Bước Chân Chưa Vững

Quán Không

 

Ánh nắng chiều chia đôi mảnh sân rộng. Tôi ngồi trong bóng mát nhìn bóng tối sẫm sẽ lan dần cho đến cuối chân trời trước mặt, và hồi trống thúc dồn, báo chiều tàn.

Chúng tôi có một buổi tối yên lặng sau một ngày lao xao, công tác trên ruộng đồng miên man như không có ngày chấm dứt.

Đêm không trăng, ánh đèn hắt ra mờ mờ. Bóng tối mù mù khiến mỏi mắt, dù có mở to mắt vẫn không thể thấy gì xa hơn khoảng sáng của bóng hắt. Đêm không trăng người trong xóm cũng không tụ tập ra đường nói cười như đêm rằm. Để không khí tĩnh mịch lại thêm tĩnh mịch.

Đèn thị thành ngọn xanh ngọn đỏ,

đèn miền quê ngọn tỏ ngọn lu,

Tôi về học lấy chữ tu,

dẫu cho phải đến thiên thu cũng…”

Không biết phải “cũng…” thế nào, tôi tìm chưa ra chỉ một chữ nói cho hết tâm nguyện.

Bạn ở chốn thị thành, cười khi nghe tôi sửa lại một chút câu ca dao đó. Bạn thường cười, nhưng có một chút nghĩ ngợi khi ngồi yên lặng cạnh tôi. Với khối lượng công việc quá nhiều, bận rộn và bận rộn dồn dập, hết bài tham luận này tới bài tham luận khác, hết buổi giảng này đến buổi giảng khác, bạn không có thời giờ để nghĩ ngợi thêm.

Hết đại hội này đến đại hội kia, lịch công tác của bạn dầy đặc. Sao mà lắm đại hội thế nhỉ. “Thì họp cho thông cảm với nhau mà!” bạn nói với giọng chế giễu. Tôi nhớ những buổi họp giao ban ở trường, cũng kiến nghị này kia nghe rất đạt, tưởng như sau cuộc họp sẽ có một cuộc chấn động. Nhưng sau đó thì mọi chuyện bình lắng như chưa có buổi họp xảy ra.

“Không nên đi họp với một bộ mặt đăm đăm, sửa đổi gì được nào! Vui lên cho không khí dễ chịu một chút.” bạn thường nói nhỏ với tôi như thế trước buổi họp. Tôi không được như bạn đành chịu thua lui ra.

Tôi về nơi xa xôi này, con đường đất bụi mù, chú bé lấm lem đi ngang tôi cất tiếng thưa chào. Ngày thường trông lem luốc như thế cũng phải thôi, em còn cắt cỏ cho bò ăn, giúp mẹ dọn hàng. Ngày chủ nhật đến chùa trong chiếc áo lam, quần xanh, gọn gàng sáng sủa, tôi nhìn không ra, khi em chào tôi trong khuôn viên chùa. Những giọng hát như hét, cùng tiếng vỗ tay chưa đồng nhịp, tạo thành một ban hợp ca đặc biệt, dù vị huynh trưởng đã hết sức tập cho. Buổi cơm trưa sau ba tiếng niệm Phật, có những giọng niệm còn ngọng, thật hồn nhiên. Khuôn khổ ngăn nắp, không phải một ngày một tháng.

Chú bé nhỏ ngày xưa lem luốc, bây giờ với học bổng đã vào đại học, đến chào tôi để lên thành phố. Hình ảnh chập chững vào đời, xa nhà lên thành phố học, nhắc tôi nhớ, cậu bé đến chùa xin xuất gia. Chú vừa thi vào đại học, đến chùa công quả, phát tâm xuất gia. Giấy báo thi đậu về đúng ngày chú lên thầy xin xuất gia. Quyết tâm quyết chí đến thế.

Vài tháng trước bạn chú đến thăm, báo tin vừa ra trường, nếu ngày đó chú không xuất gia thì bây giờ cũng ra trường. Dù rằng chú bảo, con không ân hận về quyết định của mình. Nhưng tôi đọc trong ánh mắt xa xăm kia, một hoài bão hơi lệch hướng ban đầu.

Tôi không có một lời khuyên giữ chú lại, những lý do giữ chân chú càng lúc càng nhạt dần. Bài vở trong những buổi học đã bắt đầu chểnh mảng. Chú còn chần chừ vì vào lý do nào đó. Rời bỏ một môi trường đâu dễ. Ngày tôi rời bỏ phố thị về đây, cũng chần chừ như chú trước khi rời bỏ nơi đây trở về phố thị.

Lúc đó tôi sợ buông cán bút cầm cán cuốc, một đời trong rừng sâu, còn chú chú sợ gì. Chú sợ buông xuống những lời nhắc nhở mang vào những cám dỗ rình rập bước chân người trẻ ư.

“Con đi chắc ít nhất mười năm.” Tôi biết lòng chú thầm nghĩ, xong tiến sĩ chú sẽ trở về. “Con đường nào cũng có lý của nó” tôi nói thế, để chú yên lòng. Chú đã lên phòng thầy nhiều lần, rồi lặng lẽ đi xuống. Nhìn hình ảnh đó giống ngài Thần Tú lên trình kệ, người ướt đẫm mồ hôi, hơn mười lần cũng không trình được, bèn viết bài kệ lên vách. Chú chưa biết phải viết lên đâu, để được chấp nhận.

Chú vẫn chưa tin được “đâu ngờ tâm mình vốn thanh tịnh”. Đâu ai có thể đặt niềm tin vào tâm mình, chỉ có chính mình được niềm tin qua năm tháng tu học mà thôi.

Niềm tin chưa vững thì bước đi còn chập choạng lắm, dù chọn con đường nào.

 

Quán Không (theo Hoa Linh Thoại)

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008