Tháng Bảy Vu Lan
Quỳnh My
Chuyến đi
California của hai mẹ con cùng người anh khởi
đầu bằng trầm lặng. Mãi đến phút chót nhờ mạng
lưới điện toán, việc trở thành nhanh chóng. Chỉ
vài phút trên màn điện, bấm vài lần trên bàn chữ
là xong hoàn toàn việc mua vé máy bay cũng như
chỗ ở. Vé mua làm xôn xao đàn em gái lúc nào
cũng chăm chỉ vùi đầu vào công việc. Với lũ em,
chuyện đi xa vài ngày là đắn đo quanh từng sắp
đặt lớn, lắm khi không dám nghĩ đến. Vậy mà
không ngờ phân nửa đàn con của mẹ cùng góp mặt
trong chuyến đi. Tuy khởi hành không cùng lúc
nhưng cùng điểm đến. Có lẽ, trong thâm tâm, ai
cũng hiểu lần đi không dễ có bên những ngày còn
mẹ.
Điện thoại reo
thường hơn trước ngày đi. Người gần mẹ nhất còn
chậm để mà hiểu hết những đổi thay đến với nỗi
bệnh, già. Nếu kể hết những gì mẹ con trải qua
từng giờ là làm tăng thêm nỗi lo lắng. Mẹ vẫn
thường nằm như người kiệt sức. Những tiếng rên
từ đêm kéo qua ngày nhiều hơn thời gian lần
chuỗi hạt. Đôi khi mẹ ngồi lặng, ánh mắt mệt mỏi,
nhìn mà như không thấy. Bên ngoài khung cửa chùm
hoa yellow-bell rực rỡ trong nắng. Những cánh lá
màu xanh đong đưa theo cơn gió chuyển hơi nóng
của chốn 'mặt trời bên kia mùa hạ'. Bên trong,
mẹ như sẵn sàng cho chuyến trở về. Buông trôi,
mệt lã, co ro. Đứa con gái lẩn thẩn nghĩ tới đều
không dám nghĩ. Chuyện đến đi không của riêng ai.
Thôi hãy giữ cho tất cả người thương sự bình yên,
quên đi đón nhận cho dẫu mai này mẹ như thoáng
hương mưa. Mẹ không còn sức lễ chùa. Không còn
dịp nhận ra từng ánh hạnh phúc của lũ con khi
nhận hoa hồng đỏ. Riêng phần mẹ tóc lơ thơ ánh
bạc, vẫn không nguôi bên nụ hoa trắng, được cài
lên áo từ khi mẹ chưa qua tuổi hai mươi. Chợt
nhận ra dù ở tuổi nào, nỗi yêu thương khi nghĩ
đến người mẹ đã xa đời, vẫn theo hoài đến cuối
hành trình của kiếp người. Vu lan năm nay, năm
đứa con cùng mẹ thêm cơ hội gặp lại những khuôn
mặt thân quen.
Bữa ăn tối đầu
tiên quanh bạn bè thời đi học ở Bình Long. Trong
mẹ rưng rưng nỗi nhớ, thầm gởi về những người đã
khuất. Nỗi nhớ đậm sâu hơn, vẫn là đứa con dâu
từ trần chưa được một năm. Mới mùa hè năm nào,
còn tiếng nói còn nụ cười với những khuôn mặt
thân quen của đêm nay giữa Cali. Giọng nói quen
nghe mấy mươi năm, bỗng trở về đâu đó qua âm
thanh quen thuộc. Người mẹ lẩn thẩn, bàng hoàng
gọi tiếng con ơi nơi hình dáng khác. Tuy nhớ và
quên trộn lẫn trong nhau, thỉnh thoảng mẹ vẫn
nhận ra người ở lại đang chạy trốn nỗi cô đơn.
Bằng cách đuổi bắt, đi tìm hạnh phúc… Tự hỏi, vì
sao con người thường không nhận ra hạnh phúc
luôn có mặt trong những điều nhỏ, đơn sơ ở gần,
mà luôn nghĩ nó trong quá khứ đang đợi chờ mình
đâu đó trên tương lai? Cho nên phải hụt hơi chạy
đuổi, vươn tay nắm bắt họa may sẽ gặp. Mẹ 87
tuổi vẫn nguyện cầu, biết tới bao giờ đứa con
tỉnh giấc chiêm bao. Đi tìm lại mình qua câu hỏi
vì sao con hiện diện nơi đây. Sẽ đến đâu, sẽ về
đâu? Người mẹ thầm ao ước. Sẽ có một lần nào đó
thật gần. Con bước tới đứng bên cạnh mẹ, nhìn
cuộc đời trôi qua như những đám mây, như mặt
biển với muôn ngàn đợt sóng, mà thân phận con
người như hạt cát nhỏ, như giọt nước hòa trong
biển khổ mênh mông.
