TỪ MỘT CON HẺM NHỎ SÀI GÒN*

=========

 

Đạp Xe Trăm Cây Số Đến Trường Thi

LƯU TRANG

 

10 giờ đêm, đang đi bộ quanh con hẻm 438/1 Ngô Gia Tự (P.4, Q.10, Sài Gòn), anh Phạm Ngọc Đáng phát hiện một thanh niên trong bộ đồng phục thể dục học sinh nằm co ro ở góc hẻm.

Hỏi ra biết em là thí sinh thi vào Đại Học Sư Phạm TP.HCM, mới lên Sài Gòn, kiếm chỗ trọ không có đành ngủ bụi. Anh Đáng đã cho Trương Văn Dương - tên cậu học trò - vào nhà mình nghỉ.

Dương kể 4 giờ sáng, mang theo chai nước 5 lít và năm đòn bánh tét (thực phẩm dự trữ trong bốn ngày ở lại Sài Gòn), chiếc xe đạp cũ cọc cạch đưa Dương từ nhà ở số 73 ấp Hội Nghĩa, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) lên trường thi ở đường Hồng Bàng, Sài Gòn. Quãng đường tròm trèm 100 cây số, cứ mệt thì Dương lại nghỉ một lúc, ăn chút bánh tét rồi lại đi tiếp. Đến Sài Gòn trời đã tối, tìm chỗ trọ thì giá lại quá đắt, em đành nằm ở con hẻm của xóm lao động 438 Ngô Gia Tự chờ sáng ra đi thi.

Trương Văn Dương cùng "hành trang ứng thí"

 

Trương Văn Dương cùng "hành trang ứng thí"

 

Thế là ngôi nhà chỉ chừng 20m2 của vợ chồng anh Đáng và ba đứa con nhỏ được dành riêng một góc cho cậu thí sinh nhà nghèo. Lúc này hai chân của Dương đã tím tái vì đạp xe quá lâu. Thương cậu học trò hiếu học, vợ chồng anh chị quyết định giữ Dương ở lại để chăm sóc cho tới hết ngày thi.

(theo Tuổi Trẻ Online)

 

 

Một Tấm Gương & Nhiều Câu Chuyện Đẹp

LƯU TRANG - VÂN TRƯỜNG - TIẾN THỊNH

 

Câu chuyện đẹp về tình người

Năm nay, Dương thi vào khoa tâm lý giáo dục Đại học Sư phạm TP.HCM và ngành xuất bản phẩm Cao Đẳng Văn hóa Nghệ Thuật và Du Lịch Sài Gòn. Dương nói sẽ cố gắng thi đậu để đền đáp công lao của những người đã giúp đỡ mình. Câu chuyện nhỏ ở một con hẻm lao động bình thường như bao con hẻm khác ở Sài Gòn huyên náo, giữa một mùa thi sôi nổi, dường như nói hộ rằng còn rất nhiều những tấm lòng thơm thảo, biết sẻ chia giữa cuộc đời này… 

 

Xung quanh cậu học trò “đạp xe trăm cây số đến trường thi” Trương Văn Dương đã có thêm nhiều câu chuyện thật đẹp. Đó là những tấm lòng thơm thảo của người Sài Gòn, là bài học về ý chí vươn lên của cậu học trò nghèo rớt mồng tơi, là sự ray rứt của không ít người...

Hôm nay, cậu học trò “Đạp trăm cây số đến trường thi” Trương Văn Dương lại có mặt ở Sài Gòn để chuẩn bị cho kỳ thi cao đẳng.

Nhưng lần này Dương không phải cọc cạch trên con ngựa sắt vượt gần trăm cây số đến trường thi nữa. Anh Phạm Ngọc Đáng - vị ân nhân đã cưu mang Dương những ngày qua - đã cho hai người em về Cai Lậy (Tiền Giang), đến tận nhà đón cậu học trò nghèo “lai kinh ứng thí”. Hành trang lần “lai kinh” này của Dương còn đầy ắp những tấm lòng. 

Sáng qua, khi chúng tôi trở lại nhà anh Phạm Ngọc Đáng trong con hẻm 438 Ngô Gia Tự (Q.10, Sài Gòn) cũng là lúc anh vừa đón Dương từ Tiền Giang lên. Nghe tin Dương lên thành phố, nhiều người đã tìm đến thăm hỏi và hỗ trợ cậu học trò nghèo.

