LƯỢC SỬ

SẮC TỨ THẮNG QUANG THIỀN TỰ

THÍCH THÔNG ĐẠT

 

 

Tổ Đình Thắng Quang toạ lạc tại Núi Cây Xay, ấp Hy Tường, xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn. Nay là thôn Hy Tường, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Do Tổ Minh Giác - Kỳ Phương khai sơn và đặt tên từ thảo am do Tổ sư khuyết danh khai sáng, tên phổ thông tại địa phương mọi người đều biết là chùa Cây Xay.

 

Phật điện Chùa Thắng Quang

 

Cây Xay là tên địa phương của một ngọn núi thấp cò hình dáng tựa đầu rồng, ngày xưa núi này có nhiều cây xay, thuộc dãy Kim Bồng–Tân Thạch là một nhánh của Trường Sơn Đông đâm ra biển làm ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi với đèo Bến Đá (Bình Đê) có con đường xuyên Việt xe cộ lưu thông suốt đêm ngày.

Thạch Tân có đèo Bình Đê,

Có núi Đầu Rồng mặt ngoảnh vào Nam…

Núi Đầu rồng  được người dân địa phương truyền tụng là linh địa, nơi đây có mạch nước từ lòng núi chảy ra quanh năm không lúc nào khô cạn, núi này cao chừng hơn 100m được cấu tạo bởi đá gan gà và đất gan gà khá tốt cho trồng trọt nên cảnh trí xanh tươi cả bốn mùa đồng thời có mẹ con cọp trắng (bạch hổ) sinh sống. Ngày xưa, trước mặt chùa có một hồ nước có tên là Long Thiệt (Hồ Lưỡi Rồng) do nhiều mạch nước từ lòng núi đổ vào tạo thành hồ, nay hồ không còn, chỉ còn lại  mạch nước chảy trước  chùa.

Chuyện xưa kể rằng: Khoảng nhà Hậu Lê đời Vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chánh Hoà (1692) thuộc thời Chúa Nguyễn Phúc Chu có một nhà sư đã lên núi Cây Xay và  ở lại trong hang đá tu hành, hàng phục bạch hổ, cứu giúp nhân dân nên được dân chúng trọng vọng. Nhân dân địa phương cùng nhau lập thảo am để nhà sư có nơi tu tập và cứu nhân độ thế.

Sau một thời gian khoảng hơn 20 năm, khi mẹ con bạch hổ đã chết, nhà sư cũng ra đi và không để lại dấu tích gì ngoài lời huyền ký:  “Nơi này là linh địa, vì tâm nguyện độ chúng sanh bần đạo đến nơi này, nay công hạnh vừa tạm  xong, bần đạo lại trở về núi cũ, sau này sẽ có một vị Cao Tăng đến hoằng hoá ở đây thì nơi này sẽ trở thành một Tòng Lâm quy củ, bần đạo khuyên  mọi người phải chăm lo tu tập gieo nhân lành, tô bồi phước đức chờ ngày đó…”.  Đó là những gì còn lưu lại cho đến ngày nay về truyền thuyết của vị Tổ khai sáng Thắng Quang Cổ Tự.

Từ truyền thuyết trên nên vị Tổ sư ẩn danh được  suy tôn là Tổ khai sáng Tổ Đình Thắng Quang.

Liên hệ với những ngôi cổ tự được hình thành trong khoảng thời gian này như: Chùa Linh Phong (chùa Ông Núi) ở Phù Cát, do thiền sư Tịnh Giác khai sáng 1702. Ngài dựng một thảo am bằng cỏ tranh, sống một mình trên núi, thỉnh thoảng mới xuống thôn xóm chữa bệnh cho dân làng. Thấy ông dùng vỏ cây làm áo quần, dân trong vùng gọi ông là Mộc Y Sơn Ông. Năm 1733, chúa Nguyễn Phước Trú lệnh cho quan địa phương dựng chùa lại bằng ngói, đổi tên là Linh Phong Thiền Tự. Chùa Thiên Ấn ở Quảng Ngãi do Thiền sư Pháp Hóa khai sơn năm 1694 với truyền thuyết về giếng nước của chùa:

Ông thầy đào giếng trên non,

Đến khi có nước không còn tăm hơi…

Từ những liên hệ trên chúng ta nhận thấy trong giai đoạn này non sông đang trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, dân tình vô cùng cực khổ, lầm than, thiên hạ muôn dân luôn hướng về một cuộc sống yên bình với lòng khát khao mong đợi. Hơn ai hết chư vị Tổ đức là người được thấm nhuần giáo lý từ bi, trí tuệ, tuỳ duyên bất biến của Đức Phật các Ngài đã phương tiện “An tâm” mọi người bằng những hình ảnh vô cùng gần gũi, thiết thực và bàng bạc trong thiên hạ và đương nhiên những hình ảnh đó được quần chúng chấp nhận như một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của mình.

 

Tôn tượng Đức Phật Thích Ca tại Chùa Thắng Quang

 

Với quá trình tồn tại và phát triển  gần 300 năm, Tổ Đình Thắng Quang có nhiều tự điền, tự khí… Tuy nhiên, Tổ Đình Thắng Quang lại ở vào một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn bởi các cuộc giao tranh của nhiều giai đoạn ác liệt của tỉnh Bình Định nên tự khí bị thất thoát khá nhiều cộng với nhu cầu trùng tu tái thiết chùa nên ruộng đất của chùa đã được phát mãi để lấy tiền xây dựng chùa cũng như những thay đổi của thời cuộc, do vậy ruộng đất của nhà chùa còn lại không nhiều. Hiện tại pháp khí của chùa chỉ còn tượng Đức Bổn Sư bằng đồng, tượng ngài A Nan, Ca Diếp bằng gỗ, Đại Hồng Chung, chuông gia trì, mõ, liễn, long vị… và một số ít pháp khí khác.

        Trong vườn chùa hiện có tháp vọng Tổ Khai sáng, tháp Tổ Hoằng Hoá, tháp Tổ Bảo Tạng, v.v. Hang Bạch hổ bị bom đạn làm hư sập hoàn toàn, hồ Long Thiệt bị san  lấp trong quá trình trùng tu tái thiết chùa.

Tổ Đình Thắng Quang  được Tổ Kỳ Phương khai sơn và truyền thừa 3 đời theo Pháp kệ của Tổ Vạn Phong: “Tổ đạo giới định tông, Phương quảng chứng viên thông, Hạnh siêu minh thiệt tế, Liễu đạt ngộ chơn không…” Đến đời Tổ Bảo Tạng lại được truyền thừa theo Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh của Tổ Minh Hải, với pháp kệ: “Minh thiệt pháp toàn chương, Ấn chơn như thị đồng, Vạn hữu duy nhất thể, Quán liễu tâm cảnh không…

 

TỔ KHAI SÁNG 1

Như đã được nêu ở trên, Lão thiền sư ẩn danh đến núi cây xay lập thảo am tu trì vào khoảng nhà Hậu Lê đời Vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chánh Hoà (1692)  sau đó Ngài ẩn cư nơi nào không rõ, do vậy được suy tôn là Tổ khai sáng Tổ đình Thắng Quang. Ngài tịch năm nào và ở đâu chưa tìm được, hiện tháp vọng ngài được tôn trí phía tây chùa.

 

 

Tháp vọng Tổ Khai Sơn Tổ Đình Thắng Quang

 

TỔ KHAI SƠN 2 - Ngài MINH GIÁC - KỲ PHƯƠNG (1717-1744)

Thắng Quang tự được Tổ Minh Giác - Kỳ Phương khai sơn đặt tên năm Đinh Dậu (1717) được Chư sơn của hai phủ Hoài Nhơn và Tư Nghĩa chứng minh. Ngài thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 34. Sau khi công việc tại chùa Thắng Quang được ổn định, Ngài giao phó cho đệ tử là Thiệt Tâm -Thiện Trực ở lại quản lý còn Ngài trở về chùa Thập Tháp.