Cũng đêm nay bên
cạnh bè bạn thuở học trò của đứa con trai, người
mẹ tưởng chừng con chưa bao giờ lớn. Vẫn chân
thành, say mê, thêm chút ngu ngơ như của những
năm trung học. Gặp lại đứa bạn nối khố của con,
mẹ hồi nhớ chuyện của mấy mươi năm về trước. Bốn
năm đứa trẻ 16, 17 tuổi bỗng một ngày bỏ ra đi.
Chúng nghĩ mình đã lớn, thấy gia đình là chiếc
lồng giam hãm và bó buộc. Chưa kể kèm sự nghiêm
khắc của mẹ cha. Ngôi trường trung học công lập
duy nhất trong tỉnh lỵ cũng chỉ là ngôi trường
nhỏ bé, nghèo nàn. Không gian hạn hẹp, tù túng
không đủ cho những con chim tung cánh lượn bay.
Và hơn hết, tỉnh nhỏ buồn, hiu quạnh quá không
thêm gì để khám phá. Nắng gió, mưa và bụi đỏ.
Những con đường, dốc chập chùng. Rừng núi thấp,
bao quanh những đồn điền cao su. Những buôn, sóc
thượng ẩn khuất trong đồi núi. Tất cả gói trọn
trong kỷ niệm của thời thơ ấu. Các bà mẹ có con
đi mất vội tìm nhau. Vẫn chưa quên được bên dưới
chiếc khăn mỏ quạ màu đen, có đôi mắt nhòa giòng
lệ lại thêm vật vả ngược xuôi kiếm sống trong
chiến tranh. Những bà mẹ hoang mang hốt hoảng,
lo âu. Sợ con mất dấu bởi không dễ rũ bỏ bổn
phận đang đè nặng trên vai để đi kiếm tìm con.
Trong trí nhớ thật mờ đọng lại, đứa em gái nhỏ
ngơ ngác khi nghe tin người anh bỏ nhà đi. Giữa
lo lắng, khổ đau của nhiều bà mẹ, đứa em gái tò
mò muốn hiểu về anh. Trên mặt chiếc hầm tránh
đạn pháo kích trong nhà, là giang sơn nhỏ của
anh. Có quyển sách chưa đóng lại. Những trang
sách bị nhàu qua nhiều lần giở. Nó đọc đi, đọc
lại. Cố hiểu mà nó không đủ sức hiểu nỗi. Chỉ lờ
mờ lý do anh nó bỏ đi, bên sự im lặng của cha,
nỗi chịu đựng của mẹ. Đứa bé ngày xưa loáng
thoáng nhớ đôi câu, cho dẫu chuyện vừa xảy ra,
nó quên ngay trước khi muốn nhớ.
"Cho
đến lúc này, gia đình không còn là chốn thiên
đường....Thiên đường đã khép lại phía sau. Trước
mặt là gọi mời, thênh thang rộng mở..."
Con bé nhủ thầm. Anh nó ước mơ phương trời cao
rộng. Cầu mong cho những cánh chim được bình yên.
Sau mấy ngày làm dế mèn phiêu lưu ký ở Saigon,
lũ học trò thơ dại mơ làm người lớn, mơ tự lập
lặng lẽ trở về như lúc ra đi. Không có cánh cửa
nào mở ra trên mảnh đất thiếu hai chữ gọi là “cơ
hội”. Người thành phố còn gian nan kiếm sống
trong thời chinh chiến lan tràn. Làm sao lũ trẻ
tỉnh nhỏ chơn chất, hiền lành chen chân. Người
cha dẫu đầy giận dữ vẫn không nói một câu, bởi
chính ông năm 15 tuổi cũng lặng lẽ rời quê nhà
theo đoàn người tiến vào phương Nam lập nghiệp.
