Trách Nhiệm Của Cha Mẹ
Trong Việc Nuôi Dưỡng Con Cái
Nguyên tác:
K. Sri Dhammananda
Việt dịch:
Thích Tâm Quang
Làm cha mẹ không giống như làm bất kỳ công việc
thông thường nào. Công việc này không có giờ
giấc, không bao giờ chấm dứt và không bao giờ đủ
thì giờ để làm mọi thứ.
Dù
cho con của bạn bao nhiêu tuổi, mới sinh hay
chập chững biết đi, không bao giờ quá muộn để
đặt đứa con lên trên hết và thích thú được làm
mẹ hay cha.
Nhiều
bậc cha mẹ nghĩ rằng chỉ mình mới biết rõ điều
gì tốt nhất cho con cái nên đặt nhiều kỳ vọng
vào chúng. Họ bắt con cái vào các lớp học tư cả
đến khi chúng không thể theo nổi các lớp ấy.
Đồng thời họ bắt các con theo học các vũ điệu cổ
điển (cho con gái), tài quan đô (cho con trai),
lớp học nhạc, những lớp điện toán,v.v. Hơn thế
nữa họ buộc các con phải được điểm cao nhất “A”
trong các kỳ thi và phải đạt hạng ưu trong mọi
môn học khác. Trong cuộc chạy đua này, họ biến
các con họ thành các đồ trưng bày mà họ là sở
hữu chủ để được hãnh diện với bè bạn và thân
quyến, để khoe khoang với các người khác.
Trong
những ngày đẹp đẽ của tuổi hoa niên thời xưa,
một em nhỏ hay một thiếu niên không bao giờ tinh
thần phải bị căng thẳng vì quá nhiều mong ước mà
em phải chu toàn. Nhưng những trẻ em ngày nay,
nhất là tại các thành thị, có quá nhiều việc
phải làm, phải tranh đua, như vậy các em đã bị
tước đi tuổi thơ của một đứa trẻ bình thường.
Nhiều người không nhận thức được rằng là cha mẹ,
họ có một số quyền và cũng có một số trách nhiệm.
Con cái cũng có quyền và trách nhiệm. Cái mà
ngày nay chúng ta có là những người muốn trở
thành các bậc siêu cha mẹ, nhưng trong nhiều
trường hợp con cái đâu có thể thành siêu được.
Cho nên cha mẹ phải nên thực tế và biết điều.
Cha mẹ không nên đặt các mục tiêu mà họ biết rõ
con cái họ không thể hoàn thành, như vậy sẽ
tránh được sự căng thẳng không cần thiết và thất
vọng trong gia đình. Xây dựng một gia đình hạnh
phúc là một tiến trình không ngưng nghỉ.
Vậy
nên cha mẹ không những phải nhận thức hoàn toàn
vai trò, trách nhiệm của mình, mà còn phải áp
dụng kỹ thuật hiện đại làm cha mẹ cho thích hợp.
Hãy nhớ câu nói của nhà Triết học Đạo Lão, Trang
Tử: "Nếu bạn có 6 ngón tay, chớ nên cố gắng
làm thành 5 ngón, nếu bạn có 5 ngón, chớ cố gắng
làm thành 6 ngón. Không nên làm trái luật thiên
nhiên".
Là
cha mẹ bạn chịu trách nhiệm luôn lo lắng đến
hạnh phúc và nuôi dưỡng con cái. Nếu đứa trẻ lớn
lên khỏe mạnh, cường tráng và là người công dân
hữu dụng, đó là kết quả nỗ lực của bạn. Nếu đứa
trẻ lớn lên hư hỏng, chính cha mẹ là người chịu
trách nhiệm. Đừng đổ lỗi cho người khác. Bổn
phận của cha mẹ là phải hướng dẫn con cái vào
con đường ngay thẳng. Mặc dù có một số ít trường
hợp hầu như không sửa chữa được cho những trẻ
con phạm pháp, tuy nhiên là cha mẹ, bạn vẫn
trách nhiệm tinh thần về tư cách đạo đức của con
cái.
