TÍN TÂM BẤT HOẠI

Vĩnh Hảo

 

Thứ nhất tu chợ, thứ nhì tu nhà, thứ ba tu chùa”. Tục ngữ Việt Nam có câu như vậy. Vì là tục ngữ, không thể biết được tác giả là ai. Vị tác giả này có thể là người đã kinh qua ba giai đoạn, ba hoàn cảnh tu tập, nhờ vậy mới có nhận xét chung khá đúng đối với nhiều người để trở thành một tục ngữ phổ quát.

Theo kinh nghiệm của tác giả câu tục ngữ ấy, tu ở chợ là khó nhất, kế đến là tu ở nhà; và dễ nhất là tu ở chùa. Tuy vậy, thực tế cho thấy chỗ dễ nhất lại có rất ít người chọn lựa, và một khi chọn lựa, lại ít người thành công. Thành công, không phải chỉ hình thức của người xuất gia suốt đời ở chùa, mà còn là thành công trong việc giữ đạo, hành đạo, và trên hết: giải thoát giác ngộ. Nói thế có nghĩa rằng tu nhà và chợ chỉ khó hơn tu ở chùa khi nào hành giả chọn hoàn cảnh tu như là trợ duyên cho việc luyện tâm và đặt mục tiêu tối hậu là giải thoát giác ngộ. Ngoài điều này ra, tu nhà hạng nhì và tu chợ hạng nhất chẳng qua cũng chỉ là tiếng than hoặc là lời tự an ủi của một kẻ bị buộc phải vướng vào dòng thế tục.

Tu chùa khó hạng nhất. Xuất gia là con đường ngược dòng gian truân, nhọc nhằn, cô đơn và bi tráng mà rất hiếm người theo đuổi tới cùng. Tu chùa không đơn giản như bạn nghĩ đâu.

Bạn đã từng tham dự một khóa tu học nào dành cho phật-tử chưa? Khóa tu Bát quan trai-giới chẳng hạn, là khóa tu một ngày một đêm, tập sự như là xuất gia với tám điều luật về giới và trai, sử dụng chín trong số mười giới của Sa-di [1]. Mười giới Sa-di [2] là giới cấm của những tiểu tăng và tiểu ni tập sự xuất gia, chưa chính thức là hàng tăng sĩ Phật giáo. Giới luật của hàng Tỳ-kheo và tỳ-kheo ni còn nhiều và gay gắt hơn. Ngoài khóa tu Bát quan trai-giới, còn có các khóa tu học Phật Pháp, khóa Thiền quán, huân tu Tịnh độ, từ một đến mười ngày, thường được tổ chức tại ngôi chùa hoặc tu viện lớn, có khi phải mướn trường học vào kỳ nghỉ hè mới đủ sức dung chứa lượng người tham dự.

Nếu đã từng tham dự các khóa tu học nói trên, hẳn bạn và các bạn tu đều có chung kinh nghiệm là dù tinh tấn tu học, thu đạt nhiều lợi ích về tinh thần, nhưng kết thúc khóa tu thì lòng dạ cũng vui mừng lắm: được thu xếp trở về với gia đình, với đời sống thế tục quen thuộc, thân tình, không bị giới luật và nội qui khe khắt ràng buộc nữa. Như vậy, tu chùa thế nào, dễ hay khó?

Tôi cũng muốn hỏi, có khi nào bạn bị đặt trước một hoàn cảnh phải chọn lựa giữa đạo này và đạo kia, giữa đạo và một thế lực chính trị, giữa đầu hàng và cái chết, giữa sự rút lui cho yên thân hoặc phải tiến tới để bị chửi mắng? Câu hỏi nêu ra vào thời điểm này, có vẻ như khơi lại một kỷ niệm xa xôi nào đó của quá khứ, hoặc chỉ đọc thấy trong tiểu thuyết và sách sử. Đang sống ở một đất nước tự do, trong một thời đại văn minh dân chủ, bạn sẽ thấy câu hỏi kia xa vời, không liên hệ gì đến mình cả. Nhưng kỳ thực, câu hỏi ấy rất sống động và vẫn còn là những thực tế đang xảy ra nhan nhản trước mắt.

Điển hình là hoàn cảnh “tu chùa” của những phật-tử tham dự khóa tu học Phật Pháp hàng tuần vào ngày thứ Bảy, từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tại chùa Bát Nhã, thành phố Santa Ana, tiểu bang California. Khóa tu học Phật Pháp này được khởi sự tổ chức từ cuối tháng 10 năm 2008. Đây quả là chương trình hoằng pháp thiết thực, rất bổ ích và thuận lợi cho phật-tử trong vùng. Chương trình tu học có sự hướng dẫn luân phiên của nhiều Tăng ni, với các chuyên đề về Thiền, Tịnh và Mật tông, cũng như các lớp Phật Pháp căn bản.

