MỘT NGÀY Ở BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG (1)

(Kỷ niệm chuyến chiêm bái Phật Tích vào cuối tháng 10/2007)

 

Con về Hành Hương Đất Phật,

Niềm tin vào Đạo càng thật sâu dày,

Nể kính bạn Đạo, Cô, Thầy,

Tinh tấn tu tập cả ngày, lẫn đêm,

Tinh mơ, say giấc êm đềm,

Sáu sáng (2) chẳng sót, đủ bên Đạo Tràng,

Lễ lạy thành kính, nghiêm trang,

Ba bước một lạy, nhịp nhàng nối nhau,

Con lạy xuống, cúi sát đầu,

Niệm danh hiệu Phật, một câu chí thành,

Lạy hết Đại Tháp vòng quanh,

Người tìm một chỗ thực hành tu riêng,

Dưới cội Bồ Đề linh thiêng,

Người bái lạy, kẻ tọa thiền, tụng kinh,

Người thì niệm Phật kinh hành,

Kẻ cầu nguyện trước tượng hình Quán Âm,

Chiều đến Đại chúng thành tâm,

Tụng Thủy Sám, chuộc lỗi lầm đã qua,

Quý Thầy, Phật tử phương xa,

Từng đoàn tu tập, thật là chí tâm,

Các Sư Tây Tạng âm thầm,

Sóng soài bái lạy, lâm râm không ngừng,

Trong Đại Tháp, chúng thập phương,

Dâng hoa lễ Phật toả hương dịu dàng,

Khách chiêm bái viếng cả ngàn,(3)

Tấp nập lớp lớp, hàng hàng nối nhau,

Qùy trước Đức Phật thật lâu,

Tỏ lòng kính ngưỡng ân sâu của Người,

Lễ lạy xong, mặt rất tươi,

Dường như thoả nguyện một đời làm con,

“Đi ngày đàng, học sàng khôn”,

Con nhìn cảnh ấy, tâm hồn lâng lâng,

Nên con dù ở xa xăm,

Cũng mong sao được hàng năm trở về.

 

TÂM LƯƠNG

(Stone Mountain,Georgia)

                            

(1)Chúng ta hãy tìm hiểu khái quát về Bồ Đề Đạo Tràng trong bài viết Vài nét về Bồ Đề Đạo Tràng (BODHGAYA) của Thầy Thích Long Vân như sau:

Trong Kinh Đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, sau khi ta diệt độ, tất cả Thiện nam, Tín nữ, người mà có lòng tin nơi Phật pháp nên đi đến 4 nơi linh thiêng và ghi nhớ rằng đây là Lumbini (Lâm Tỳ Ni), nơi Ta Đản sanh, đây là Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) nơi Ta Thành đạo, đây là Sarnath (Vườn Lộc Uyển) nơi Ta Chuyển Pháp luân và đây là Kushinagar (Câu Thi Na) nơi Ta Nhập Niết bàn”… Và Ngài dạy tiếp rằng: “Này các Thầy Tỳ kheo, sau khi Ta diệt độ, những tân Tỷ kheo đến và hỏi giáo lý nên nói với họ về 4 nơi này và khuyên họ hành hương đến chỗ đó sẽ giúp họ thanh tịnh được các việc làm và nghiệp cũ của họ”.

Qua lời dạy trên của Đức Phật cho thấy được tầm quan trọng của tứ Thánh Tích trong lĩnh vực tinh thần đối với khách hành hương.

Một trong Thánh tích mà Đức Phật đã đề cập ở trên, hiện nay Bodhgaya nơi Đức Phật thành đạo là nơi phồn thịnh nhất, khách hành hương đến viếng thăm và tu tập nhiều nhất. Và nó được mệnh danh là “cái rốn của vũ trụ”.

Kết thúc bài vừa dẫn, Thầy viết: “Thiết nghĩ rằng là một người con Phật nếu có điều kiện ít nhất một lần trong đời nên hành hương tới đây để đảnh lễ chư Phật và viếng thăm vùng đất thiêng liêng này”.

(2)Sau 15 ngày chiêm bái Phật tích, Đoàn lưu lại Bồ Đề Đạo Tràng 6 ngày để tu tập.

(3)Thời tiết tại Ấn Độ vào tháng 10 và11 rất dễ chịu nên khách hành hương khắp các nước về Bồ Đề Đạo Tràng rất đông.

 

Vài Lời Tự Nhủ: về Tu Phước (1)  

 

Tiền tài, của cải giữ mà chi!

Nhắm mắt, xuôi tay có được gì !

Sao không mau tính lo làm phước?

Tích lũy “ hành trang” lúc ra đi,

                                     

Phước kia muốn được làm sao nhỉ ?

Mở rộng lòng ra, có chứ gì ?

Chùa, Tăng: dâng cúng; người nghèo: giúp,

Hoạn nạn, thiên tai: cứu tức thì,

 

Ban đầu lòng hẹp, chưa hoan hỉ,

Cho chút ít thôi, chớ nghĩ chi,

Lâu dần, quen lệ, lòng tự mở,

Vui sướng, một khi giúp được gì,

 

Nhiều người lầm tưởng: tiền cho đi,

Là tiền mất trắng, chẳng lợi chi,

Chính ra tiền ấy gieo ruộng phước,

Con cháu mai sau hưởng ruộng phì,

 

Phàm khi bố thí hoặc hộ trì,

Chớ để lợi, danh dẫn mình đi,(2)

Tâm luôn kính trọng, lòng thanh tịnh,

Có vậy phước lành hưởng trọn y

 

Phước báu dùng hoài cũng hết đi,

Gắng thường tu tạo để phòng khi,

Mai kia có được thân người lại,

Cũng được thong dong khỏi lo gì,

 

Thử hỏi chết đi đem được gì?