Trở về, an phận
bên khung trời cũ. Những trò chơi tuổi nhỏ thưa
dần. Mẹ thôi than, nhắc con đừng nghịch ngợm
cùng chúng bạn rủ nhau ăn cắp trái cây trên bàn
thờ lộ thiên. Một lần mẹ bất ngờ tiếp người
khách lạ. Một cô bé học trò mỗi ngày đi học
ngang qua nhà có khuôn mặt xinh. Cô bé sau phút
e dè đã thưa với mẹ rằng, cô bị người anh và đám
bạn đi theo trêu chọc mãi. Mẹ lắng nghe ngạc
nhiên, vừa cố giữ nụ cười đến tự trong lòng, từ
tốn nói vài câu cho cô bé an tâm. Người con gái
vào nhà "mét mẹ" mang tên một vầng trăng. Còn có
mấy chữ kèm theo sau tên nữa. Đứa em nhỏ muốn
hỏi anh chị vì sao nhưng cứ mãi quên. Nó cũng
lấy làm thắc mắc. Anh nó thường đón đường răn đe
những đứa con trai lảng vảng theo sau em gái
trên đường đi học. Anh cũng giống họ thôi mà sao
không hiểu. Tuổi học trò qua mau. Thi hỏng tú
tài anh vào quân đội, an phận làm người lính dẫu
đã lấy được hai mảnh bằng liên tiếp ở mùa sau.
Chỉ vì muốn được ở gần tiếp tay chăm sóc lũ em
với mẹ cha. Đứa em gái kế uổng công anh giữ gìn
bảo vệ, đã bỏ lại sau lưng tất cả để ra đi. Em
gái theo chồng rời quê hương mùa xuân. Không ai
có thể ngờ mùa hạ năm đó trở thành mùa hè đỏ lửa
đi vào quân sử. Chỉ gói gọn trong hai tiếng
chiến tranh, mấy chục ngàn con người hiền lành
đã thật sự nếm trải, chia nhau nỗi đói khát, sợ
hãi, đau thương, lẫn vào tuyệt vọng. Máu và nước
mắt, tàn phá và chia lìa. Không nhớ hết và không
đếm hết. Bao người thân bè bạn đã ra đi. Biết
bao người nằm xuống trong cuộc chiến. Rời tỉnh
lỵ hoang tàn đổ nát, bước chân người mẹ tiếp tục
trải dài theo những dặm đường chinh chiến con đi.
Bỏ lại sau lưng vùng đất thê lương, anh đi xa
mãi tận đôi bờ vĩ tuyến. Người mẹ hiền mộc mạc,
từng có mặt trên những chuyến trực thăng tìm
thăm con trai bị thương sau cuộc hành quân. Cơ
nghiệp hơn nửa đời tạo dựng không còn dấu vết để
lại. Hiện tại không hơn những cánh bèo trôi. Mẹ
không còn nhớ hay không có thời giờ để nhớ. Bởi
trái tim cùng khối óc đã theo những đứa con ở
chiến trường xa.
Ngày tàn cuộc
chiến cũng là ngày bắt đầu cho những phân ly.
Đêm hội ngộ không chỉ với bạn bè thời đi học.
Còn có những người ra biển với con. Ngày đó cạn
khô giọt nước mắt, cho người ở lại nguyện cầu.
Chỉ đêm nay, mẹ mới có dịp ngồi nghe chuyện kể,
cuộc hành trình vượt biển của con qua những
người bạn cùng có mặt trên chuyến tàu thuở ấy.
Từ nỗi chết tìm về đất sống. Họ chia nhau thật
nhiều nên ân tình mãi tràn đầy. Đứa em gái từng
nhận những lá thư từ đảo gởi về, người anh khẩn
khoản xin em ở lại chờ ra đi cùng mẹ. Xin đừng
ra biển như anh. Bây giờ gặp lại người năm xưa
cùng chung chuyến ra đi với anh trai. Nó được
nhắc kèm câu hỏi là
-
Em có nhớ?
-
Nhớ gì?
-
Ngày đó ra đi tưởng không bao giờ gặp nữa.
Đâu ngờ
chuyến công tác cuối cùng hai anh em cùng gặp
được em trong cái hãng năm xưa. Mời em đi uống
cà phê - ly cà phê cuối để chia tay. Nhưng lời
giữ lại nên em vẫn hồn nhiên không biết.
Người anh, vốn
hay im lìm cũng hỏi một câu:
- Gặp lại sau mấy
mươi năm em thỏa lòng chưa?
Thay
câu trả lời là nụ cười. Không cần nói thêm.
