ĐÔI NÉT VỀ TỈNH BÌNH ĐỊNH

 

ĐỊA LÝ

Diện tích: 6.076 km2

Dân số: 1.545.300 người

Tỉnh lỵ: Thành phố Quy Nhơn

Các huyện: An Lão, Hoài An, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, An Nhơn, Tuy Phước.

Dân tộc: Việt (Kinh), Chăm, Bana...

Là một tỉnh duyên hải miền Trung, phía Bắc giáp Quảng Ngãi, Tây giáp Gia Lai, Nam giáp Phú Yên, Đông giáp biển Đông. Địa hình Bình Định đa dạng có vùng núi, vùng giáp núi, vùng đồng bằng và vùng bãi bồi ven biển. Bờ biển Bình Định dài hơn 100 km (63 miles) với nhiều đảo lớn, nhỏ ngoài khơi. Tỉnh có suối nước khoáng ở huyện Phù Cát.

Bình Định cũng bị bao phủ bởi dãy Trường Sơn về phía Tây, có các nhánh núi đâm ra biển khiến địa thế trở nên hiểm trở. Các dãy núi trùng điệp nhưng không cao lắm, thoai thoải dần về phía Đông:

- Dãy Thạch Tấn ngăn Bình Định với Quảng Ngãi, hai tỉnh thông nhau nhờ đèo Bình Đê. Trong dãy này có ngọn Thạch Tấn, nơi giao tranh của quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn trước đây. Xuống phía Nam, dãy Trường Sơn chia làm nhiều nhánh, gồm những ngọn núi không cao lắm, đây là nơi cư ngụ của đồng bào Thượng.

- Dãy An Lão có các ngọn núi Cheu cao 952 m (2,856 ft), Teup cao 960 m (2,880 ft), Yon cao 960 m (2,880 ft).

- Dãy Kinh Sơn nằm trong quận Hoài Ân bao gồm những ngọn núi cao khoảng 500 m (1,500 ft) và đỉnh Kim Sơn cao 800 m (2,400 ft).

- Dãy Vinh Thạnh nối với dãy Kim Sơn bởi đèo Giốc Đót, có những ngọn núi cao với địa thế hiểm trở như hòn Bong, hòn Heo và hòn Chuông.

- Dãy Triều Châu là phần cuối của dãy Vinh Thạnh, phủ toàn cát trắng, được định làm ranh giới giữa Bình Định và Pleiku bởi đèo Măng Giang (Mang Yang). Dãy Triều Châu còn gọi là dãy Tây Sơn vì là nơi tụ binh của anh em nhà Tây Sơn trước đây. Trong quận An Túc có các đỉnh Konlak cao 1.720 m (5,169 ft) và Kon Bonia cao 1.568 m (4,704 ft).

- Dãy Nam Sơn (còn gọi là vùng núi Binh Sau), có các hòn Ông, hòn Bà, núi Am và hòn An Tượng. Dãy này ngăn chia Bình Định với Phú Yên, hai tỉnh này thông nhau bởi đèo Cù Mông. Trong quận Phù Cát có núi Bà cao 1.100 m (3,300 ft).

Các sông trong tỉnh đều xuất phát từ dãy Trường Sơn, gồm ba sông lớn là Lại Giang, sông Côn và sông Ba:

- Sông Lại Giang (còn gọi là Lại Dương), có hai nguồn: nguồn An Lão chảy theo hướng Nam gặp nguồn Kim Sơn ở Phú Văn. Nguồn Kim Sơn có nhiều nguồn nước hợp nhau ở Xuân Sơn tạo thành. Rồi chảy theo hướng Đông - Bắc, gặp nguồn An Lão tại Phú Văn. Tại Phú Văn, hai nguồn trên hợp lại thành sông Lại Giang chảy ra biển qua cửa An Giũ.

- Sông Ba, phát nguồn từ vùng núi ranh giới phía Tây - Bắc của Bình Định với hai tỉnh Kontum và Quảng Ngãi, rồi chảy dọc theo hướng Bắc - Nam qua các tỉnh Phú Bổn và Phú Yên. Sông ba có một số phụ lưu lớn như sông Dak Katung, sông Dak Pokor...