Tổ Kỳ Phương viên tịch ngày 16 tháng 3 Âm lịch (1744) tại chùa Thập Tháp Di Đà. Tháp của Ngài hiện nay ở chùa Thập Tháp Di Đà,  ở chùa Thắng Quang chỉ có Long vị thờ Ngài.

 

KẾ THỪA  TRÚ TRÌ 3 - Ngài THIỆT TÂM-THIỆN TRỰC (1744 – 1759)

Ngài thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 35. Ngài sinh năm 1694 tịch năm 1759 là đệ tử tổ Minh Giác-Kỳ Phương được Tổ giao phó quản lý chùa Thắng Quang thay thầy khi thầy về Thập Tháp. Sau khi thầy viên tịch thì ngài  chính thức giữ chức trú trì. Thời gian Ngài giữ chức trú trì và quản lý chùa là 42 năm. Trong thời gian Ngài trú trì từ một ngôi chùa đơn sơ dần dần trở thành một Tùng lâm quy củ, tăng chúng đông đảo, cơ sở được mở rộng, tượng Đức Bổn Sư  bằng đồng  cũng được xem là tôn tạo trong thời Ngài trú trì.

Năm 1759 cơ duyên hoá đạo tròn đầy, Ngài giao lại cho đệ tử là Tế Hội-Thiền Tôn rồi thu thần thị tịch vào ngày 24 tháng 4 tại chùa Thắng Quang, tháp của Ngài hiện ở đâu đến nay chưa tìm thấy.

                  

KẾ THỪA TRÚ TRÌ 4 - Ngài TẾ HỘI-THIỀN TÔN (1759 - ?)

Hoà Thượng Tế Hội-Thiền Tôn thuộc đời pháp thứ 36 dòng Lâm Tế là đệ tử của Ngài Thiện Trực thay thế Hòa Thượng bổn sư kế vị trú trì chùa Thắng Quang năm 1759 sau khi Bổn Sư viên tịch.

Thế danh và quê quán của Hoà thượng ở đâu đến nay chưa tìm được. Ngài Trú Trì vào thời nhà Tây Sơn kỳ thị giới Tăng sĩ Phật giáo, hơn nữa  chùa Thắng Quang lại thuộc vùng thường xảy ra nhiều cuộc giao chiến giữa hai quân Nguyễn; bởi vậy chùa rơi vào cảnh “Tăng tàn Tự hoại”.

Ngài tịch vào thời gian nào và ở đâu đến nay vẫn chưa minh định, hoặc ngài đi đâu vẫn chưa rõ? Xem lại  lịch sử chùa Thắng Quang  trong giai đoạn này Môn phái không khỏi bồi hồi, xúc động, bởi đây là thời kỳ khó khăn, tiêu điều nhất của chùa Thắng Quang!

Dòng kệ “Tổ Định Tuyết Phong” do Tổ Kỳ Phương truyền tại chùa Thắng Quang đến đời Ngài thì dứt.

 

TỔ TRÙNG KIẾN 5 - HOÀ THƯỢNG TOÀN ĐỊNH-BẢO TẠNG  (1822-1842)

Nếu giả sử ước đoán Hoà thượng Tế Hội trú trì chùa Thắng Quang từ năm 1759 đến năm 1880 thì cho đến khi Hoà thượng Toàn Định-Bảo Tạng về thăm chùa vào năm 1822 thì chùa Thắng Quang trải qua khoảng thời gian 22 năm chịu cảnh “Tăng tàn Tự hoại” như ghi chép của ngài Bảo Tạng.

Hòa Thượng Bảo Tạng thế danh là Ngô Văn Thuỵ, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1789, người làng Hội An, Xã Ô Liêm, Huyện Bồng Sơn, Phủ Quy Nhơn, Trấn Bình Định, nay là thôn An Hội, xã Hoài Sơn, huỵên Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Năm 14 tuổi (1802) theo cha đến chùa Phước Lâm,  Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đảnh lễ Hoà Thượng Minh Giác, huý Pháp Kiên, tự Luật Oai xin xuất gia và được Hoà Thượng Minh Giác thu nhận làm đệ tử với Pháp danh là Toàn Định, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 37.