Về sự
giúp đỡ và kiểm soát con cái, cha mẹ phải điều
chỉnh khi chúng lớn khôn. Mục tiêu tối hậu làm
cha mẹ là trở thành người bạn con mình và tùy
theo khả năng chấp nhận trách nhiệm. Một lỗi lầm
của một số cha mẹ là muốn thành người bạn của
con mình lúc nó mới có 6 tuổi. Chúng ta hết sức
cẩn thận về cái mà chúng ta định nghĩa là bạn.
Chúng ta hiểu bạn đây không có nghĩa là chúng ta
đối xử với con cái ngang hàng trong tuổi tác mà
là phải có tình thương, tin cậy và kính trọng. Ở
tuổi nhỏ, đứa con cần cha mẹ chứ không phải
người bạn. Trong lúc xây dựng mối quan hệ tình
cảm và hỗ trợ cho con cái, cha mẹ cũng giúp
chúng phát triển tinh thần. Trên hết bạn phải có
thì giờ dành cho con cái. Có thì giờ để trả lời
các câu hỏi của chúng, giúp đỡ chúng hiểu sự kỳ
diệu của đời sống. Bạn đừng quên là bạn dập tắt
óc sáng tạo của đứa con khi bạn không trả lời
những câu hỏi nó nêu lên. Khi đứa trẻ đặt câu
hỏi lẽ dĩ nhiên nó muốn chia sẻ, cho nên sự thử
thách lớn nhất mà bạn phải đương đầu là phải sẵn
sàng trả lời ngay với tình thương yêu, mọi thứ
mà bạn làm nên phù hợp với bản tính tò mò tự
nhiên của đứa trẻ.
Tự
động tham gia cũng quan trọng khi để con cái
tham gia vào mọi việc, những khoa học gia vĩ đại
thành công cũng là do tinh thần tự ý phục vụ của
họ. Nếu cha mẹ không biết câu trả lời, cha mẹ
phải tìm cách giải quyết cho chúng thay vì bỏ
qua hay nói rằng vì bận quá, hoặc cho là không
quan trọng để làm chúng im đi, hạn chế tính tò
mò của chúng. Bạn sẽ cảm thấy tội lỗi khi trả
lời con cái khi chúng còn đang trong tuổi non
nớt tọc mạch nhất của chúng bằng câu: "Đừng
hỏi quá nhiều". Là những ông bố bà mẹ ân cần
và có trách nhiệm, thực ra bạn phải trả lời ngay
câu hỏi do bản tính tò mò tự nhiên của con cái.
Đường
lối khoa học để giải quyết vấn đề là nhìn vào
câu hỏi phải trả lời, tìm tất cả các dữ kiện có
được, sắp xếp lời giải đáp ở mức độ dễ hiểu. Như
vậy, tính tò mò của chúng được thỏa mãn, câu trả
lời sẽ giúp cho đứa trẻ học hỏi, nghĩ và hành
động một cách khoa học cũng như giúp cho nó có
óc sáng tạo có thể sử dụng sau này khi trưởng
thành.
Chẳng
hạn khi bạn cho con đồ chơi, bạn nên cho nó với
một tình thương yêu dịu dàng và vui vẻ. Trái lại
có một số cha mẹ khi đưa đồ chơi cho con thì lại
quát tháo: “Đừng mở như thế này? Đừng làm
hỏng đồ chơi, đồ chơi đó đắt lắm đấy. Con có
biết con may mắn đến dường nào có được đồ chơi
như thế này?” Thì đã sao nếu nó làm hư cái
đồ chơi đó? Nếu bạn có thể mua cho con đồ chơi,
cũng hợp lý nó nghĩ là nó có thể làm hư đồ chơi
đó.
Thay
vì như trên, bạn cũng là một phần trong sự khám
phá bạn nên nói với nó "Lại đây con thân yêu,
chúng ta cùng mở ra xem coi" và nên sử dụng
các yếu tố vui vẻ thay vì yếu tố tiêu cực. Hãy
cho con món quà với niềm vui và tình thương yêu.