- Sông Côn lớn và là sông quan trọng nhất tỉnh, dài 35 km (22 miles), cũng phát nguồn từ vùng núi biên giới của ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Kontum. Từ nguồn đến Định Quang, sông chảy theo hướng Bắc - Nam và được gọi là suối Kron vì hẹp và ít nước. Từ Định Quang xuống Thượng Giang, sông được gọi là Hà Giao. Từ Hữu Giang và Tả Giang ra đến cửa biển, sông mới chính thức gọi là sông Côn. Từ Phú Phong đến An Thái, sông chảy theo hướng Tây - Đông và chia làm hai nhánh sông Bắc Phái và Nam Phái, hai nhánh này đều đổ ra cửa Thị Nại. Phụ lưu quan trọng nhất là sông Đá Hàng giúp cho sông Côn mở rộng ra, lượng nước dồi dào thêm.

Ngoài ra, sông La Tinh cũng đáng kể, phát sinh từ Hội Sơn thuộc quận Phù Mỹ. Từ nguồn đến Vạn Ninh, sông tiếp nhận nhiều nguồn nước suối từ các ngọn núi và cũng tại đây tách làm hai nhánh là sông Con và sông Cái. Sông Con chảy qua Kiên Trinh, An Lương, An Xuyên rồi đổ vào đầm Đạm Thủy. Sông Cái chảy qua Phú Hội, An Mỹ, An Bình và cũng đổ vào đầm Đạm Thủy. Nguồn Vạn Ninh cách đầm Đạm Thủy khoảng 12 km (8 miles).

Bờ biển Bình Định dài 100 km (63 miles), gập ghềnh, có nhiều cửa biển như Thiện Chánh, Cà Công, Hà Rá, Phú Thứ, Đề Gi... Cảng Quy Nhơn là thương cảng quan trọng.

Bình Định có hai mùa: mùa nắng từ tháng Hai đến tháng Chín Tây lịch, mùa mưa từ tháng Mười đến tháng Một Tây lịch (thường có bão lụt). Hai quốc lộ 1, 19 và liên tỉnh lộ 6 là những đường giao thông quan trọng, nối liền Bình Định với những tỉnh khác. Tỉnh có hai phi trường ở Quy Nhơn và An Túc.

Bình Định có nhiều đặc sản nổi tiếng gần xa như: tơ lụa, yến xào, tôm, cá, gỗ quý, trầm hương dầu thực vật, gạo, đá ốp lát và hàng thủ công mỹ nghệ.

 

bản đồ hành chánh tỉnh Bình Định (click vào đây để xem bản đồ lớn hơn)

 

LỊCH SỬ

Đất Bình Định xưa thuộc bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Đời Tần là huyện Lâm Ấp thuộc Tượng quận, đời Hán là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam. Năm 137, một thổ dân là Khu Liên chiếm đất này tự xưng là Lâm Ấp Vương. Đời nhà Tùy lấy lại đặt làm quận Xung Châu, sau đổi tên là quận Lâm Ấp gồm bốn huyện Kim Sơn, Tương Phố, Giao Giang và Nam Cực. Đến đời Đường, quận này được đổi làm Châu Lâm gồm ba huyện Kim Long, Hải Giới và Lâm Ấp.

Đầu thế kỷ thứ 9, vua Chiêm Thành chiếm đất này, rồi dời kinh đô từ Quảng Nam vào Bình Định và đặt tên cho kinh đô mới là Đồ Bàn (Vijara), còn gọi là Chà Bàn. Đến năm 1470, vua Lê Thánh Tông chiếm được thành Đồ Bàn. Miền đất này được sát nhập vào đạo Quảng Nam, trở thành phủ Hoài Nhơn gồm ba huyện Bồng Sơn, Phú Lý và Tuy Viễn thuộc Quảng Nam.

Năm 1602, thời Nguyễn Hoàng, Hoài Nhơn đổi thành Quy Nhơn. Kể từ đây, địa danh Quy Nhơn đã được ghi vào lịch sử với biết bao thăng trầm qua những trận đánh vô cùng khốc liệt.