Vốn quê quán tại làng Hội An nên sau 18 năm tu học tại chùa Phước Lâm, Quảng Nam. Năm 1822 Hoà thượng  trở về thăm lại quê hương nhằm lúc chùa Thắng Quang chịu cảnh hoang tàn nên Ngài được hương chức và bô lão cung thỉnh ngài ở lại phục hồi chùa và ngài đã nhận lời

Năm 1823, Ngài trở về chùa Phước Lâm, trình bày hoàn cảnh của chùa Thắng Quang cùng tâm nguyện của hương chức, bô lão địa phương lên Bổn sư, được Bổn sư đồng ý cho Ngài trở về chùa Thắng Quang, cũng trong năm này ngài vận động nhân dân, bổn đạo gần xa tái thiết chùa Thắng Quang.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) Ngài cho xây dựng chánh điện, năm 1837 cất nhà Đông, năm 1840 tu bổ tháp vọng Tổ khai sáng, năm 1841 cất nhà Tây. Toàn bộ cơ ngơi này vẫn còn đến đời Hoà Thượng Khánh Quý trú trì (1920-1943) mới thay dần bằng ngói nhưng vẫn giữ nguyên nền móng cũ. Ngài là người có công lớn, từ ngôi chùa đổ nát, Ngài đã xây dựng lại thành Tòng Lâm có Tăng chúng đông đảo, đức độ của Ngài toả sáng đến sơn môn nên năm 1837 Ngài được mời làm Giáo Thọ A Xà Lê tại Giới đàn chùa Linh Phong, huyện Phù Cát; năm 1838 Ngài được mời làm Yết Ma A Xà Lê tại Giới đàn chùa Thiên Ấn - Quảng Ngãi.

Ngài thị tịch vào ngày 22 tháng 12 Âm Lịch năm 1842, thế thọ 54 tuổi 34 hạ lạp. Tháp của Ngài hiện ở trong vườn chùa. Ngài là người đầu tiên truyền thừa dòng kệ Chúc Thánh do Tổ Minh Hải - Pháp Bảo khai sáng ở chùa Thắng Quang, đến nay  đạo mạch vẫn tiếp nối và phát triển.

 

Tháp Ngài Bảo Tạng

 

KẾ THỪA TRỤ TRÌ 6 - Ngài CHƯƠNG AN-QUẢNG KHÁNH (1842-1876)

Năm 1842 Thiền Sư  huý Chương An, tự Tôn Bổn, hiệu Quảng Khánh thuộc đời pháp thứ 38, là đệ tử của Tổ Bảo Tạng, kế vị Thầy làm Trú Trì chùa Thắng Quang sau khi bổn sư viên tịch. Ngài là người được bổn sư  truyền trao diệu pháp, tiếp tục duy trì mạch đạo tại chùa Thắng Quang. Trong thời gian trú trì, Ngài mở rộng Tòng lâm tiếp tăng độ chúng, cũng trong thời Ngài trú trì  tăng chúng sơn môn các nơi về tham học  với Ngài rất đông. Đặc biệt  năm 1843, có sư Đạt Huệ ở chùa Kim Quang, Nam Vang (thủ đô Campuchia) đã hỷ cúng về chùa Thắng Quang một Đại hồng chung trọng lượng chừng 200kg, cao1m, đường kính 0,60m đến nay vẫn còn.

Ngài có nhiều đệ tử nổi danh như: Ấn Luân-Hoằng Hoá, Ấn Thị-Hoằng Quán, Ấn Tụng-Hoằng Niệm, Ấn Diệu-Từ Nhẫn v.v.

Hơn 30 năm duy trì đạo nghiệp, cơ duyên hoá độ đã mãn, Ngài thị tịch năm 1876 và giao quyền kế vị Trú Trì cho đệ tử là ngài Ấn Luân. Tháp Ngài chưa được xây dựng, hiện tại chỉ là ngôi mộ bằng đất tọa lạc về hướng đông chùa.

 

KẾ THỪA TRỤ TRÌ 7 - Ngài ẤN LUÂN-HOẰNG HOÁ (1876-1913)

Sau khi Bổn sư viên tịch, năm 1876 sơn môn và đồ chúng suy cử ngài Ấn Luân kế nhiệm Trú Trì chùa Thắng Quang.

