Lời người viết: Sau rất nhiều năm đi chùa và nay ngồi nhận xét về mình, tôi tự thấy bản thân không có nhiều chuyển biến về những điều Phật dạy như việc TU PHƯỚC (trong đó có BỐ THÍ) và hạnh NHẪN NHỤC. Do đó tôi đã cố tìm những chi tiết có liên quan tới hai vấn đề và gom lại thành hai bài thơ để tự nhắc nhở mình hằng ngày luôn nhớ để thực tập. Nay tôi xin gởi đăng bài HỌC HẠNH NHẪN NHỤC này với mục đích để bạn đọc xem chơi và quý vị nào thấy thích có thể ghi nhớ và gắng thực tập, chắc sẽ đem lại một ít lợi lạc cho cuộc sống.

                                                                                    Tâm Lương

 

VÀI LỜI TỰ NHỦ:

HỌC HẠNH NHẪN NHỤC Hay DIỆT TRỪ SÂN HẬN (1)

Một niệm sân hận khởi lên,

Muôn ngàn nghiệp chướng chực bên liền liền.

Vậy điều cần nhớ trước tiên:

Học hạnh nhẫn nhục để yên mọi bề.

Dù ai bêu xấu, mắng, chê…

Ta xem như thể không hề chi đâu,

Chú tâm hít thở thật sâu,

Hoặc là niệm Phật nhiều câu chí thành,

Cơn giận sẽ xuống rất nhanh,

Cứ theo cách ấy thực hành nhiều đi.

Làm vậy có lợi những gì?

Trừ được cái họa một khi im lời.

Tâm hồn an ổn, thảnh thơi,

Phát sinh trí huệ, cuộc đời vui tươi.

Còn xem “Ta” lớn tựa trời,

Ai mà đụng đến tức thời nổi sân,

Sẽ chuốc lắm bệnh vào thân,

Tim mạch, mất ngủ bần thần canh thâu,

Cao huyết áp khổ làm sao!

Quá giận, đứt mạch máu đầu chết ngay!

Lửa sân thiêu đốt ngày ngày,

Tức giận, phiền não… vò,vày tâm ta,

“Sân nhập, khẩu xuất” phóng ra

Bao nhiêu lời ác, nghiệp ta lãnh tròn.

Có người sân giết vợ con,

Gây bao án nặng chẳng còn tính “nhân”.

Người sân chết khổ vô ngần,

Đoạ ba đường ác muôn ngàn đắng cay.

Ôm sân quá khổ thế này!

Nên mau cố bỏ chớ chầy nữa chi.

Được vậy có lợi tức thì,

Thân, tâm bớt bịnh còn gì sướng hơn.

TÂM LƯƠNG  ĐÀO MẠNH XUÂN

(Stone Mountain, Georgia)

 

(1) Phật dạy tham, sân, si là tam độc, nhưng sân là cái độc nguy hiểm nhất. Vì vậy, chúng ta cố gắng tìm hiểu nguyên nhân nào đã đưa đến cái sân, những hậu quả phải gánh chịu và rồi tìm cách trừ hoặc hạn chế bớt để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn. Chúng tôi xin được trích dẫn các đoạn trong sách “Hạn chế sân hận - Trải rộng tình thương” của tác giả Tỳ Khưu Visuddhàcàra do Minh Tâm biên dịch để chứng dẫn những điều chúng tôi trình bày.

a) Nguyên nhân gây ra sân hay tức giận:

- Cho cái “ta”, cái bản ngã quá lớn nên có ai chạm tới, ta xem như bị xúc phạm, bị xem thường, bị trêu chọc, bị thách đố, bị nhục mạ, bị bêu xấu, bị mắng chê, bị chỉ trích v.v…nên cơn sân đùng đùng nổi dậy.

- Ngoài ra những người có tính hay đa nghi cũng thường  hay sân lắm. Ví dụ nghi người nọ, người kia nói xấu mình, hay làm một điều gì đó có hại cho mình v.v… Rồi cứ tưởng tượng ra đủ thứ và đâm ra tức tối, hậm hực, chứ mọi việc nào đã xảy ra.  Suy nghĩ kỹ mới thấy mình thật vô lý.

- Người có máu ghen cũng có tâm sân dữ dội lắm.

b) Hậu quả đưa đến do sân hận:

-Chính tâm mình bị giày vò, bị khổ trước trong khi người mình giận, mình ghét không hay biết gì.