Năm 1771, nhà Tây Sơn khởi nghĩa. Năm 1773, Nguyễn Nhạc đắp thêm thành Đồ Bàn, đặt tên là Hoàng Đế Thành. Tỉnh Bình Định, đất Quy Nhơn đã sản sinh một đại anh hùng của dân tộc, đó là vua Quang Trung Nguyễn Huệ, người đã đánh đuổi giặc nhà Thanh ra khỏi bờ cõi vào mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, với chiến thắng Đống Đa lừng danh lịch sử.

Vua anh hùng có tướng anh hùng. Quận Bình Khê, làng Xuân Hòa, quê anh thư Bùi Thị Xuân, vị nữ tướng can trường đã cùng với các tướng đầu tiên vào giải phóng thành Thăng Long. Làng Phú Mỹ, quê anh hùng Võ Văn Dũng, vị tướng tài ba trong trận đại phá quân Thanh.

Nói đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, phải nhắc đến làng Tây Sơn trên cao nguyên An Khê, căn cứ địa đầu tiên chiêu binh mãi mã, và được đồng bào Thượng tham gia, tiếp vận lương thực rất nhiều. Đến đời vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản yếu thế bị Nguyễn Ánh đem quân đánh lần thứ ba thì phá được thành, chiếm Quy Nhơnđổi tên là thành Bình Định năm 1799.

Năm 1800, thành này bị hai dũng tướng của Tây Sơn là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng vây đánh ráo riết, trong lúc đó quân Nguyễn Ánh dồn tiến ra Quảng Nam, Phú Xuân. Hai tướng giữ thành là Võ Tánh, Ngô Tùng Châu đều tuẫn tiết. Sau đó, Nguyễn Ánh lấy được Phú Xuân, trở về chiếm lại Quy Nhơn, mới đặt tên là dinh Bình Định. Sau khi Gia Long lên ngôi, dinh Bình Định trở thành trấn. Năm 1832, đời Minh Mạng, trấn Bình Định trở thành tỉnh. Năm 1852, Tự Đức lấy từ Bình Định vô tới Bình Thuận đặt làm Tả Kỳ.

Thời Pháp thuộc, dân chúng Bình Định tham gia kháng chiến rất mạnh mẽ. Tháng 7/1885, vua Hàm Nghi truyền hịch Cần Vương kêu gọi toàn dân vùng dậy. Tổng đốc Bình Định là Đào Doãn Địch liền từ quan, cầm đầu các Văn Thân chống quân Pháp. Lúc bấy giờ, làng Phú Lạc, quận Bình Khê, có người thanh niên 25 tuổi Mai Xuân Thưởng, văn võ song toàn, chiêu mộ những người nghĩa dũng, đem quân về đứng dưới lá cờ khởi nghĩa của ông Đào Doãn Địch.

Tháng 9/1885, ông Đào Doãn Địch mất, Mai Xuân Thưởng lãnh đạo phong trào kháng chiến tại Bình Định. Giúp ông có các tướng văn võ như Bùi Điền, Nguyễn Cang, Nguyễn Hóa, Trần Nha (người quận Bình Khê), Đặng Thành Tích (người quận An Nhơn), Nguyễn Trọng Trì, Trần Trung, và đông đảo đồng bào Kinh, Thượng tham gia. Nghĩa quân đánh giặc Pháp nhiều trận liệt, riêng hai trận Thủ Thiện (thuộc quận Bình Khê), Cẩm Văn (thuộc huyện Tuy Phước), làm quân giặc hao tổn binh tướng rất nhiều. Tháng 6/1886, một đạo nghĩa quân Bình Định phối hợp với quân Nghĩa Hội Quảng Bình, vượt qua núi Thạch Tấn đánh chiếm quận Bình Sơn (Quảng Ngãi). Pháp dùng kế phủ dụ ông Mai Xuân Thưởng không được, bèn cùng với hai tên việt gian Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân đem đại binh vây căn cứ nghĩa quân.

Quân ta phải rút về vùng Linh Đổng tính kế trường kỳ, nhưng tại trận Phú Phong, các anh hùng Bùi Điền, Nguyễn Cang, Nguyễn Hóa tử trận. Bọn Trần Bá Lộc sai bắt dân làng Phú Lạc, Phú Phong làm áp lực. Ông Mai Xuân Thưởng tự mình ra gặp giặc để cứu dân lành và mẹ. Sau đó ông bị giặc Pháp đem ra hành hình.

