VAI TRÒ CỦA TỔ ĐÌNH PHƯỚC LÂM TRONG SỰ PHÁT
TRIỂN THIỀN PHÁI
LÂM TẾ CHÚC THÁNH
Thích Như Tịnh
Tổ đình Phước Lâm
được Tổ sư Ân Triêm khai sơn vào những năm giữa
thế kỷ XVIII, tính đến nay cũng đã gần 300 năm.
Trong suốt khoảng thời gian 3 thế kỷ ấy, Tổ đình
Phước Lâm đóng một vai trò hết sức quan trọng
trong sự truyền thừa và phát triển của thiền
phái Lâm Tế Chúc Thánh. Từ nơi đây, các đoàn
“Như Lai Sứ Giả” tỏa đi khắp mọi nơi khiến cho
môn phái ngày càng phát triển rộng khắp đất nước
và ngày nay lan tận sang Âu - Mỹ.
Tổ sư Ân Triêm
(1712-1796) họ Lê, sinh quán tại xã Bến Đền
huyện Điện Bàn - Quảng Nam. Ngài xuất gia với Tổ
sư Minh Hải nên có pháp danh Thiệt Dinh, tự
Chánh Hiển, hiệu Ân Triêm, nối pháp đời 35 Lâm
Tế, thế hệ thứ 2 pháp phái Chúc Thánh. Sau khi
đắc pháp, Ngài ra khai sơn chùa Phước Lâm để làm
nơi tu học và hoằng pháp. Ngài đã kế tiếp Tổ sư
Minh Hải thắp sáng ngọn đèn chánh pháp khiến cho
đạo mạch miên trường, tông môn vĩnh chấn. Bằng
đạo lực của mình, Ngài đã đào tạo được các vị đệ
tử nổi danh như các ngài Pháp Ấn Tường Quang
Quảng Độ, Pháp Liêm Luật Oai Minh Giác (Trụ trì
đời thứ 2 và thứ 3 Tổ đình Phước Lâm); Pháp
Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm (khai sơn chùa Từ
Quang - Phú Yên); Pháp Tịnh Luật Phong Viên
Quang (khai sơn chùa Thiên Hòa - Bình Định),
v.v.
Từ đây, các vị đệ tử và pháp tôn của Ngài
nhiệt tâm hoằng dương chánh pháp khiến cho tông
môn nhanh chóng phát triển. Chúng ta có thể khái
lược tại một số tỉnh thành để thấy rõ vai trò
hoằng pháp của các Thiền sư xuất phát từ Tổ đình
Phước Lâm.
a. Tại Quảng Nam:
Quảng Nam là nơi
phát tích của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh và
chùa Chúc Thánh là Tổ đình chính. Tuy nhiên,
trong vấn đề hoằng dương Phật pháp và phát triển
môn phái thì Tổ đình Phước Lâm đóng vai trò then
chốt. Điều này chúng ta thấy được qua sự truyền
thừa như sau:
Sau khi Tổ Ân
Triêm viên tịch, các ngài Quảng Độ và Minh Giác
kế thế trụ trì Phước Lâm. Ngài Minh Giác có một
đệ tử ưu tú là ngài Toàn Nhâm Vi Ý Quán Thông.
