Hoa Xuân Nắng Tết
Heritage
Cuối năm. Tháng
Chạp. Tết về. Chỉ mấy từ đơn giản vậy thôi mà
lúc nào cũng khiến người dân đất Việt thấy rộn
lên trong lòng biết bao náo nức.
Ngày lại ngày,
những tờ lịch mỏng manh tách dần để thời gian
lặng lẽ trôi qua, và lòng người Việt dù đang ở
trên chính mảnh đất quê hương hay sinh sống nơi
nào xa lắc… ắt cũng có lúc nào đó chợt lắng
xuống sau những vất vả bộn bề, và ánh mắt bỗng
trở nên xa vắng khi nhìn qua khuôn cửa và bắt
gặp làn gió lạnh lẽo đưa hạt mưa phùn rơi nhẹ
hoặc tia nắng vàng rung khẽ trong tàn lá.
Thời tiết ba miền
Bắc Trung Nam vốn chẳng mấy giống nhau trong
những ngày cuối năm, song dường như lòng người
vẫn thường hoài cổ để thả tâm hồn về miền nào
sâu xa trong những ngày tháng Chạp, khi một năm
cũ sắp qua và một năm mới sắp đến.
Tập tục ngàn xưa
của dân tộc luôn coi Tết Nguyên Đán là dịp trọng
đại nhất trong cả năm dài, là thời khắc thiêng
liêng không chỉ với Đất, Trời mà còn với mỗi gia
đình, từng con người, từng số phận.
Được hình thành từ
thuở xa xưa, dựa trên nền tảng của nền sản xuất
lúa nước, khoảnh khắc giao thời giữa mùa Đông
với mùa Xuân trở thành điểm phân chia giữa cũ và
mới, thời khắc mở ra mọi hy vọng, lo toan cùng
hoài niệm.
Thật lạ khi Tết
nào chẳng vậy, cũng như thời gian luân chuyển,
bốn mùa xoay vần xuân hạ thu đông ngàn năm trước
vẫn vậy và ngàn năm sau có lẽ cũng chẳng khác
hơn, nhưng lòng người Việt có khi nào không náo
nức và không chất chứa thêm nhiều hy vọng vào
tương lai khi hoa đào hé nụ trên cành đất Bắc và
mai khoe sắc giữa nắng phương Nam.
Tết xứ Bắc thường
kéo theo những đợt gió lạnh mưa phùn. Hồ dễ mấy
khi trong tiết cuối Chạp có những ngày nắng dài,
trời trong xanh cao rộng và ngất ngây rung cảm
như mùa Thu?
Cảnh vật miền Bắc
cũng như miền Trung vào thời gian này như trùm
trong tấm áo xám, lạnh lẽo và ẩm ướt với những
giọt mưa phùn phảng phất, như có như không,
nhưng từ miền Nam Trung bộ trở vào, nắng càng
như vàng hơn và trời càng như xanh hơn, cao hơn
để hoa nở bung thêm sắc màu rực rỡ trên mọi nẻo
đường.
Ngày Tết tất nhiên
là lúc mỗi gia đình bận rộn lo toan với những
câu đối, bánh chưng theo phong tục cổ xưa, hoặc
sắm sửa đồ đạc mới, chuẩn bị mua giò chả, kho
nồi cá, làm nồi măng mọc... nhưng có khi nào
quên được hoa.
Trong những ngày
giáp Tết, trên mọi nẻo đường đất nước, từ thành
thị tới nông thôn, chỗ nào cũng tưng bừng muôn
vạn sắc hoa. Hoa rực rỡ trong các chợ, hoa tràn
trề trên các cánh đồng ngoại ô, hoa theo bánh xe
tuôn chảy vào nội ô từ sáng sớm tới đêm khuya để
thắp lên muôn vàn ngọn lửa nhỏ đa sắc trong mỗi
gia đình, mỗi không gian sống của đời người, dù
thường tại miền Bắc những ngày này cảnh sắc trời
đất vẫn đôi khi u hoài một màu trắng bạc.
Một màu trắng đến
từ bầu trời mây phủ, từ những làn mưa nhẹ không
dứt, dù không làm ướt ai nhưng cũng đủ rắc bạc
li ti trên vai áo, một màu trắng không lạnh lẽo
mà kỳ lạ thay, thường gợi về cảnh xum họp, thúc
giục tấm lòng người tìm đến nhau, thúc giục bàn
tay tìm hơi lửa ấm và cặp mắt tìm ánh mắt thân
quen.
