Nhớ về Xuân xưa
Thích Quảng Hiếu

Tuổi thơ với bao kỷ niệm, chính nhờ kỷ niệm đó
mà đã tạo cho tôi và bạn bè cùng thời và thế hệ
cha ông đã gắn chặt lòng mình với quê hương và
yêu truyền thống văn hóa của dân tộc. Nói đúng
hơn là yêu nước Việt, trân trọng truyền thống
văn hóa của tổ tiên để lại.
Tuổi thơ với cánh Diều thả trên cánh đồng sau
mùa gặt lúa, đùa giỡn với những cánh Cò mùa nước
nổi; những đêm trăng chơi trò “Tè núp, tích bắn”
cùng chúng bạn, những đêm sau cơn giông ra nghĩa
địa đuổi giỡn với ma trơi, những hạt lân tinh
cháy, mình chạy đến thì nó chạy dài, mình chạy
lùi thì nó đuổi theo… ảo ảo thật thật như cõi
kiếp người phù du vậy.
Những mùa gặt có ánh trăng; những ngày Đông giá
rét phải ở trường tỉnh đạp xe về nhà. Nhớ nhất
là những ngày tết Nguyên đán đứng ngồi không yên
suốt ngày vò võ trong người thân ở phương xa về
đoàn tụ. Ôi chính vì kỷ niệm đó đã gắn chặt
trong tôi tình quê, tình người!
Tết Nguyên đán sắp đến gần, nàng Đông đã từ biệt
thiên nhiên bằng những cơn rét, nhường đất trời
cho nàng Xuân, thiên nhiên như trẩy hội, hoa lá
bắt đầu khoe sắc, lòng người như hân hoan rộn rã.
Trong khi đó, tâm tôi bị hai thái cực vừa vui
xen lẫn nỗi khắc khoải khi nghĩ về thế hệ sau
này phần nhiều khác trước quá nhiều.
Ngày đó, đời sống vật chất túng thiếu, nhưng nồi
bánh chưng Mẹ tôi nấu đêm 30, cả nhà quây quần
bên bếp lò, mẹ tôi đã kể cho anh em tôi về
truyền thuyết Lang Liêu, vua Hùng dựng nước, bà
Trưng, bà Triệu. Lời mẹ kể mộc mạc hồn nhiên
nhưng là bài học thấm sâu vào lòng con trẻ, bởi
tình mẹ quá thiêng liêng. Ngày
nay, câu chuyện đó chỉ còn ở học đường, khi đạo
đức học đường bị xuống cấp, thì còn đâu là kỷ
niệm gắn chặt vào lòng. Khi tình quê không còn
thì trái tim tìm đâu ra một chỗ để gởi gắm tình
quê; để yêu đất nước.
Bánh chưng hôm nay đã bày bán ở các siêu thị, bộ
áo quần mới chẳng còn đứa trẻ nào mặc ướm thử
đêm 30…
Song, vẫn còn niềm an ủi. Chuông chùa vẫn còn
khua hòa lẫn cùng lời kinh nhắn nhủ con người
sống Thiện, nhắc cho con người biết cõi đời này
chỉ giả tạm mà thôi. Do đó, hãy thương yêu nhau
hơn, tha thứ cho nhau những lỗi lầm; bởi Xuân Di
Lặc là xuân hoan hỷ.
Mùa xuân lại về, đó là xuân của vũ trụ, cái
chính là xuân đạo có về trong lòng mỗi chúng ta
hay không thì tùy thuộc vào tâm của mọi người.
Sự an lạc bình an trường tồn trong tâm chính là
mùa xuân vĩnh cửu không đến không đi, mùa xuân
đã ở trong tâm do chính mỗi người trong chúng ta
tự nuôi lớn qua tình người, tình quê hương đất
nước.
Khi đã
chôn chặt kỷ niệm tuổi ấu thơ với quê hương, thì
ta mới có tình quê, mới yêu quê; xuân đạo mới
trường tồn. Khi nếm gian khổ mới thương yêu đồng
loại chịu cảnh khổ; bằng không sinh ra trên
nhung lụa, sống trên nhung lụa thì lấy đâu đồng
cảm với người khổ. Khi không đến chùa, không
nghe chuông ngân, không hiểu lời kinh thì tìm
đâu lẽ sống; do vậy thì mặc nhiên sống thiếu đạo
đức, cho rằng chết là hết!
Xuân đã về hòa cùng xuân đạo trong lòng mọi
người thì lo gì xã hội không văn minh. Xuân
đạo sẽ đi vào lòng của những người sống trên
nhung lụa giúp họ thêm cái giá trị của tình
người nếu họ cố tâm đi tìm lý đạo; giúp trẻ thơ
biết yêu truyền thống văn hóa dân tộc, khi kỷ
niệm tuổi thơ đã trải dài bằng các trò chơi Game
ảo ở các tiệm internet; giúp người già vơi bớt
cô đơn! Mỗi khi họ biết nhìn ra lẽ sống,
phát huy cội nguồn văn hóa truyền thống của dân
tộc, thiên nhiên được bảo vệ và phát triển, hoa
lá xanh tươi, chúng sanh thương yêu nhau thì
xuân nào đến nào đi trong lòng mỗi người./.
Sài Gòn, những
ngày cuối Đông Kỷ Sửu
Thích Quảng Hiếu
(theo Hoa Linh Thoại)

|