Ngài Ấn Luân hiệu Hoằng Hoá  tự Cao Hoán  họ Ngô quê ở Xã Hoài Sơn, Huyện Hoài Nhơn. Noi gương Tổ Quy Sơn  “dĩ nông vi thiền” ngài chủ trương tự lực cánh sinh, trong  thời gian làm trú trì  Ngài tạo mãi khá nhiều ruộng đất cho chùa, nhờ đó  kinh tế nhà chùa khá chủ động và ổn định bảo đảm cho Tăng chúng tu học và hoằng truyền chánh pháp nhiều nơi. Chính nhờ vậy mà  môn đồ Thắng Quang có mặt ở nhiều nơi.

Ngài có nhiều đệ tử đắc pháp như: Chơn Chất-Long Quang, Chơn Mẫn-Khánh Phú, Chơn Dung-Phổ Nhuận, Chơn Sự-Khánh Quý, Chơn Thường-Khánh Độ, Chơn Thường-Quang Thiện, Chơn Điển-Khánh Trí, Chơn Thành-Quang Huệ, Chơn Kinh-Pháp Hương, Chơn Tích-Quang Nhơn, Chơn Khai-Phổ Huy…

Ngài tịch vào ngày 12 tháng 7 âm lịch năm 1913, tháp của Ngài tôn trí trên đồi cao trong vườn chùa về hướng đông bắc .

 

Tháp Ngài Hoằng Hóa

 

KẾ THỪA TRÚ TRÌ 8 - Ngài CHƠN ĐIỂN-KHÁNH TRÍ (1913 – 1921)

Đệ tử Hoà Thượng Hoằng Hoá là Hoà Thượng Chơn Điển-Khanh Trí, kế nghiệp Bổn sư trú trì chùa Thắng Quang năm 1921.

Hoà Thượng Chơn Điển-Khanh Trí tự Đạo Phê, Lâm Tế đời thứ 40. Ngài thế danh là Ngô Điển, cha họ Ngô, mẹ họ Lâm, người Xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn.

Ngài lãnh chức trú trì được 8 năm thì bị bệnh mà tịch vào ngày mùng 1 tháng 3 Âm lịch (năm 1921) tháp của ngài ở đâu không rõ.

 

KẾ THỪA TRÚ TRÌ 9 - Ngài CHƠN THƯỜNG-KHÁNH ĐỘ (1921 – 1923)

Năm 1921 sau khi Sư huynh tịch, môn đồ cử Hoà Thượng Chơn Thường, tự  Đạo Nhiên, hiệu Khánh Độ kế vị Trú Trì chùa Thắng Quang.

Ngài thế danh Ngô Đức Suất, người thôn Hy Tường, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, theo thầy xuất gia từ nhỏ, được bổn sư phó pháp năm 1920.

Sau 2 năm đảm nhiệm chức trú trì ngài xin từ nhiệm và giao trách nhiệm cho sư đệ là Hoà Thượng Chơn Sự – Khánh Quý rồi di trú đi nơi khác. Tuy thời gian ngài làm trú trì ngắn nhưng Tăng tín đồ theo học với ngài rất đông.

Đến nay vẫn chưa biết Ngài đi đâu, tịch năm nào, tháp mộ ở đâu?

 

KẾ THỪA TRÚ TRÌ 10 - Ngài CHƠN SỰ-KHÁNH QUÝ  (1923 – 1943)

Hoà Thượng Khánh Quý là sư đệ của 2 vị trú trì tiền nhiệm được  môn phái cử trú trì chùa Thắng Quang năm 1923.

Hoà thượng húy Chơn Sự, hiệu Khánh Qúy thế danh là Nguyễn Lý, song thân là người địa phương thuộc xã Hoài Sơn đồng thời là bổn đạo chùa Thắng Quang  nhưng đã mất sớm, được Tổ Hoằng Hoá đem về nuôi dưỡng rồi thế độ cho xuất gia. Ngài được phó pháp cùng  với hai sư huynh vào năm 1920.