 

Đằng sau góc học tập chật hẹp này dành cho Dương

là một câu chuyện cảm động về tình người - Ảnh: Lưu Trang

 

Câu chuyện lung linh

Nằm trong góc hẻm chật chội, ngôi nhà có diện tích chưa tới 20m2 là mái ấm của hai vợ chồng anh Đáng và ba đứa con đang  tuổi đi học. Chị Phan Thị Thủy, vợ anh Đáng, bán tạp hóa ở nhà. Anh Đáng chạy xe tuyến Sài Gòn - Sóc Trăng, thu nhập vừa đủ lo cho ba đứa con ăn học. Nhà chỉ đủ chỗ cho khoảng năm người ngồi, được tận dụng để dựng hai kệ gỗ đựng đồ tạp hóa. Căn bếp ẩm thấp, lợp bằng mái tôn đã rỉ, chật tới mức chỉ đủ chỗ cho một người đứng nấu. Chỗ ngủ của cả gia đình ở căn gác lửng chen chúc đồ đạc, nay thu hẹp lại dành một góc với một chiếc ghế bành cũ để Dương có chỗ học bài.

Cái góc chật chội ấy trở thành mái ấm của Dương trong những ngày thi ở đất Sài Gòn xa lạ. Không quen dùng gối, chăn, đến quạt Dương cũng bảo “con ngủ quạt không quen”, vợ chồng anh Đáng gọi Dương là “thằng Hai Lúa”. “Điện thoại cũng không biết dùng, bước vào tới ngõ là bỏ dép ra đi chân đất, “thằng Hai Lúa” hình như lạc hậu hơn bạn bè nhiều lắm” - anh Đáng trìu mến kể về Dương.

“Lúc đó, nhìn bộ quần áo nhem nhuốc, hành lý lỉnh kỉnh, nằm vạ vật ở góc hẻm, tôi không nghĩ đó là một thí sinh. Bộ quần áo đầy bùn đất, đôi giày vải rách mũi, chiếc xe đạp được cột chặt vào chân để khỏi mất. Khi nhìn tờ giấy báo thi được gói chung với mấy đòn bánh tét và chai nước, thú thật tôi muốn trào nước mắt” - anh Đáng kể về buổi tối phát hiện Dương đang cảnh “màn trời chiếu đất”, co ro một góc trong con hẻm nhỏ. Chị Phan Thị Thủy chia sẻ: “Vợ chồng tôi bảo nhau nhà mình tuy nghèo nhưng còn có những người nghèo hơn mình, giúp được ai chút nào hay chút ấy”.

Nhiều bạn đọc đến thăm hỏi Dương (giữa) sau khi đọc bài báo

“Đạp trăm cây số đến trường thi” tại nhà anh Đáng - Ảnh: L.Trang

 

Sau bài báo, ni cô Q. ở chùa Từ Nghiêm (Q.10) ghé thăm và hứa tặng Dương một chiếc xe đạp mini để sau này đi học. Cô cũng gói ghém một ít áo quần cũ để tặng Dương thay cho hai bộ quần áo đã sờn rách mà em mang theo tới trường thi. Trưa 13/7/2009, cô Thanh, một công chức ở quận Phú Nhuận, ghé thăm Dương và tặng em số tiền hơn 200.000 đồng trích từ đồng lương ít ỏi của mình, xấp tiền toàn những đồng bạc lẻ cũ kỹ…

Người cho đôi dép, người tặng gạo, tặng tiền, có người chỉ ghé qua nhà anh Đáng để hỏi thăm vì cảm phục nghị lực ham học của cậu học trò nghèo. Có gia đình mang cả con cháu đến thăm Dương để chỉ cho chúng về tấm gương vượt khó đến trường. Những buổi chuyện trò diễn ra ở gian nhà nhỏ của anh Phạm Ngọc Đáng thỉnh thoảng lại nghèn nghẹn bởi tiếng nấc và những giọt nước mắt của những người khách ghé thăm.