- Lúc cơn giận lên có thể đưa đến:

           -Khẩu nghiệp: cãi cọ, nói lời độc ác v.v…

           - Thân nghiệp: ẩu đả, gây thương tật cho người khác, giết người v.v…

           - Ý nghiệp: Tìm cách trả thù v.v…

-Người thường hay sân hận rất dễ bị đọa vào ba đường ác vì trong tâm lúc nào cũng nóng như một hỏa diệm sơn nên không tránh khỏi lúc gần chết, tâm cũng mang sự giận dữ. Theo Đạo Phật “sự thọ báo kiếp sau tùy thuộc vào tư tưởng, suy nghĩ sau cùng của ta vào giây phút lâm chung. Nếu ta qua đời với niệm tưởng bất thiện, ác nghiệp ,ta sẽ có sự tái sanh tương ứng -với niệm tưởng tốt lành, thiện nghiệp, ta có một kiếp sau tốt đẹp.” (Trang 70 sách đã dẫn )

- Người sân nhiều, tâm rất đau khổ: xin được trích dẫn:

“Sân hận làm đời ta đau khổ, nếu ta tiếp tục chấp nhận và không cố gắng chế ngự nó, có nghĩa là ta tiếp tục sống cuộc sống hỗn loạn. Cứ mỗi lần bực mình, khó chịu, tức giận, chúng ta lại bắt đầu thiêu đốt chính mình. Cảm giác cháy bỏng gia tăng theo cường độ của cơn giận; càng giận dữ, ta càng cháy bỏng nhiều hơn. Quả là một cảm giác vô cùng đau khổ. Bạn có thể quan sát điều này nơi chính bạn. Khi bạn rơi vào tâm trạng bực mình, tức tối, hãy quan sát trạng thái của tâm rồi bạn sẽ phát hiện ra được nỗi đau đớn thống khổ mà bạn đang chịu đựng trong lúc tức giận hoặc rối loạn………”  (trang 8 sách đã dẫn)

-Người có nhiều sân hận sẽ mang một số bệnh như sau:            

“Ngoài việc gây độc hại cho tinh thần, cơn sân hận và lòng thù địch còn tạo ra mối hiểm nguy cho cơ thể chúng ta. Y học đã khẳng định sự tức giận cùng những cảm xúc vô bổ khác đều góp phần tạo nên bệnh tật. Khi tức giận, cơ thể phóng thích một số hóa chất làm rối loạn sự điều hòa cơ thể. Nếu buồn phiền sân hận thường xuyên thì lâu dài sẽ dẫn đến nhiều bệnh tật như loét bao tử, rối loạn tiêu hóa, táo bón, cao huyết áp, rối loạn tim mạch, thậm chí ung thư” (trang 10 sđd)

c)Cách trừ hoặc hạn chế sân hận: Xin được trình bày nhiều cách và mỗi người tùy theo ý thích của mình hãy chọn lấy một và cố gắng thực tập, làm cho sự sân hận giảm bớt để thân và tâm được bớt bịnh.

 -“ khi sân hận sanh khởi, ta nên kiềm chế, lặng im bất động như một khúc gỗ”…” vì trong tâm trạng đó những gì ta nói hoặc làm đều vụng về, thô lỗ, gây ra những tai hại mà sau này ta phải hối tiếc” ( trang 30 sđd )

Ai đã từng ân hận vì do giận dữ, nóng nảy đã làm điều sai quấy thì nên ghi nhớ áp dụng cách này.

-Lúc cơn giận nổi lên và ta nhận biết được thì nên hoặc chú tâm liên tục hít thở thật sâu hoặc liên tục niệm Nam Mô A Di Đà Phật nhiều lần thật chí thành, cơn giận sẽ hạ xuống rất nhanh.

- Nếu ta tin rằng mọi việc xảy ra cho ta, tốt hoặc xấu, đều là cái quả mà nhân của nó do ta tạo ra từ nhiều kiếp trước hoặc trong kiếp này. Vậy những điều không tốt đến với ta như bị người nhục mạ, mắng chê, bị vợ, chồng ruồng bỏ v.v…ta xem như một lúc nào đó trong tiền kiếp hoặc trong kiếp này ta đã làm điều đó với họ, hoặc với người nào khác nên kiếp này ta phải nhận lại quả đó. Nếu ai tin và thực hành được điều này mỗi khi gặp chuyện bất ưng ý thì sẽ thấy tâm nhẹ nhàng ngay. Phải nói thật hạnh phúc thay cho những ai làm được như vậy.         

   

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008