 

THẮNG CẢNH

Ghềnh Ráng: Quần thể du lịch Ghềnh Ráng ở phía Đông Nam thành phố Quy Nhơn và cách trung tâm thành phố 3 km (2 miles). Ghềnh Ráng có diện tích rộng 35 ha, là thắng cảnh đẹp với bãi cát trắng chạy dài, nước biển trong xanh. Nơi đây có bãi đá Trứng còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu bên cạnh đồi Thi Nhân với mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử, những hang động đa hình đa dạng, những tượng đá mặt người, đầu sư tử, hòn vọng phu, hòn chồng, hòn vợ, đầu voi... do thiên nhiên tạo dáng dọc ghềnh đá bờ biển nơi đây. Từ Ghềnh Ráng có thể nhìn bao quát bờ Đông của thành phố Quy Nhơn và bán đảo Phương Mai.

Bãi Tắm Hoàng Hậu: Nằm trong khu Ghềnh Ráng, bãi tắm Hoàng Hậu được xem là bãi tắm đẹp nhất ở tỉnh Bình Định. Ở đây có một bãi đá rộng 100 m2 (900 square ft), gồm toàn những hòn đá xanh, nhẵn thín như một bãi trứng khổng lồ. Phía trước bãi là những bức tường đá thiên nhiên đứng che chắn sóng gió tạo nên vùng nước lặng. Trước năm 1945, vua Bảo Đại đến đây du ngoạn, cho xây dựng khu nhà nghỉ 3 tầng hệt một con tàu đang lướt sóng, sân thể thao bên cạnh bãi tắm. Bãi tắm với bao hòn trứng đá khổng lồ chỉ dành riêng cho Nam Phương Hoàng Hậu tắm nên được đặt tên "Bãi tắm Hoàng Hậu".

Bán Đảo Phương Mai - Thị Nại: Thuộc huyện đảo của thành phố Quy Nhơn, cách thành phố 8 km (5 miles) về phía Đông Bắc. Bán đảo Phương Mai rộng 300 ha có núi Phương Mai, nơi còn bảo tồn được hệ sinh thái tương đối phong phú với nhiều loại động, thực vật quý, nhiều cảnh đẹp. Phía Tây bán đảo, cạnh núi Phương Mai là đầm Thị Nại. Đầm là một môi trường nuôi trồng các loại hải sản và cũng là điểm tham quan du lịch.

Suối Nước Nóng Hội Vân (Suối Tiên): Suối ở cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 50 km (31 miles) về hướng Tây Bắc thuộc huyện Phù Cát. Nước suối có độ nóng 78°C đến 84°C gồm nhiều thành phần hóa học: bicatbonat - clorua natri thuộc nhóm nước khoáng silic; hàm lượng axit silic trong nước rất cao 101mg/l chữa được các bệnh thấp khớp, thần kinh, tim mạch, các bệnh ngoài da... Nhà điều dưỡng dùng các phương pháp tắm ngâm, tắm hương sen, phun hơi ở độ nóng 38°C giúp cho việc chữa bệnh, tăng cường sức khỏe.

Thắng Cảnh Hầm Hô: Hầm Hô là tên một dòng suối lớn (một nhánh của dòng sông Côn), chảy qua khu rừng già, nơi có nhiều tảng đá lớn muôn hình muôn vẻ, thuộc địa phận xã Phú Bình, huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 55 km (34 miles) về hướng Tây Bắc. Thiên nhiên ở đây yên tĩnh với nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn và là nơi tham quan, nghỉ ngơi của các tour du lịch sinh thái nằm trong tuyến tham quan du lịch Sơn Tây - Hầm Hô. Hầm Hô còn là địa danh lịch sử liên quan đến những cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và các nghĩa binh của Mai Xuân Thưởng.

 

KINH TẾ

Vì Bình Định có nhiều đồng bằng nên dân chúng sống đông đúc hơn các tỉnh khác ở Trung phần. Người Kinh sống phần lớn ở vùng đồng bằng thành phố, ngoài ra còn có người Chàm và người Thượng (sắc tộc Bahnar) sống ở miền núi. Đa số dân chúng theo đạo Phật, Thiên Chúa và một số đạo khác, thờ cúng Tổ Tiên.