 

Ngôi nhà của cậu trò nghèo

Chúng tôi đến nhà Dương ở ấp Hội Nghĩa, xã Hội Xuân gặp lúc trời mưa. Căn nhà rách nát của Dương nhiều chỗ nhìn thấy cả những giọt mưa từ trên trời rơi xuống. Cha mẹ Dương phải dùng những tấm nilông treo lên trần nhà để hứng nước mưa dột. Lát sau, nền nhà lênh láng nước.

Trong nhà không có món tài sản nào quý hơn bộ ván gỗ và chiếc tủ quần áo dùng chung cho sáu người. Chiếc bàn tròn duy nhất vừa là bàn ăn vừa là góc học tập của bốn anh em Dương. Trước hiên nhà, mẹ và hai người em của Dương vẫn miệt mài bóc trái nhãn. Bà Hồ Thị Tím - mẹ Dương - cho biết “nghề” chính của hai vợ chồng là làm mướn, ai mướn gì làm nấy. Vào mùa nhãn, bà nhận nhãn tươi về bóc, tiền công 3.000 đồng/kg cơm nhãn thành phẩm. “Nếu hôm nào Dương và mấy em nó phụ làm thì cũng kiếm được 30.000 đồng tiền công/ngày, nếu một mình tôi làm thì chỉ được phân nửa” - bà Tím nói. Dương là con trai lớn trong gia đình nghèo có tới sáu miệng ăn.

Biết tin Dương đạp xe đi Sài Gòn thi Đại học, nhiều người tỏ ra rất bất ngờ vì “ai nghĩ nó dám nghĩ tới chuyện đi học”, ông Trương Văn Tam, một người hàng xóm, nói. Ông Tam bảo Dương là một thanh niên ngoan trong xóm.

Vì Hội Xuân là xã vùng sâu nên mãi trưa 13/7/2009 báo Tuổi Trẻ số ra ngày 11/7/2009 mới tới trụ sở UBND xã. Ngay khi đọc được mẩu tin về cậu học trò quê mình đạp xe đi Sài Gòn dự thi Đại học, ông chủ tịch xã Nguyễn Văn Lưu rơm rớm nước mắt. Ông tâm sự: “Xã nghèo nhưng vẫn lo được tiền xe cho các em đi thi Đại học, nhưng không hiểu vì sao lại sót em Dương nên tôi rất buồn (?). Cha mẹ Dương nghèo phải đi làm thuê làm mướn, không có điều kiện quan tâm đến việc học hành của em đã đành, ngành Lao động – Thương binh & Xã hội xã cũng như trưởng ấp cũng không nắm để đề xuất lãnh đạo xã hỗ trợ (?) là thiếu sót quá lớn”.

Ngôi nhà của gia đình Dương - Ảnh: Tiến Thịnh

 

         Ông Trương Ngọc Thuận, phó hiệu trưởng Trường THPT Lưu Tấn Phát (huyện Cai Lậy), nói ông biết tin học trò của mình đạp xe đi thi khi một người bạn gọi điện thông báo. “Nghe tin, tôi tìm ngay danh sách học sinh được hỗ trợ tiền xe đi thi Đại học đợt này, tìm hoài mà không thấy tên của Dương. Tôi ray rứt lắm (?). Vì mạnh thường quân hỗ trợ chỉ 40 suất (mỗi suất 100.000 đồng) nên trường ưu tiên cho những em đặc biệt khó khăn, chưa đến lượt Dương thì… hết tiền” - ông Thuận bày tỏ. Ông Thuận tâm sự: “Với sức học của mình, hy vọng trúng tuyển Đại học của Dương sẽ không nhiều lắm, nhưng dù sao đó cũng là một tấm gương ham học mà học sinh của trường cần học tập. Cá nhân tôi luôn cầu mong em sẽ trúng tuyển Đại học vì đó chính là thành quả ngọt ngào nhất mà em xứng đáng nhận được bởi nghị lực và tinh thần cầu tiến của mình”.

(theo Tuổi Trẻ Online)

==========================================

Những Hạt Cơm Nguội

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

 

Những ngày qua, câu chuyện của cậu học trò nghèo Trương Văn Dương như nhắc nhở mọi người hướng về một nhóm người nghèo hơn, nơi những ước mơ có thể sẽ bị rớt lại giữa dòng chảy tất bật lo toan đời thường, giữa những cuộc mưu sinh tối mắt tối mũi và lắm cuộc đua tìm kiếm bạc tiền...