Ngài Quán Thông trụ trì đời thứ 4 Tổ đình Phước
Lâm, kiêm trụ trì Tổ đình Chúc Thánh, nối pháp
đời 37 Lâm Tế thuộc thế hệ thứ 4 pháp phái Chúc
Thánh. Ngài đã đào tạo được nhiều vị đệ tử xuất
sắc đảm nhận việc hoằng hóa khắp tỉnh Quảng Nam
như: Chương Tư Tuyên Văn Huệ Quang, Chương Quảng
Tuyên Châu Mật Hạnh, Chương Tín Hoằng Ân hoằng
hóa tại Ngũ Hành Sơn; Chương Nhẫn Tuyên Hòa
Quảng Hóa trụ trì đời thứ 5 Tổ đình Phước Lâm;
Chương Đạo Tuyên Tùng Quảng Viên, Chương Khoáng
Tuyên Điền Chứng Đạo trụ trì chùa Chúc Thánh;
Chương Chất Tuyên Chiếu Quảng Thành, Chương Đàn
Tuyên Khai Huyền Đạt, Chương Lý Tuyên Sư Trí
Quang hoằng hóa tại chùa Cổ Lâm-Đại Lộc. Đặc
biệt trụ trì đời thứ 6 Tổ đình Phước Lâm là
thiền sư Ấn Bổn Tổ Nguyên Vĩnh Gia, một bậc cao
tăng lừng danh thời Nguyễn. Tại đây, Ngài đã tác
thành đạo nghiệp cho các ngài: Ấn Nghiêm Tổ Thân
Phổ Thoại (khai sơn chùa Long Tuyền); Ấn Bính Tổ
Thuận Phổ Bảo, Chơn Chứng Đạo Tâm Thiện Quả (trụ
trì chùa Chúc Thánh); Chơn Thể Đạo Viên Phổ
Minh, Chơn Kiết Đạo Tường Phổ Hóa (chánh phó trụ
trì Phước Lâm); các ngài Chơn Sâm Đạo An Phổ
Truyền, Chơn Huệ Đạo Nhật Phổ Trí vào lập chùa
Văn Thánh - Sài Gòn; ngài Chơn Phước Đạo Bích
Hoằng Thọ sang Camphuchia khai sơn chùa Thanh
Quang. Đến thời hiện đại, các vị tôn túc như: cố
Hòa thượng Thích Trí Giác, cố Hòa thượng Thích
Long Trí, cố Hòa thượng Thích Như Vạn, Hòa
thượng Thích Như Huệ cũng đều có thời gian tu
học và hoằng hóa tại Phước Lâm. Hiện tại chư vị
tôn túc xuất thân từ Phước Lâm đang hành đạo tại
tỉnh nhà như các Thượng tọa Thích Hạnh Thiền (trụ
trì Tổ đình Vạn Đức-Hội An); Thượng tọa Thích
Hạnh Hoa (trụ trì Tổ đình Phước Lâm - Hội An);
Thượng tọa Thích Hạnh Nhẫn (trụ trì chùa Minh
Giác - Hội An); Thượng tọa Thích Hạnh Trí (trụ
trì chùa Ân Triêm - Duy Xuyên), Thượng tọa Thích
Đồng Mẫn (Trụ trì Tổ đình Chúc Thánh). Tại Đồng
Nai thì có các vị như: Thượng tọa Thích Quảng
Hạnh (trụ trì chùa Đức Sơn - Đại Tùng Lâm),
Thượng tọa Thích Hạnh Đức (nguyên trụ trì chùa
Sơn Linh - Bà Rịa Vũng Tàu), Thượng tọa Thích
Minh Đạt (Chùa Đại Tòng Lâm - Bà Rịa), v.v.
Tại
hải ngoại thì có các Thượng tọa Thích Như Điển (Phương
trượng chùa Viên Giác - Đức quốc) Thượng tọa
Thích Hạnh Tuấn, v.v.
Tất cả các vị tôn túc này
đều có thời gian tu học tại Phước Lâm vào những
thập niên 60-70 thế kỷ XX dưới sự hướng dẫn của
cố Hòa thượng Thích Như Vạn.
Như vậy, Tổ đình
Phước Lâm đóng vai trò then chốt trong sự phát
triển của môn phái Chúc Thánh tại Quảng Nam.
Không những vậy, các thế hệ tăng nhân Phước Lâm
đi khắp các tỉnh thành xiển dương tông chỉ của
Tổ.
b. Tại Quảng Ngãi:
Hai vị đệ tử Tổ
Minh Hải đến Quảng Ngãi đầu tiên là ngài Thiệt
Úy Chánh Thành Khánh Vân khai sơn chùa Liên Tôn
và ngài Thiệt Uyên Chánh Thông Chí Bảo khai sơn
chùa Bảo Lâm. Sau đó, ngài Khánh Vân lên kế thế
trụ trì chùa Thiên Ấn khi Tổ khai sơn là ngài
Phật Bảo Pháp Hóa viên tịch. Từ đó, Thiên Ấn
truyền thừa theo bài kệ của Tổ Minh Hải và trở
thành Tổ đình của môn phái Chúc Thánh tại Quảng
Ngãi.