Nhiều người sẽ bảo chẳng có chi,

Trong kinh Phật dạy đem một thứ,

Nghiệp lành hoặc dữ sẽ cùng đi.  

 

TÂM LƯƠNG

(Stone Mountain, Georgia)

 

(1)Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Tu phước qua lời giải thích của tác giả Chính Trực, rồi mới thấy được lợi lạc của việc tu phước để cố gắng hành trì.

Tu phước là từ ngữ chỉ các việc làm phước, các hành động phước thiện.Chẳng hạn như là:  bố thí cúng dường, đi chùa lạy Phật, hùn phước in kinh, đúc chuông tạo tượng, tụng kinh hộ niệm, an ủi người già, thăm nhà người bệnh, nói chung là những việc làm cứu người giúp đời.

Tu phước tạo nên phước báu. Phước báo có công năng (giá trị) giảm thiểu nghiệp báo. Nghiệp báo là quả báo do những nghiệp nhân bao gồm hành động bất lương, lời nói ác độc, ý nghĩ bất thiện, đã tạo trước đây. Nghiệp báo gồm có những tai họa, hoạn nạn, gian nan, trắc trở, khốn khổ, khốn nạn, xui xẻo, bệnh hoạn.

Người có nhiều phước báo sẽ được giàu sang, quyền quí ,vinh hiển, đẹp đẽ, thông minh, lanh lợi, may mắn, đỗ đạt, thành tài, buôn may bán đắt, con cái ngoan hiền, hiếu thảo, gia đạo bình an, êm ấm, gia đình hạnh phúc,vui vẻ, muốn gì được nấy, cầu gì được nấy, nhiều người thương mến, cuộc sống hòa bình, an nhàn, sung sướng. Người có phước báo, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, tai qua nạn khỏi. Như vậy mục đích của việc tu phước là để dừng nghiệp và chuyển nghiệp.

Tuy nhiên nếu kiếp nào được hưởng phước báo như trên, con người thường lo hưởng thụ, sung sướng quá, quên mất việc tu tâm dưỡng tánh, lại tạo thêm nghiệp báo khác, do có nhiều quyền lực và nhiều tiền bạc, nhưng thiếu đạo đức. Khi hưởng hết phước báo, con người sẽ phải đền trả nghiệp báo, cứ lẩn quẩn trong vòng sanh tử luân hồi.

Chúng ta đã từng nghe thấy các vị hoàng đế hoàng gia, vương tôn công tử, quận nương công chúa, các nhà tài phiệt tư bản, các vị giáo chủ, các nhà lãnh đạo, khi hưởng hết phước báo ( người đời thường gọi là tới số), bị chết một cách thê thảm, do ám sát, do xử tử, do tai nạn trên xa lộ, hay chìm mất xác trên núi tuyết, hoặc dưới biển sâu.

(2)Khi bố thí, cúng dường … mà tâm mống lên ý nghĩ vì tư lợi, vì cầu danh mà làm thì đó là bố thí không trong sạch. Lời giải thích sau đây của Thầy Thích Trí Siêu  trong bài viết BỐ THÍ BA LA MẬT giúp ta thấy rõ ràng hơn về điều đó. .

Thế nào là bố thí không trong sạch?

Đó là bố thí vì: tư lợi, bất kính ,chán ghét, yếu hèn, muốn dụ dỗ, sợ chết, muốn chọc tức, ghen tức, ganh đua, kiêu ngạo, cầu danh, tránh né sự nguy hiểm, muốn mê hoặc lòng người… Tóm lại bố thí vì một cái tâm xấu xa, không nghĩ đến sự an vui hay lợi ích cho người nhận.

Thế nào là bố thí trong sạch?

Nói một cách giản dị, đó là sự bố thí có tánh cách ngược lại những gì đã tả ở phần trên. Còn có nghĩa là bố thí mà muốn đem lại lợi ích cho người nhận…. Bố thí với tấm lòng cung kính hoặc từ bi.

Trong một nơi khác của bài viết trên, Thầy Thích Trí Siêu có đề cập tới vấn đề Phát Nguyện và Hồi Hướng mỗi lần làm được một việc thiện như sau:

Hồi hướng là gom tất cả để đặt vào một chỗ. Người làm phước nhiều mà không biết hồi hướng sẽ giống như người đi làm cho có thật nhiều tiền đem về chất đầy nhà, rồi không biết làm gì với đống tiền đó.

Nếu thấy được tầm quan trọng của sự phát nguyện và hồi hướng thì sau này: trước khi, trong khi và sau khi làm việc gì tốt ta nên phát nguyện và hồi hướng

Tất cả những đoạn được trích ở trên đều nói đến vấn đề Tu Phước. Theo chỗ tôi, Tâm Lương, được biết , nếu chỉ chuyên Tu Phước không thôi thì chưa đủ mà phải gắng công tìm hiểu để Tu Huệ nữa. Đó là Phước Huệ song tu. Nếu việc tu tập được áp dụng đúng qui cách thì nhiều lợi lạc sẽ đem đến cho chúng ta. Xin chúc Quí vị thành công.

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008