Nhưng cuộc sống hối hả vẫn có chiều ngược lại: giữa thị thành đông đúc, nhiều nghi kỵ lại có một người dừng bước để thấy một con người nằm co ro bên hè phố trước giấc mơ tương lai đời mình.

Anh chủ nhà tốt bụng đã thấy được chiếc xe đạp buộc vào chân của cậu học trò nghèo và hiểu ra tất cả.

Cũng thật thú vị khi có email của một học sinh kể rằng: Dương sẽ không đi thi được nếu như không có tấm lòng của cô giáo dạy tiếng Anh.

Gọi về Tiền Giang, cô Trương Thị Kim Phượng, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Lưu Tấn Phát (Cai Lậy), hơi bất ngờ rồi cho biết Dương học lớp B, năm nay do khách quan thay giáo viên chủ nhiệm tới ba, bốn lần. Cô chỉ là giáo viên bộ môn với mỗi tuần khoảng 5-6 tiết dạy chính thức và thêm hai tiết dạy kèm vào chủ nhật cho những em còn yếu, trong đó có Dương. Việc đầu tiên của cô là muốn biết trong lớp sẽ có ai chọn thi và không thi đại học. Thoạt đầu, trong số ít học sinh không đăng ký thi đại học có Dương.

Đầu năm tôi yêu cầu các em mua kẹp giấy để ghim tài liệu. Đến khi cầm xấp tài liệu của Dương, tôi thấy em dùng cơm nguội dán từng tờ giấy vào nhau. Hỏi sao không mua kẹp giấy, cậu học trò đáp: “Vậy cũng được cô à”. Từ đó tôi biết nhà Dương nghèo lắm. Dương thu mình trong mặc cảm, hình như điều đó cũng ảnh hưởng tới việc học của em. Em không phải là một học sinh giỏi nhưng là một học sinh chăm chỉ, tự trọng và nỗ lực. Ngày Nhà Giáo Việt Nam, Dương bứt một bó cỏ may vào lớp. Tôi hỏi chi vậy? Dương bảo tặng cô. Tôi quý những món quà như vậy... Tôi bàn với lớp trưởng nên tổ chức cho các bạn trong lớp làm hồ sơ đăng ký dự thi đại học cho Dương sau khi tham khảo ý Dương. Tôi đưa tiền nhờ một bạn chở Dương đi mua hồ sơ, đăng ký dự thi và chụp hình làm hồ sơ. Các bạn trong lớp bàn với nhau rồi tư vấn Dương ngoài Đại học nên thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm để không phải đóng học phí. Dương đồng ý với phương án này. Hôm sau, Dương đứng tần ngần chờ tôi trước cổng trường. Tôi hỏi có chuyện gì? Dương bảo cho em gửi trả lại tiền cho cô. Tôi thấy bên ngoài ló ra tờ 50.000 đồng, bèn nói: Nhiều lắm, vài trăm ngàn sao em trả hết? Dương bảo cô cho em trả từ từ, mai mốt em trả tiếp”.

Ngày Dương đi thi tốt nghiệp THPT ở hội đồng thi Phan Việt Thống, cách đó 20km, cô Phượng biết cậu sẽ đạp xe đi nên cho 100.000 đồng bảo ráng thi đậu. Dương không nhận, cô bảo hãy nhận, thi cho tốt. Đậu rồi sau này vô đại học, học thành tài, đi làm, lúc đó trả bao nhiêu cô cũng nhận. Dương thi được 34 điểm. Cô mừng lắm bởi nếu không được học tiếp, cuộc đời Dương không biết sẽ đi đâu, về đâu...

Đó là tất cả câu chuyện trong buổi chiều với cô giáo của Dương, năm nay 33 tuổi. Cô bảo rằng quê mình ở Chợ Gạo, xưa nhà nghèo cũng đạp xe mười mấy cây số đi học, cũng thấy cha mẹ phải chạy vạy cho con vào giảng đường... nên quan tâm Dương, vậy thôi.

Hóa ra điều kỳ diệu trong câu chuyện này lại bắt đầu từ cái kẹp giấy, những hạt cơm nguội và tấm lòng của một cô giáo trẻ. Dương có thể lọt tên trong nhiều danh sách, nhưng có một danh sách mà cậu đã may mắn không lọt qua, đó là nhờ tấm màng lọc của tình thương yêu từ những con người rất đỗi bình dị.