Tuy nhiên, sự
truyền thừa của các ngài Khánh Vân và Chí Bảo
cho đến nay vẫn chưa có một sử liệu cụ thể. Đến
Tổ thứ 3 của Thiên Ấn là ngài Toàn Chiếu Trí
Minh Bảo Ấn thì môn phái dần phát triển. Tổ thứ
4 Thiên Ấn là ngài Chương Khước Tông Tuyên Giác
Tánh có các vị đệ tử xuất sắc ra khai sơn các
chùa như: ngài Ấn Tham Tổ Văn Hoằng Phúc (đời
39) khai sơn chùa Quang Lộc; ngài Ấn Kim Tổ Tuân
Hoằng Tịnh (đời 39) khai sơn chùa Phước Quang;
ngài Ấn Lãnh Tổ Tòng Hoằng Thạc (đời 39) khai
sơn chùa Thạch Sơn; ngài Ấn Tịnh Tổ LiênHoằng
Thanh (đời 39) khai sơn chùa Cảnh Tiên; ngài Ấn
Cứ Tổ Đắc Hoằng Tri (đời 39) khai sơn chùa Từ
Quang. Các thế hệ pháp tôn đời 40, 41 thì có các
ngài như: Chơn Sử Đạo Thị Khánh Tín (đời 40)
khai sơn chùa Thọ Sơn; ngài Chơn Trung Đạo Chí
Diệu Quang (đời 40) khai sơn trùng kiến các chùa
như Bảo Lâm, Viên Giác, Khánh Vân, Kim Tiên
ngài Chơn Miên Đạo Long Trí Hưng (đời 40) khai
sơn chùa Từ Lâm, ngài Như Bình Giải An Huyền
Tịnh (đời 41) khai sơn chùa Từ Quang, v.v. Tất
cả đã tạo nên một hệ thống các chùa thuộc môn
phái Chúc Thánh có sự sinh hoạt rất chặt chẽ.
Căn cứ vào pháp
quyển của Tổ đình Từ Lâm - Quảng Ngãi thì ta
thấy sự truyền thừa như sau:
- Đời 34, húy
thượng Minh hạ Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo
Hòa thượng.
- Đời 35, húy
thượng Thiệt hạ Dinh, tự Chánh Hiển, hiệu Ân
Triêm Hòa thượng.
- Đời 36, húy
thượng Pháp hạ Liêm, tự Luật Oai, hiệu Minh Giác
Hòa thượng.
- Đời 37, húy
thượng Toàn hạ Chiếu, tự Trí Minh, hiệu Bảo Ấn
Hòa thượng.
- Đời 38, húy
thượng Chương hạ Khước, tự Tông Tuyên, hiệu Giác
Tánh Hòa thượng.
- Đời 39, húy
thượng Ấn hạ Lãnh, tự Tổ Tòng, hiệu Hoằng Thạc
Hòa thượng.
- Đời 40, húy
thượng Chơn hạ Miên, tự Đạo Long, hiệu Trí Hưng
Hòa thượng.
Căn cứ vào pháp
quyển này, ta có thể khẳng định thiền sư Toàn
Chiếu Trí Minh Bảo Ấn là đệ tử xuất gia hoặc là
đệ tử cầu pháp của Tổ Pháp Liêm Luật Oai Minh
Giác tại Tổ đình Phước Lâm - Hội An. Như vậy, sự
phát triển của dòng Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng
Ngãi cũng đều xuất phát từ Phước Lâm.
c. Tại Bình Định:
Bình Định, mảnh
đất giữa miền Trung nước Việt, nơi đây đã vinh
dự đón nhận những bước chân đầu tiên của vị Tổ
sư dòng Lâm Tế đến Đàng Trong hoằng hóa. Các vị
thiền sư đầu tiên của pháp phái Lâm Tế Chúc
Thánh đến đất Bình Định là ngài Thiệt Thuận
Chánh Mạng Huệ Trương khai sơn chùa Linh Sơn -
Phù Cát; Ngài Thiệt Đăng Chánh Trí Bửu Quang
khai sơn
chùa Sơn Long - Quy Nhơn.
