Nói Mười Không Bằng Làm Một

Liên Hải dịch

 

Thiền sư Đại Từ Hoàn Trung, người Bồ Bản tỉnh Hà Đông (nay là Sơn Tây), giống như Lục Tổ Huệ Năng, con nhà họ Lư, không biết 500 năm trước họ có phải là người một nhà không, nhưng mà 500 năm sau chắc chắn họ là người một nhà – cùng con nhà Phật.

Từ nhỏ xương trên đỉnh đầu Thiền sư Hoàn Trung đã nhô lên cao thành nửa hình tròn, giống như đảnh tướng triêu dương dục xuất chỉ có trên tượng Phật, Bồ tát. Thêm nữa, ngài thông minh sáng suốt, đĩnh ngộ khác thường, các tiên sinh lớn tuổi có học vấn đều nói: cậu bé này là người có lai lịch – ngài đương nhiên là người có lai lịch - từ trong thai mẹ ra. Nhưng lúc ngài mười mấy tuổi, mẹ ngài – người sanh ra ngài, nuôi nấng ngài, cho ngài sanh mạng - bỗng nhiên qua đời. Thiếu gia họ Lư tuổi nhỏ học Khổng Mạnh, đọc sách đạt lý, cho nên dựa theo truyền thống lễ nghi hiếu để của nhà Nho, dựng một am cỏ bên cạnh mộ phần mẹ, muốn ở đó giữ mộ cho mẹ ba năm.

Chẳng nghi ngờ gì, cuộc sống nơi ngôi nhà giữ mộ thủ hiếu vừa lạnh nhạt vừa tịch tĩnh, vừa trầm lắng vừa lạc lõng. Cảnh tịch liêu, quạnh quẽ này dễ dàng khiến cho tư tưởng con người đi vào tư duy thâm sâu. Vì mẫu thân quảy gót về Tây mà thiếu niên nhà họ Lư đau lòng đoạn tuyệt với dục vọng, tự nhiên hướng tâm linh của mình vào những câu hỏi sâu xa: Con người, khi sanh ra từ đâu mà đến? Khi họ chết sẽ đi về đâu? Trước khi cha mẹ sanh ra, ta ở đâu? Sau khi mẹ qua đời, mẹ lại đi về đâu?....

Thiếu niên họ Lư vô cùng buồn khổ, cậu ngẩng đầu hỏi trời xanh: Đời Tần trăng sáng, đời Hán sao soi, vạn cổ vẫn trống không, trạm nhiên tịch mặc; Sáng nay gió mây, mặt trời, mặt trăng tươi sáng, vạn cổ vẫn không, trạm nhiên tịch tĩnh. Cậu cúi đầu hỏi đất, bãi biển nương dâu, biển khô đá nát, non sông đồi núi vẫn vĩnh hằng; Hoa nở hoa rụng, mùa xuân tươi tốt, mùa thu khô héo, vạn vật theo thời mà biến đổi.

Cứ như vậy, sau ba năm, cuộc sống nơi nhà giữ mộ kết thúc, thư sinh họ Lư trở thành Tăng nhân Hoàn Trung – vì tìm tòi chân đế vũ trụ nhân sinh, ông liền đến chùa Đồng Tử ở Tinh Châu thế phác xuất gia.

Ngay lúc Hoàn Trung lần đầu tiên đẩy cánh cửa lớn vào lầu Tàng kinh, ông bị chấn động sâu sắc: Tam Tạng (Kinh, Luật, Luận), mười hai bộ kinh - nội dung của tất cả các kinh giáo chia làm mười hai loại lớn: 1. Trường Hàng, 2. Trùng Tụng, 3. Cô Khởi, 4. Nhân Duyên, 5. Bổn Sự, 6. Bổn Sanh, 7. Vị Tằng Hữu, 8. Thí Dụ, 9. Luận Nghị, 10. Vô Vấn Tự Thuyết, 11. Phương Quảng, 12. Ký Biệt hoặc Thọ Ký.

Đường hoàng hơn 6500 quyển, dạt dào phong phú ức vạn lời hay, thật là to lớn như đại dương, rộng sâu như biển cả. Thế là, tiểu Hoàn Trung liền trở thành con cá nhỏ, mặc sức bơi lội  trong biển cả giáo lý.