Dân chúng đều tập luyện võ Bình Định (còn gọi là võ Tây Sơn), là một môn võ luyện tập cho thân thể khỏe mạnh, để tự vệ, nhưng đã góp phần rất lớn trong công cuộc cứu nước của tiền nhân. Võ Tây Sơn có từ ngàn xưa và được cải tiến, phát triển, trong suốt tiến trình tranh đấu chống ngoại xâm và đánh đổ bạo quyền. Võ Bình Định còn là môn võ tinh thần, luyện tập cho ý chí thêm kiên cường, tâm hồn cao thượng, thương dân, yêu nước.

Về kỹ thuật, võ Bình Định gồm có quyền thuật và mười lăm môn binh khí, nhưng sở trường nhất là quyền, côn, kiếm, đao và thương. Hiện nay, võ Bình Định có hai môn phái chính là phái An Thái, sở trường về quyền thuật và phái Thuận Truyền, sở trường về kiếm thuật và đánh roi. Nói lên tính ưa chuộng môn võ này, dân gian có câu ca dao:

Ai về Bình Định mà coi,

Con gái Bình Định múa roi đi quyền.

Dân trong tỉnh rất khéo léo chân tay về ngành dệt và chạm trổ. Trước năm 1975, những ngày hội, nhất là Tết Nguyên Đán, dân chúng thường tổ chức rất lớn, đều có Hát Bội (Hát Bộ) và hò Bài Chòi. Nhà cửa có lối kiến trúc lạ: mái dầy, nhà thấp, hình dáng ôm ôm như những nhà tranh ở tỉnh Hà Đông. Lý do giản dị là dân ta ở Hà Đông vào lập nghiệp khá nhiều.

Gần 80% dân chúng sống bằng nghề nông, gạo trong tỉnh dư thừa, còn có thể cung cấp cho Pleiku và Quảng Ngãi. Các hoa màu phụ trồng rất nhiều là khoai mì, đậu phụng, dừa, bông vải, thuốc lá. Đặc biệt là dừa ở Phù Mỹ và Tam Quan có mức sản xuất khá cao. Cây ăn trái cũng được trồng nhiều trong tỉnh như cam, chuối, quít, xoài, dứa. Một loại đặc sản nổi tiếng của Bình Định là bánh tráng và dân chúng trong tỉnh rất chuộng bánh tráng, nhiều lúc chỉ dùng bánh tráng nhúng nước để ăn thay cơm bữa. Xưa, trong trận chiến thắng quân Thanh, đạo dân quân của vua Quang Trung đã dùng bánh tráng như một loại lương khô tiện lợi trên đường tiến quân thần tốc ra Bắc.

Ngành ngư nghiệp phát triển mạnh vì có bờ biển dài, nhiều sông ngòi. Làm nước mắm cũng là nghề thịnh hành trong tỉnh. Đồng cỏ Bình Định khá tốt, tiện cho việc chăn nuôi. Lâm sản cũng là một nguồn lợi đáng kể, có nhiều gỗ quý như gõ, trắc, lim, bằng lăng... Khoáng sản chỉ có muối với số lượng sản xuất cao.

  

DI TÍCH

- Chùa Thập Tháp (Thập Tháp Di Đà Tự): Chùa Thập Tháp do Thiền sư Nguyên Thiều (pháp danh Siêu Bạch) được xây dựng vào năm 1665, thời chúa Nguyễn Thái Tông, Nguyễn Phúc Tần, tại xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, ở cách thành phố Quy Nhơn 27 km (17 miles) về hướng Tây Bắc. Chùa tọa lạc trong phạm vi thành Đồ Bàn, đế đô của vương triều Chămpa cũ, trên một ngọn đồi thoáng mát có dòng suối Bàn Khê chảy bao quanh cùng với hồ sen tạo nên một khung cảnh tĩnh mịch. Trong khuôn viên chùa là vườn cây ăn trái xanh tốt. Chùa có lối kiến trúc phương Đông theo hình chữ "khẩu" với 4 khu chính: Chính điện, Phương trượng, Đông đường và Tây đường. Chính điện có Đại Hùng bảo điện và 2 gian thờ phụ hai bên. Bên trong , nội thất trang trí, chạm trổ tinh vi với các họa tiết hoa sen, xấp sách, hoa cuộn trên gỗ quí, những đường nét rồng bay, phượng múa, cách điệu rất trang nhã. Chùa xây bằng loại gạch nung màu đỏ lấy từ 10 tháp Chàm đã đổ nát ở đồi Long Bích, nên mới có tên gọi Thập Tháp. Nhiều người cho rằng chùa còn tọa lạc trong vùng Uyển Lăng của các triều đại vua chúa Chăm trước vì chùa vẫn còn 3 giếng Chàm hình vuông, nước ngọt, trong vắt.

