Quan Niệm về Ăn Chay

Nhuận Lành

 

Ăn chay hiện nay đã trở thành vấn đề phổ biến trong khắp mọi nơi, mọi giới và gần gũi nhất trong sự tu tập của Phật tử. Vài câu hỏi được đặt ra: Thế nào gọi là ăn chay? Ăn chay là không ăn thịt động vật, tức là những thực phẩm có mạng sống hay tình thức trong đó, hoặc những thực phẩm được chế biến từ loài động vật…Tuy nhiên đây cũng là vấn đề đang còn nhiều sự luận bàn.

Mục đích của sự ăn chay? Tại sao phải ăn chay? Chắc ai cũng có thể hiểu và tự trả lời cho mình một quan niệm về ăn chay, không riêng những Phật tử, người ăn chay là tôn trọng và bảo vệ sự sống của muôn loài. Sự nhận thức và thực hành về ăn chay của người Tây phương, Đông phương và Phật giáo nguyên thuỷ đều khác biệt nhau.

Người Tây phương ăn chay không theo tôn giáo nhưng cũng tạm gọi là ăn chay vì tính chất hiện thực của khoa học, ăn để bảo vệ sức khỏe, tránh những độc tố có thể làm biến chứng gây bệnh trong cơ thể, nói chung ăn chay có tính cách thực dưỡng.

Người Đông phương, theo Bắc truyền Phật Giáo thì gần gũi với chúng ta hơn,  ăn chay có chút lòng tín ngưỡng, quan niệm của người Phật tử nếu ăn chay được là đều tốt lành, là có phước trưởng dưỡng được lòng từ bi, tôn trọng sự sống của mọi chúng sinh, trong kinh Phật nói tất cả chúng sanh đều có tình thức và có Phật tánh, sẽ có cơ hội thành Phật, do vậy chúng ta phải ăn chay, ăn chay cũng để tránh được nhân quả luân hồi do sự giết hại.

Nam truyền Phật giáo ăn chay với năm đều kiện được đức Phật đưa ra, chỉ được ăn thịt khi không thấy, không nghe và không nghi có người đã vì mình mà giết để lấy thịt, được ăn thịt những con thú tự chết hoặc thịt những con thú khác còn dư lại. Vào thời đức Phật chư Tăng đi khất thực, ai cho thức ăn gì thì thọ dụng thức ăn nấy, trong đó có thực phẩm mặn nhưng vẫn có những vị chứng được Thánh quả. Thế nên sự chay mặn không phải là vấn đề nữa mà do tâm thọ thực của quý Ngài. Vô nhiễm trước cái thấy cũng được gọi là tâm chay, quý ngài đã y theo lời Phật dạy, ăn trong sự thanh tịnh.

Người ăn chay được sẽ tiến dần đến chân thiện mỹ, tuy nhiên ăn chay không phải để thành Phật, trong dân gian có một câu tục ngữ hầu khuyến chỉ người ăn chay còn khiếm khuyết như: “Ăn mặn nói ngay, còn hơn ăn chay nói dối

Gần đây câu này thường được nghe khi đề cập đến những thực phẩm chay mà có tên giả mặn, hoặc nấu giả mặn…qua một vài quan điểm chung quanh vấn đề này. Có người cho rằng ăn chay mà còn gọi những tên như thế là còn tưởng nghĩ đến thực phẩm mặn, còn vọng tâm, chưa trọn ý nghiã ăn chay. Có người cũng cho rằng ăn chay được là đều tốt rồi, còn tên gọi chay mặn là do tùy tâm của mỗi người bởi họ ăn với một tâm thành, ý nguyện… Để trung dung hai quan điểm trên, nên đã có ý kiến. Nếu vì văn hóa để thẩm mỹ cho tên gọi của thức ăn chay, thì cũng nên có những tên riêng để phân biệt rõ ràng với thực phẩm mặn nhưng những tên gọi này phải mang ý nghĩa đạo vị. Đặc biệt về mùi vị mặn thì không nên lạm dụng, bởi người ăn chay chưa thuần thì dễ bị nhầm lẫn với thực phẩm mặn, riêng đối với người ăn chay thuần thành có đôi khi sẽ trở thành bất tịnh.

Ăn chay có ăn trứng và uống sữa được không? (loại trứng công nghiệp). Hiện nay trong giới Tu sĩ và Phật tử ăn chay không ăn trứng, nhưng uống sữa và ăn các thực phẩm chế biến từ trứng và sữa…bởi Phật giáo từ xưa đến nay chưa có giáo điều hay văn bản nào quy định cho việc ăn loại nầy. Sẽ tùy thuộc vào sự quyết định chọn lựa của mỗi cá nhân sao cho phù hợp với sức khoẻ và sự tu tập của mình. Tuy nhiên, cũng không đơn giản quá cho bữa ăn chay, nếu chỉ có cơm với rau luộc chấm tương, chao, sẽ có thể gây thiếu dinh dưỡng trong cơ thể, ngược lai nhiều chất bột, đường, dầu sẽ dẫn đến tăng trọng lượng, thừa cân.

Ăn chay không hẳn hoàn toàn tốt cho sức khoẻ nhưng ít nhất cũng hạn chế được độc tố trong cơ thể, ngăn ngừa sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, có những trường hợp người mang bệnh ung thư nếu ăn chay được sẽ kéo dài thêm chút tuổi thọ. Người thực tập được sự ăn chay thì tâm tánh sẽ hiền dịu, bớt nóng nảy, đây là tính chất của thực phẩm được nhận thấy qua động vật ăn thịt như cọp, chó sói, sư tử… và loài động vật ăn cỏ và rau củ như trâu, bò, voi.

Nói chung, dù ăn chay dưới hình thức nào, trường chay, chay kỳ, ăn với lời khấn nguyện hay do sự tùy thích đều mang lại sự an lạc tâm linh và cũng là điểm khởi đầu của bước đường tu tập. Được như thế, thế giới rồi sẽ thanh bình, nhân loại được sống trong an lành và hạnh phúc.

 

Nhuận Lành

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008