Cả hai vị đều là đệ tử của Tổ sư Minh Hải, thuộc
đời 35 dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Tiếp đến, ngài
Pháp Tịnh Luật Phong Viên Quang, đời 36 Lâm Tế
Chúc Thánh (đệ tử Tổ Thiệt Dinh ở Phước Lâm-Hội
An) vào khai sơn chùa Thiên Hòa. Đời 37 có các
ngài Toàn Ý Vi Tri Phổ Huệ khai sơn
chùa Phổ Bảo;
Toàn Tín Vi Tâm Đức Thành khai sơn chùa Khánh
Lâm (cả hai vị là đệ tử Tổ Pháp Liêm tại Phước
Lâm - Hội An); ngài Toàn Thể Vi Lương Linh
Nguyên khai sơn chùa Long Tường (đệ tử Tổ Pháp
Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm chùa Từ Quang -
Phú Yên). Đời 38, các vị đệ tử Tổ Toàn Ý ra khai
sơn các chùa như: ngài Chương Nhẫn Tuyên Tâm Từ
Nhơn trụ trì
Tổ đình Phổ Bảo;
Chương Lý Hoằng Hóa khai sơn chùa Diêu Phong;
Chương Hiệp Tuyên Thủ Chánh Trì khai sơn chùa
Huỳnh Long; Chương Thiện Tuyên Giác Hoằng Đạo
khai sơn chùa Phổ Quang; Chương Hải Tuyên Thâm
Thanh Nguyên khai sơn chùa Thiên Trúc; Chương
Trí Tuyên Huệ Quảng Giác khai sơn chùa Hưng
Khánh, Chương Nghĩa Tuyên Đức Thanh Tuyền trụ
trì Tổ đình Sơn Long, v.v. Từ đó tạo nên một hệ
thống các chùa thuộc dòng Chúc Thánh có sự liên
hệ sinh hoạt chặt chẽ.
Như vậy, tại Bình
Định các thiền sư xuất thân từ Tổ đình Phước Lâm
đã đảm nhận trách nhiệm xiển dương tông môn Chúc
Thánh. Đặc biệt là Tổ Toàn Ý đã đào tạo được 7
vị đệ tử thượng túc ra khai sơn đảm nhiệm 7 ngôi
chùa và từ đây pháp phái truyền khắp lan tỏa đến
mãi ngày hôm nay.
d. Tại Phú Yên:
Vị Tổ đầu tiên
của dòng Chúc Thánh đến Phú Yên là thiền sư Pháp
Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm là đệ tử của Tổ
Ân Triêm tại Phước Lâm, thuộc đời 36 Lâm Tế, thế
hệ thứ 3 pháp phái Chúc Thánh. Sau một thời gian
hoằng hóa, Ngài khai sơn chùa Từ Quang - Đá
Trắng vào năm Đinh Tỵ (1797). Từ đó, chùa Từ
Quang trở thành Tổ đình của dòng Lâm Tế Chúc
Thánh tại Phú Yên.