 

===========================================

 

Lời tâm sự của người bạn cùng lớp

Trương Văn Dương là học sinh lớp 12B3 Trường THPT Lưu Tấn Phát thuộc xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Bạn Dương có gia cảnh rất khó khăn. Bạn là một người đôn hậu, hiền lành, tuy học không giỏi nhưng rất siêng năng và chăm chỉ, nhiệt tình trong lao động và công việc nên được thầy cô và bạn bè yêu mến.

Năm lớp 12 bạn không có ý định đăng ký đi thi đại học hay cao đẳng gì cả, may nhờ cô giáo dạy tiếng Anh của lớp là cô Phượng động viên, khuyến khích và cho tiền làm hồ sơ (cô còn bắt một bạn trong lớp phải đi theo chụp hình với bạn, chờ bạn xong mới về). Làm hồ sơ xong bạn lấy tiền trả cho cô Phượng nhưng cô không lấy, bạn chặn đường, cô chịu nhận bạn mới để cô về.

Qua sự việc này em càng khâm phục bạn Dương hơn. Bạn là một người có nghị lực thật phi thường. Chúc bạn sẽ mãi giữ được nghị lực đó và thành công trên con đường đời sắp tới.

Tập thể lớp 12B3 sẽ luôn tự hào về bạn.  Dương à, mình nghĩ bạn “không thành công thì cũng thành nhân”.

Bạn cùng lớp (dangthanhda@...)

 

Khó ngăn dòng nước mắt…

Đọc xong bài báo mà chị khó có thể ngăn dòng nước mắt. Chị thật sự khâm phục em. Nhớ năm năm trước đi thi, nếu ở trong hoàn cảnh của em chắc chị cũng không biết làm sao…

Cố lên em nhé! Mọi ngả đường dẫn đến thành công đều phải vượt qua chông gai và thử thách. Nhưng chị tin rằng con đường em đang đi, dù ở bất cứ ngả nào, với nghị lực ấy cũng sẽ có thành công. Dù khó khăn cỡ nào cũng đừng lùi bước em nhé. 

(huongngoclan_lg@...)

 

Mong con mình học tập em Dương

Tôi không được học cao. Thấy tinh thần vượt khó của em Dương tôi cảm động lắm. Tôi tuy không giàu có nhưng cũng lo cho các con tôi đầy đủ. Vậy mà rất buồn vì các cháu học hành chưa chăm lắm.

Tôi mong các con tôi đọc được bài báo này để hiểu hơn những điều may mắn mà chúng có và để các cháu cố gắng hơn.

Phương Loan  (phuongloannguyen@...)

 

Tấm gương cho các bạn trẻ

Tôi rất mừng vì ngoài những bạn trẻ 9X ăn chơi, đua đòi và sống không biết ngày mai, vẫn còn những tấm gương đáng để mọi người khâm phục và học hỏi như em. Hy vọng thật nhiều bạn trẻ đọc được bài báo này để hiểu và rèn luyện bản thân.

(Đặng Triều An - mr.nghi2006@...)

 

Cổ tích luôn có hậu

Tôi bắt đầu một ngày làm việc thì đọc được bài viết này - một câu chuyện đượm tình người và nghị lực phi thường của em học trò nghèo hiếu học. Hôm nay lại thêm một ngày thật ý nghĩa đối với tôi vì tôi sẽ có lại cảm xúc như khi đọc xong phần kết của câu chuyện cổ tích. Cảm ơn cuộc đời này đã có những con người như anh Đáng - chị Thủy, sư cô Q...., những tấm lòng thơm thảo như chuyện cổ tích giữa thế kỷ 21. Và chuyện cổ tích thì lúc nào cũng có hậu. Tôi tin chắc cuộc đời sẽ mỉm cười với những ai biết sống vì người khác và biết vượt lên hoàn cảnh khó khăn để hướng tới tương lai.

(Ngọc Khánh - nghongloan9171@...)

 

Mong câu chuyện đẹp lan tỏa

Tôi thật sự rất cảm phục nghị lực của em Dương và tấm lòng của vợ chồng anh Đáng. Sự kết hợp giữa nghị lực với tấm lòng thơm thảo đã tạo nên một câu chuyện về tình người cảm động. Cầu chúc em Dương thi đỗ và cầu chúc vợ chồng anh Đáng làm ăn phát đạt. Và mong câu chuyện đẹp này sẽ lan tỏa, để cuộc đời có thêm những câu chuyện mới đậm tình người.