Núi sách không có đường, chăm chỉ là lối đi; biển học không bờ, siêng năng là thuyền. Hoàn Trung nhớ kỹ những lời dạy của cổ nhân, với sự siêng năng mà ông từng có từ thời học kinh điển nhà Nho. Suốt mấy năm liền ngày nào cũng vậy, chăm chỉ nghiên cứu kinh Phật, mọi người đều gọi ông là “Tiểu Tam Tạng”. Nên biết, thông thường chỉ có những Cao Tăng Ấn Độ thời xưa, rất tinh thông về Kinh, Luật, Luận mới có thể tôn xưng là Tam Tạng (chính vì thế, Pháp sư Huyền Trang được xưng là Đường Tam Tạng – Pháp sư Tam Tạng đời Đường). Từ đó, có thể thấy, trình độ Phật học của Hoàn Trung  thâm hậu như thế nào, mọi người tôn trọng ông như thế nào.

Một hôm, trong chùa có một Thiền tăng mới hành cước đến. Bước đi của ông như mây trắng lướt qua núi sông hang cốc, rất phóng khoáng tự nhiên, cử chỉ của ông như tùng xanh đứng lặng trên đỉnh núi cao, cốt cách phong thái vô cùng kiên cường bất khuất. Hoàn Trung thấy phong thái khí phách của ông vô cùng khâm phục, muốn tìm cách tận dụng cơ hội để gần gũi. Một hôm, Hoàn Trung mời ông uống trà trong lầu Tàng kinh, trong lời ăn tiếng nói “Tiểu Tam Tạng” Hoàn Trung không nén được tình cảm, biểu lộ sự đắc ý và cao ngạo rằng mình là kẻ Kinh Luận đầy bụng. Thiền tăng bắt một con mọt sách mập tròn trong kinh sách cười nói với nó: “Ái chà, nhóc con nhà ngươi cũng ăn đầy bụng kinh sách, phải chăng cũng có thể gọi là “Tiểu Tam Tạng”.

Hoàn Trung tự nhiên bối rối bất mãn. Thiền tăng cũng mặc, tiếp tục nói với con mọt nhỏ: “Ngươi thật tốt số, những thứ ăn vào trong bụng toàn là kinh Phật, cho nên suốt ngày cao ngạo ngông nghênh, khoe khoang khoác lác. Thế mà lại được người ta tôn trọng. Những con mọt sách khác lại không may mắn như ngươi, nó ăn đầy bụng tráp sách bí mật của võ công, thì không thể suốt đời cho rằng công phu của mình là số một trong thiên hạ. Nó ra ngoài đi giang hồ, gặp phải con ruồi, con ruồi khinh thường nó, gặp phải con sâu hôi, sâu hôi áp bức nó, ngay cả con bọ hung đen sì cũng dùng quyền tấu chẳng ra gì làm cho nó mũi tím mặt sưng. Nó rất phẫn nộ, tìm đến chủ nhân của cái tráp võ công bí mật, oán trách rằng: “Trong bụng tôi chứa đầy các chiêu thức võ công, mỗi chiêu đều là thiên hạ vô địch: mà các con trùng phá hoại kia chỉ đưa ra những chiêu thức rất thông thường, nhưng tại sao tôi lại luôn bị chúng đánh cho không còn thấy đường sá gì cả? Chủ nhân cười nói: “Người ăn mà không tiêu, chiêu thức có nhiều đến đâu, vi diệu đến nhường nào cũng chẳng ích gì?

Mặc dù Thiền tăng chẳng nói câu nào đến Hoàn Trung, nhưng ông ta dường như sét đánh bên tai, tâm hồn chấn động run rẩy. Đúng vậy, cũng như con mọt sách kia, Hoàn Trung cũng đầy bụng Kinh Luận nhưng mỗi khi phiền não nổi lên, thì chẳng áp dụng được gì cả. Đạo lý của Phật học ngươi đều hiểu nhưng mỗi lúc đến gần với nghịch cảnh, phiền muộn, trong lòng ngươi đều không thể tự chủ, cứ để cho nó trôi theo. Đợi đến lúc tỉnh táo, đến lúc hối hận, rằm tháng giêng mới dán thần cửa thì đã muộn rồi!

