyện cùng trầm nhang tỏa lan khắp xóm. Buổi
sáng, mẹ chọn lá chuối để chuẩn bị gói bánh tét.
Những chiếc lá chuối to, không bị “tưa” được mẹ
phơi sơ qua nắng cho mềm đi. Sau đó lấy dao rọc
theo cuốn lá và xếp lại từng xếp. Gạo nếp được
đãi sạch để trên giàn cho ráo nước. Bánh tét gói
xong, mẹ nổi lửa để nấu bánh. Cũng từ gạo nếp và
đường tán, mẹ và chị tôi làm ra nhiều loại bánh
như: bánh in, bánh da, bánh nổ...
Thời khắc
chờ đón giao thừa đối với mỗi đứa trẻ làng tôi
là một cái gì đó rất đặc biệt. Nằm trên giường,
tôi nôn nao không thể chợp mắt. Chỉ còn vài giờ
nữa thôi thì năm mới đã về. Tôi sẽ được mẹ cho
mặc bộ áo quần mới đi chơi Tết. Rồi tiền
mừng tuổi nữa! Những tờ tiền giấy mới tinh hay
những đồng kên được bỏ vào phong bao màu đỏ xinh
xinh. Sớm mai, tôi cũng sẽ theo chị đi chùa hái
lộc nữa. Người lớn thường nói, năm mới mỗi người
hái cho mình một lộc nõn như là sự cầu mong điều
may mắn.
Mẹ
thường dặn chúng tôi, năm mới “xuất hành” phải
đi về hướng Đông-hướng mặt trời mọc. Mẹ cũng dặn,
sáng mùng Một không nên “đạp đất” nhà người khác.
Nếu lỡ năm ấy nhà người ta xảy ra chuyện gì, thì
họ sẽ cho mình đem điều không tốt đến gia đình
họ. Thật là nhiều thứ phải kiêng cữ, nhưng vui
quá tôi lại quên mất.
Tết
đến rồi! Tôi buột miệng kêu lên như thế. Khi anh
em tôi rửa mặt xong, mẹ và chị tôi cũng bày mâm
ngũ quả ra trước hiên nhà. Trên các bàn thờ, đèn
nến cũng được thắp lên. Khói hương nghi ngút.
Các loại bánh làm ra mẹ đã bày trên dĩa để thờ
cúng ông bà. Nhà hàng xóm cũng đang chuẩn bị
cúng đất. Mâm cúng đất thường có con gà trống tơ,
một đĩa xôi nếp, vài chén cháo, hoa quả và bánh
trái. Cúng đất xong, cả nhà quây quần bên mâm cỗ.
Thịt gà được xé phay, bóp muối tiêu và rau răm.
Hai giò gà mẹ lấy giấy gói lại để mai mốt nhờ
người “xem giò”. Cháo trắng còn nóng hổi, thịt
gà trống tơ trộn rau răm thơm phức là hương vị
đầu tiên của cái Tết quê mà tôi được thưởng thức...
Ba
ngày Tết, tôi được mẹ dẫn đi thăm và chúc Tết
bên ngoại, bên nội. Các cô, các bác, các cậu,
các dì và anh chị họ hàng hai bên đều mừng tuổi
tôi. Những phong bao mừng tuổi dày lên trong túi
áo. Thật là vui khi được nhiều người mừng tuổi.
Thôn xóm ba ngày Tết rộn rã tiếng nói cười,
tiếng chúc nhau năm mới làm ăn phát tài phát lộc.
Hội bài chòi tại sân đình mở từ nửa buổi sáng
đến tận khuya. Những ngã ba làng, người ta chụm
lại tổ chức chơi “bầu cua”. Lũ con nít chúng
tôi đứng vòng xung quanh xem, chốc chốc lại kêu
lên khi ba con cờ có cùng một mặt như bầu hoặc
cua, tôm, gà, nai, cá. Ngày Tết, tôi được đi
chơi thỏa thích.
Nhưng
Tết rồi cũng qua nhanh. Những ngày sau Tết hương
vị mùa xuân vẫn còn. Mỗi buổi đi học về tôi được
mẹ để phần cho vài lát bánh tổ hay bánh tét
chiên. Hương Tết quê nhà trải dài cho hết tháng
Giêng...
Lại
một mùa xuân nữa đang đến khắp đất trời. Khi
những giá rét mùa đông dần vơi đi, những tia
nắng ấm áp của mùa xuân lại về, tôi lại nôn nao
nhớ về những cái Tết quê thuở thiếu thời. Giàn
mướp trước sân đã nở hoa vàng. Khói trầm nhang
quyện cùng hương thơm hoa trái.
Hương
Tết quê nhà trở thành kỷ niệm không thể nào quên!
Hoàng Lan Nhi
(theo
Phật Tử Việt Nam)
 |