Phật Giáo Và Khoa Học Có Thể Cùng Chung Sức

Xây Dựng Một Thế Giới Hài Hòa?

Thích Minh Trí

 

Giang Tô, Trung Quốc --- Chủ Nhật, ngày 29/3, các đệ tử của đức Phật Thích Ca đã tiến hành một cuộc đối thoại trực diện hiếm có với những người làm công tác nghiên cứu khoa học tại thành phố Vô Tích, miền đông Trung Quốc, với hy vọng tập trung trí tuệ của họ để cùng xây dựng một xã hội hòa hợp.

Cuộc đối thoại đã được tiến hành tại buổi hội thảo chuyên đề nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Phật giáo Thế giới lần thứ II. Diễn đàn này đã quy tụ 1700 chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo, các học giả, nhà nghiên cứu, và các nhân vật nổi tiếng trên khắp thế giới.

Cuộc hội thảo chuyên đề kéo dài 3 giờ này đã thu hút 200 thính giả và hầu như những người đến trễ phải đứng cạnh cánh gà của phòng hội thảo trong Cung Phật giáo khổng lồ trên núi Linh Sơn.

Cả Tăng ni, Phật tử lẫn các chuyên gia khoa học xã hội đều thừa nhận rằng, đức Phật là một con người, chứ không phải là một thần linh, và vận mệnh của mỗi người đều nằm trong tay của bản thân họ, chứ không nằm trong tay của đức Phật.

Mọi người cũng nhất trí với nhau rằng Phật giáo không sùng bái mê tín, hay là kẻ thù của khoa học. Không những thế, trái lại, Phật giáo còn chống lại sự mê tín và nhấn mạnh luật tương quan nhân quả. Ngoài ra, Phật giáo còn hàm chứa nhiều tư tưởng biện chứng, và quan trọng nhất đó là Phật giáo luôn ủng hộ phát triển khoa học và kỹ thuật.

Trợ lý giáo sư Viện nghiên cứu Khoa học, Kỹ Thuật và Xã hội thuộc Đại học danh tiếng Thanh Hoa, Tiến sĩ  Jiang Jinsong với phóng viên Tân Hoa Xã tại diễn đàn rằng: “Theo quan điểm của tôi, đạo Phật là một tôn giáo vô thần và thuần lý”.. “Phật giáo đã chia sẻ những đặc điểm chung với tinh thần khoa học trong nhiều khía cạnh. Thí dụ như, đức Phật cũng chống lại sự sùng bái các thế lực mù quáng hoặc chống lại việc chấp nhận một lý thuyết mà không có tư duy…” Tiến sĩ Jiang Jinsong nói.

Đạo Phật từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc cách đây hơn 2000 năm. Hiện nay, có khoảng 100 triệu người, hay 1/13 dân số Trung Quốc là tín đồ Phật giáo.

Một sự thật căn bản đó là, trong lịch sử [văn minh nhân loại], Phật giáo chưa bao giờ tranh đấu chống lại khoa học. Ngoài ra, trong lịch sử Trung Quốc, bản thân một số tu sĩ Phật giáo cũng chính là những nhà khoa học, hoặc nhà kỹ thuật, chẳng hạn như Thiền sư Yi Xing (673-727).

Trong suốt Triều đại nhà Đường (618-907), Thiền sư Yi Xing (Nhất Hạnh) là nhà thiên văn học, nhà toán học và kỹ sư cơ khí trứ danh. Thiền sư Nhất Hạnh cùng với một quan chức triều đình đã chế tạo 2 kinh khí cầu về thiên văn, và là người đầu tiên trên thế giới đo được chiều dài của kinh tuyến.

Ngày nay, cũng như các nam cư sĩ, các tu sĩ Phật giáo trong hầu hết tất cả các tự viện cũng đang hưởng được những tiện ích do khoa học và kỹ thuật mang đến - thí dụ: vấn đề thông tin liên lạc trong thế giới này qua điện thoại cầm tay và vấn đề xúc tiến truyền bá giáo lý đạo Phật qua máy vi tính và internet.

Pháp sư Man Sheng đến từ Tu viện Phật Quang Sơn, Đài Loan phát biểu tại diễn đàn rằng: “Thiền sư Huyền Trang, một cao tăng nổi tiếng trong triều đại nhà Đường, đã mất 17 năm vân du Ấn Độ, vượt qua hàng chục ngàn dặm, để tìm kiếm kinh điển Phật giáo. Nhưng bây giờ, tôi chỉ cần một cái nhấp chuột trên máy vi tính là tôi có thể đọc được các thể loại kinh điển.”