Tổ sư Thiền tông đem tình huống nầy nói thành “Tặc Hậu Trương Cung” – cường đạo đánh bạn đã chạy xa rồi, bạn mới nhớ đến dây cung mang trên người!

Nói được ngàn dặm, không bằng đi được một bước.

Hoàn Trung như vừa tỉnh mộng, cảm kích dập đầu đảnh lễ Thiền tăng. Nhưng lúc ông ta ngẩng đầu lên, Thiền tăng đã nhẹ nhàng ra đi, không còn thấy tung tích. Ngoài lầu Tàng kinh, có một giọng ngâm tụng nhẹ nhàng truyền đến: “Núi Bách Trượng, non Bách Trượng, dưới núi Bách Trượng có thiền Bách Trượng… Tùng lâm từ sau Bách Trượng, gió qua cỏ rạp thiên hạ yên”.

Đương thời đệ tử lớn của Mã Tổ Đạo Nhất là Đại sư Hoài Nhượng, xuất thế hoằng thiền ở núi Bách Trượng. Câu nói của Ngài “Một ngày không làm một ngày không ăn” chấn động từ vạn cổ cho đến ngày nay, trải qua ngàn năm mà như mới. Hoàn Trung mang giày cỏ, xách gậy trúc, đội nón mang túi hành lý đi thẳng đến Giang Tây.

Trên núi Bách Trượng không có kinh sách, cũng không nói về Thiền, thậm chí ngay cả đại điện, tượng Phật cũng không có, có chăng chỉ mỗi ngày toàn tâm toàn lực lao động. Nhưng mà, chính ngay trong lúc toàn tâm toàn ý lao động đó, Hoàn Trung hoát nhiên ngộ thấu thiền cơ, đạt được tâm ấn của Đại sư Bách Trượng!

Ông như đám mây trắng nhẹ nhàng, nhẹ nhàng mà đi, đáp xuống đỉnh Nam Nhạc Hằng Sơn, dựng một mái am nhỏ.

Một hôm, có một Đại tông sư lên núi – Sư thúc của Hoàn Trung – Nam Tuyền Phổ Nguyện. Nam Tuyền muốn dìu dắt, khen thưởng đề bạt hậu bối một phen - sự dìu dắt của Thiền sư chính là khảo nghiệm nghiêm ngặt. Thiền sư Nam Tuyền hỏi ông: “Thế nào là chủ nhân trong am?

Chủ trong am? Chủ trong am cỏ không phải chính là Hoàn Trung sao? Nếu bạn trả lời như thế, bảo đảm sẽ bị ăn đòn của Nam Nhạc. Vì thế, Thiền sư Hoàn Trung giống như bị oan uổng gì, la lên: “Trời xanh, trời xanh!”.

Thiền sư Nam Tuyền vẫn chưa buông tha, hỏi tiếp: “Tạm thời đặt trời xanh qua một bên đi, cái gì là chủ trong am?

Thiền sư Hoàn Trung không khách khí nữa, ngược lại còn mắng Sư thúc: “Biết tức là biết, không cần phải lải nhải, lải nhải!”.

Thiền sư Nam Tuyền biết người cháu này đã triệt ngộ.

Sau đó, Thiền sư Hoàn Trung đến Hàng Châu trú trì tại núi Đại Từ, sử gọi là “Đại Từ Hoàn Trung”. Thế nhưng, Ngài tuy làm Phương trượng nhưng không nói Thiền.

Một hôm, các đệ tử vây chặt ngài đưa lên pháp đường, thỉnh ngài lên pháp toà cao. Ngài đành phải mở lời: “Sơn Tăng ta không biết giải đáp những câu hỏi về Thiền, về Phật gì cả, ta chỉ biết khám bệnh”. Một đệ tử từ trong chúng bước ra, vừa muốn nói điều gì, ngài lập tức xuống khỏi pháp toà, tự về Phương trượng.