Từ Tổ đình Từ
Quang, các đệ tử của ngài Pháp Chuyên khai sơn
các chùa trong tỉnh như sau: Ngài Toàn Đức Vi
Cần Thiệu Long khai sơn chùa Khánh Sơn; Ngài
Toàn Nghĩa Vi Hội Chơn Như khai sơn chùa Thượng
Tiên Thọ Vân; Ngài Toàn Nhật Vi Bảo Quang Đài
trụ trì chùa Viên Quang; Ngài Liễu Năng Đức Chất
khai sơn chùa Phước Sơn; Ngài Liễu Diệu Chánh
Quang khai sơn chùa Triều Tôn, v.v. Từ đó, dòng
Chúc Thánh có mặt tại Phú Yên, phát triển và
hưng thịnh. Các thế hệ sau như các ngài: Chương
Niệm Tôn Trực Quảng Giác, Chương Tánh Tôn Tiên
Quảng Nhuận, Chương Từ Quảng Niệm, Chương Như
Tôn Chí Từ Ý, Ấn Chánh Tổ Vũ Huệ Minh, Ấn Thiên
Tổ Hòa Huệ Nhãn, Ấn Như Tổ Nguyện Huệ Hương,
Chơn Tín Đạo Thành Pháp Hỷ, Chơn Chánh Đạo Tâm
Pháp Tạng, Chơn Thành Đạo Đạt Pháp Hỷ, Như Đắc
Giải Tường Thiền Phương, v.v. có công rất lớn
trong việc in khắc kinh điển truyền bá tông chỉ
của Tổ. Từ nơi đây, chư vị Tổ sư lần lần hoằng
truyền vào Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Các vị thiền sư Chơn Kim Pháp Lâm (đời 40) từ
Phú Yên ra trụ trì chùa Viên Thông - Huế: ngài
Chơn Tâm Đạo Tánh Pháp Thân ra khai sơn chùa
Phước Huệ - Huế đã góp phần phát triển môn phái
tại đất Thần Kinh. Các vị danh tăng cận đại như:
Bồ tát Thị Thủy Hạnh Pháp Quảng Đức, Hòa thượng
Thị An Hạnh Trụ Phước Bình, Hòa thượng Thị Chí
Hạnh Thiện Phước Hộ, v.v. đều thuộc môn phái
Chúc Thánh thuộc chi phái Phú Yên.
Như vậy, sự có
mặt và phát triển của môn phái Chúc Thánh tại
Phú Yên đều nhờ vào công lao giáo hóa của thiền
sư Diệu Nghiêm, là đệ tử Tổ Ân Triêm tại Phước
Lâm. Sự đa văn quảng bác của thiền sư Diệu
Nghiêm đã tạo một nền tảng căn bản cho tông môn
tại Phú Yên. Tổ đình Từ Quang là một đạo tràng
lớn quy tụ chư tăng các tỉnh Thừa Thiên, Quảng
Nam, Quảng Ngãi, Bình Định vào tham học. Đây
được coi như chiếc nôi đào tạo tăng tài cho các
tỉnh miền Trung vào những thế kỷ 18,19 và đầu
thế kỷ 20.
Trên đây là sơ
lược về sự phát triển của thiền phái Lâm Tế Chúc
Thánh tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình
Định, Phú Yên. Đây là bốn tỉnh chính mà dòng
Chúc Thánh được truyền bá rộng rãi và lâu đời
nhất. Qua đó, chúng ta thấy được vai trò của các
thiền sư xuất thân từ Phước Lâm đã đóng góp rất
lớn trong sự hình thành và phát triển của môn
phái Lâm Tế Chúc Thánh.
Tóm lại, thiền
phái Lâm Tế Chúc Thánh được khơi nguồn từ Tổ
đình Chúc Thánh nhưng Tổ đình Phước Lâm đóng một
vai trò chủ chốt trong sự phát triển của môn
phái. Vì thế, các bậc tôn túc thường nói: “Chúc
Thánh là chiếc nôi khai sinh, còn Phước Lâm là
trung tâm truyền bá của môn phái”.
Qua sự tìm hiểu
này, chúng ta càng khẳng định tầm quan trọng của
ngôi Tổ đình thứ hai này của dòng Chúc Thánh.
Mong rằng là con cháu của Tổ, mỗi chúng ta cùng
một tâm nguyện trùng hưng lại chốn Tổ để chánh
pháp xương minh, tông môn hưng thạnh.
THÍCH NHƯ TỊNH
Thiền phái Chúc
Thánh Minh Hải - Thích Giải Nghiêm



|