- Chùa Long Khánh: Tọa lạc tại trung tâm thành phố Quy Nhơn, chùa được xây dựng dưới thời vua Lê Dụ Tông (thế kỷ 18). Chùa là nơi truyền bá tín ngưỡng Phật giáo trong vùng thời bấy giờ. Hiện nay chùa còn lưu giữ 2 hiện vật quý:

+ Thái Bình Hồng Chung (chuông Hồng Thái) được đúc vào năm 1805, triều vua Gia Long.

+ Tấm dấu biểu trưng "Long Khánh Tự" được in vào năm 1813 triều vua Gia Long.

- Thành Hoàng Đế (Thành Chà Bàn): Thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn và cách thành phố Quy Nhơn 27 km (17 miles) về hướng Tây Bắc. Thành được xây dựng vào cuối thế kỷ 10, dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya. Đây là kinh đô cuối cùng của vương quốc Chămpa và các vua Chăm đã đóng ở đây từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15. Di tích hiện nay không còn nguyên vẹn, chỉ còn sót lại các bức tường thành. Tường thành xây bằng đá ong, có hào, đường lát đá hoa cương. Trong thành có những di tích cũ của người Chăm như giếng vuông, tượng nghê, voi, bên cửa hậu có gò Thập Tháp, trên gò vốn có 10 ngôi tháp Chàm. Đặc biệt có ngôi tháp Cánh Tiên cao gần 20 m (60 ft), góc tháp có tượng rắn làm bằng đá trắng, 2 voi đá và nhiều tượng quái vật. Chùa Thập Tháp Di Đà nằm ở phía Bắc thành, chùa Nhạn Sơn ở phía Nam thành là những ngôi chùa cổ. Trong đó còn giữ được nhiều di tích, hiện vật liên quan đến văn hóa Chămpa và phong trào Tây Sơn. Đến năm 1778, Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung Ương Hoàng đế, đóng đô ở đây, gọi là Hoàng Đế thành; mở rộng về phía Đông, xây dựng nhiều công trình lớn. Năm 1799, thành bị quân nhà Nguyễn chiếm, đổi gọi là thành Bình Định. Năm 1814, nhà Nguyễn phá bỏ thành cũ, xây thành mới, cách thành cũ khoảng 5 km (3 miles) về phía Nam.

- Nhà Bảo Tàng Quang Trung: Nguyễn Huệ là một anh hùng dân tộc có công dẹp loạn trong nước và đánh đuổi quân xâm lược. Năm 1788 ông thống lĩnh đại quân từ Phú Xuân (Huế) hành quân thần tốc 35 ngày đêm ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng Thăng Long (nay là Hà Nội). Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế hiệu là Quang Trung. Nhà bảo tàng Quang Trung và tượng đài anh hùng được dựng trên khu đất nơi sinh ra Nguyễn Huệ ở làng Kiên Mỹ, xã Bình Thạnh, huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 45 km (28 miles). Đến bảo tàng Quang Trung, du khách được xem các hiện vật trưng bày ở đây về những chiến tích của vua Quang Trung. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức điệu múa trống võ Tây Sơn , một môn võ truyền thống của Bình Định. Đặc biệt cô gái biểu diễn trống trận Quang Trung là cháu đời thứ 9 trong một gia đình có truyền thống "chơi" trống trận.

