TIỂU SỬ

HÒA THƯỢNG THÍCH HUYỀN ẤN

TRÚ TRÌ SẮC TỨ TỔ ĐÌNH BÍCH LIÊN

Thích Nguyên Khai

 

Hòa Thượng Thích Huyền Ấn thế danh Nguyễn Đức Nhuận, húy Như Định, tự Giải Phát, hiệu Huyền Ấn. Đời thứ Bốn mươi mốt thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. 

Ngài sinh vào ngày 19 tháng 2 năm Tân Dậu (1921) tại thôn Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là ông cụ nho Nguyễn Tiểu Đào và bà Phan Thị Chi, vốn dòng danh gia vọng tộc. Ngài là con thứ trong một gia đình gồm bốn anh em. Trong số ba anh em trai chỉ có Ngài là người khác thường, lúc còn ấu thơ Ngài là một cậu bé kháu khỉnh và vô cùng lanh lợi nhưng tánh tình lại trầm tĩnh, ít nói, thích tìm vui riêng, thường bẻ cây rạch đất, vẽ hoa văn, xếp đá thành tháp…

Vốn sanh trưởng trong một gia đình nho phong nề nếp, có truyền thống tôn sùng Phật giáo. Ngài đã sớm cảm nhận cảnh thế phù hoa, cuộc đời vô thường giả tạm. Ngày 12 tháng 7 năm 1932, Ngài phát tâm xuất gia, thọ giáo với Tổ Chơn Giám, chánh chủ bút Từ Bi Âm là Tổ khai sơn Tổ Đình Bích Liên. Trong khoảng thời gian tu học tại Tổ Đình Bích Liên Ngài là người thông minh xuất chúng, cụ thể như mỗi khi Hòa Thượng đi vắng Ngài thường đem sự hiểu biết của mình truyền lại cho anh em đồng học. Đồng thời đối với anh em cùng tu Ngài sống rất mực hòa thuận.

Ngày 15 tháng 4 năm Canh Thìn (1940) khi tuổi vừa tròn 20, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho đi thọ Tam đàn cụ túc giới tại Trường kỳ Vĩnh Gia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong kỳ giới đàn này Ngài và Ngài Huyền Quang chiếm ngôi thủ, vĩ trong số hơn 400 giới tử. Với thành tích xuất sắc ấy Ngài và Ngài Huyền Quang đã mang lại cho Tổ Đình Bích Liên một vinh dự khá lớn. Ngoài việc thọ giáo với các bậc minh sư như: Hòa Thượng Bổn sư, Hòa Thượng Minh Tịnh, Hòa Thượng Liên Tôn, Hòa Thượng Bạch Sa, Hòa Thượng Giác Phong… may mắn hơn nữa Ngài còn được các bậc uyên bác nho học tận tình chỉ giáo như: Thầy nghè Thanh Mai, quan cử Cự Đông Lâm, thầy Hương lễ Khiết, cho nên trình độ kinh, luật, luận cũng như nho văn của Ngài rất uyên thâm.

 

chân dung HT Thích Huyền Ấn

 

          Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng phong trào này, năm 1947 Ban trị sự Phật Giáo tỉnh Bình Định đã bầu Ngài làm Tuần chúng huyện An Nhơn. Trên bước đường công tác Giáo Hội, Ngài đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên với đạo lực kiên cố và khả năng vững vàng nên Ngài đã vượt qua mọi chướng ngại. Đồng thời trong giai đoạn này Ngài có duyên lành gặp được một người Trung Hoa tên là Giang Bảo Hiếu truyền thụ cho môn y học cổ truyền của Thiếu Lâm như: Trật đả cốt khoa, Trật đả toàn khoa, Nghiệm phương tân biên, Điểm huyệt bí quyết và nhiều sách y học vô cùng quý báu. Nhờ trí thông minh kết hợp với vốn liếng Nho học sẵn có cùng sự siêng năng nên không bao lâu Ngài đã trở thành một lương y xuất sắc chữa về môn trật đả.