Đệ tử của Thiền sư Nam Tuyền là Triệu Châu đến thăm, hỏi Ngài: “Bát Nhã (Đại trí tuệ giải thoát) lấy gì làm thể?”. Nói ‘thể’ và ‘dụng’ là một thuật ngữ Phật giáo thường dùng, chỉ cho thể tánh và tác dụng của vạn sự vạn vật. Thể tánh vô hình vô tướng, chỉ có thể từ  trong những tác dụng mà thể hiện ra; mà rời thể tánh tức không có diệu dụng gì. Câu trả lời của Đại Từ Hoàn Trung vẫn là: “Bát Nhã lấy gì làm thể?”. Triệu Châu vừa cười ha hả vừa ra khỏi Thiền trượng.

Hôm sau, ngài Triệu Châu đang quét rác ngoài sân, Đại Từ Hoàn Trung hỏi ngược lại Ngài: “Bát Nhã lấy gì làm thể?”. Ngài Triệu Châu bỏ chổi xuống, vỗ tay cười lớn – hành động bỏ chổi xuống và vỗ tay của ngài cho đến cười lớn đều là sự biểu hiện để thấy tánh của Bát Nhã. Đại Từ Hoàn Trung hiểu được, cười, trở về Phương trượng.

Một Thiền Tăng muốn ra ngoài hành cước, đến Phương trượng cáo biệt đường đầu Đại Hoà thượng. Thiền sư Đại Từ Hoàn Trung hỏi thiền tăng đi đâu? Thiền tăng trả lời: “Đi Giang Tây”. Giang Tây là nơi Thiền tông đang phát triển mạnh mẽ, sư ông Mã Tổ, Sư phụ Bách Trượng của Đại Từ đều đã từng hoằng dương Thiền pháp ở đó. Thiền sư Đại Từ Hoàn Trung quay đầu lại nói: “Ái chà, ngươi muốn tới Giang Tây hả? Tốt lắm, phiền ngươi giúp ta một việc có được không?”. Thiền Tăng thưa: “Đại Hoà thượng có việc gì? Xin cứ dặn dò”.

Đại Từ nói: “Ngươi có thể dẫn ta cùng đi không?”.

Thiền Tăng thưa: “Có thứ còn hơn Hoà thượng nữa, cũng không thể mang đi”.

Đại Từ cười.

Sau đó, vị Tăng này vân du đến Động Sơn, đem công án này khai sáng tông Tào Động - Đại sư Lương Giá. Đại sư Động Sơn Lương Giá hỏi ông ta: “Cao Tăng, ông trả lời như thế nào?”.

Thiền Tăng thưa: “Hoà thượng đến làm gì?

Được”. Đại sư Động Sơn thầm bảo. Tiếp đó, Động Sơn lại hỏi: “Đại Từ còn có lời thiền gì không?”.

Thiền Tăng thưa: “Đại sư Đại Từ thường nói trên pháp đường; ‘nói được một trượng, không bằng làm được một thước, nói được một thước không bằng đi được một tấc, nói cái làm được, làm cái nói được”.

Đại sư Động Sơn nghe xong rất hoan hỷ, đứng dậy cung kính nói: “Hoà thượng Đại Từ, cắt nghĩa cái lẽ của sự vật, nhưng ta lại không nói như thế”.

Thiền Tăng là một người hiểu biết, lập tức hỏi tiếp: “Đại Hoà thượng, Ngài nói sao?”.

Động Sơn Lương Giá ung dung nói: “Làm được điều không nói được, nói được điều không làm được”.

Trong tay đại Tông sư, kim là đầu chỉ là não, không gì là không phải Thiền, nói ngang nói dọc cũng giống thiền cơ.

 

 

Bài liên quan:

Sự Và Lý

 

Mỹ là quốc gia có phương tiện giao thông hiện đại phát triển sớm nhất và cũng phát đạt sớm nhất trên thế giới. Đồng thời với sự hưởng thụ đầy đủ về tiện lợi giao thông, quốc gia của họ cũng là nước gặp phải những nhức nhối do giao thông hiện đại hoá mang lại sớm nhất. Ban đầu, những ngã tư giao thoa giữa đường sắt và quốc lộ, thường xảy ra va chạm giữa xe hơi và tàu hoả, tai nạn lớn xảy ra xe hỏng người chết.