Những dòng sông đã tìm ra biển. Nước bây giờ hay
nước ngày xưa vẫn là nước thôi. Không nhận ra
nhau nơi xứ lạ, kỷ niệm ngày xưa chỉ là ý niệm
không hơn. Chỉ còn lại những gì trong hiện tại.
Còn gặp được nhau, còn có cuộc sống bình yên là
còn đủ quý, đủ vui. Mẹ ngồi nghe chuyện của
nhiều năm thất lạc. Thỉnh thoảng mẹ nhắc những
kỷ niệm, những ngày tháng khó quên trong trại
tạm cư Gò Đậu, Phú Văn. Ở đó có những bà mẹ ngậm
ngùi nhìn con mình, đang trong tuổi tươi đẹp
nhất của đời người mà tương lai vụt tắt trong
ngọn lửa chiến tranh, mang kiếp sống lang thang
chẳng biết sẽ về đâu. Mẹ nhận ra những ánh mắt
thân thương, kèm câu nói chân thành trìu mến.
- Nhìn dì, làm
nhớ mẹ con nhiều. Mẹ hy sinh ở lại cho đàn con
vượt biên. Đời sống xứ người cùng những nỗi lo
tiếp nối tháng năm. Nhớ nhiều mà hẹn lần hẹn lựa
cũng nhiều. Bây giờ không còn cơ hội cho con về
thăm mẹ. Nói ra thì muộn. Nếu biết mẹ sớm ra đi,
con sẽ không ngần ngại mỗi năm mỗi về thăm.
Câu nói không
dưng làm nhớ lại bài hát hằng đêm vẫn nghe: “Có
lúc ta quên màu tóc mẹ, Đã một thời dải nắng,
dầm mưa. Có lúc ta quên nhìn trán mẹ, Còn bao
nghĩ suy dù ta lớn khôn rồi. Có lúc ta quên nhìn
mắt mẹ, Còn chờ ta mỏi ngóng đêm sâu. Có lúc ta
quên nhìn dáng mẹ, Chợt quạnh hiu ngày ta bước
vào đời. Có lúc ta quên thời gian qua, Đường ta
càng xa, vòng tay mẹ ngắn lại. Có lúc ta nghe
từng nhịp đời, Mẹ thật gần sao ta quá xa. Có lúc
ta quên nhìn áo mẹ, Chợt mỏng manh quang gánh
chiều đông. Hát khúc hát ai quên mình có mẹ… Một
ngày kia lặng lẽ bên cuộc đời...” (nhạc
và lời Minh Đức)
******
Mẹ ngồi đó, bên
bãi cỏ xanh. Chung quanh những tàng cây che nắng.
Vẫn còn mùa hè mà sao lạnh theo từng cơn gió.
Một người đàn ông đến gần, giọng nói ôn tồn:
- Chắc
bà bị lạnh. Nếu bà không ngại, xin bà dùng tạm
chiếc áo của tôi cho ấm.
Mẹ ngạc nhiên và
xúc động. Có chút e dè trong câu nói cảm ơn khi
đưa tay nhận chiếc áo từ người đàn ông luống
tuổi. Một góc công viên bắt đầu nhộn nhịp. Không
hẹn mà từng nhóm nhỏ tụ lại. Những vòng tay ân
cần trao ngày hội ngộ. Tiếng gọi tên mừng rỡ,
bất ngờ chen lẫn tiếng cười, như giờ ra chơi
trong sân trường ngày cũ. Những cánh chim phiêu
lãng đã tìm về theo tiếng gọi đàn. Buổi hội ngộ
đầu tiên, giản dị như tâm hồn mộc mạc của người
dân miền cao su đất đỏ Bình Long. Tiếng mời gọi
đến với nhau, đứng sát vào nhau để có một tấm
hình lưu niệm được lập lại nhiều lần. Dường như
ai cũng nghĩ thời gian không đủ để hàn huyên sau
mấy mươi năm cách biệt. Từ Delaware, Minnesota,
Georgia, Alabama, Texas, ... và Việt Nam hội tụ
về đây, dường như ai cũng mang trong lòng nỗi
bồi hồi trộn lẫn niềm vui. Tuổi học trò, bạn cũ,
thầy cô. Những người thân quen một thuở chia
nhau đau thương trong cuộc chiến, khởi đi từ
Bình Long đến Phú Văn, Rừng Lá, Gia Rây, ... Mỗi
nơi dừng lại đánh dấu chặng đời tủi cực. Làm sao
mà quên được đoạn đời buồn như lá cây rừng, như
đám mây bay ngang qua bóng núi. Những đấng sinh
thành ai mất ai còn sau chiến tranh. Dẫu ở lại
hay tha hương. Có hai bà mẹ được mời đứng cạnh
nhau chụp tấm ảnh đánh dấu ngày gặp lại. Đưa mắt
nhìn quanh, lòng chùng xuống khi bỗng dưng nắm
được nỗi buồn trốn tránh. Có lẽ nào, nơi đây chỉ
còn lại hai bà mẹ trong ngày hội ngộ.