Việc này có thể làm được nếu tinh thần bạn không
căng thẳng và dù tự thấy không vui. Bạn phải vui
vẻ vì chỉ trong trạng thái hạnh phúc ta mới cảm
thấy thoải mái và khoan dung.
Cha
mẹ đôi khi bị quy trách nhiệm vì con cái có
những thói quen tiêu cực, bị tiêm nhiễm một cách
vô ý thức trong xã hội. Chẳng hạn, như khi cha
mẹ bảo con trả lời điện thoại nói là không có
nhà nhưng thực ra mình có nhà (hành động coi như
không tội lỗi) nhưng vô tình trồng hạt giống nói
dối đầu tiên vào đầu óc non nớt của đứa trẻ.
Việc làm này ảnh hưởng đến môi trường giáo dục
không có lợi cho việc học hỏi giá trị nhân bản,
mà đứa trẻ, có thể trong tương lai, trở thành
yếu tố phá hoại hòa bình, hạnh phúc, phúc lợi
của gia đình và xã hội, và nhất là phá hoại
chính nó.
Nhiều
bậc cha mẹ và người già ngày nay chịu trách
nhiệm về việc trồng các hạt giống nói dối vào
con trẻ bằng nhiều con đường khác nhau. Họ
khuyến khích dối trá trực tiếp, hành động hoặc
nói năng dối trá, dẫn đến sự phát triển những
tính xấu của con người làm suy thoái giá trị
nhân bản. Số phận của con cái tùy thuộc vào bậc
cha mẹ, các bậc trưởng thượng phát triển một
thái độ đứng đắn trong đạo đức nuôi dưỡng sự
thật và cuộc sống chân thật.
Con
trẻ lặp lại tiếng nói của cha mẹ. Để tránh việc
sử dụng những lời cộc cằn và thô lỗ, các bậc cha
mẹ hữu trách nên dùng những câu nói vui vẻ vì
con trẻ thường có khuynh hướng bắt chước cha mẹ.
Đứa
trẻ trong tuổi ngây thơ dễ bị ảnh hưởng cần có
tình thương, chăm sóc, trìu mến, và sự quan tâm
của cha mẹ. Thiếu tình thương yêu và sự hướng
dẫn của cha mẹ, đứa trẻ sẽ bị tổn thương tình
cảm và nó sẽ thấy thế giới là một nơi khó sống.
Mặt khác cho con cái tình thương yêu không có
nghĩa là thõa mãn cho nó tất cả những gì nó đời
hỏi hợp lý hay không hợp lý. Quá nuông chiều con
cái sẽ làm chúng hư hỏng. Người mẹ dành cho con
cái tình thương và chăm sóc cũng phải nghiêm
khắc và cứng rắn nhưng không cay nghiệt trong
lúc chúng trong độ tuổi hình thành nhân cách. Tỏ
tình thương trong kỷ luật - đứa trẻ rồi ra sẽ
hiểu được.
Cha
mẹ nên dành nhiều thì giờ cho con cái, nhất là
trong lúc chúng mới lớn. Cha mẹ nên ý thức cho
con cái món quà tình thương của mình chứ không
phải món quà vật chất. Món quà tinh thần này bao
gồm bồi đắp lòng tự trọng cho con cái, cố gắng
tạo ra không khí chuyện trò cha mẹ - con cái
tích cực, tình thương yêu vô điều kiện và loại
bỏ những khía cạnh cản trở sự phát triển tâm lý
của đứa trẻ. Đó là những món quà thiết thực và
có nghĩa lý sâu xa. Bậc cha mẹ hiểu biết đó là
món quá lớn nhất mà đứa con có thể nhận được và
cha mẹ có thể cho được.