Hơn 40 năm trên bước đường hành đạo, Ngài đã thực hiện công hạnh Y Phương Minh để thể nhập vào đời. Ngài đã cứu chữa không biết bao nhiêu người bị tai nạn tưởng chừng như trở thành phế nhân đều được trở lại bình thường. Đơn cử như Hòa thượng Giác Ngộ bị tại nạn đổ xe, anh Thích ở Gò Găng, Hòa Thượng Thiện Nhơn, thầy Như Bửu và còn nhiều người khác nữa. Nổi bật nhất là năm 1963 Ngài đã vào tận Đô thành Sài Gòn để cứu chữa cho một số đồng bào phật tử bị đàn áp trong thời kỳ pháp nạn. Ngoài việc cứu chữa bệnh tật cho mọi người Ngài còn gia tâm dịch giải nhiều sách y học bí truyền từ Hán sang Việt văn. Tài năng chữa bệnh của Ngài vang dội nhiều nơi bằng trực tiếp và gián tiếp, Ngài đã được Hội y học cổ truyền Việt Nam nhiệt liệt khen ngợi.

Với sự nghiệp hoằng dương giáo pháp, Ngài đã có những đóng góp cho Giáo hội và đạo pháp như: Năm 25 tuổi (1946) đảm nhiệm trú trì Sắc tứ Tổ Đình Linh Sơn (Phù Cát), năm 1956 lãnh chức Thủ tọa Tổ Đình Bích Liên, cũng trong năm này thừa lệnh Hòa Thượng Bổn sư Ngài làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng chùa Đại Quang và chùa Đại Giác. Năm 1959, Ngài tái thiết ngôi Tổ Đình Bích Liên. Năm 1960 Ngài làm lễ đặt đá tái thiết chùa Bảo Liên, chùa Linh Xuân, chùa Hương Quang đồng thời Ngài cũng đã thực hiện nhiều công đức như tạo tượng, đúc chuông.

Với trình độ uyên thâm kinh điển, với tài nghệ y học hiến có ấy, Ngài đã được các bậc trưởng lão mời phụ trách giảng dạy nhiều nơi nhưng Ngài chỉ nhận dạy một vài chỗ trong tỉnh như Tổ đình Thập Tháp, Tu viện Nguyên Thiều, chùa Bình An và chùa Tâm Ấn. Trong năm 1969, Ngài Huyền Quang nhân danh Tổng thư ký Viện Hoá Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã hai lần  triệu Ngài vào Sài Gòn để cộng tác trong công tác phật sự nhưng Ngài xin từ khước.

Với tấm lòng bao dung độ lượng vị tha Ngài luôn thổn thức về tiền đồ, về tương lai thế hệ, Ngài đã không quản tuổi già sức yếu đem sở học uyên thâm và những kinh nghiệm quý báu dạy lại cho một số Tăng ni trẻ. Trong số những Tăng ni trẻ này đã và đang nối gót Ngài trên đường hành đạo độ sinh, nhằm góp phần xây dựng cuộc đời ngày càng tươi đẹp.

Theo định luật vô thường, Ngài an nhiên viên tịch vào lúc 17 giờ ngày 26 tháng 10 năm Mậu Thìn (1988) tại Tổ đình Minh Tịnh, thành phố Quy Nhơn, thế thọ 68 tuổi, 49 hạ lạp.

Ngài là một trong những vị cao tăng của Phật giáo Bình Định được tăng ni và tín đồ trọng vọng. Sự ra đi của Ngài để lại cho tăng ni và phật tử niềm tiếc thương vô hạn. Ngài là tấm gương sáng cho mai hậu.

 

Pháp tử Thích Nguyên Khai cung soạn

===================

 

Bộ ảnh một vài ngôi chùa ở Bình Định

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008