Dẫu vậy, mưa phùn
bao đời nay đã gắn bó cùng người dân xứ Bắc -
hệt như nắng vàng phương Nam mỗi khi gần Tết lại
như càng trong hơn, rực rỡ hơn theo màu hoa mai
năm cánh tưng bừng trên mọi miền từ chốn đô
thành tới làng quê.
Song cũng thật lạ
lùng khi đứng trong trời cao nắng vàng phương
Nam, người hoài cổ vẫn như mơ màng về trời mưa
phùn đất Bắc. Phải chăng đó chính là nỗi đau đáu
của nhiều kiếp người đã theo nhau nối nghiệp
khẩn hoang với niềm tâm sự "trời Nam thương nhớ
đất Thăng Long" và theo năm tháng, bước chân con
người ngày càng tiến xa hơn về phương Nam, hình
thành nên những miền đất ngày một xa hơn nhưng
vẫn luôn hoài niệm về quê cũ?
Bởi cách biệt
những phương trời xa nên biểu tượng của ngày Tết
cũng mỗi nơi một khác. Sắc thắm hoa đào - sắc
vàng hoa mai, chúng khác nhau về màu song lúc
nào cũng như chứa ẩn niềm hân hoan của lòng
người trước vòng quay vũ trụ, trước thời khắc
năm cũ sắp hết và năm mới cận kề.
Song không hiểu
sao, đôi khi cảm nhận sức sống về mùa xuân tươi
mới lại dường như mạnh mẽ hơn khi ta chiêm
ngưỡng một đóa cúc vàng rực trong không gian
ngày Tết. Sắc vàng của cúc khỏe và chói chang,
mở tung ra hệt như ánh nắng tràn ngập mặt đất.
Không quá e ấp như đào, không quá dịu dàng như
mai, mỗi lúc bung nở cánh là lúc hoa cúc mang cả
mùa xuân về lòng người.
Mặc dù ngày nay
cúc nở hầu như quanh năm với biết bao dáng hình,
song biểu tượng chung nhất của những ngày này
vẫn thấm đẫm trong dáng nở của cúc đại đóa vàng
rực rỡ.
Chắc hẳn chính bởi
sắc vàng này đã mang cả hơi nắng, hơi gió của
phương Nam đưa về sưởi ấm cho xứ Bắc, để lòng
người đất Việt vốn đã đau đáu ngàn đời về những
miền quê lại tìm thấy niềm thương nhớ tiềm tàng
trong từng bông cúc.
Trong phiên chợ
Tết, xen lẫn trong muôn sắc hoa, từ Hồng, Thược
dược, Violet, Đồng tiền... quen thuộc cho tới
những loài kiêu xa mới hiện hữu gần đây như Ly,
Cẩm tú cầu, Đại hồng môn... luôn luôn sắc vàng
óng ả của cúc có sức hút hồn người nhiều nhất,
bởi chưng trong đó như tràn trề nắng gió phương
Nam, như mang hơi ấm của mùa xuân xua dần khí
lạnh mùa đông giá rét.
Tất nhiên những
sắc thái tình cảm nảy sinh trong thời gian chờ
đón năm mới còn phụ thuộc vào tâm tư của mỗi
người khi đứng trước hoa.
Những tấm lòng
phơi phới hay u buồn, hoài niệm hay ngập tràn hy
vọng sẽ tự tìm được màu sắc yêu mến của riêng
mình. Và vòng quay của thời gian cũng không bao
giờ ngừng lại, cũng như những đóa hoa vàng rực
rỡ sẽ nối tiếp nhau mọc lên từ lòng đất giá lạnh,
nở bừng để trút vào không gian hơi nắng vàng và
rồi lại trở về cõi hư vô.
Hệt
như vòng xoay bất tận của cuộc đời, hệt như vòng
luân chuyển của vũ trụ, mỗi đóa hoa là một phần
của chu trình sống bất tận, mãi mãi không ngừng
nghỉ để cống hiến cho cuộc đời những cảm xúc mãi
mãi không khi nào vơi.
Để mỗi khi thời
khắc giao hòa giữa cũ và mới được điểm, khi ánh
xuân nở bừng trong không gian, lúc đó niềm hoài
cảm về cõi đời lại được thăng hoa mãnh liệt và
thả vào hồn người cảm xúc của khát vọng sống
muôn đời không nhạt phai.
Heritage
(theo Phật Tử Việt Nam)


|