Bất
hạnh thay, trong số các bậc cha mẹ ngày nay,
tình thương yêu con cái thiếu thốn một cách thảm
hại. Đổ xô vào sự tiến lên về vật chất, và phong
trào đòi hỏi nam nữ bình quyền đưa đến kết quả
là nhiều bà mẹ đã theo chồng làm việc tại các
văn phòng và cửa hàng thay vì ở nhà để trông nom
con cái. Những đứa con được giao cho thân quyến,
trung tâm giữ trẻ hay những người làm, bị ngỡ
ngàng vì thiếu tình thương yêu và chăm sóc của
người mẹ.
Cung
cấp cho con trẻ những loại đồ chơi tối tân hiện
đại (là một hình thức để an ủi bù đắp) như xe
tăng, súng máy, súng lục, thanh kiếm, rất tai
hại đến việc huân tập tính nết đứa trẻ về mặt
tâm lý. Cho con cái những đồ chơi trên đây không
thể thay thế được tình thương yêu và trìu mến
của người mẹ. Kết quả những đứa trẻ vô tình được
dạy thích gây hấn và phá hoại thay vì được dạy
dỗ là phải tử tế, từ bi và hảo tâm. Những đứa
trẻ như vậy sẽ phát triển khuynh hướng tàn bạo
khi chúng lớn. Không có tình thương và hướng dẫn
của cha mẹ, thì không có gì ngạc nhiên gì thấy
khi lớn nó trở thành kẻ phạm pháp. Rồi ta trách
cứ ai đây đã nuôi dưỡng những đứa con bướng bỉnh
như vậy? Cha mẹ chứ còn ai nữa!
Người
mẹ đi làm, nhất là sau một ngày việc cực nhọc
trong sở, tiếp đến những công việc lặt vặt trong
nhà, khó có thì giờ dành cho con cái để làm bổn
phận thương yêu và chăm sóc chúng. Những cha mẹ
không có thì giờ cho con cái bây giờ chẳng nên
phàn nàn gì sau này những đứa con lớn lên không
có thì giờ cho mình. Những cha mẹ nói rằng mình
đã tiêu rất nhiều tiền cho con cái nhưng lại quá
bận cũng chẳng nên phàn nàn gì sau này khi chúng
lớn cũng quá bận nên phải để cha mẹ vào những
nhà Dưỡng Lão!
Hầu
hết các phụ nữ đi làm việc ngày nay để gia đình
có thể vui hưởng nhiều lợi lạc vật chất. Những
phụ nữ này nên nhớ lời khuyên của Thánh Gandhi
là con người tìm cách thoát khỏi tham lam hơn là
nhu cầu. Đương nhiên vì nền kinh tế ngày nay,
chúng ta không thể chối cãi là một số phụ nữ cần
phải đi làm. Trong trường hợp này, cha và mẹ
phải hy sinh thêm nhiều thời gian để bù đắp vào
điều mà đứa trẻ thiếu thốn khi họ vắng nhà. Nếu
cha và mẹ dành thì giờ không phải đi làm cho con
cái, cha mẹ và con cái sẽ hòa thuận và hiểu nhau
nhiều hơn. Chúng ta gọi thì giờ này là "thì giờ
quý báu" cho gia đình.
Con
cái để cho các thân nhân, trung tâm giữ trẻ hay
những người làm được trả tiền công chăm sóc hoặc
đứa trẻ bị khóa trong nhà tự do nghịch ngợm,
thường thiếu tình thương và chăm sóc của người
mẹ. Người mẹ, cảm thấy có tội vì thiếu săn sóc,
cố gắng xoa dịu đứa trẻ bằng cách thỏa mãn cho
nó tất cả những gì chúng đòi hỏi. Hành động như
vậy chỉ làm hư đứa trẻ mà thôi.
Hầu
hết con người đem hết năng lực và sức sáng tạo
của mình vào công việc cho nên năng lực dành cho
gia đình chẳng qua chỉ là chút ít dư thừa còn
lại. Đây là chỗ mà họ lập luận về thì giờ quý
báu dành cho gia đình của những người cha mẹ tội
lỗi muốn bào chữa về thời giờ dành cho con cái.