(Nguyễn Bắc Kinh - tamgiang2011@...)

 

Nghiêng mình trước gia đình anh Đáng

Tôi không kìm nén được sự xúc động và thầm cảm phục về một tấm gương nghị lực phi thường. Bài viết cũng cho tôi thêm niềm tin vào cuộc sống, rằng ở trong cuộc sống xô bồ tưởng chừng chỉ có sự toan tính, ganh đua này vẫn còn biết bao tấm lòng nhân ái sẵn sàng chung tay sẻ chia những khó khăn, bất hạnh. Xin cảm ơn gia đình anh Đáng và những tấm lòng thơm thảo của quý độc giả gần xa. Thiết nghĩ đây là một bài học vô cùng quý giá đối với mỗi chúng ta, một bài học mà mỗi nhân vật trong đó chỉ là những con người rất bình thường nhưng đã có những ứng xử rất nhân văn. Giá trị “con người” là ở chỗ đó!

(Trình Tuấn Lưu - avocat_ttl@...)

 

Ngưỡng mộ anh Đáng - chị Thủy

Hành động cao cả của anh Phạm Ngọc Đáng và chị Phan Thị Thủy thật đáng để người dân Sài Gòn và cả nước ngưỡng mộ. Là một người con được sinh ra và lớn lên ở quê hương Tiền Giang, tôi thành thật gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến gia đình anh Đáng - chị Thủy đã nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện tốt cho em Dương trong những ngày ở thi tại Thành phố. Và mong rằng em Dương sẽ hoàn thành tốt sứ mạng của một sĩ tử lên kinh ứng thí để không phụ lòng mong mỏi của mọi người, cũng như một tình cảm cao đẹp, sáng giá mà gia đình anh Đáng - chị Thủy đã cưu mang em trong những ngày ở thi tại Thành phố.

(Trần Đức Thịnh, Tiền Giang)

 

Nhìn lại mình và thay đổi

Hôm nay tôi vội vã đạp xe ra tiệm net nhưng không phải để chơi game như trước, mà tôi phải chứng thực về một điều làm tôi sửng sốt: đó là Dương đạp xe đạp lên thành phố để thi. Tôi không ngờ rằng Dương, một người bạn của tôi, vốn hiền lành, lại dám làm điều táo bạo này.

Dương đã cho tôi một bài học quý giá về nghị lực sống trong đời. Việc Dương làm chắc chắn sẽ làm thay đổi trong tôi nhiều lắm. Tôi biết nhìn lại mình. Sau này tôi sẽ kể lại câu chuyện này cho con cháu của mình, sẽ răn dạy các con lấy đó làm gương phấn đấu trong cuộc sống còn nhiều khó khăn này.

NG. HOÀNG NGỌC CẨN (cadenguyenhr@...)

 

Tôi từng muốn buông xuôi

Giữa nơi xứ người với cuộc sống của một du học sinh và bao nhiêu khó khăn hằng ngày, thiếu thốn cuộc sống tinh thần, thật sự đôi lúc tôi muốn buông xuôi tất cả để quay về Việt Nam làm lại từ đầu. Và rồi tình cờ tôi đọc được câu chuyện về bạn, tôi đã khóc.

Trước nghị lực phi thường của Dương, tôi nhận ra mình vẫn còn nhỏ bé lắm trước cuộc đời giữa những điều tôi đã làm và những điều tôi được nhận. Dương à, con đường đến với đại học không chỉ đến với cánh cửa đại học, mà con đường đi thi cũng lắm chông gai đối với nhiều cuộc đời. Không cần phải chờ kết quả để biết trúng tuyển hay không, tôi thấy bạn đã dũng cảm vượt lên khó khăn bằng nghị lực phi thường của mình.

Tôi tin rằng bạn sẽ thành công khi bên cạnh bạn còn rất nhiều tấm lòng nhân hậu như gia đình anh Đáng.

HOÀNG QUỲNH UYỂN (hoanguyen...@yahoo.com)

===========================================

* Tựa do Phật Giáo Đại Chúng ghi thêm

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008