Trong đời ngài làm trú trì chùa Thắng Quang được ban “Sắc Tứ Thắng Quang Tự” vào năm Bảo Đại thứ 15 (1940), giai đoạn này chùa  phát triển khá toàn diện, tăng chúng thường trú lên đến vài mươi người. Năm 1930 ngài  trùng tu chánh điện, lợp ngói.

Ngài có rất nhiều đệ tử xuất gia như: Như Nghĩa – Tín Truyền, Như Thông – Huyền Ngộ, Như Phẩm – Huyền Hoa, Như Thiền – Huyền Ân, Như Kế – Huyền Đức, Như Quyền – Giải Đạt, Như Lập – Giải Thành, Như Lễ – Tín Trí, Như Như – Giải Học, Như Phục – Giải Điều, Như Thuận – Tín Tấn, Như Thâm – Giải Nguyện.

Trong các đệ tử trên, có bốn vị nổi tiếng danh đức, dày công hoằng dương phật pháp:

* Như Thông – Huyền Ngộ sau làm Trú Trì chùa Thắng Quang và khai sơn chùa Quang Phước ở Thị trấn Tam Quan, chùa Quang Đức ở Xã Hoài Châu.

* Như Phẩm – Huyền Hoa, trùng kiến chùa Kim Tiên Cổ Tự, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, sau đặt tên là chùa Khánh Sơn và khai sơn Chùa Viên Quang ở huyện Phù Cát.

* Như Thiền – Huyền An, khai sơn chùa Huệ Quang ở Thị Trấn Bồng Sơn.

* Như Kế – Huyền Đức khai sơn chùa Bửu Tạng, xã Hoài Hảo và chùa Hoằng Hoá ở Thị trấn Tam Quan.

Hoà Thượng Khánh Quý tịch vào ngày 14 tháng 9 Âm lịch (1943.

 

Đại Hồng Chung tại Chùa Thắng Quang

 

QUYỀN TRÚ TRÌ 11 - Ngài NHƯ NGHĨA-TÍN TRUYỀN (1943-1946)

Ngài Như Nghĩa, tự Giải Lý, hiệu Tín Truyền đời pháp thứ 41, đệ tử lớn của Hoà Thượng Khánh Quý. Trước khi Bổn sư viên tịch, ngài đã có nhiều năm giữ chức Điển toạ, sau khi Bổn sư viên tịch Ngài tạm quyền trú trì.

Năm 1946 sơn môn bầu cử Thiền sư Huyền Ngộ giữ chức trú trì nên ngài Như Nghĩa bàn giao nhiệm vụ cho sư đệ và đi hoằng hoá nơi khác.

 

KẾ THỪA TRÚ TRÌ 12 - Ngài NHƯ THÔNG-HUYỀN NGỘ  (1946-1969)

Năm 1946 ngài Như Thông, tự Giải Minh, hiệu Huyền Ngộ thuộc đời pháp thứ 41, đệ tử của Hoà Thượng Khánh Quý được môn phái suy cử chức Trú Trì chùa Thắng Quang.

Ngài Huyền Ngộ thế danh Ngô Đức Phán, sinh năm 1922 tại thôn An Hội, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn. Xuất gia năm 1928 tại chùa Thắng Quang với Hoà thượng Khánh Qúy. Thọ đại giới năm 1941 tại chùa Tịnh Lâm, Phù Cát.

Trong thời gian hoằng pháp ngài đảm trách các chức vụ và phật sự :

- Chủ tịch Hội Phật Giáo Cứu Quốc Huyện Hoài Nhơn, 

- Tuần chúng tăng kiêm uỷ viên Hoằng Pháp Giáo Hội Tăng Gìa tỉnh Bình Định.

- Hội Trưởng Hội Phật Giáo Huyện Hoài Nhơn.

- Năm 1957 khởi công trùng tu chùa Thắng Quang.

- Năm 1960 khai sơn chùa Quang Phước tại Thị Trấn Tam Quan.

- Năm 1964 khai sơn chùa Quang Đức ở Xã Hoài Châu.