Một trong những sai lầm về quan niệm thời gian
quý báu dành cho con cái nằm trong thực tế là
nhu cầu của đứa trẻ và lúc rảnh việc của cha mẹ
thường không trùng nhau. Khi con cái cần đến cha
mẹ thì cha mẹ lại không có mặt.
Cha
mẹ thường bị đặt vào tình trạng khó xử. Vội vàng
về nhà sau một ngày mệt lử vẫn có những công
việc lặt vặt trong nhà phải làm. Xong công việc
hàng ngày là đến bữa cơm chiều, sau đó là truyền
hình thì còn đâu đủ thì giờ để làm bổn phận
thương yêu và chăm sóc con cái. Quan trọng hơn
nữa là cha mẹ không có mặt để truyền đạt cho con
cái các giá trị văn hóa, xã hội và tôn giáo lúc
đứa trẻ ở vào tuổi tốt nhất để lãnh hội. Việc
này không thể làm được trong thời gian quý báu
dành cho con cái!
Một
số cha mẹ còn mang công việc của sở về nhà làm,
thậm chí mang cả áp lực và căng thẳng từ sở làm
về. Kết quả, họ không còn giữ được bình tĩnh với
con cái.
Là vợ
chồng họ không có đủ thì giờ cho nhau và đó là
nguyên nhân đã đưa đến sự tan vỡ gia đình. Cần ý
thức rằng mối giây liên lạc chặt chẽ trong gia
đình có thể đóng góp vào việc làm đứa trẻ phát
triển tốt.
Có
thể nói sự khác biệt nam nữ ảnh hưởng đến mối
quan hệ cha mẹ - con cái. Người ta nói mẹ và con
gái lớn thường chuyện trò với nhau nhiều cả đến
khi đứa con gái đã lấy chồng và không còn ở cùng
nhà. Mặt khác, mối quan hệ cha - con trai trưởng
thành lại không như vậy. Cha và con trai lớn chỉ
nói chuyện khi thật cần thiết và thường chỉ nói
về các vấn đề không mấy quan trọng. Sự trao đổi
với nhau chỉ là câu hỏi và trả lời như trong một
buổi họp.
Có lẽ
người cha nghĩ rằng đứa con nay đã lớn và nó
phải biết vai trò và nhiệm vụ của nó tại nhà,
đối với cha mẹ và xã hội. Nhưng đối với người mẹ
lại khác hẳn - đứa con gái bao giờ cũng là "con
gái bé bỏng của tôi". Dù sao đi nữa cha mẹ đóng
một vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng con
cái và làm tốt điều đó nếu họ muốn làm giảm
thiểu những tội lỗi đang gây tai hại cho xã hội
của chúng ta ngày nay. Những tiêu chuẩn đạo đức
không thể dạy bằng các lời nói mà bằng hành động.
Bậc
cha mẹ phải tự mình làm gương. Thái độ cũ của
bậc cha mẹ là "hãy làm những gì cha mẹ bảo mình
làm chứ không phải những gì cha mẹ làm" không
còn đứng vững nữa. Tính nết tốt phải chính nơi
cha mẹ. Nếu chúng ta muốn con cái chúng ta có
tiêu chuẩn đạo đức thích hợp, chúng ta phải bắt
đầu ngay tại gia đình. Nếu có điều gì không phải
giữa con trai và người cha, thì người cha phải
tự mình bắt đầu tìm câu giải đáp.
Cha
lẫn mẹ cần phải hy sinh. Cha mẹ nên dành đủ thì
giờ và cố gắng làm cho mọi người trong gia đình
tham gia vào tất cả các hoạt động trong việc xây
dựng gia đình và định hướng các hoạt động.
Điều
thiết yếu là phải sắp xếp cho đúng các việc ưu
tiên phải làm chẳng hạn như ưu tiên hướng về gia
đình và hôn nhân, tạo mối tương quan gia đình
khăng khít cho một môi trường hòa hợp.
Thích Tâm Quang
dịch
|