- Thành Thị Nại: Thành Thị Nại một thời từng là trung tâm của vương quốc Chămpa trong quá trình di chuyển từ đất Quảng Nam vào Quảng Ngãi trước áp lực của nhà nước phong kiến Đại Việt. Thị Nại là đô thị cổ đại duy nhất và lớn nhất của vương quốc Chămpa tồn tại trong suốt 5 thế kỷ (từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 15). Thị Nại cũng là cảng khẩu ven đầm, gần biển với hai chức năng quân cảng và thương cảng. Theo các cứ liệu nghiên cứu lịch sử cho biết niên đại của thành Thị Nại (hay cảng Thị Nại) được xây cất sớm nhất là vào năm 803, muộn nhất là năm 1000, khi người Chàm dời vào đóng đô ở Đồ Bàn thì thành đã có rồi. Thành Thị Nại cách bờ Đông của đầm Thị Nại 5 km (3 miles), cách thành Đồ Bàn 22 km (14 miles) ở phía Tây - Tây Bắc, cách Tháp Đôi 24 km (15 miles) về hướng Đông - Đông Nam. Thành hiện còn dài 200 m (600 ft), dày khoảng 3 m (9 ft), cao còn 1,8 m (5.4 ft). Bờ thành nằm dọc sông Côn thuộc xã Phước Quang và một phần xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước.

 

LỄ HỘI

- Lễ Cúng Cá Ông: Ở các xã ven biển Bình Định thường xuyên mở hội cúng Cá Ông vào ngày 15/3 âm lịch tại các đền thờ Cá Ông. Theo truyền thuyết, Cá Ông thường cứu giúp thuyền và người bị nạn trên biển. Ngoài nghi lễ truyền thống, trong hội còn có hát bả trạo, hát bội.

- Lễ Hội Tây Sơn: Lễ hội Tây Sơn được tổ chức hàng năm vào mồng 5 tháng Giêng âm lịch (chính hội), bắt đầu tổ chức từ ngày mồng bốn và kéo dài đến vài ngày sau tại xã Nghi Bình, huyện Tây Sơn để tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa (năm 1789), đánh thắng 29 vạn quân Thanh. Ngoài nghi lễ truyền thống, trong hội còn có nhiều hoạt động văn hóa dân gian các dân tộc Việt, Bana; nhiều cuộc biểu diễn võ thuật như đấu võ, đánh côn, đi quyền... Tiết mục độc đáo của lễ hội là cuộc thi đánh trống bộ, mỗi bộ 12 chiếc trống da, còn gọi là trống trận Tây Sơn và diễn cảnh đánh trận giả làm sống lại khí thế hào hùng của nghĩa quân Tây Sơn năm xưa trên đất Tây Sơn - Bình Định.

- Lễ Hội Đổ Giàn: Tổ chức vào ngày 15/7 âm lịch hàng năm tại chùa Bà, làng An Thái, huyện An Nhơn. Ngoài ý nghiã lễ Vu Lan - lễ báo hiếu nhà Phật, đây còn là hội đua tài của các võ sĩ của các làng võ quanh vùng. Trong lễ hội có nhiều sinh hoạt văn hóa, đặc biệt là hát bội. Phần chính của hội là tranh tài cướp heo quay, vật cúng thần từ trên giàn cao tung xuống mang về cho làng mình. Người thắng cuộc là người được nhân dân quý trọng.

- Hội Làng Thị Tứ: Làng Thị Tứ thuộc xã Đập Đá, huyện An Nhơn, là làng có truyền thống làm rèn và chạm vàng Tây. Lễ hội hàng năm vào ngày 12/2 âm lịch để tưởng nhớ công ơn của ông Đào Giã Tượng, ông tổ của nghề rèn đã có công truyền nghề cho dân làng. Lễ hội diễn ra ở nhà thờ họ Đào để cúng lễ tổ sư nghề rèn, cỗ bàn rất linh đình. Sau lễ tế có vui chơi, ca hát văn nghệ.

- Hội Xuân Chợ Gò: Được tổ chức vào 2 ngày: mồng 1 và mồng 2 tết tại chợ Gò, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Trong hội chợ có bán nhiều hàng hóa, chủ yếu là trái cây các loại, đồ chơi trẻ em... và tổ chức nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, hát bài chòi, cờ người, hái lộc, dạo cảnh...

 

* Bộ ảnh "Quy Nhơn - Thành Phố Thi Ca" *

 

 

* Những bài viết "Bình Định - Đất & Người" - nhiều tác giả

 

* Những bài Viết "Di Tích & Văn Hoá Đất Võ" - nhiều tác giả

 

* Những bài viết "Bình Định Tản Mạn & Thơ Ca" - nhiều tác giả

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008