Bạn sẽ nôn nóng đặt câu hỏi: một khóa tu học tổ chức hàng tuần, không phải là hàng năm như những khóa tu khác, cũng không phải tập trung hàng trăm, hàng ngàn người tham dự, vậy thì có gì để nói? – Xin thưa, khóa tu học Phật Pháp ở đây rất đặc biệt, không giống bất kỳ khóa tu học nào của Phật giáo Việt Nam trên toàn thế giới. Vì sao?

Đường dẫn đến chùa là con đường tráng nhựa như bao nhiêu con đường khác, nhưng đầy ổ gà. Xe đi vào phải lái chậm theo bảng đề hai mươi lăm dặm một giờ. Có một ngã tư rộng với bốn bảng stop, phải cẩn thận đi qua. Đường hẹp và gập ghềnh. Khi gần đến cổng chùa, bạn sẽ thấy có vài người trưng cờ và biểu ngữ, dùng loa phóng thanh hướng vào trong chùa, hò hét. Bạn sẽ không hiểu chuyện gì xảy ra. Khi xe đến sát những người này, bạn sẽ nghe được những câu khẩu hiệu biểu tình, đại khái như: “Đả đảo ma tăng trọc đầu”, “đả đảo bọn thầy chùa tiếm danh”, “đả đảo công an trọc”, “đả đảo bọn Về Nguồn phản bội…”  Trước cổng chùa thì như vậy, nhưng khi vào trong, bạn sẽ chứng kiến một đạo tràng tu học trang nghiêm với khoảng trên ba mươi học viên phật-tử tham dự. Chương trình sít sao, từ sáng đến chiều tụng kinh, niệm Phật, học giáo lý, ăn cơm trong im lặng, thảo luận về Phật Pháp. Không biết bạn sẽ có cảm giác thế nào trước sự tương phản giữa nhóm ba bốn người dùng loa chửi bới và ba bốn chục người im lặng tu học, chứ đối với riêng tôi, mỗi lần đến thăm đạo tràng, tôi đều ứa lệ.

Hòa thượng viện chủ chùa Bát Nhã vốn là một “sơn tăng” trung hậu, bộc trực, ba mươi năm sống trên đất Mỹ mà tâm tính và hình dung vẫn giữ nguyên cái vẻ xuề xòa chất phác của thầy tu chùa làng. Một nhà tu như vậy, đối với thị-phi oan ức, vu khống mạ lỵ, chỉ là chuyện của chợ đời gió thoảng mây bay. Một lần, tôi chứng kiến một phật-tử đến thăm chùa, đề nghị Hòa thượng tìm cách giải quyết vấn đề biểu tình ồn ào trước cổng chùa để khóa tu học được yên tĩnh trang nghiêm, tâm trí học viên sẽ được nhẹ nhàng, thư thả, dễ định tâm hơn. Hòa thượng chỉ cười, trả lời với giọng khiêm nhẫn lạ thường: “Không sao, tâm của phật-tử ở đây kiên cố lắm, những lời chửi rủa kia chẳng ăn thua gì đâu!

Nghe những lời mộc mạc ấy, tôi thật cảm động, nhưng vẫn chưa yên lòng, vì nghĩ rằng có thể đó chỉ là cảm nghĩ và nhận xét của Hòa thượng chứ không phải của chính các học viên. Tôi nêu nghi vấn ấy, hòa thượng tiếp: “Ngày nào chư Tăng Ni cũng thăm hỏi, an ủi các học viên, động viên tinh thần của họ, đều được họ mạnh dạn trả lời là sự chửi rủa, chống phá càng làm cho tín tâm của họ mạnh mẽ, kiên cường hơn.

Nghe đến lời này, tâm tôi chấn động thật mạnh. Ngay lúc ấy, ngôi chùa Bát Nhã nhỏ hẹp trong xóm nghèo thành phố, lập tức hiển hiện trước mắt tôi, trong tâm khảm tôi, như một cảnh giới diệu lạc của các bậc Bồ tát.

Hãy khoan nói về trình độ Phật Pháp và kinh nghiệm tu tập hành trì của những học viên ở đây như thế nào. Chỉ nhìn nơi vẻ thiết tha cầu học, kham nhẫn tụng niệm trước sự chửi rủa của kẻ khác, có thể nói là các học viên khóa tu chùa Bát Nhã đang thực hành Bồ-tát đạo, và ít nhất họ đã biểu hiện ba trong bốn pháp hạnh của Bồ-tát được nói đến trong kinh Đại Tập, phẩm Hạnh Tam Muội: “Thứ nhất là tín tâm bất hoại, thứ hai là tinh tấn không mỏi mệt, thứ ba là trí tuệ thù thắng và thứ tư là gần gũi thiện tri thức.” Theo kinh này, Bồ-tát nào có đầy đủ bốn pháp hạnh thì đạt được tam-muội ngay trong hiện tiền.