Năm 1967 chùa Thắng Quang ở vào vùng thường xảy ra chiến cuộc nên ngài đã chuyển tăng chúng và pháp khí của chùa Thắng Quang tạm thời xuống chùa Quang Phước. Ngài có nhiều đệ tử xuất gia được ngài cho theo học ở các Phật Học Viện tại Sài Gòn, Thập Tháp v.v.

Cơ duyên hoá đạo đã mãn, ngài thu thần thị tịch vào ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch  năm Kỷ Dậu (1969) tại chùa Quang Phước, thế thọ 47, 27  hạ lạp. Tháp Ngài được xây phía tây trong khuôn viên chùa Quang Phước.

 

MÔN PHÁI QUẢN LÝ (1969-1976)

Giai đoạn 1966 đến 1975 là thời gian chiến tranh vô cùng khốc liệt nhất là khu vực các vùng xa xôi của huyện Hoài Nhơn nên chùa Thắng Quang hầu như vắng bóng tăng sĩ. Chư tăng của tổ đình phải tạm lánh nạn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, pháp khí của chùa được di chuyển về chùa Quang Phước ở Tam Quan.

Trước hoản cảnh đó nên sau khi ngài Huyền Ngộ viên tịch, môn phái chưa suy cử trú trì kế vị, do vậy chùa do Môn Phái quản lý.  

 

KẾ THỪA QUẢN LÝ 13 - Thầy THỊ BẢN-HẠNH THIỆN (1976-nay)

Sau ngày thống nhất đất nước, trước cảnh hư hại, đổ nát của ngôi Tổ đình sau chiến tranh, nên năm 1975 tăng ni, tín đồ cùng nhau chung sức sửa chữa lại chùa Thắng Quang để có nơi sinh hoạt và tu học. Đến năm 1976, trước tình cảnh chùa chưa có người kế thừa nên môn phái cử thầy Thích Hạnh Thiện là đệ tử của ngài Huyền Ngộ chịu trách nhiệm quản lý và chăm lo phật sự tại tổ đình.

Chùa Thắng Quang một ngôi Cổ tự, một di tích lịch sử văn hoá, trải qua gần 300 năm hình thành và phát triển. Từ những bước chân đầu tiên của Tổ khai sáng cho đến ngày nay luôn là cội nguồn là cái nôi của bao thế hệ Tăng ni, phật tử tại địa phương. Nói đến Phật Giáo huyện Hoài Nhơn người ta nghĩ ngay đến Tổ Đình Thắng Quang, bởi lẽ nhiều tăng ni của Tổ Đình  đã có những đóng  góp tích cực cho Giáo Hội, Đạo pháp và Dân tộc.

Trải qua bao thăng trầm, có lúc hưng thịnh lắm khi suy vi, có giai đoạn Môn phái, phật tử chùa Thắng Quang phải đau xót ghi vào lịch sử chùa rằng: “Đây là thời kỳ Tăng tàn Tự hoại”.

Nhìn lại quá trình lịch sử chùa Thắng Quang, Tăng ni, phật tử trong Môn phái càng trân trọng biết bao những công lao to lớn của nhiều thế hệ đi trước đã bảo vệ, duy trì và trao truyền lại cho thế hệ hôm nay một di sản vô giá.

Ngày nay những người con của chùa Thắng Quang dù sống ở nơi đâu nhưng mỗi khi hồi tưởng về quê hương thì chùa Cây Xay vẫn mãi mãi là chốn cội nguồn.

THÍCH THÔNG ĐẠT

 =================================

Tài liệu tham khảo:

-        Lược sử chùa Bình Định.

-          Những ngôi chùa tiêu biểu huyện Hoài Nhơn của Lộc Xuyên.

-          Lược sử chùa Thập Tháp Di Đà.

-          Lược sử chùa Linh Phong.

-          Lược sử chùa Thiên Ấn.

-          Lược sử chùa Phước Lâm (Quảng Nam)

-          Lược sử chùa Thiên Hoà (Tuy Phước – Bình Định)

-          Lược sử chùa Thiên Đức (Tuy Phước - Bình Định)

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008