Mẹ thoáng bỡ ngỡ,
rồi niềm vui tràn hiện trong đôi mắt chồng chất
nếp gấp thời gian.
- Con chào dì Hai.
Dì còn nhớ con không?
Mẹ làm sao quên
được đôi vợ chồng bạn của con mình. Hai người mẹ
cũng là hai người có một thời ở gần nhau, đồng
cam cộng khổ bên nhau. Kỷ niệm ngày đó bỗng ùa
về làm ấm trái tim già nua. Mẹ nhắc lại nhiều
điều tưởng đã xóa nhòa trong ký ức. Những đứa
con ngạc nhiên nghe chuyện kể, ngỡ đâu mới hôm
qua. Đứa xúc động, đứa bùi ngùi vì mẹ không còn.
Đứa băn khoăn nhớ mẹ, nghĩ về khoảng không gian
cách trở. Biết còn gặp mẹ được bao nhiêu lần nữa
trong đời. Thêm một ngày qua đi, là thêm ngắn
đoạn đường mẹ yêu chạm điểm dừng. Chợt nghe
thương câu nói của người anh vừa tìm gặp lại ở
bên kia nửa vòng trái đất.
Anh về Saigon học
tiếp, trước khi chiến trận xảy ra vào mùa hè năm
1972. Nghe đến thuộc lòng những gì mẹ kể trên
đường chạy loạn nên một đôi lần anh đã trêu đùa
nói với mẹ rằng. "Đây là chuyện được kể đến
lần thứ một ngàn một trăm lẻ một rồi, mẹ có biết
không?". Khi mẹ mất, anh ước được ngồi nghe
những câu thủ thỉ kể chuyện xưa. Dẫu mẹ có kể
thêm ngàn lần nữa, anh nghĩ anh sẽ được thêm
ngàn lần hạnh phúc.
Đã từ lâu, ý niệm
"của ta" trong đó bao gồm gia đình, bè bạn, thầy
cô, nơi chốn,... gần như không còn ranh giới.
Khi sự phân chia vắng mặt, tình thương, tình
người rộng mở khắp cùng. Được gặp lại những
người chị, người anh không dễ gặp lần sau. Những
người mẹ, người thầy tóc bạc màu. Được chia với
nhau những phút giây đầm ấm thân thương trong
buổi sáng chủ nhật giữa bầu trời California đẹp.
Đó chính là hạnh phúc mà những đứa con muốn mẹ
cùng chia, quanh những người từng chia chung một
thuở.
Bên ổ bánh mừng
ngày hội ngộ, vị cựu hiệu trưởng ngày xưa xin
được mời mẹ cùng lên cắt bánh với ông. Có chút
ngại ngùng thoáng gặp trên nét mặt, của người
không quen hiện diện giữa đám đông. Xưa mẹ chưa
từng có mặt bên con trong chuỗi dài của thời cắp
sách đến trường. Mười đứa con trên hai đôi vai
mỏi, cũng đành để con tự lo liệu lấy. Nay mẹ
ngồi giữa, vây quanh là bạn, là thầy của các con
mình. Quá khứ ở lại cùng năm tháng. Với mẹ giờ
đây chỉ còn hiện tại mà thôi. Những đứa con chia
nhau hạnh phúc lặng thầm. Mẹ sẽ mang theo hành
trang trên đoạn đường về là hạnh phúc, an vui.
Cùng với câu niệm phật đã gắn liền như hơi thở.
Mẹ kính yêu của
chúng con. Thêm mùa Vu lan nữa mẹ con mình không
đến chùa dự lễ với thầy. Chúng con vẫn cảm nghe
hạnh phúc vô biên bên lời nhắc:
"Hãy
tận hưởng ân phước của mình, khi con còn cơ hội
chăm lo cho vị Bồ Tát tại nhà là Mẹ".
Quỳnh My, mùa
Vu Lan 2009

|