Được biết, số học viên không bị giảm đi sau nhiều tuần lễ vừa tu học vừa bị chửi. Họ đã tìm thấy an vui, lợi lạc khi được “gần gũi thiện tri thức.” Họ vẫn “tinh tấn” mỗi tuần đến đạo tràng để tham dự khóa tu học, “không mỏi mệt” tuân theo các nội qui và giới luật của khóa tu. Và trên hết, niềm tin của họ đối với Chánh Pháp, đối với Tam Bảo, là niềm tin không thể lay động, không thể xoay chuyển: “tín tâm bất hoại.” Với ba pháp hạnh này, dù không dám nghĩ là họ có “trí tuệ thù thắng,” tôi vẫn tin ít nhất là trong ý nghĩa của tâm kiên cố, bất động [3], họ đã chạm chân đến cảnh giới tam muội bất khả tư nghì của hàng Bồ-tát sơ học. Ngần ấy đủ cho tôi chắp tay, cúi đầu.

Bạn đã từng chứng kiến hoặc tham dự một khóa tu học Phật Pháp nào có được nghịch cảnh để thử thách, luyện tâm như khóa tu học Phật Pháp ở Chùa Bát Nhã chưa? Cứ đúng vào ngày thứ Bảy mỗi tuần, khi khóa tu học bắt đầu thì việc chửi mắng cũng bắt đầu. Bên trong, người tu học siêng năng tu học; bên ngoài, người chửi mắng cũng miệt mài chửi mắng. Một điều kiện tu học tốt đẹp như thế, chưa có ngôi chùa hay đạo tràng tu học nào trên thế giới có được. Nếu bạn đã quen tu học ở nơi thanh tịnh trang nghiêm, nơi mà ai cũng tôn trọng quý kính nhau, nơi mà ai cũng mở đầu câu nói bằng chữ “Mô Phật,” thì bạn cũng nên một lần trong đời, tham dự một khóa tu mà tiếng chửi mắng (có khi rất thô tục) thật to lớn, lấn át tiếng tụng kinh niệm Phật và lời giảng dạy của Tăng ni. Chính nơi đây, bạn mới trắc nghiệm được tín tâm của bạn đối với Chánh Pháp. Như vậy, cũng nên cảm ơn những người lớn tiếng chửi rủa nơi cổng tam-quan. Chẳng phải họ cũng là Bồ-tát nghịch hạnh hay sao?

Lái xe chầm chậm ra khỏi chùa, tôi nghe một trong ba người biểu tình không cầm loa, nhìn vào xe tôi, nói xuống giọng như thể nói riêng với tôi: “Cũng vì mấy người phật-tử vô minh nhẹ dạ như người này mới đi chùa của ma tăng đầu trọc, phá hoại Phật giáo!”. Tôi nói nhỏ: “Cám ơn!”

 

        California, ngày 13 tháng 02 năm 2009

        VĨNH HẢO

=========

Chú Thích:

1 - Bát quan trai-giới: tám cánh cửa của trai (ăn chay, không ăn quá giờ ngọ) và giới được giữ gìn trong vòng 24 tiếng đồng hồ, dành cho người phật-tử tại gia. Trong ngôn ngữ bình thường, phật-tử thường nói tắt với nhau là “thọ bát quan trai” hoặc ngắn hơn, “thọ bát.” Khi thọ Bát quan trai-giới, phật-tử được xem như tập sự xuất gia một ngày một đêm như các chú Sa-di. Giới thứ sáu của tám trai-giới này kết hợp giới thứ sáu và giới thứ bảy của mười giới Sa-di, cho nên tuy là tám, nhưng tương đương với chín giới của Sa-di. Tám trai-giới gồm có: 1. Không được sát sanh. 2. Không được trộm cướp. 3. Không được dâm dục. 4. Không được nói dối. 5. Không được uống rượu. 6. Không được trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát và đi xem. 7. Không được nằm giường cao đẹp, rộng lớn. 8. Không được ăn quá giờ ngọ.

2 - Sa-di thập giới: 1. Không sát sanh. 2. Không trộm cướp. 3. Không dâm dục. 4. Không nói dối. 5. Không uống rượu. 6. Không mang vòng hoa, xông ướp hương thơm. 7. Không ca, vũ, hòa tấu, biểu diễn, hoặc đi xem, nghe. 8. Không được nằm và ngồi giường cao tốt, rộng lớn. 9. Không ăn phi thời. 10. Không cất giữ vàng bạc, bảo vật.

3 - Thước ca-ra tâm: tâm kiên cố, bền chặt (kinh Thủ Lăng Nghiêm).

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008