Nước Mỹ, đất rộng người thưa, giá cả sức lao động rất quý, không thể ở mỗi ngã tư đều phân bố những nhân viên trực ban. Để giảm thiểu tần độ xảy ra tai nạn nghiêm trọng, tránh tổn thất to lớn về kinh tế, nhắc nhở quảng đại quần chúng lúc đi qua ngã tư đường sắt, chú ý an toàn cho bản thân, họ liền quyết định trong phạm vi toàn quốc, công khai trưng tập những câu cảnh thị an toàn, yêu cầu ngắn gọn, trong sáng, rõ ràng, thông thường, dễ hiểu, làm cho người ta vừa thấy đã hiểu, và có tác dụng nhắc nhở. Từ đó, giảm thiểu xảy ra tai nạn giao thông. Đương cục đường sắt không tiếc tiền của, thường khai triển những cuộc thi về vấn đề này, phát thưởng lớn cho những người sáng tạo những thuật ngữ làm biển báo hay nhất. Thông qua sự chọn lựa, bình phẩm của các chuyên gia, mọi người nhất trí tuyển chọn một thuật ngữ cảnh báo hay nhất trong số đó: Dừng, Nghe, Nhìn.

Đồng thời với việc người sáng tạo ra nó đạt được phần thưởng lớn, đoản ngữ đơn giản, rõ ràng này được đương cục đường sắt làm tiêu chí cảnh báo ở ngã tư đường sắt, đoản ngữ rõ ràng dễ thấy xuất hiện nơi tất cả các ngã tư giao thoa là:

“Stop Listen Look!” (dừng nghe nhìn)

Thật là kỳ tích, từ lúc có cảnh báo dễ hiểu rõ ràng này, xe cộ đi qua ngã tư giao thoa đường sắt đều có thể tự giác tuân thủ, một dừng, hai nghe, ba nhìn, không tuỳ tiện hành sự nữa, tỷ lệ xảy ra tai nạn tụt xuống nhanh chóng.

Thế mà, một hôm có một chiếc xe con lúc đi qua ngã tư giao thoa giữa quốc lộ và đường sắt, chẳng hề hiểu về bảng cảnh báo “dừng, nghe, nhìn”, cứ băng băng thẳng qua… kết quả chiếc xe hơi lỗ mãng và chiếc tàu hoả gào thét chạy đến, tiếp xúc thân mật, chiếc xe chạy nhanh bị tông văng ra rất xa, rất xa, người lái xe chết ngay tại chỗ!

Sau này, lúc cảnh sát địa phương điều tra, họ vô cùng kinh ngạc, vô cùng bất ngờ, đương cục đường sắt lại càng kinh ngạc gấp bội, chẳng thể tin được. Bởi vì họ phát hiện từ giấy chứng minh của người chết, ông ta -  người bỏ mạng trong tai nạn xe hư người chết lần này - lại chính là người đã đoạt giải thưởng lớn trong lần nọ! Chính là ông ta, người đã sáng tạo ra thuật ngữ cảnh báo “Stop Listen Look”!

Có thể nói, trên thế giới không có ai biết rõ hơn, hiểu rõ hơn ông về đạo lý “dừng, nghe, nhìn”, thế mà, cuối cùng thân mạng cũng tiêu vong.

Câu chuyện hiện thực tàn khốc này làm chúng ta đau lòng, run sợ lạnh xương sống. Làm vị thầy giáo dạy dỗ người khác rất dễ, làm người học sinh áp dụng vào thực tế rất khó: Mọi người đều biết ở trên cao ngăn cấm mọi người, bản thân phải chăng có thể làm được, bước đến được thật địa? Chỉ nói thì không được, chỉ học tập lý lẽ mà không làm theo, kết quả của nó tất nhiên cũng giống như người phát minh ra thuật ngữ cảnh báo tốt lành kia. Chúng ta nên nhớ kỹ: “Nói được một trượng, không bằng làm được một thước”.

 

Liên Hải dịch

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008