Pháp sư Xue Cheng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc nói với Tân Hoa Xã rằng: “Bản thân tôi luôn khuyến khích các Tăng ni nghiên cứu khoa học.”… “Tuy nhiên, mặt khác, sự phát triển nhanh chóng của khoa học và kỹ thuật đang khiến con người phải trả giá – môi trường tự nhiên đã phải chứng kiến sự hủy hoại nghiêm trọng vì sự lạm dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và vì quá nhiều rác thải công nghệ; còn môi trường xã hội  đã hình thành nên các cuộc tranh đua khác nhau đã phải chứng kiến cảnh hận thù, thậm chí chiến tranh vì bon ben giành giựt các nguồn tài nguyên…” pháp sư Xue Cheng nói.

“Vì vậy, chỉ một mình khoa học và kỹ thuật thôi thì không thể đảm bảo hạnh phúc cho con người. Con người vẫn còn cần có luân thường đạo lý và các giá trị, và đạo Phật có thể đóng vai một vai trò nào đó về phương diện này”. pháp sư Xue Cheng nói thêm

Ông Zhu Qingshi là nhà hóa học nổi tiếng và là viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc nói với Tân Hoa Xã ông coi đạo Phật như là sự hiểu biết chứ không phải là một tôn giáo. Viện sĩ Zhu, cựu chủ tịch hội đồng quản trị Đại học Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc, nói: “Nếu bạn nghĩ rằng đạo Phật chỉ có nghĩa là đốt hương và cầu nguyện thì bạn đang đi quá xa tinh thần đích thực của đạo Phật.”

Viện sĩ  Zhu cũng đưa ra một ví dụ thâm thúy để chứng minh có mối liên lạc giữa khoa học và đạo Phật - thuyết tương đối trong vật lý và lý duyên khởi trong đạo Phật, cả hai đều đang cố gắng giải thích vấn đề “cái gì là bản chất đích thực của thế giới vật chất.”

Viện sĩ Zhu nói thêm rằng, khoa học và đạo Phật có thể gặp nhau trong 3 lĩnh vực: vật lý, khoa học não bộ và tâm lý học.

Ngoài ra, Pháp sư Bei Ji, phó chủ tịch Hội Phật giáo Thái Nguyên, miền bắc Trung Quốc, nói đạo đức học là một lĩnh vực khác nữa mà đạo Phật và khoa học có thể hội tụ tại đó.

Các Tăng ni, Phật tử và các học giả nói đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức một cuộc đối thoại quốc tế, đẳng cấp cao và trực diện như thế giữa Phật giáo và khoa học, hay giữa tôn giáo và khoa học, tuy nhiên không nên tưởng là cuộc đối thoại này có thể giải quyết tất cả vấn đề một cách nhanh chóng. “Thế nhưng, tầm quan trọng của cuộc đối thoại này là, nó chứng minh cả Phật giáo và khoa học có thể đóng góp xây dựng một xã hội hòa hợp và một thế giới hài hòa, tự do”, Tiến sĩ Jiang nói.

Trung Quốc đã cam kết xây dựng một xã hội hòa hợp trong đất nước và thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng một thế giới hài hòa trong những năm gần đây, và Trung Quốc đang tập hợp tất cả các lực lượng tích cực để đạt mục tiêu này, trong đó có việc tìm kiếm trí tuệ và nguồn cảm hứng từ văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Tiến sĩ Jiang nói: “Đạo Phật là một phần của văn hóa truyền thống Trung Quốc và là bảo vật của dân tộc Trung Hoa. Vậy thì tại sao chúng ta không sử dụng đạo Phật?”

Có thể, vì cuộc đối thoại giữa Phật giáo và khoa học được tiến hành trong khuôn khổ của một diễn đàn Phật giáo, nên ít người trong giới khoa học đến tham dự buổi đối thoại hôm Chủ Nhật. Nhưng, viện sĩ Zhu nói riêng rằng đối thoại giữa tôn giáo và khoa học chẳng phải là “điều gì mới mẻ” trong các quốc gia phương Tây. Cuộc đối thoại này ở Trung Quốc cũng giống như một hạt giống, nó sẽ nảy mầm miễn là nó được gieo hạt…” viện sĩ Zhu nói.

 

Thích Minh Trí biên dịch theo Tân Hoa Xã

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008