Sau Cánh Cửa Đóng

Quán Không

 

Mỗi một khoảng đời mình sẽ có một vài người bạn hiểu mình, tạm cho là bạn thân, để khỏi phải thấy rằng “quen biết khắp thiên hạ, tri âm được mấy người.”

Có một khoảng đời ngắn, tôi quen một người bạn, bạn ấy giỏi, giảng hay, được học trò rất yêu mến. Tôi nhìn những con người của mọi người đó, tuy họ luôn vui vẻ nhưng tôi đọc thấy sự cô độc của họ.

Ngôi nhà có một cánh cửa đóng kín, tuy là bạn, nhưng hình như mình cũng chỉ đứng xa mà nhìn thôi. Khi cánh cửa đã nhẹ khép, đời riêng của người khó mà bước đến.

Chúng ta ai cũng muốn hiểu được những người sống gần mình. Bạn bảo: nói cho cùng, mình chỉ tạm có một người bạn khả dĩ nói chuyện trao đổi được, ngoài ra thì chỉ trong giao tiếp công việc. Bạn muốn biết trong chùa, khi tu tập vì có một cái nhìn như nhau, người ta có dễ dàng cảm thông nhau không.

Nghe câu hỏi, tôi nghĩ đến Tân và những gì gọi là cùng một cái nhìn. Nhìn cùng hướng như Tân và tôi lúc chọn học cùng một ngành, nhưng thử xem trong ngành chúng ta cùng chọn, có mấy người hiểu nhau? Tôi và Tân tuy hay trao đổi, nhưng tôi cứ có cảm giác như hai người ở hai môi trường khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, nói ra chẳng ai hiểu đúng dùm ý ai. Tân cứ hay diễn dịch ý tôi một cách sai lạc đáng ngạc nhiên. Chẳng lẽ tôi cũng thế đối với Tân hay sao. Lúc đầu tôi đâu để ý đến điều này, cứ nghĩ Tân không có cái nhìn sâu sắc để hiểu bạn mình. Nhưng sau lâu dần tôi chợt nhận ra mình cũng vậy đối với Tân, khi một hôm tôi nói câu gì đó, Tân nhìn tôi, rồi nói, “huynh tưởng tôi nghĩ vậy sao, không hề!”

Sao lại mong người hiểu mình đến vậy? Có thể vì mình không tự tin mình, cần một người khác chứng nhận cái nhìn của mình là đúng và người công nhận đó, chính là bạn mình!

Nghe một bài giảng, ta có những cảm nhận khác nhau, người thích, người không thích lắm. Người không thích, phê phán đủ điều, từ cách vị thầy dùng từ ngữ đến cung cách khi giảng. Người thích thì khen ngợi không tiếc lời, từ dáng dấp đến cách nói. Chỉ là một bài giảng, một giảng sư mà thôi. Vậy người hiểu vị giảng sư kia sẽ là ai nhỉ? Là bạn hay tôi. Là bạn hay là tôi thì chúng ta sẽ không còn bàn luận được, để tránh tranh cãi.

Cuối cùng thì thấy ai cũng là một cánh cửa đóng lại, chỉ khi nào họ mở cửa bước ra mình mới gặp, trao đổi vui chơi, rồi họ trở vào "căn nhà" của họ, đóng cửa lại, mình chỉ có thể nhìn thấy ánh sáng hắt ra từ khung cửa sổ!

Từ đó, tôi bắt gặp cảm giác đau khổ khi không thể hiểu người đang sống cạnh mình nghĩ gì. Họ vui vẻ, nhưng tôi vẫn đọc thấy ẩn chứa trong đó một điều gì chưa thể nói cùng tôi. Gặn hỏi để chia sẻ cũng không xong, giận dỗi cũng không xong. Cuối cùng tôi chấp nhận ranh giới vô hình giữa ta và người.

“Muốn hiểu người là để giúp người hay để quản lý họ”. Bị hỏi một câu như thế, tôi thật bất ngờ, choáng váng cả ngày bởi đã thấy manh nha câu trả lời trong tâm. Nhưng thâm tâm vẫn còn mong có một giải pháp, và tôi đã đi tìm.

Cho đến bây giờ có thể bạn hỏi xem tôi đã tìm ra chưa. Tuy chưa, nhưng tôi vẫn thấy con đường mình đang đi, tâm tôi có lắng dịu hơn. Bắt đầu hiểu tâm mình trước khi nói đến việc hiểu người. Đó là bài tập đầu tiên trong khóa học mà tôi đang chọn.

 

Quán Không (theo Hoa Linh Thoại)

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008